Tắt Quảng Cáo [X]

Tranh cãi gay gắt: 1 cán bộ VN nói rằng đạo Chúa vô nhân đạo?

11:28 04/05/2024
hoc du

Xin gửi đến Cộng đoàn câu chuyện [CẤM LI DỊ LÀ VÔ NHÂN ĐẠO?] có thật được chia sẻ trong tập sách NHƯ TRÁI MẮM của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu, câu chuyện như sau:
Bài giảng tuyệt vời của cha Pio Ngô Phúc Hậu - YouTubeMột ông Công giáo ở tuổi năm mươi, góa vợ. Một cô cán bộ ở tuổi bốn mươi, lỡ thời. Hai người đến gặp cha xứ để làm đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Cha xứ xởi lởi, cởi mở, hướng dẫn họ làm đơn và đính kèm lá thư xin đức Giám Mục ký thuận.

Thấy cô cán bộ tủm tỉm cười hoài, cha xứ hứng khởi trình bày một hơi về hôn nhân Kitô giáo.

– Hôn nhân Kitô giáo có hai điểm đặc thù: Một, đơn nhất tính, tức là một vợ, một chồng. Hai, vĩnh cửu tính, tức là hai người phải chung thủy cho đến chết. Trước hết đạo Công giáo chỉ cho phép một vợ, một chồng. Vậy cô có ý kiến gì về luật này?

– Tôi hoan nghênh tối đa.

– Cám ơn cô. Nhưng đạo Công giáo chúng tôi đã phải khổ gần hai mươi thế kỷ, vì cái luật một vợ một chồng này. Sienkiewics – tác giả cuốn Quo Vadis, giải Nobel văn chương năm 1905, đã cho ta biết thời đạo Công giáo được truyền bá rộng rãi ở Rôma, thì người phụ nữ Công giáo bị gọi một cách mỉa mai là “con mẹ một chồng”. Đàn ông nhiều vợ thì sang. Đàn bà nhiều đời chồng, thì được khen là tuyệt vời. Khi đạo Công giáo được truyền bá ở Phi Châu thì luật một vợ một chồng là một cản trở lớn. Các tộc trưởng da đen đều đa thê. Có những tộc trưởng sẵn sàng theo đạo và đưa cả bộ lạc vào đạo, nhưng… với điều kiện là cho giữ lại hết các bà vợ. Các nhà truyền giáo đành giơ tay đầu hàng.

Khi đạo Công giáo được truyền bá sang Việt Nam thì luật một vợ một chồng bị tác giả cuốn “Gia Tô Bí Lục” gọi là “kế ngu dân” của Đức Giêsu.

Phải chờ cho tới sau Cách Mạng Tháng Tám, luật một vợ một chồng mới được chính thức công nhận là luật tiến bộ. Hai ngàn năm. Ôi! Hai mươi thế kỷ bị chống đối, bị chế giễu, bây giờ mới được ngước mặt lên hãnh diện với đời.

Như vậy là chị đồng ý và hoan nghênh luật một vợ một chồng?

– Đúng thế. Một ông hai bà, một bà hai ông sẽ lung tung lắm. Cứ ghen nhau không thôi, cũng đủ chết rồi.

– Còn luật chung thủy cho đến chết, tức là không cho ly dị, thì chị nghĩ sao?

– Ai cũng muốn vợ chồng chung thủy, nhưng… hôm nay là thế, ngày mai sẽ ra sao? Yêu nhau mà sống với nhau thì tuyệt vời. Không yêu nhau, thậm chí ghê tởm nhau mà phải bắt sống với nhau, thì có khác gì sống trong Hỏa ngục. Đạo không cho ly dị thì có khác gì đày đọa kiếp người.

Yêu nhau mà sống với nhau là tuyệt vời. Ghét nhau mà không cho ly dị thì vô nhân đạo.

Tôi hoan nghênh tình yêu chung thủy. Nhưng tôi yêu cầu Giáo Hội Công giáo khoan dung đối với những đôi vợ chồng bất hạnh. Yêu nhau mà trao thân gửi thịt cho nhau là tuyệt diệu, là trên tuyệt vời. Nhưng ghét nhau, khi dể nhau, mà phải trao thân gửi thịt cho nhau, thì thật là ghê tởm, là quái đản. Hỏa ngục trần gian có thể chỉ là thế.

Ông cha xứ cúi đầu ngẫm nghĩ. Không ngờ, một cô gái lỡ thời mà lại cảm nghiệm được đời sống lứa đôi và cảm nghiệm được cả nỗi đau của những cặp vợ chồng hụt hẫng đến như thế. Cha xứ nghĩ đến những cặp vợ chồng bất hạnh trong giáo xứ. Cha thương họ. Cha muốn họ được giải thoát. Cha muốn Giáo Hội khoan dung, theo yêu cầu của cô gái lỡ thời.

Nhưng… Bỗng cha xứ ngẩng đầu lên, giảng thuyết một cách hùng hồn.

– Hai người yêu nhau, lấy nhau, trao thân gửi thịt cho nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng và dạy dỗ để con cái thành nhân. Tất cả bấy nhiêu chi tiết đều nằm trong bản thiết kế chung của Đấng Tạo Hóa. Mục đích của hôn nhân là tạo dựng nhân vị có nhân phẩm, có nhân cách. Tình yêu là phương tiện tất yếu để đạt được mục đích. Chính vì thế tình yêu phải chung thủy. Thiếu chung thủy thì công việc giáo dục con cái sẽ hụt hẫng.

Cảnh sát quốc tế đã khẳng định rằng hầu hết các thiếu niên phạm pháp đều là con cái của gia đình ly dị, hoặc bất hạnh. Như thế ly dị là thảm họa của xã hội. Cho ly dị là vô nhân đạo với con cái và đối với xã hội.

– Như vậy thì tốt nhất đừng lấy vợ, lấy chồng.

– Đúng vậy. Nhưng hãy lấy vợ, lấy chồng, khi đã có một tình yêu chân chính.

– Thế nào là tình yêu chân chính?

– Tình yêu chân chính là tình yêu quên mình để chỉ lo cho người mình yêu được hạnh phúc.
– Nhưng yêu mà bị phản bội thì sao?

– Tình yêu chân chính sẽ chinh phục người yêu phản bội. Tình yêu chân chính không bao giờ loại trừ. Chỉ yêu một lần và yêu mãi mãi.

– Yêu mà phải khổ suốt đời sao?

– Có sao đâu. Mẹ sanh con, thì muốn con mình lành mạnh. Nếu chẳng may sanh con tàn tật, thì mẹ vẫn yêu, vẫn nuôi, và yêu đứa con ấy nhiều hơn yêu các đứa con không tàn tật. Tại sao vợ chồng lại không bắt chước tình yêu mẫu tử?

Tình yêu chân chính là tình yêu tha thứ, chấp nhận. Nếu không tha thứ, không chấp nhận, thì chưa phải là tình yêu chân chính.

– Cha không có  vợ, cha không thông cảm với người có vợ có chồng. Nếu cha có vợ có lẽ cha sẽ bao dung hơn đối với những đôi vợ chồng không may mắn.

– Tôi nghĩ đến họ. Tôi thương họ. Tôi muốn bao dung với họ. Nhưng tôi lại thương các bé thơ, tôi lại thương đời sống an sinh của xã hội. Xin chị cứ thương các đôi vợ chồng lỡ dở. Nhưng xin chị xác tín rằng: “Ly dị là thảm họa của gia đình và xã hội”. Rồi sau đó chị sẽ thấy rằng không cho ly dị là vô nhân đạo hay là cho ly dị mới là vô nhân đạo?

Xin kết luận rằng:

1.Phải chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng.

2.Phải học hỏi nhiều về ý nghĩa và cuộc sống hôn nhân.

3.Phải xác tín rằng vợ chồng chỉ là thợ xây, nên phải trung thành với bản thiết kế của hôn nhân do Tạo Hóa vẽ.

4.Vợ chồng là cộng tác viên của Thượng Đế chứ không phải là chủ công trình.

— — —
Tiểu sử Lm. Pio Ngô Phúc Hậu

Cha Ngô Phúc Hậu còn có một tên gọi thân thương khác là “Anh Tám Hậu”. Mà đúng là cha hay “tám” thật. Một cách “tám” rất duyên, rất đơn sơ, mộc mạc.

Linh mục Ngô Phúc Hậu sinh năm 1936 tại tỉnh Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa, tu học ở đại chủng viện Thánh Tôma và đại chủng viện Thánh Giu-se, Sài Gòn. Sau khi thụ phong linh mục năm 1964 tại Cần Thơ, linh mục Ngô Phúc Hậu làm hiệu trưởng Trung Học Đồng Tâm, Cần Thơ (1967 – 1971), sau đó đi truyền giáo ở Năm Căn và các vùng phụ cận thuộc Cà Mau. Từ 1994, linh mục Hậu làm chánh xứ Cái Rắn, Cà Mau.

Linh mục Ngô Phúc Hậu có lối nói dí dỏm và chân tình khiến người đối thoại lắng nghe và dễ cảm thông. Dù sinh ở đất Bắc, nhưng lớn lên ở trong Nam, làm việc, tiếp xúc hòa mình với cuộc sống bữa đói bữa no của người dân quê chất phác, linh mục đã học, sống, nghĩ và nói như họ.

Dưới đây là vài mẫu chuyện nhỏ nghe được trong chuyến “Hai Lúa đi lạc sang Hoa Kỳ”, trích từ các điện thư của anh Trần Ngọc Chánh gởi thân hữu các nơi:

• Cha đi máy bay có mệt không?
Hỏi như vậy là xúc phạm. Trâu làm gì biết mệt mà hỏi.

• Cha sợ cái nóng xứ cao bồi Texas?
Dư sức qua cầu.

• Cha ngán cái lạnh của Minnesota?
Nước đá lạnh 0 độ, cho vào miệng đã muốn chết. Tại sao không cho da thịt của mình được thuởng thức cái đã đó?

(Ước gì anh Tám lưu lại tiểu bang Minnesota đến tháng 12, tháng 1, 2… để có dịp thưởng thức “cái đã” của thời tiết nơi đây!)

• Đi Mỹ, linh mục chỉ mang theo hai bộ đồ để thay đổi. Hỏi sao cha mang ít quá vậy?
Mang nhiều phiền hơn mang ít.

• Anh em đưa cha đi ăn phở. Cha hỏi một tô giá bao nhiêu. Khi nghe trả lời… 5, 6 đô la…
Thôi, chờ lúc tôi về Việt Nam hãy ăn. Bên đó một tô phở chỉ 50 xu.

• Cha sẽ đi không ngừng nghỉ gần trọn ba tháng. Liệu cha có đủ sức khỏe để đi không?
Tôi khỏe lắm. Đi máy bay, đi xe hơi đâu có làm khổ tôi nổi!

(Được biết anh Tám Hậu vẫn còn có thể lội bộ băng đồng băng ruộng đi thăm giáo dân, mỗi bận đi về hơn ba tiếng đồng hồ.)

Thấy mọi người cứ lo lắng sợ Hai Lúa đi mình ên chỗ này chỗ nọ, bị lạc, rồi bị mấy cô Mỹ tóc vàng bắt cóc, linh mục pha trò:

– Mình chưa phải là Hai Lúa, mới có Một Rưỡi Lúa thôi… Lần trước đi Thái Lan, tiếng Thái mình không biết. Còn dân Thái vừa không biết tiếng Việt, vừa không biết tiếng Anh. Máy bay lại tới trễ… Vậy mà quơ tay múa mồm, bác tài taxi vẫn đưa mình đến đúng địa chỉ được. Ở bên này tiếng Anh mình OK… Không cách gì mà đi lạc cho được!

(Tháng 8-2004, linh mục Ngô Phúc Hậu cùng với linh mục Nguyễn Văn Nam và linh mục Hoàng Hôn đi thăm một vài địa điểm hoạt động truyền giáo của dòng Maryknoll ở Thái Lan, theo lời mời của anh chị Michael Thái Bình đang truyền giáo bên đó).

Những mẫu chuyện nhỏ trên đã nói lên con người thật tình, chất phác của nhà truyền giáo Ngô Phúc Hậu. Nói chuyện với linh mục, người đối thoại cảm thấy “bị lây” bởi đức tính lạc quan, yêu đời, lối sống phó thác và vững tin nơi Thiên Chúa của linh mục. Cuộc đời lặn lội đi truyền giáo hơn 30 năm đã cung cấp cho anh Tám Hậu nhiều chuyện để kể và người nghe muốn nghe hoài, không chán. Sống như anh… đây mới thật là một gương sáng.

“Mình có duyên được gặp ngài một lần duy nhất vào năm 2009 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Sài Gòn. Gọi là “gặp”, vì lần đó lên thành phố thăm bạn, trúng vào dịp cha Hậu được mời đến nói chuyện tại Trung tâm. Bạn mình rủ mình đi, và mình chỉ được ngó ngài từ xa thôi.

Có rất nhiều câu hỏi được gởi cho cha, xin cha giải đáp. Cứ ngỡ cha sẽ dùng những từ ngữ “thần học cao siêu”. Nhưng không, bằng chất giọng của một “ông già miền Bắc”, pha lơ lớ chất giọng của “anh Tám miền Tây”, cha dùng những câu chuyện, những lời nói, và vẽ những hình ảnh rất dí dỏm lên bảng, để hóa giải những vấn đề tưởng như gai góc, khó trả lời.”
(Mai Tín – gioitrecongiao.org)

Cha Hậu tuổi Tý, nhưng ngài lại ví ngài như…con trâu: “Làm hoài, làm đến chết vẫn chỉ là muối bỏ biển. Số người nghèo thì nghèo thêm… Làm được (bao) nhiêu thì hay (bấy) nhiêu. Chết bỏ, nghỉ khỏe. Ta là trâu, Chúa là thợ cày. Trâu kéo cày, Chúa sắm cày. Chúa không sắm cày thì trâu nghỉ…”

Dáng người cha nhỏ bé, khiêm cung lắm. Ai gặp cha sẽ mến ngay. Từ một linh mục miền Bắc, ngài xung phong đi truyền giáo ở vùng Năm Căn, và cuộc đời ngài đã gắn liền với vùng đó suốt hơn 25 năm, từ cái thuở vùng đất còn hoang sơ, “khỉ không dám ho, cò không dám gáy”. Những năm tháng truyền giáo, người ta hay hỏi cha Hậu: “Cha xây được bao nhiêu cái nhà thờ rồi?”. Ngài đáp: “Chòi thờ thì có, nhà thờ thì không”. Thật ra, ước mơ đời ngài là xây nhưng nhà thờ tâm hồn, chứ không phải xây những nhà thờ vật chất. Việc đó cần, nhưng chắc Chúa muốn dành cho người khác làm.

Những Tác Phẩm Của Lm. Pio Ngô Phúc Hậu:
1- Nhật ký Đức Giê-su
2- Những “Dấu Chân” Của Thầy Yêu Dấu
3- Như Trái mắm
4- Viết Cho Em
5- Nhật Ký Truyền Giáo

*** Số thứ tự các bài PiôHậu, được đánh số theo thời gian sưu tầm trên internet.

*** Nhật Ký Truyền Giáo , xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1996 và in ba lần ở Hoa Kỳ 1999, 2000, 2006.

*** Viết Cho Em, Sài Gòn, 2002.
(“Em” là những nhân vật linh mục gặp trên đường đời, nam có, nữ có, với tư cách là nhà giáo, hoặc người đi truyền đạo Chúa, rao giảng Tin Mừng).

*** Nhật Ký Đức Giê-su, Sài Gòn, 2005.
(Nhật Ký Đức Giêsu chỉ là một thể cách nguyện gẫm của tác giả. Đó là những khoảnh khắc tác giả tưởng nhớ về Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình)


Trích sách “Như Trái Mắm” – Lm Pio Ngô Phúc Hậu

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang