Tắt Quảng Cáo [X]

Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (3)

06:18 05/12/2023
hoc du
“NHẠC PHỔ CÓ BỊ TỤC, BỊ CẤM, HAY XẤU KHÔNG?” “…PHỔ BIẾN HAY DÂN HÁT THÌ SAO CẤM? AI CÓ QUYỀN CẤM? ĐIỀU LUẬT NÀO? GIÁO LUẬT VÀ PHÁP LUẬT NÀO?”
Đấy là câu chất vấn của anh Tran Xuân Hien nhằm bảo vệ cho việc phổ biến và sử dụng bài hát bên ngoài nhà thờ!

[Xem bài phân tích trước tại đây: Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (2)] và Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (1)
__________

“NHẠC PHỔ CÓ BỊ TỤC, BỊ CẤM, HAY XẤU KHÔNG?”

Vì anh Tran Xuân Hien đang nói về “nhạc phổ” cho nên tôi nghĩ “tục” mà anh có ý nói ở đây là “trần tục” theo nghĩa đối lập với “thánh thiêng”. Theo nghĩa này tôi thưa: “nhạc phổ” của bài hát “có bị tục”, thậm chí còn tệ hơn là “tục” nữa! Giai điệu của nó đời không ra đời, đạo không ra đạo! Tây không ta Tây, Tầu không ra Tầu! Việt không ra Việt, Ấn không ra Ấn! Hát không ra hát, tụng kinh không ra tụng kinh!

Nó không gợi lên trong tôi bất cứ một rung cảm nào về chân thiện mỹ! Nó rã rời, mệt mỏi, bất lực và mất phương hướng! Nó như tiếng rên rỉ ma quái, đau đớn, bất an và bất lực vọng lên từ chốn ngục tù! Đó là thứ giai điệu thể hiện sự sa đoạ tinh thần tột độ! Nó rất xấu và có hại cho mọi người. Cảm nhận về nhạc của bài hát kia là như vậy với tôi. Tôi không nói kỹ thuật hoà âm phối khí!

Tất nhiên, việc cảm thụ âm nhạc thì không lấy ý chí của người khác mà áp đặt được! Cùng một bài hát có người thấy dở, có người thấy hay, vì ngưu tầm ngưu, mã tầm mã! Mỗi người có quyền nghe và có cảm nhận của riêng mình. Tôi thấy là thế và anh tuyên bố nó hay là quyền của anh, tôi không phản đối.

“BẢN NHẠC NÀY (…) PHỔ BIẾN HAY DÂN HÁT THÌ SAO CẤM? AI CÓ QUYỀN CẤM? ĐIỀU LUẬT NÀO? GIÁO LUẬT VÀ PHÁP LUẬT NÀO?”

Giáo luật quy định bất kể bài hát nào, bất kể do ai sáng tác, để được hát trong nhà thờ, phải do bản quyền Giáo Hội cho phép. Đối với bài hát kia, nó mang danh là Kinh Hoà Bình, nó lấy ý từ Kinh Hoà Bình, nó được “thiên thần linh hứng”- nói theo tác giả, nó lại được một nhà sư làm để ca tụng Chúa- đó là những yếu tố rất dễ khiến người nông nổi và thiếu hiểu biết đưa vào hát trong nhà thờ mà không cần xin phép, nếu không được cảnh báo!

Còn hát bên ngoài nhà thờ thì sao? Đó là quyền tự do của mỗi người! Còn phổ biến thì sao? Ngoài Công giáo tôi không bàn, trong Giáo Hội Công Giáo cho đến lúc này, tôi chưa thấy đấng bản quyền nào ra văn bản cấm phổ biến bài hát kia! Mà cũng không cần các ngài phải làm vậy! Tuy nhiên, đối với người Công giáo, không cấm không có nghĩa là được phép! Vì có rất nhiều việc giáo luật và dân luật không cấm, nhưng luật tự nhiên và luật lương tâm cấm!

Thấy một bài hát sai lạc giáo lý, có xuất xứ đáng ngờ, làm tổn hại đời sống đức tin, thì tự mình biết phải tránh xa và phải lên tiếng cảnh báo người khác! Đó là đòi buộc của luân lý và đức tin. Nếu không biết làm như vậy mà lại còn đi tán dương, phổ biến và bảo vệ việc phổ biến bài hát kia thì không phải phép và không còn là người có cảm thức đức tin chân chính.

Tại sao người Công giáo không được phổ biến bài hát KHB-2023 của sư ông? Đây là những điều tôi đã phân tích trong hai bài viết đầu tiên. Ở đây tôi chỉ tổng kết lại và bổ túc thêm.

1-Giáo luật quy định khi phổ biến công cộng các ấn phẩm liên quan đến đức tin và phong hoá, nghĩa là các sách vở, phim ảnh, bài hát về đạo đều phải có phép (imprimatur) của đấng bản quyền (1).

2-Tự thân lời ca và giai điệu bài hát KHB-2023 của sư ông chẳng những không có tính nghệ thuật mà lại còn sai lạc giáo lý Công giáo. Bài hát này nếu phổ biến sẽ có hại cho việc thưởng thức nghệ thuật và có hại cho đức tin Công giáo.

3-Trong khi sư ông tuyên bố đó lời ca của bài hát đã lấy ý từ lời kinh của Thánh Phanxicô, thì trên thực tế, bài hát KHB-2023 của sư ông đã làm sai lệch và phá vỡ toàn bộ hình thức, nội dung tư tưởng và ý nghĩa lời kinh cao quý của Thánh Nhân. Nếu mình phổ biến bài hát kia của sư ông có nghĩa là mình đồng loã với việc làm sai trái của sư ông và với nội dung sai lạc của bài hát kia.

4-Trong bài nói về hoàn cảnh ra đời của bài KHB-2023 đi kèm với bài hát, sư ông nói rằng các thiên thần đã “cướp lời” không cho ông hát bài Kinh Hoà Bình cũ của Thánh Phanxicô do cha Kim Long phổ nhạc, đồng thời tuyên bố bài hát của ông được “linh hứng” bởi các thiên thần.

Đây là sự báng bổ đức tin Công giáo! Làm sao thiên thần lại có thể “cướp” và “không cho hát” một lời kinh mà giá trị đức tin và nhân bản của nó được cả thế giới đón nhận là Kinh Hoà Bình? Làm sao bài hát được các thiên thần “linh hứng” mà lại dở tệ thế kia?

Nếu phổ biến có nghĩa là mặc nhiên mình đang đồng loã với thông điệp của sư ông rằng: theo ý các thiên thần, phải bỏ bài hát Kinh Hoà Bình cũ do cha Kim Long phổ nhạc, phải hát bài KHB-2023 do sư ông viết; phải chấp nhận cái dở tệ và sai lạc kia là do “thiên thần linh hứng”! Đây là điều xúc phạm đến đức tin và gia sản đức tin!

5-Trong Giáo Hội, để bảo toàn gia sản đức tin, bảo vệ sự khả tín của sự kiện, cũng như lợi ích của các linh hồn, chỉ các đấng bản quyền trong Giáo Hội mới có quyền công nhận tính xác thực của “mạc khải tư” và cho phép ý phổ biến nội dung mạc khải của nó (2). Bài hát của sư ông có yếu tố liên quan đến vấn đề “mạc khải tư” mà sư ông là “thị nhân”, vì vậy khi bản quyền Giáo Hội chưa công nhận thì người Công giáo không được phép phổ biến.

Nếu làm tức là vượt quyền và có nguy cơ tiếp tay cho dối trá, lừa đảo và lạc giáo. Thử tưởng tượng bất cứ anh đầu trộm đuôi cướp nào cũng tuyên bố rằng mình được gặp Chúa, gặp các thánh, các thiên thần, và được các ngài truyền cho anh phải bỏ cái này và phải làm cái kia, rồi mọi người phải phổ biến và tin theo, thì lúc đấy Giáo Hội Công Giáo có còn là một Giáo Hội và còn tính Công giáo nữa không?

6-Tự thân việc sáng tác và phổ biến bài thánh ca kia của sư ông là hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức: sư ông đang là thượng toạ trụ trì trong Chùa của Phật giáo mà lại đi sáng tác thánh ca ca ngợi và cầu nguyện với Chúa của Công giáo. Cái này không những các Phật tử mà mọi người có lương tri đều không thể chấp nhận. Ăn ở hai lòng như thế, phản bội công khai và trắng trợn như thế, thì làm sao mà mình tán dương và tri ân được?

Miệng nói lạy Chúa nhưng hành vi lại phản nghịch lại đạo đức Chúa dạy thì làm sao tin rằng người đó đang ca ngợi Chúa? Bằng việc sáng tác và phổ biến bài hát kia, sư ông đã báng bổ cả Phật giáo lẫn Công giáo. Vì vậy, phổ biến bài hát kia của sư ông tức là mình đã chấp nhận và cổ vũ cho lối sống hai mặt và thái độ báng bổ tôn giáo của sư ông.

6.Đức Thánh Cha Pius XII trong tông thư Musicae Sacrae Disciplina (3) nói đại ý rằng nghệ thuật tôn giáo để ca ngợi và tôn vinh Chúa cũng như thánh hoá các tín hữu, cho nên ai không có đức tin, ai có thái độ và hành vi xa cách Chúa thì đừng bén mảng tới! Sư ông Thích Chân Quang hiện tại không phải là người tin Chúa và thực hành lời Chúa, chẳng những thế ông còn có những phát ngôn phi nhân bản và những quan nhiệm trái luật tự nhiên, vô luân lý.

Vì thế việc lấy danh các thiên thần và mượn danh Kinh Hoà Bình để phổ biến những tư tưởng của ông là không thể chấp nhận được. Bao giờ sư ông bỏ Phật giáo, bỏ Chùa, đi học giáo lý, đón nhận đức tin Công giáo và sống đạo đức theo giáo huấn Công giáo thì tôi tin sư ông và tôi sẽ đón nhận và phổ biến bài hát của sư ông, nếu bài hát đó đạt tiêu chuẩn nghệ thuật thánh. Còn nếu chưa thì việc phổ biến bài hát của ông là không được phép!

Tóm lại, vì bài hát không có tính nghệ thuật và thánh thiện, vì xuất xứ bài hát có tính đáng ngờ và báng bổ đức tin, vì tác giả có những quan niệm, lời nói và hành động vô đạo đức, theo giáo lý Công giáo và theo truyền thống ứng xử của Giáo Hội, tôi xác tín: người Công giáo không được phép phổ biến bài hát kia dù chỉ là để sử dụng ở ngoài nhà thờ.

Ai có quyền cấm? Chúa! Luật nào cấm? Luật tự nhiên và luật lương tâm! (4) Ánh sáng trí tuệ Chúa đặt nơi ta giúp ta tự nhận biết phải tỉnh thức và phải cảnh báo sự nguy hiểm của bài hát kia! Tiếng Chúa nói trong cung lòng ta giúp ta biết làm lành lánh dữ và trong trường hợp này là từ chối hát và phổ biến bài hát kia!

Lề luật của Chúa ở trong lòng ta và chi phối hành động của ta. Nhưng nếu ta không còn đức tin thì lề luật nào có ý nghĩa gì! Nếu lương tâm đã bị tha hoá thì ta là lề luật của ta và cái ta muốn là đúng và cái ta không muốn là sai! Khi ấy cái đúng hiển nhiên ta vẫn không dám nhận, còn cái sai hiển nhiên sai ta vẫn cố cãi. Cãi bằng những lập luận lươn lẹo và tinh quái để bảo vệ cái tự ái của mình và dẫn dụ người khác xa rời chân thiện mỹ!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
——————-
(Còn tiếp, mời cộng đoàn theo dõi trên Fanpage Tin Công Giáo 24h)


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang