Tắt Quảng Cáo [X]

Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (2)

11:08 05/12/2023
hoc du
““BÀI HÁT” NÀY ĐÃ PHẠM LỖI GÌ? LỜI CÓ BỊ SAI LỆCH? XÚC PHẠM, HAY XUYÊN TẠC, KHIẾM NHÃ, BẤT XỨNG KHÔNG?”

***

Đó là một trong nhiều lời chất vấn đầy bức xúc của anh Tran Xuan Hien ( https://www.facebook.com/joshep.tran ) để bảo vệ việc sử dụng và phổ biến bài hát Kinh hoà bình 2023 (KHB-2023) của sư ông Thích Chân Quang.

[Xem bài phân tích trước tại đây: Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (1)]

Có lẽ do xác tín rằng bài hát là một tác phẩm hay, cho nên anh Tran Xuan Hien lập đi lập lại yêu cầu phải “xét tác phẩm tự nó”, nghĩa là mình chỉ xét phần lời và phần nhạc của bài hát thôi, mà không cần biết nó ra đời thế nào và tác giả của nó là người như thế nào!

Đây không phải là quan niệm hoàn toàn khoa học, phù hợp luân lý và được thế giới nhân bản đi theo. Tuy nhiên ở đây, theo yêu cầu anh Tran Xuan Hien, tôi cũng xét xem lời ca bài KHB-2023 của sư ông Thích Chân Quang hay dở thế nào.

Kết quả tôi thấy cả bài hát được mỗi câu mở đầu đúng và hay thì đấy là câu lấy lạy nguyên văn từ Kinh hoà bình của cha Kim Long. Câu duy nhất là sáng tác thuần tuý của sư ông mà ít có vấn đề nhất câu: “CẢ LÒNG NÀY KÍNH DÂNG VỀ CHÚA, NGƯỜI LÀ ÁNH DƯƠNG BỪNG SÁNG, XIN THƯƠNG XÓT BAN CHO HỒNG ÂN” và đó là câu được một số người trích dẫn làm cơ sở để tán dương và phổ biến tác phẩm.

Còn lại, phần lớn bài hát có từ ngữ không chuẩn xác, câu cú không đúng ngữ pháp, nội dung không rõ nghĩa và không đúng giáo lý Công giáo và không đúng tinh thần của Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô. Càng đọc càng thấy lời ca vớ vẩn, linh tinh. Dưới đây là một số thí dụ để thấy lời ca linh tinh, vớ vẩn và lạc giáo thế nào.

(Những câu viết chữ to là nguyên văn trong lời bài hát Kinh hoà bình 2023 (KHB-2023).

***

Sư ông viết: “LẠY CHÚA XIN HÃY XEM CON NHƯ KHÍ CỤ SỐNG VUI HOÀ BÌNH.”

“Con” ở đây là ai mà có quyền đòi Chúa “xem” “như khí cụ hoà bình”! “Con” hay thế cơ à! Tự thân “con” đã là “khí cụ hoà bình” rồi và “con” yêu cầu Chúa phải nhìn nhận điều này! “Con” ngon nhỉ! Tưởng là khiêm nhường như thực ra người kiêu ngạo lắm mới dám yêu cầu như vậy! Mà “con” “thành khí cụ hoà bình” của ai? Của Chúa hay của ma quỷ? Không rõ!

Trong Kinh Hoà Bình của mình, Thánh Phanxicô rất khiêm tốn và rõ ràng, ngài nói: “Lạy Chúa xin làm cho con nên khí cụ bình an của Chúa.” Tự thân ngài chẳng là gì cả! Ngài xin Chúa làm cho ngài! Ngài xin làm khí cụ bình an của Chúa! Của Chúa chứ không phải của mình hay của thế lực nào!

Sư ông viết: “ĐỂ CON ĐEM YÊU THƯƠNG ĐI ĐẾN NƠI GHÉT GANH, ĐEM BAO DUNG ĐI ĐẾN NƠI CHIẾN TRANH, ĐEM AN VUI ĐẾN BẾN BỜ TỬ SINH.”

Thánh Phanxicô nói “đem yêu thương vào nơi oán thù” chứ không phải nơi “ghét ganh”, ghét ganh thì còn nhẹ! “Đem bao dung đến nơi chiến tranh” là làm sao? Dị nghĩa! Thánh Phanxicô không dạy “đem bao dung đến nơi chiến tranh”! Chiến tranh mà mình bao dung được sao? Không! Mình phải ghét bỏ chiến tranh và loại trừ chiến tranh!

Sư ông viết: “ĐỂ CON SẼ THẮP SÁNG ÁNH RẠNG NGỜI CHÂN LÝ, SOI QUA ĐÊM THÂU DÂNG ĐẦY LỖI LẦM, SOI LÊN THÊNH THANG CON ĐƯỜNG XA XĂM.”

“Con” là Chúa Tể Trời Đất hay sao mà “con” “thắp” được “ánh sáng rạng ngời chân lý”! “Ánh sáng rạng ngời chân lý” thì chỉ có Chúa mà thôi! “Con” là ai mà “con” soi được “qua đêm thâu dâng đầy lỗi lầm” và “soi lên thênh thang con đường xa xăm”? Mà “soi lên thênh thang con đường xa xăm” là thế nào? Mơ hồ, cao ngạo và sai lạc giáo lý Công giáo!

Công giáo dạy Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người! Ngài ở giữa chúng ta. Chúng ta sờ đụng được Ngài! Ngài là đường dẫn chúng ta đến sự thật và sự sống. Ngài làm cho chúng ta thành con Chúa. Ngài mời chúng ta cùng ngài vào đời cứu thế! Không có “con đường thênh thang xa xăm nào” ở đây cả!

Sư ông viết: “TRẦN GIAN THÔI KHÔNG THAN VAN KHÔNG CÒN NGHI NAN, THÔI KHÔNG LANG THANG SA MẠC KHÔ KHAN, CÓ CHÚT ẤM ÁP ĐEM MÙA ĐÔNG SANG.”

Trần gian nào “thôi không than van” ? Trần gian nào “thôi không lang thang sa mạc khô khan”? Trần gian còn có đồng bằng, biển cả và núi cao nữa chứ đâu phải chỉ có sa mạc! Ai làm cho trần gian “thôi không than van” và “thôi không lang thang” như vậy? “Con” à? “Con” ngon nhỉ! Vậy thì “con” là Chúa Trời à? Mà sao Chúa Trời mà sau ngay sau đó lại chỉ “có chút ấm áp” thôi? Chúa Trời mà kém vậy à? Mà sao chỉ có một “chút ấm áp” lại đem và đem được “mùa đông sang?” “Mùa đông sang” là sang đâu? Mơ hồ! Khó hiểu! Mâu thuẫn! Sai giáo lý!

Sư ông viết: “LẠY CHÚA XIN YÊU THA NHÂN NHƯ LÀ LẼ SỐNG. ĐÔI TAY CON TIM CẢ ĐỜI GIEO TRỒNG, THẮP SÁNG THẾ GIỚI HOÀ BÌNH MÊNH MÔNG.”

Ở câu này, ai “yêu tha nhân như là lẽ sống”? “Đôi tay con tim” nào “cả đời gieo trồng”? Ai “thắp sáng thế giới hoà bình mênh mông”! Chủ từ ở câu này là ai? Nếu là Chúa thì việc gì “con” phải dạy Chúa?! Nếu là con thì con “ngon” hơn Chúa Trời rồi! “Con” “thắp sáng được thế giới và làm cho thế giới “hoà bình mênh mông”được cơ à?!Mơ hồ và kiêu ngạo!

Sư ông viết: “LẠY CHÚA XIN CHO CON THEO CHÚA TRONG NẮNG XUÂN, MANG CHO EM THƠ ƯỚC MƠ THÁNH THẦN. MAI SAU BÊN NHAU HÁT CÂU NGHĨA NHÂN.”

“Con” chỉ theo Chúa trong nắng xuân thôi sao? Trong báo táp mưa sa, trong đông giá hạ nồng và thu tàn “con” xin không theo Chúa à? “Con” chỉ “mang cho em thơ ước mơ thánh thần” thôi à? Thế “con” không mang cho thanh niên và người già sao? Sao con loại trừ các hạng người khác vậy? Mà “ước mơ thánh thần” là ước mơ gì?

“Ước mơ Thánh Thần” nghĩa là làm sao? Mà sao chỉ mang “ước mơ” thôi? “Mai sau” bên nhau là bao giờ? Tại sao không phải là bây giờ mà phải để đến “mai sau”? Bên nhau là bên ai? Bên Chúa hay bên người? Nếu bên Chúa mà chỉ hát câu “nghĩa nhân” thôi à? Nếu chỉ bên người để “hát câu nghĩa nhân” thì làm sao được cứu độ? Mơ hồ và sai lạc giáo lý quá!

Niềm tin Công giáo dạy Chúa Trời làm người và ở giữa chúng ta ngay từ bây giờ, lúc này và ở đấy, chứ không phải đợi đến mai sau! Đức tin dạy Chúa ở đây với ta để thánh hoá và thần hoá ta thành con cái Chúa! Chúa ở đây không phải chỉ để ta với Chúa “hát câu nghĩa nhân!” Nếu chỉ có thế cần gì Chúa Trời phải đến thế gian này!

***

Chán ngán! Tôi không muốn phân tích thêm nữa! Dù chỉ ở mức độ sơ đẳng là tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ câu chữ! Nếu phân tích sâu và so sánh với Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô cả về hình thức, cấu trúc và tư tưởng, trong từng câu và trong toàn thể, thì còn thấy bài KHB-2023 của sư ông Thích Chân Quang thâm độc, tinh quái thế nào! Tuy nhiên, ở đây tôi cũng không muốn viết dài quá làm mệt người đọc, nhất là các độc giả bình dân! Tôi chỉ tổng hợp trong vài nhận xét sau đây:

Kinh hoà bình của Thánh Phanxicô là lời kinh khiêm hạ, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Là bản tuyên xưng đức tin của một người biết Trời, biết người và biết mình. Là một xác tín về lẽ sống mang tính quy luật và là một chương trình hành động có tính toàn diện. Là một thông điệp mạnh mẽ, tích cực, trong suốt và đầy hy vọng!

Trong khi đó KHB-2023 của sư ông chỉ là một mớ những lời lảm nhảm, mơ hồ, dị nghĩa, cao ngạo, thiếu xác tín và thiếu chương trình hành động, thiếu sức sống và không hy vọng. Nó thủ tiêu toàn bộ tư tưởng thần học mang tính quy luật cũng như tất cả những cái hay cái đẹp trong lời kinh của Thánh Phanxicô.

Anh Tran Xuan Hien chất vấn: “Bài hát này đã phạm lỗi gì? Lời có bị sai lệch? Xúc phạm, hay xuyên tạc, khiếm nhã, bất xứng không?”

Tôi trả lời: Có. Tệ hơn nữa, nếu chỉ đơn thuần là khiếm nhã, bất xứng, sai lệch, xuyên tạc trong mỗi câu chữ thì người Công giáo dễ phát hiện và xa tránh, còn ở đây, KHB-2023 đã khéo léo mượn Thánh Phanxicô, rồi sau đó bằng những ngôn từ có vẻ đạo đức, nhưng thực chất là cao ngạo và sáo rỗng để dẫn người ta xa rời chương trình sống đạo tuyệt vời cho mọi người mà chính Thánh Phanxicô đã đưa ra trong lời kinh của mình.

Vì vậy, nói KHB-2023 được linh hứng bởi các thiên thần thì xúc phạm đến Chúa! Nói lấy ý từ bài Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô là nói dối! Nếu ở Tây Phương mà làm thế này thì chắc chắn tác giả sẽ bị kiện vì tội lấy danh và lấy ý tưởng từ một tác phẩm nổi tiếng đã có mà lại làm sai lệch hoàn toàn hình thức và nội dung tư tưởng của tác phẩm này.

Tóm lại, sau khi “xét tác phẩm tự nó” tôi thấy bài hát trên đây của sư ông Thích Chân Quang không đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật chứ đừng nói là thánh ca! Anh chị em giáo dân nên tránh xa bài hát này! Phổ biến và hát bài này thì thực sự nguy hiểm cho đức tin! Còn tại sao không được sử dụng và phổ biến, dù chỉ là ở ngoài nhà thờ, tôi sẽ nói lại và nói thêm trong một bài viết khác.

PS. Tôi đính kèm văn bản KHB của Thánh Phanxicô, của cha Kim Long và của sư ông Thích Chân Quang. Quý vị xem 3 bản văn để thấy sư ông đã phá hỏng Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô thế nào về hình thức, nội dung và tư tưởng.

(Còn tiếp, mời cộng đoàn theo dõi trên Fanpage Tin Công Giáo 24h)


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang