Giải Nobel Hoà Bình.
Kansas – Thêm một lần nữa, giải Nobel Nobel Hòa bình được công bố và một lần nữa một giáo hoàng không được giải.
Danh dự năm nay thuộc về các nhà vận động nhân quyền ở Nga, Belarus và Ukraine, điều mà nhiều người xem là sự lên án ngầm Tổng thống Nga Vladimir Putin và cả cuộc chiến của ông ở Ukraine cũng như xu hướng chống dân chủ của ông ở nước Nga.
Memorial, Tổ chức Tưởng niệm của Nga, Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine và Ales Bialiatski của Belarus sẽ chia sẻ số tiền thưởng là 10 triệu krona Thụy Điển, khoảng 900.000 USD và sẽ nhận giải thưởng trong buổi lễ vào ngày 9 tháng 12 được tổ chức tại Oslo, Na Uy.
Trong khi đã có bốn tổng thống Hoa Kỳ đã được giải (Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Jimmy Carter và Barack Obama), cùng với một số thủ tướng và chính khách của các quốc gia khác, nhưng không có giáo hoàng nào được vinh danh kể từ khi giải thưởng bắt đầu vào năm 1901.
Các giáo hoàng là người thường xuyên được đề cử, vì năm nay Đức Phanxicô lại được ông Dag Inge Ulstein, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế của Na Uy đề cử, ông trích dẫn “những nỗ lực giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như công việc hướng tới hòa bình và hòa giải của ngài”.
Trước khi công bố vào ngày thứ sáu 7 tháng 10, các nhà cá cược trực tuyến đã cá Đức Phanxicô 15 – 1, tỷ lệ ít nhiều tương tự với nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg và Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc. Trong nhiều năm, đôi khi tôi được yêu cầu sẵn sàng lên truyền hình đâu đó vào ngày thông báo giải, trong trường hợp giáo hoàng nhận giải; và chẳng khi nào tôi có dịp nói.
(Đôi khi tôi đã tính chuyện làm hóa đơn cho tất cả các khoản chi phí xuất hiện mà tôi chưa bao giờ nhận, nhưng bằng cách nào đó, tôi nghi họ sẽ thanh toán hóa đơn.)
Cho đến nay, có bốn nhà lãnh đạo công giáo đã nhận được Giải thưởng Hòa bình:
Linh mục Dominique Pire, tu sĩ dòng Đa Minh người Bỉ được vinh danh năm 1958 vì công việc giúp đỡ người tị nạn châu Âu sau chiến tranh. Mẹ Têrêxa, Calcutta, nhận giải năm 1979 vì những nỗ lực để làm giảm đau khổ cho nhân loại.
Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, người đã cùng chính trị gia José Ramos-Horta nhận giải năm 1996 vì sự lãnh đạo của họ để có giải pháp hòa bình và công bằng cho cuộc xung đột ở Đông Timor dẫn đến độc lập quốc gia.
Linh mục Jose Ramon Tizon Villarin, tu sĩ Dòng Tên người Philippines, là thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã nhận giải Nobel năm 2007.
Gần đây giám mục Belo đã phải đối diện với cáo buộc lạm dụng tình dục và hành vi sai trái, dẫn đến lệnh trừng phạt chưa được tiết lộ trước đó của Vatican vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bất kỳ đề xuất nào về việc giải Nobel của giám mục sẽ có thể bị thu hồi.
Kể từ Đức Bênêđíctô XV (1914-1922), mỗi giáo hoàng vào một lúc nào đó đều nhận một đề cử, nhưng cho đến nay chưa có giáo hoàng nào trở thành người nhận giải Nobel.|
Tại sao các giáo hoàng không được giải?
Đầu tiên, giải Nobel Hòa bình được một ủy ban gồm năm thành viên do quốc hội Na Uy chọn, một quốc gia theo truyền thống tin lành, và sự quan tâm đến các giáo hoàng không đặc biệt cao.
Không phải là các nghị sĩ Na Uy bị cuốn vào các cuộc tranh luận cũ, nhưng chung chung, ở một đất nước mà bản sắc dân tộc được rèn giũa một phần thông qua việc từ chối quyền lực của giáo hoàng, việc trao một giải thưởng như vậy cho một giáo hoàng không phải là điều tự nhiên nhất nên làm.
Trong một số trường hợp, thành kiến chống giáo hoàng là rõ ràng. Khi Giám mục Gunnar Stalsett giáo phận Oslo của Giáo hội Na Uy, người ở trong ủy ban giải Nobel Hòa bình từ năm 1985 đến năm 1990 và từ năm 1994 đến năm 2003, ông đã tuyên bố rõ ràng, ông sẽ không ủng hộ việc đề cử giáo hoàng Gioan-Phaolô II do lập trường của Giáo hội công giáo về biện pháp tránh thai.
Vào thời điểm đó, nhiều nhà quan sát nghĩ rằng nếu không có quyền phủ quyết không chính thức của Stalsett, thì Đức Gioan-Phaolô II có thể đã được vinh danh năm 1990 cùng với Mikhail Gorbachev vì vai trò của họ trong việc giải thể đế chế Liên Xô một cách hòa bình.
Một phần lô-gích của việc không trao giải cho các giáo hoàng liên quan đến thực tế là các giáo hoàng không cần tiền, cũng như không cần sự chú ý của giới truyền thông mà giải thưởng luôn tạo ra, trong khi các nhà hoạt động và tổ chức ít được biết đến hơn có thể được hưởng lợi rất nhiều từ hai việc này.
Tất nhiên, những lập luận tương tự có thể được đưa ra về việc trao giải thưởng cho các tổng thống, thủ tướng và những nhân vật nổi tiếng khác của công chúng, điều này đã không ngăn được ủy ban trước đây đã thực hiện chính xác điều đó.
Cuối cùng, có lẽ công bằng mà nói, có một thành kiến mơ hồ theo chủ nghĩa thế tục trong quá trình này, cho rằng tôn giáo chỉ đơn giản là không quan trọng hoặc cũng không hữu ích trong các vấn đề toàn cầu như Realpolitik (Chính trị thực dụng) hoặc xã hội dân sự. Trong suốt 121 năm giải thưởng đã được trao, tương đối ít người đoạt giải là các nhân vật tôn giáo dưới bất kỳ hình thức nào – Lutheran Ar Thụy Điển, tổng giám mục Nathan Sưderblom năm 1930, tổng giám mục Desmond Tutu của Nam Phi năm 1984 và Đức Lạt ma năm 1989 nằm trong số ít các trường hợp ngoại lệ.
Dĩ nhiên, không phải việc không được giải Nobel một cách nào đó làm giảm thẩm quyền đạo đức của giáo hoàng, hay chính các giáo hoàng cũng mong muốn được công nhận. Các giáo hoàng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi – năm 2013, Đức Phanxicô được tạp chí Time chọn là người của năm, ngài được giải thưởng Charlemagne vì sự thống nhất của châu Âu và thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa của Rolling Stone.
Mặt khác, không phải Vatican không nhận thấy. Trong những năm thời Đức Gioan-Phaolô II, nhân viên các cơ quan truyền thông Vatican đôi khi được khuyên nên giảm tối thiểu việc loan tin với lý do, trên thực tế, bất kỳ người chiến thắng nào không phải là giáo hoàng đều là một sự xúc phạm.
Trong bất kỳ trường hợp nào, các quy chế của Giải thưởng Nobel Hòa bình nêu rõ, giải sẽ được trao cho những người đã “làm nhiều nhất hoặc làm công việc tốt nhất cho tình huynh đệ giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực và cho việc nắm giữ và thúc đẩy hòa bình.”
Thật khó để tin rằng trong suốt 121 năm qua chưa một lần nào có vị giáo hoàng nào đủ tiêu chuẩn – tất nhiên, trừ khi, có một số lý do mà ủy ban chỉ đơn giản là không muốn công nhận một giáo hoàng.
Lượt xem: 480