Tắt Quảng Cáo [X]

Tìm hiểu: Giáo hội cho phép làm việc ngày Chúa nhật và lễ buộc khi nào ?

09:26 04/02/2023

Vào một sáng Chúa Nhật đẹp trời, tôi và các anh em trong cộng đoàn đi dạo xung quay một họ đạo kia. Nhiều người giáo dân ở đây nhìn chúng tôi với ánh mắt kinh ngạc. Họ bảo nhau rằng tại sao chúng tôi không đi làm việc, mà lại rảnh rỗi đi bộ như thế. Tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi đang đi bộ trong một làng lương dân. Hôm nay là Chúa Nhật mà sao người thì ra đồng, người thì bán hàng, người thì hái cà-phê, người thì xây nhà, làm vườn,…Không hề có một sự khác biệt nào giữa ngày Chúa Nhật và các ngày khác trong tuần. Đây là một sai lệch về đời sống đức tin không chỉ ở họ đạo này mà ở khắp cả Việt Nam.

20221106 090732 scaled

Làm việc ngày Chúa Nhật trở nên khá phổ biến trong cộng đoàn Công giáo tại Việt Nam. Những người làm việc ngày Chúa Nhật đều có những lý do khác nhau. Nghe qua thì có vẻ rất hợp lý.

Một anh công nhân trả lời: “Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì gia đình tôi khá nghèo”.

Chị kinh doanh nói: “Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với những ngày khác trong tuần. Từ thứ 2 đến thứ 6, người ta làm việc rất bận rộn nên không có thời gian đi mua sắm,  riêng ngày thứ 7 và Chúa Nhật là ngày nghỉ, cho nên họ thường đi mua sắm vào hai ngày này”.

Một bác nông dân thắc mắc: “Đồng ruộng để đó ai làm cho, thầy đi tu nên không phải lo cơm áo gạo tiền. Con là một người chồng, phải lo cho gia đình, vợ con chứ”.

Một người giáo dân đơn sơ trả lời: “Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì tôi đã xin phép cha xứ rồi”.

Còn có một số câu trả lời mà chúng ta thường nghe như:

“Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì có thực mới vực được đạo.”

“Tôi làm việc ngày Chúa Nhật nhưng tôi dùng số tiền tôi kiếm được để đóng góp cho giáo xứ.”

Có vô vạn lý do khác nhau mà tôi không thể liệt kê hết ở đây. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo luôn dạy các tín hữu phải tuân giữ ngày Chúa Nhật. Điều này có nghĩa là phải kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và tham giữ Thánh lễ. Tại sao, người Công giáo không được phép làm việc xác ngày Chúa Nhật?

Người Công giáo không được phép làm việc ngày Chúa Nhật vì đây là điều răn của Thiên Chúa. Mà là điều răn của Thiên Chúa thì không một ai dưới thế này có thể bãi bỏ được như Đức Giêsu đã khẳng định: “Ta đến không phải đễ bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).  “Ngươi hãy tuân giữ ngày Sabat và xem đó là ngày thánh” là điều răn thứ 3 mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua ông Môsê. Hơn thế nữa, trong 5 điều răn của Hội Thánh, điều răn thứ nhất dạy ta rằng “các tín hữu phải dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc”. Chúa Nhật là ngày của Chúa vì thế bất cứ ai cũng không thể đánh cắp ngày Thánh của Người. Thiên Chúa là Đấng làm chủ thời gian, đã lập ra mọi ngày. Người có quyền giữ cho mình mọi ngày trong tuần. Nhưng không, Người đã cho chúng ta sáu ngày và chỉ giữ lại cho mình một ngày duy nhất. Thế mà, chúng ta lại ích kỉ đến nỗi ăn cắp luôn cả ngày đó. Điều này tương tự như việc một gia đình kia đang lâm vào cảnh thúc thiếu, đói khát, không có gì để ăn. Nhưng may thay, người cha tìm được một cái bánh duy nhất; ông chia làm bảy phần và chia cho mỗi người một phần. Khi các con đã ăn xong, chỉ còn lại một phần nhỏ cho người cha. Ông đang cầm lấy và chuẩn bị ăn thì những đứa con ích kỉ đến nỗi giật lấy phần bánh còn lại của người cha. Những đứa con khốn nạn ấy chính là hình ảnh những ai làm việc xác ngày Chúa Nhật.

Người Công giáo không được phép làm việc xác ngày Chúa Nhật vì Chúa Nhật là ngày của Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rất rõ trong tông thứ “Dies Domini – Ngày của Chúa” về vấn đề này. Chúa Giêsu đã chịu chết trên cây thập tự vào chiều ngày thứ 6. Sau 3 ngày, Người đã sống lại. Ngày đó chính là ngày Chúa Nhật. Vì thế, người Do thái xem ngày thứ 7 là ngày Sabat nhưng đối với nguời Công giáo ngày Sabat chính là ngày Chúa Nhật – Ngày của Chúa. Chúa Giêsu chính là trung tâm của mọi sự và mọi sự đều quy hướng về Người.

Chính vì thế, Giáo Hội luôn mời gọi các tín hữu hãy ngưng nghỉ và khiêng việc xác ngày Chúa Nhật để cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Thánh Basiliô nói về “Chúa Nhật thánh, được vinh dự nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa, là hoa trái đầu mùa của tất cả những ngày khác”. Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu là trung tâm của đời sống Kitô hữu, là nguồn sống và là ơn cứu độ cho con người. Vậy, làm sao ta có thể làm việc vào ngày trọng đại này được! Chúng ta giữ ngày Chúa Nhật thánh thiêng bao nhiêu thì ân sủng của Chúa dành cho ta nhiều bây nhiêu. Ngược lại, nếu chúng ta không tôn trọng Ngày của Chúa và không giữ ngày này thánh thiêng, thì chúng ta đang đánh mất ơn Cứu độ Chúa dành cho ta. Dạ như trong gia đình có tiệc cưới, thì chẳng có người nào trong gia đình lại đi làm. Cũng vậy, ngày Chúa Nhật còn trọng đại hơn nữa bởi vì đó là ngày Phục Sinh của Chúa chúng ta, thì làm sao ta lại đi làm việc trong ngày trọng đại này được? Thế mà có biết bao nhiêu tín hữu vẫn đi làm việc xác ngày Chúa Nhật mà không hề cảm thấy áy náy lương tâm!

Người Kitô hữu không làm việc xác ngày Chúa Nhật là một thực hành để biểu hiện “TÌNH YÊU” của mỗi người dành cho Thiên Chúa. Khi chúng ta yêu ai, thì chúng ta sẽ làm tất cả vì người đó. Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, thì họ bất chấp tất cả để có thể đến với nhau. Cho dù là những lời nói dị nghị của hàng xóm, bạn bè hay ngay cả cha mẹ phản đối. Khi cha mẹ yêu thương con cái của mình, cha mẹ chẳng ngại gì nắng mưa để tìm kiếm miếng cơm manh áo cho con. Vì tình yêu, cha mẹ hy sinh tất cả để cho con cái của mình được sống dồi dào. Chính vì thế, khi chúng ta tin vào Thiên Chúa và yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta cũng có thể làm được mọi điều để chứng minh tình yêu ấy. Một khi chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa thì khiêng việc xác ngày Chúa Nhật không bao giờ là điều khó khăn. Kiêng việc xác ngày Chúa Nhật chỉ khó khăn đối với những người không tin và yêu mến Thiên Chúa. Hơn thế nữa, tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua tình yêu đối với tha nhân. Do đó, ngày Chúa Nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời giờ cho gia đình (cha mẹ, vợ con, anh chị em) và thân hữu.

Khi tôi biện minh rằng “tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì gia đình tôi khá nghèo”, thì cũng tương tự như việc “tôi trộm cướp tài sản của người ta vì gia đình tôi nghèo”. Trả lời như thế là không tôn trọng và đang đánh mất nhân phẩm làm “con Chúa” mà chúng ta được lãnh nhận trong bí tích Rửa tội. Chúng ta có thể nghèo nhưng chúng ta không thể đánh mất nhân phẩm của mình. Chúng ta có thể nghèo đói về vật chất nhưng chúng ta không thể nghèo đói về đời sống thiêng liêng.

Khi một người nói: “Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với những ngày khác trong tuần”. Chị nói đúng lắm nhưng đâu phải vì tiền mà ta bất chấp làm tất cả, kể cả việc chống lại Thiên Chúa, chống lại điều Thiên Chúa dạy. Chúa Giêsu nói rằng: “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được! (Mt 6,24). Khi chị làm việc ngày Chúa Nhật vì đồng tiền, điều đó có nghĩa là chị đang tôn thờ “Chúa Tiền Bạc”. Vì thế, Thiên Chúa của chị không phải là Thiên Chúa đích thực mà là “THIÊN CHÚA của THẾ GIAN”. Làm việc ngày Chúa Nhật vì đồng tiền nghĩa là chị đang gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của chị. “Được lợi lãi cả thế gian mà lạc mất linh hồn thì nào có ích gì?”(Lc 9,25). Không kinh doanh ngày Chúa Nhật không có nghĩa là cửa hàng sẽ bị phá sản. Ma quỷ thường gieo vào lòng chúng ta những ý nghĩ như thế. Ma quỷ làm cho chúng ta mất tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Dần dần, chúng ta cậy dựa vào sức mình hơn là sức Chúa, tự mình lo hơn là Chúa lo. Tôi đã từng bắt gặp một số gia đình kinh doanh là người Kitô hữu; vào ngày Chúa Nhật, họ dán một băng rôn trước cửa hàng với dòng chữ: “Ngày Chúa Nhật, không bán hàng. Xin đến vào các ngày khác trong tuần”. Điều đó làm cho tôi thật tự hào về chính họ. Nếu tôi có sự lựa chọn thì tôi sẽ luôn mua hàng ở những cửa hàng như vậy. Đó chẳng phải là một mẫu gương tốt cho ta học hỏi đấy sao? Cho dù, việc đóng cửa hàng vào ngày Chúa Nhật có thể làm mất đi một phần thu nhập của gia đình nhưng hãy tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Tất cả những gì bạn có đều đến từ bàn tay Thiên Chúa.

Khi bác nông dân trả lời:“Đồng ruộng để đó ai làm cho, thầy đi tu nên không phải lo cơm áo gạo tiền. Con là một người chồng, phải lo cho gia đình, vợ con chứ”. Con không nói là bác không cần lo cho gia đình và vợ con, ngược lại, bác phải có nghĩa vụ và trách nhiệm là lo cho gia đình và vợ con vì bác là một người chồng. Lo lắng cho gia đình và vợ con không phải là chỉ lo lắng về vật chất mà thôi. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải quan tâm đến đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình. Có biết bao nhiêu gia đình giàu có về vật chất nhưng lại thiếu thốn về tình yêu. Có biết bao nhiêu gia đình tan vỡ vì thiếu đi sự hiện diện của cha hoặc mẹ. Có biết bao nhiêu gia đình giàu sang nhưng không có niềm vui và hạnh phúc. Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời nhất mà cả nhà quây quần bên nhau như trong đêm giao thừa. Ngày Chúa Nhật là thời gian để vợ chồng nói chuyện, tâm sự với nhau hay cha mẹ dạy dỗ con cái. Ngày Chúa Nhật là ngày đoàn viên, là ngày của niềm vui, là ngày mà các thành viên cùng ngồi chung vào một bàn ăn; con cái chia sẻ với cha mẹ những gì xảy ra trong tuần. Đó là thời gian để cả gia đình lấy lại sức sống và chuẩn bị cho một tuần mới.

Hơn thế nữa, người Kitô hữu tuyên xưng về một Thiên Chúa là Đấng Quan phòng. Chính vì thế, chúng ta hãy tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc sống của chúng ta. Chỉ có như vậy, đời sống chúng ta mới thực sự bình an và hạnh phúc. Lo lắng cho gia đình, lo lắng về cơm áo gạo tiền là đúng nhưng đừng vì thế mà gạt bỏ đi sự quan phòng của Thiên Chúa. Con người luôn bị cám dỗ muốn làm chủ tất cả, muốn điều khiển tất cả. Nhưng mình càng muốn tự mình xoay sở bao nhiêu thì mình lại lâm vào cảnh cùng khốn bây nhiêu. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là con đường dẫn ta đến sự bình an. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa là không làm việc xác ngày Chúa Nhật và dâng trọn ngày này cho Chúa. Hãy để Chúa thánh hoá gia đình trong ngày thánh này.

Có người nói: “Tôi làm việc ngày Chúa Nhật vì tôi đã xin phép cha xứ rồi”. Mặc dầu, Giáo luật số 1245 đề cập đến việc các giám mục và linh mục quản xứ có thể miễn chuẩn cho giáo dân của mình được miễn giữ một ngày lễ hay một ngày sám hối với một lý do đặc biệt. Tuy nhiên, đó là chỉ miễn chuẩn cho một ngày mà thôi, chứ không thể miễn chuẩn cho tất cả các Chúa Nhật trong cả năm. Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn (Mt 5, 17). Chính vì thế, không ai có quyền cho phép giáo dân làm việc ngày Chúa Nhật như những ngày thường nhật. Thánh Gioan Maria Vianey kể lại: ‘Có một bà vào xin phép cha đi phơi cỏ khô ngày Chúa Nhật. Nhưng cha nói: “Điều đó không cần thiết, cỏ của con sẽ không sao đâu?” Nhưng người đàn bà vẫn cứ khăng khăng: “Vậy cha muốn cỏ của con hư hết chứ gì?” Thế rồi đêm hôm đó bà ta chết, khi đó linh hồn bà ta ở trong tình trạng còn nguy hiểm hơn cả đống cỏ khô của mình.” Vì thế, chúng ta làm việc ngày Chúa Nhật để được cái gì? Ngày lìa đời, chúng ta sẽ bỏ lại mọi sự ở thế gian và bao lâu còn quyến luyến với thế gian này, chúng ta sẽ khó lòng sẵn sàng trở về với Chúa.

Anh em phải là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 9). Điều này có nghĩa là mỗi Kitô hữu phải có nhiệm vụ và bổn phận làm chứng cho Đức Giêsu Kitô trước mặt người đời, trước mặt những người chưa nhận biết Thiên Chúa. Làm chứng bằng cách nào? Bằng cái chết như các thánh tử đạo! Rao giảng Tin Mừng như các linh mục, tu sĩ! Đi truyền giáo như các nhà thừa sai! Chúng ta làm chứng bằng việc sống đúng với Luật Chúa, sống đúng với 10 điều răn. Một trong 10 điều răn đó là tuân giữ Ngày Chúa Nhật. Chúng ta không thể chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, nhưng quan trọng hơn cả là bằng đời sống đức tin. Khi những người ngoại giáo nhìn thấy người Công giáo không làm việc xác ngày Chúa Nhật, chắc chắn họ sẽ đặt câu hỏi về sự khác biệt này? Có thể một ai đấy sẽ hỏi chúng ta: “Tại sao anh lại không bán hàng ngày Chúa Nhật?” Xin thưa bởi vì tôi là người Công giáo. Ở quê, tôi đã từng nghe những người đàn bà ngoại giáo nói: “Chúng tôi làm tất bật cả năm, chỉ được nghỉ ngơi, trang điểm và mặc áo đẹp vào những ngày tết hay may chăng ngày giỗ, ngày cưới. Còn người Công giáo, Chúa Nhật tuần nào cũng được nghỉ ngơi, trang điểm, mặc áo dài đến nhà thờ. Họ còn đóng góp, ủng hộ nhà thờ tiền này tiền kia. Thế mà họ còn giàu hơn chúng tôi”. Đó chẳng phải là vinh sự cho người Kitô hữu khi nghe người ngoại giáo nói như thế sao?

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng lời kêu trách của Thánh Gioan Maria Vianey: “Than ôi, những người làm việc vất vả cực nhọc vào ngày Chúa Nhật, họ lầm lẫn biết bao khi tính toán và nghĩ rằng họ sẽ làm thêm được nhiều tiền, nhiều việc, thay đổi cuộc đời! Có thể nào chúng ta lại chấp nhận mang lấy án phạt và trầm luân đời đời, bán linh hồn cho ma quỷ qua việc vi phạm giới răn của Chúa chỉ vì vài chục đồng sao?” Vì thế, tất cả các tín hữu cần phải ý thức sống sao cho xứng đáng với ngày của Chúa, đừng chạy theo những đam mê vật chất mà lại lu mờ đi ngày Chúa Nhật.

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang