Tắt Quảng Cáo [X]

Giáo xứ Phú Ốc

11:36 04/08/2021
hoc du

Giáo xứ Phú Ốc phần lớn nằm trên địa bàn xã Lộc Hòa, Phường Lộc Vượng, cách trung tâm thành phố Nam Định 3km về phía Đông Nam, một phần nằm trên địa bàn xã Mỹ Thắng, Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; phía đông giáp xứ Tường Loan; phía nam giáp xứ Nam Định và Trình Xuyên; phía tây giáp xứ Trại Mới; còn phía bắc giáp xứ Bảo Long.

Giáo xứ Phú Ốc phần lớn nằm trên địa bàn xã Lộc Hòa, Phường Lộc Vượng, cách trung tâm thành phố Nam Định 3km về phía Đông Nam, một phần nằm trên địa bàn xã Mỹ Thắng, Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; phía đông giáp xứ Tường Loan, phía nam giáp xứ Nam Định và Trình Xuyên; phía tây giáp xứ Trại Mới; còn phía bắc giáp xứ Bảo Long.
Nhân ngày kỷ niệm 15 năm cung hiến nhà thờ, chúng ta cùng nhìn lại một chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ để mà tự hào, tri ân và tiếp bước cha anh kiên vững trong đức tin, tiếp nối và phát triển bề dày truyền thống đạo đức mà các ngài đã để lại cho chúng ta.
1. Tên gọi và nguồn gốc Giáo Xứ
LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO……….
Không biết cái tên “Phú Ốc” có từ bao giờ và ý nghĩa thực sự ra sao; nhưng chắc có lẽ nó đã có từ rất lâu rồi, vì ngay như các cụ cao tuổi trong làng hiện còn sống cũng không biết nguồn gốc của cái tên này.
Có nhiều người hay trọc quê chúng tôi: chắc là Phú Ốc có nhiều ốc nhồi, ốc vặn lắm nhỉ!!! Nhưng chắc có lẽ không phải vậy! Vì theo chữ Nho, Phú có nghĩa là giầu có, nhiều của cải, còn Ốc là nhà. Như thế, Phú Ốc không phải là có nhiều ốc, nhưng là nhà giàu, nhà có nhiều của cải.
Nhưng nếu ai đó đã từng ghé thăm Phú Ốc thì đều biết nơi đây chẳng có mấy nhà sang trọng. Giàu có về vật chất thì chưa thấy nhiều, nhưng giàu đức tin, giàu truyền thống đạo đức, giàu nhân ái thì xem ra thật dồi dào. Nhìn vào nếp sống đạo và số người dâng mình phục vụ Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận thấy ngay điều này.
Không biết tự bao giờ và bằng cách nào những vị tiền nhân đã đặt chân đến mảnh đất này và hình thành nên giáo xứ Phú Ốc thân yêu. Đây là mảnh đất rất gần khu di tích Đền Trần và cách khá xa các giáo xứ lớn từ Kẻ Vĩnh đến Kẻ Trình. Theo lời các cụ để lại thì giáo xứ được tách ra từ Kẻ Trình, nay là giáo xứ Trình Xuyên. Và được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ 20.
2/ Nhà thờ và các Cha quản nhiệm
Theo các nguồn tư liệu để lại thì ngôi thánh đường đầu tiên của giáo xứ là ngôi nhà thờ được lợp bằng lá theo kiểu nhà Nam, nằm trên phần đất của gia đình nhà cụ Chương Tho; ngày đêm tiếng kinh cầu được vang lên trong ngôi nhà thờ đơn sơ nhỏ bé này. Năm tháng êm đềm trôi qua, con số giáo dân ngày càng gia tăng không ngừng, khuôn viên ngôi thánh đường xưa kia dần trở nên chật chội và bất tiện cho việc đi lại và tổ chức các sinh hoạt của xứ đạo. Nhận thấy điều này, cha già Phêrô Trần Ngọc Ninh (là Cha xứ tiên khởi) đã thương lượng với một số hộ gia đình xung quạnh chuyển đổi di dời để xứ đạo có được khu đất rộng rãi hơn, thuận tiện cho việc sinh hoạt tâm linh của bà con trong xứ đạo. Khoảng năm 1912, cha đã cho khởi công xây dựng ngôi thánh đường trên mảnh đất mới này. Công trình xây dựng vừa mới hoàn thành xong phần móng, ngài được Bề trên giáo phận thuyên chuyển đi nơi khác và thay ngài là Cha già Gioan Bao-ti-xi-ta Trần Đức Quảng người làng kẻ Sét – xứ Bảo Long. Ngay sau khi tiếp quản giáo xứ, nhận thấy lòng khao khát hoàn thành ngôi thánh đường của bà con giáo dân, Cha già Gioan đã cho tiếp tục công việc xây dựng nhà thờ. Sau 10 năm nỗ lực xây dựng, đến năm 1922 ngôi thánh đường khang trạng với tháp chuông cao 25m đã được hoàn thành và được cung hiến, cũng trong năm này giáo xứ đã nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thày xứ đạo. Khi đã có ngôi thánh đường mới, cha Gioan tiếp tục cho xây dựng nhà xứ, đến năm 1929 ngôi nhà xứ cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Khi nói đến cho già Gioan Bao-ti-xi-ta chúng ta không thể nào không nhắc đến công lao to lớn của ngài trong việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho giáo xứ, mà còn phải nhắc đến sự miệt mài và tận tình của ngài trong việc xây dựng giáo xứ Phú Ốc lớn mạnh về đời sống đức tin, đoàn kết yêu thương trong các sinh hoạt giáo xứ. Cha già Gioan đã được Chúa gọi về ngày 24-3-1950 trong niềm tiếc thương vô bờ của toàn giáo phận Hà Nội nói chung và những người giáo dân Phú Ốc nói riêng.
Tiếp tục công việc của cha Cố Gioan, cha Phêrô Đỗ Đạt Khoát quê ở Phát Diệm đã được bề trên giáo phận gửi đến cho giáo xứ Phú Ốc, chẳng được bao lâu sau, năm 1952 ngài lại được Bề trên thuyên chuyển đến giáo xứ Động Linh.
Từ đây, giáo xứ Phú Ốc không có cha xứ coi sóc trực tiếp nữa mà được đặt dưới sự quản nhiệm của cha xứ Nam Định, bắt đầu từ thời cha già Vượng. Năm 1956 cha Phaolô Lê Đắc Trọng quen gọi là cha Tổng tá hay cha Chính Trọng đã về làm chính xứ Nam Định và ngài quản nhiệm luôn giáo xứ Phú ốc này.
Ngôi thánh đường do cha cố Gioan xây dựng, sau 38 năm đã dần xuống cấp, nên đến năm 1960 cha Phaolô đã cho trùng tu để tiện lợi trong việc sinh hoạt của giáo xứ. Ngôi thánh đường mới được trùng tu chưa sử dụng được bao lâu thì vào cái đêm định mệnh ấy, đêm 15/01/1968, vào lúc 0h15’, khi dân làng đang yên giấc, trong một trận oanh tạc của không lực Hoa Kỳ, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển của làng Ốc, sức ép của quả bom đã làm sụp đổ hoàn toàn hai mái của nhà thờ, chỉ còn lại cây tháp vẫn đứng hiên ngang như biểu tượng của niềm tin của dân làng Phú Ốc.
Cả làng thức dậy trong cơn bàng hoàng và hoảng loạn với những tiếng kêu hỗn loạn: “Nhà thờ mất rồi! nhà thờ mất rồi!”. Nén nỗi đau thương mất mát, giáo dân có sáng kiến xin cha xứ cho rỡ bức tường ngăn giữa nhà khách và nhà nghỉ của cha xứ để làm nơi dâng lễ và nơi dân làng sớm tối qui tụ đọc kinh chung với nhau, nhà xứ giờ đây biến thành nhà nguyện. Tới mùa mưa năm 1972, một trận bão khủng khiếp đã giật đổ nốt cây tháp, tuy nhiên không gây ra thiệt hại nào về nhân mạng. Ngôi nhà thờ đến thời điểm này vừa tròn 46 tuổi (1922-1968). Đây là tổn thất vô cùng lớn lao, một thử thách Chúa đã gửi đến cho giáo dân Phú Ốc.
Dân làng cố gắng ổn định cuộc sống và tiếp tục bắt tay xây dựng đời sống giáo xứ trong niềm hy vọng sớm có ngôi nhà thờ mới. Hằng ngày, bà con giáo dân họp lại đọc kinh chung tại ngôi nhà nguyện, nhưng vào thứ bảy và Chủ nhật, cả làng lại đi bộ khoảng 3 cây số tới giáo xứ Nam Định để tham dự thánh lễ.
Nhà thờ bằng gạch ngói tuy đã bị đổ nát, nhưng niềm tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa và niềm hy vọng sớm có ngôi thánh đường để ca tụng và tôn vinh Chúa của bà con giáo dân không ngừng được lớn lên, cuối cùng niềm khao khát đó đã được Chúa nhận lời.
Ngày 06/6/1993, nhằm ngày lễ Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cha chính Phaolô Lê Đắc Trọng đã dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên của công trình xây dựng nhà thờ mới. Công trình bước đầu tuy gặp nhiều khó khăn vì phải khắc phục những hố bom lớn, hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng được sự khích lệ động viên của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, quý cha trong và ngoài giáo phận, cũng như quý tu sĩ nam nữ và giáo dân các vùng lân cận (Bình Lục, Phủ Lý, Phú Đa, Mỹ Lộc, Vụ Bản…) đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của những người con Phú Ốc xa quê, nên công trình xây dựng vẫn tiến triển tốt đẹp. Ngôi thánh đường mới được xây dựng trên nền móng của ngôi thánh đường cũ đã bị bom phá đổ, như muốn tiếp nối niềm tin kiên vững của những bậc cha anh đã dày công hun đúc và giữ gìn cẩn thận.

Giáo xứ Phú Ốc
Giáo xứ Phú Ốc

Sau 7 năm hiệp nhất, nỗ lực và kiên trì xây dựng, công trình đã tương đối hoàn thiện. Vào một ngày của Đại Năm Thánh 2000, ngày 19/6 nhằm lễ Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã cắt băng khánh thành và dâng thánh lễ cung hiến ngôi nhà thờ này. Nhà thờ mới được xây theo kiểu kiến trúc Á – Âu, nguy nga và to lớn hơn rất nhiều ngôi nhà thờ bị bom đạn tàn phá. Nó có chiều dài 65m, chiều rộng 17m, chiều rộng gian cung thánh 25m, nóc cao 18m, tháp chuông lớn cao 40m, tháp nhỏ cao 23m.
Từ năm 1994 đến năm 2007, giáo xứ Phú Ốc được quản nhiệm bởi hai cha Cha Mat-ti-nô Nguyễn Bá Thỉnh quê ở Kẻ Báng, giáo xứ Xuân Bảng ngày nay. Và cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Kiều Ngọc Viên quê xứ Trại Mới. Trong suốt thời gian này, giáo xứ êm đềm phát triển và củng cố đời sống đức tin của mình.
Sau 55 sống trong sự thiếu vắng các cha ở trực tiếp tại giáo xứ, giáo dân Phú Ốc khao khát một ngày nào đó lại được đón cha về ở để ngày ngày được tham dự thánh lễ. Đáp lại tấm lòng ước ao thành thực đó, đến năm 2007, dưới sự quản nhiệm của cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh, Chúa đã tiếp tục gửi cha Phêrô Trần Văn Việt quê xứ Khoan Vĩ về làm phó xứ Nam định nhưng ở tại Phú Ốc đến với giáo xứ trong sự chào đón nồng nhiệt của toàn thể giáo dân xứ Phú Ốc.
Đáp lại lòng yêu quý của giáo dân, cha đã nỗ lực cùng với cha xứ khôi phục đời sống đức tin giáo xứ, không những thế, cha còn có công xây dựng ngôi nhà xứ khang trang mà chúng ta thấy hiện nay. Hoàn thành công trình nhà xứ chưa được bao lâu thì cha lại được Bề trên cử đi nơi khác. Giáo xứ tiếp tục được Cha giám quản Gioan Bao-ti-xi-ta Lê Xuân Tuyến quê xứ Yên Kiện tiếp nhận. Cha đã giúp kiện toàn giáo xứ, củng cố các hội đoàn. Nhận thấy nhu cầu của giáo xứ thường xuyên có những thánh lễ đồng tế, cha đã xin phép Đức Giám mục cho thiết kế lại gian cung thánh của ngôi thánh đường hiện thời, và chúng ta có thể nhận thấy sự hợp lý và lộng lẫy của nó như ngày nay.
Đến năm 2012, cha Antôn Tạ Hữu Phương quê xứ Sở Hạ đã được Bề trên cử đến để ở với giáo xứ thay cho cha Gioan. Đây là cha xứ đầu tiên sau suốt thời gian dài không có cha xứ ở trực tiếp tại giáo xứ. Biết được còn nhiều người trong giáo xứ chưa có hội đoàn nào để sinh hoạt, cha đã để tâm thành lập thêm các hội đoàn, làm cho các hoạt động của giáo xứ thêm nhộn nhịn hơn. Không những thế, cha cũng cho khởi công xây dựng nhà giáo lý để các em thiếu nhi trong giáo xứ có nơi học giáo lý nhằm nâng cao kiến thức trong đạo. Công việc đang dang dở, năm 2014 cha được Bề trên thuyên chuyển đi nơi khác để lại giáo xứ cho Cha Giuse Nguyễn Văn Ngọc quê xứ Đồng Phú.
Cha Giuse đã hoàn tất công trình nhà giáo lý mà cha Antôn đã khởi công; ngài thường xuyên tổ chức những chương trình nhằm khôi phục các hoạt động của giáo xứ, làm cho giáo xứ tươi trẻ và năng động hơn. Đồng thời, ngài cũng thao thức và đang nỗ lực khôi phục các phong trào đạo đức và giới trẻ đã bị mai một qua nhiều năm tháng không được chăm sóc. Cha Giuse là con người trẻ trung và năng động, hy vọng ngài sẽ mở ra một thời kỳ tươi sáng cho con người cũng như đời sống đạo của giáo xứ Phú Ốc chúng ta.
Nhà thờ
– Lịch sử về các nhà thờ trong giáo xứ: trước đây đã từng có 1 nhà thờ trong lịch sử giáo xứ, thời điểm xây dựng và khánh thành vào năm 1922 và bị bom bỏ, nhà thờ xụp đổ vào năm 1968.
Nhà thờ hiện tại khởi công xây dựng từ năm 1993 và khánh thành vào 06/06/2000.
– Chiều dài: 60 m
– Chiều rộng: 27 m
– Tháp cao: 40 m
Đặc điểm:
– Có 4 hài cốt của các vị tử đạo tại pháp trường Bảy mẫu (chưa được phong chân phước), hiện đang quản tại giáo xứ Phú Ốc đó là các vị:
1. Cụ Linh
2. Cụ Nhém
3. Cụ Pháp
4. Cụ Ngôn
Cơ sở trong giáo xứ
Trước đây có nhà phòng (nhà cấp bốn, lợp ngói) 5 gian. Hiện nay đang xây dựng một ngôi nhà giáo lý mới.
– Từ trước đến nay chưa từng có nhà dòng nào nằm trên địa bàn giáo xứ
Xem 360 độ nhà thờ GIÁO XỨ PHÚ ỐC: TẠI ĐÂY

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang