Tắt Quảng Cáo [X]

Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (4)

02:02 07/12/2023
hoc du
“CHÚNG TA NÊN XEM XÉT SẢN PHẨM, TÁC PHẨM TỰ NÓ VÀ ĐƯỢC QUYỀN ĐÁNH GIÁ NÓ THEO Ý CHÚNG TA”. – KHÔNG! KHÔNG PHẢI VẬY! (Trả lời một ý kiến của anh Tran Xuan Hien)
***
Anh Tran Xuan Hien tự giới thiệu mình qua các bình luận là một giáo dân “bảo thủ”, “ôn hoà”, có “máu me”, đã tốt nghiệp ĐH Luật và đã học về Học thuyết Xã hội Công giáo…; anh coi bài hát KHB-2023 kia là “hay”, người Công giáo có quyền tự do sử dụng và phổ biến ngoài nhà thờ và điều này là “đúng tinh thần” của Kinh Hoà Bình…

Tôi thấy quan niệm của anh là một kiểu suy nghĩ khá phổ biến hiện nay ở Việt Nam, không phải chỉ trong việc liên quan đến KHB-2023 của sư ông Chân Quang mà còn trong nhiều lãnh vực khác.

Ý thức rằng trong những sai lạc và tội lỗi của giáo dân, tôi (và chúng tôi), trong tư cách linh mục, có một phần trách nhiệm rất lớn, nên tôi viết ít dòng trả lời anh và cũng là để mỗi giáo dân biết ứng xử thế nào cho phải đạo. Đừng vội vàng và dễ dãi đi theo đủ thứ quan niệm nguy hại của thế gian mà không có sự phê bình đúng sai theo nhãn quan Công giáo!
***
Xem các bài phân tích trước tại đây:
Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (2)
Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (1)
Bàn về bài hát “Kinh Hòa Bình 2023” của Sư ông Thích Chân Quang (3)
__________
“XEM XÉT SẢN PHẨM, TÁC PHẨM TỰ NÓ”

Anh Tran Xuan Hien kính mến!

Quan niệm, “chúng ta nên xem xét sản phẩm, tác phẩm tự nó” mà anh chủ trương, chỉ đúng phần nào tuỳ sản phẩm, tuỳ lãnh vực, tuỳ hoàn cảnh! Trong thế giới văn minh người ta thường không áp dụng nguyên tắc này. Vì sao?

Vì, thứ nhất, một cách tự nhiên, “nhân sao vật vậy”, “người làm sao chà rào làm vậy”, nếu không hiểu con người làm sao hiểu sản phẩm? Nếu đánh giá một tác phẩm nghệ thuật mà tách ra khỏi tác giả thì làm sao mà đánh giá đúng về tác phẩm ấy?

Vì, thứ hai, con người là sinh vật xã hội, có tương quan, có luật pháp và nhất là có luân lý, nếu thực hành chủ trương“xem xét sản phẩm, tác phẩm TỰ NÓ” thì chúng ta sẽ mở đường cho sự vô luân và rối loạn xã hội!

Thí dụ, tiền là “sản phẩm” hay “tác phẩm” giá trị nhất! Một cách tổng quát có thể nói vậy! Thế nhưng mình không được xem xét tiền theo giá trị tự thân của nó; không phải tiền nào cũng như tiền nào, vì trên thực tế có “tiền bẩn”.

Tiền tự nó không “bẩn”, nó được coi là “bẩn” vì người làm ra nó “bẩn” (vô đạo đức) và tiền ấy là kết quả của quá trình làm ăn phi pháp và vô luân như tham nhũng, buôn người, bán ma tuý, vân vân.

Tiền đã “bẩn” thì phải cấm! Cả xã hội và Giáo Hội đều cấm! Cấm làm, cấm nhận, cấm chuyển, cấm rửa, cấm dùng ! Nếu vi phạm không những có tội luân lý mà còn là tội hình sự ! Tù ! Vì nếu không sẽ mở đường cho tội ác, tức cho sự huỷ diệt con người và sự rối loạn xã hội.

Cũng vì quan niệm nhân văn như vậy mà ngày nay các nước văn minh cấm nhập khẩu và tẩy chay sản phẩm và dịch vụ của các công ty huỷ hoại môi sinh, vi phạm nhân quyền hoặc liên kết với các tổ chức khủng bố; người ta cũng sa thải hoặc tẩy chay các văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, vì có những lời nói và hành động bất xứng, làm tổn hại đến các tôn giáo khác và các nhóm người khác.

Vậy làm sao “chúng ta có thể xem xét sản phẩm, tác phẩm tự nó” được?!

Liên quan đến việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, nhất là tác phẩm thánh nhạc, lại càng không thể áp dụng nguyên tắc “xem xét tác phẩm tự nó” như anh chủ trương, vì nếu không biết và không hiểu con người và cuộc đời của tác giả, sẽ không thể hiểu tác phẩm, nếu có cũng phiến diện, lệch lạc và thậm chí hiểu sai hoàn toàn và còn làm cớ cho người ta vấp phạm!

Do đó, một bài thánh ca, dù chỉ để phổ biến cho giáo dân hát ngoài nhà thờ, thì việc tìm hiểu tác giả là cần thiết. Đức Thánh Cha Pius XII trong thông điệp MSD đã bàn nhiều về tác giả viết thánh ca và những quan niệm sai lầm về quyền tự do sáng tác! Ngài nói thẳng ai xa cách Thiên Chúa, không tuyên xưng chân lý đức tin và sống vô đạo đức thì đừng viết thánh ca! Có viết thì bài hát cũng chẳng giúp gì cho đời sống đạo các tín hữu.

Đối với một người Công giáo, để phổ biến một bài thánh ca như KHB-2023 của TT. Thích Chân Quang, chúng ta cần phải xem xét tác giả là ai. Nếu đó là một người đã có những phát ngôn chống Công giáo, hoặc có những lời giảng dạy và những quan niệm vô nhân bản, trái với luật tự nhiên và vi phạm quyền con người, thì luân lý và lương tâm Công giáo không cho phép chúng ta phổ biến bài “thánh ca” do sư ông “làm”!

“VÀ ĐƯỢC QUYỀN ĐÁNH GIÁ NÓ THEO Ý CHÚNG TA”.

Điều anh viết này, cũng như quan niệm trước, là một quan niệm chủ quan và cực đoan, đúng ít sai nhiều. Tại sao? Mỗi người có quyền đánh giá một sản phẩm theo ý mình! Đồng ý! Nhưng vấn đề là đánh giá của mình có đúng không, có chính xác không, có khách quan không, có giá trị không? Thưa: Không!

Vì, một mặt, mỗi người có trình độ văn hoá khác nhau, năng khiếu khác nhau, khả năng tư duy khác nhau, chuyên môn nghề nghiệp khác nhau, tình cảm yêu ghét khác nhau, cho nên kết quả đánh giá một một sản phẩm/tác phẩm cũng khác nhau, có khi đủ khi thiếu khi đúng khi sai, thậm chí có khi sai hoàn toàn.

Thí dụ tôi làm tu sĩ thì tôi hiểu biết gì về các con chips mà tôi đòi đánh giá nó và là đánh giá theo ý tôi? Tôi là một nông dân chưa từng học về mỹ thuật, không hiểu gì về hội hoạ làm sao đánh giá một bức tranh của Leonardo da Vinci? Nếu có cũng chỉ là nói bừa và chẳng có giá trị!

Một người ngoại đạo, không biết giáo lý Công giáo, sống vô đạo đức, không hiểu về âm nhạc, đặc biệt là thánh nhạc, làm sao có thể nói mình đủ khả năng để nói một bài thánh ca là “hay” hoặc “không hay”, là “đạt” hay “không đạt” các yêu cầu của thánh nhạc?

Vậy khi đánh giá về một sản phẩm khoa học-kỹ thuật hoặc một tác phẩm nghệ thuật thì ý riêng của mỗi chúng ta chẳng có giá trị gì, trừ khi “mỗi chúng ta” ở đây là chuyên viên về lãnh vực đấy và có hiểu biết đủ về lãnh vực đấy.

Tôi nói phải hiểu biết đủ, vì như anh thấy ở VN hiện nay rất phổ biến hiện tượng người ta xưng mình là tiến sĩ, là chuyên viên nọ kia nhưng không hiểu biết đủ về lãnh vực của mình, cứ mở miệng ra là nói bừa và nói bậy, phát ngôn những câu rất ngớ ngẩn và ban hành những quyết định sai lầm gây thiệt hại cho dân nước và làm trò cười cho thiên hạ!

Mặt khác, trên thực tế, cái mà anh gọi là “ý chúng ta” trong đánh giá không bao giờ là hoàn toàn là “ý chúng ta”, vì ngoài vốn tri thức và năng lực tư duy sẵn có, khi đánh giá một sự vật hiện tượng cụ thể, dựa trên những tri thức đã có, mỗi người còn phải dựa trên một quan điểm nào đó và dựa trên những tiêu chí cụ thể nào đó.

Đấy cũng là bước quan trọng đầu tiên phải xác định trước khi đánh giá và cũng là cơ sở để có thể đối thoại, kẻo nếu không sẽ rơi vào cảnh ông nói gà bà nói vịt: người bảo thế này là đúng, người bảo thế kia mới phải, trong khi mỗi người chỉ dựa trên suy nghĩ chủ quan nặng cảm tính chứ không phải một hệ thống quan niệm chắc chắn và/hoặc chỉ dựa trên một số yếu tố phụ thuộc, lẻ tẻ chứ không phải một hệ thống những lý chứng quan trọng nhất để xác định cái đúng sai hay dở của một sản phẩm hoặc tác phẩm.

Mỗi sản phẩm, tác phẩm và mỗi vấn đề thường có một phương pháp đánh giá thích hợp. Liên quan đến việc thẩm định để phổ biến một bài thánh ca, ngoài phương diện nghệ thuật thuần tuý, việc đầu tiên cần xác định và thống nhất đó là mình phải đánh giá trong tư cách là Kitô hữu, dựa trên quan điểm đức tin Công giáo.

Do đó, ở đây, liên quan đến bài hát KHB-2023, chúng ta không có quyền “đánh giá nó theo ý chúng ta” mà phải đánh giá theo các tiêu chí của Giáo Hội về lãnh vực thánh nhạc. Nếu anh ở bên ngoài Giáo Hội, là một Phật tử hoặc một người vô thần và duy vật, anh có quyền tự do đánh giá theo ý riêng anh, nhưng đánh giá của anh sẽ chủ quan, phiến diện, lệch lạc và vô giá trị.

Trong tư cách là người Công giáo, chúng ta không đánh giá một bài thánh ca theo tình cảm yêu ghét tiên thiên của mình, nhưng phải quy chiếu theo đức tin và theo giáo huấn của Giáo Hội về thánh nhạc! Ở đây ý Chúa và ý của Giáo Hội mới quan trọng! Ý riêng chúng ta dù hay mấy đi nữa cũng chẳng có giá trị gì! Nếu có gì giá trị thì nó phải nằm trong ý Chúa và ý Giáo Hội!

Anh có quyền bảo Giáo Hội là “độc tài” và có quyền đòi tự do! Bao nhiêu nghệ sĩ thiên tả cực đoan xưa nay cũng nói vậy và đòi vậy! Nhưng Giáo Hội không thể chiều theo ý muốn ngông cuồng, phóng túng và chủ quan của mỗi cá nhân, nhất là khi đó lại là các cá nhân sa đoạ về tư tưởng và hành động! Giáo Hội có nguyên tắc của mình. Giáo Hội luôn muốn điều tốt nhất cho mỗi tín hữu và cho thế giới và Giáo Hội xác tín về bổn phận giáo huấn của mình!

Kính chào anh! Xin Chúa cho tôi và cho anh được khiêm hạ tìm kiếm sự thật, nhận biết sự thật và bước đi trong đường lối của Chúa giữa lòng Giáo Hội và thế giới.

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang