Tắt Quảng Cáo [X]

Bất ngờ 1 Linh mục Trẻ VN can đảm lên tiếng liên quan tới bài giảng của 1 Linh mục VN

08:02 02/05/2024
hoc du

Xin gửi đến Cộng đoàn bài chia sẻ của Lm Bosco Trần Đức Quý, MSC – hiện đang là giảng viên Kinh thánh tại Đại chủng viện. Đây là thao thức của Cha bấy lâu và cũng là thao thức của nhiều bạn Công giáo. Mời Cộng đoàn cùng theo dõi:
Phỏng vấn Lm Gioan Bosco Trần Đức Quý, MSC

Mới đây, tôi có xem một đoạn clip ngắn (có thể đã bị cắt) trên mạng ghi lại bài giảng của một vị linh mục khá đứng tuổi và nổi tiếng, ngài giảng trong một thánh lễ đám tang của một nữ tu. Nghe xong thấy thất vọng vô cùng: Không thấy linh mục ấy đề cập gì về Lời Chúa mà toàn nói về người đã khuất, và nói về áo dòng! Cho nên, tôi viết bài này trước hết để chia sẻ với quý vị và các bạn những gì tôi đã được học khi còn ở mái trường học viện (chủng viện), sau là cùng với những quan sát trong quá trình mục vụ, hơn nữa đứng ở cương vị người giảng dạy Thánh Kinh, tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về giảng Lời Chúa.

Bài giảng không được quá ngắn hay quá dài:

Trong các chủng viện hoặc học viện, nơi đào tạo các linh mục, chúng tôi được học rằng, bài giảng ngày thường không nên quá 3-5 phút, bài giảng Chúa Nhật và Lễ Trọng không nên quá 7-10 phút, dĩ nhiên có thể du di thêm vài phút nếu thấy cần thiết. Không biết tại sao sau khi ra trường, nhiều linh mục quên bài học đó?! Họ nói thao thao bất tuyệt, ngày thường có khi giảng đến 10-15 phút, Chúa Nhật có khi đến 25-30 phút, tôi còn nghe có nơi than rằng có những bài giảng kéo dài đến hơn nửa tiếng. Dĩ nhiên khi giảng ngắn quá thì có thể khó giảng hết ý, nhưng dài quá thì quả là một tai họa. Giáo dân mệt mỏi chán chường, dần mất đi lòng mến và nhiệt thành đối với Lời Chúa, rồi rốt cuộc chẳng nắm bắt được gì. Và khi Lời Chúa không đọng lại gì nơi họ thì làm sao họ sống đức tin?

  • Bài giảng phải tập trung chứ không lan man:

Bài giảng phải tập trung vào Lời Chúa của ngày Lễ, vào những điểm chính yếu mà thôi. Có thể chỉ là một hoặc hai điểm là cùng. Theo tôi, tốt nhất vẫn là một điểm và chỉ xoay quanh điểm đó. Cũng không nên lan man qua các câu Lời Chúa khác trong Sách Thánh. Linh mục không nên lan man dài dòng hoặc lôi đủ thứ chuyện này chuyện kia ra nói. Càng không thể lấy chuyện tiền bạc hoặc chỉ trích giáo dân ra nói trên bục giảng. Điều đó là không thể chấp nhận được. Linh mục là người tiếp cận Lời Chúa, nghĩa là “đụng chạm” đến Chúa, thì cần phải có thái độ tôn kính đúng mực. Việc lấy lời và ý riêng của bản thân, quan tâm riêng của bản thân ra giảng chẳng khác nào bỏ Chúa qua một bên, coi thường quan tâm của Chúa cho dân Người. Đó là một sự xúc phạm đến Chúa một cách nặng nề chứ chẳng chơi.

  • Bài giảng không được nói về mình hay một ai đó:

Bài giảng là nơi linh mục nói về Chúa chứ không phải để nói về mình hoặc ai đó. Có những bài giảng toàn nghe cha kể chuyện đi đây đi đó của cha, khoe mình làm được chuyện này chuyện kia. Có những bài giảng, nhất là trong lễ đám tang, linh mục “bốc thơm”, ca ngợi người đã chết, hoặc trong lễ đám cưới, linh mục kể chuyện quen biết cô dâu chú rể, rồi dông dài hết cả bài. Các linh mục ấy đã quên rằng, trong các thánh lễ đặc biệt ấy, người ta cần nghe Lời Chúa biết bao, người ta cần Lời Chúa soi vào bối cảnh vui mừng hoặc đau buồn họ đang trải nghiệm. Rồi cả đến các lễ khấn dòng, lễ truyền chức linh mục hoặc giám mục, kỉ niệm hôn phối, kỉ niệm ngày giỗ, v.v… nếu không tỉnh thức thì vị giảng lễ dễ lan man nói chuyện con người mà bỏ quên Lời Chúa.

  • Bài giảng không được nói về chuyện “không đâu”:

Chuyện “không đâu” trước hết là những chuyện tào lao nhảm nhí mang tính cách mua vui hoặc gây chú ý. Nếu câu chuyện đó phục vụ trực tiếp cho ý chính bài giảng thì còn có thể chấp nhận được. Chuyện “không đâu” thứ hai là một số cha lấy sở trường chuyên môn của mình quá nhiều vào bài giảng, chẳng hạn khả năng ca hát, chuyên môn tâm lý, chuyên viên phim ảnh, v.v… Đồng ý rằng các chuyên môn ấy thì tuyệt vời đấy, nó có thể giúp giáo dân cách này cách khác, nhưng lạm dụng nhiều quá nơi mục giảng thì lại có nguy cơ không đả động gì đến Lời Chúa nữa, và chuyên môn lấn át Lời Chúa mất rồi. Chuyện “không đâu” thứ ba là chuyện chính trị xã hội. Đồng ý rằng chúng ta không thể nào tách mình ra khỏi đời sống chính trị xã hội, nhưng không phải vì thế mà lại nói quá nhiều chuyện chính trị xã hội trong bài giảng, như thế dễ mất trọng tâm Lời Chúa. Bục giảng là nơi linh mục giảng giải Lời Chúa, giúp giáo dân hiểu biết Lời Chúa hơn, rồi đem ra thực hành.

  • Bài giảng phải đơn giản và rõ ràng, “có tâm”, xác đáng và thực tế, hiệp nhất với phụng vụ:

Bài giảng phải được trình bày rõ ràng bằng ngôn ngữ bình dân, đơn giản để quảng đại quần chúng có thể hiểu được, chứ không nên dùng từ thần học cao siêu quá, hoặc văn chương hoa mỹ phức tạp quá khiến người nghe cảm thấy xa lạ và không thể nắm bắt. Bài giảng “có tâm” ở đây tôi muốn nói là linh mục cần phải giảng bằng trái tim chứ không phải cái đầu. Từ trái tim thì mới chạm đến được trái tim. Ngoài ra, linh mục cần phải giảng từ những kinh nghiệm mục vụ thực tế của mình, của cộng đoàn mà mình đang phục vụ và chăm sóc. Và điểm cuối cùng, bài giảng phải thống nhất với phụng vụ của ngày, nghĩa là bài giảng phải nối kết phụng vụ Thánh Thể, với ý chính của buổi cử hành phụng vụ hôm đó.

Nói tóm lại, năm điểm trên đây là những gì tôi học được từ kĩ thuật và nghệ thuật giảng Lễ, cộng với những quan sát nhiều bài giảng đã chú ý lắng nghe mà tự rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích cho việc chuẩn bị một bài giảng trong phụng vụ. Đồng thời, với cương vị là giảng viên Kinh Thánh, tôi ước mong và tha thiết kêu gọi những ai có trách nhiệm giảng giải Lời Chúa, thật sự đầu tư thời gian và công sức để thực sự thết đãi, “bày cỗ” bàn tiệc Lời Chúa ngon lành thịnh soạn cho dân Chúa hưởng dùng.


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang