Tắt Quảng Cáo [X]

Đức Giáo Hoàng đã ký đơn từ nhiệm – Xin cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô

11:21 19/12/2022

Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Tôi đã ký đơn từ nhiệm trong trường hợp có vấn đề sức khỏe”

Từ “tội lỗi” của chủ nghĩa giáo quyền đến những vấn đề chính trị nhức nhối nhất, không quên những vấn đề của Giáo hội, Đức Phanxicô trả lời tất cả những vấn đề thời sự cho hãng tin ABC

Cha thường nói với những người ở xa Giáo hội. Cha không lo những người gần cha nhất, họ có cảm thấy mình bị bỏ rơi không?

Đức Phanxicô. Nếu họ tốt, họ sẽ không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nhưng nếu họ có điều gì đó nửa vời giấu kín mà chính họ cũng không biết, thì họ cũng giống như người con cả trong dụ ngôn người con hoang đàng: “Tôi đã phục vụ cha bao nhiêu năm, và bây giờ cha lại chăm sóc cho đứa con đó, và cha không quan tâm gì đến tôi.” Đó là một tội xấu xí, của tham vọng tiềm ẩn, của muốn tỏ ra, được chú ý (có thể hiểu như vậy)… Đó là sống thuộc về Giáo hội như một nơi để mình thăng tiến.

Thuyết nhị nguyên này giữa những người ở xa và những người ở gần cũng có thể được phân loại là quan điểm cấp tiến và bản chất. Triều giáo hoàng của cha đã được mười năm và người ta chỉ trích cha, nói cha quá chú trọng đến những người thiệt thòi, có thể nói như vậy, trong khi ở các khu vực truyền thống, họ cảm thấy cha thiếu một thông cảm nào đó với họ. Nó có ảnh hưởng đến cha chút nào không, khi một số trào lưu gần gũi nhất về mặt lịch sử với Giáo hội nghĩ rằng, một chú ý tương tự đã không được cha dành cho các câu hỏi về học thuyết không?

Sự chú ý vẫn như cũ. Đôi khi có những lập trường của đức tin non nớt, không cảm thấy an tâm và bị trói buộc vào một điều, họ bám víu vào những gì đã làm trước đó. Vấn đề không phải là truyền thống. Truyền thống là nguồn cảm hứng. Truyền thống là gốc rễ của chúng ta, để chúng ta phát triển và tiếp tục phát triển và làm cho chúng ta phát triển lên cao. Vấn đề là đi lui.

Theo nghĩa nào?

Trong tiếng Ý, tôi gọi đó là ‘indietrismo’: “Không, tốt hơn là nên làm như trước”, “an toàn hơn”, “đừng mạo hiểm”. Mà đi ngược lại. Và Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái viết: “Chúng ta không phải là những người đi lui, nhưng là những người đi tới”. Tội lỗi là đi lui để an toàn. Và tôi nghĩ điều đó xảy ra trong Giáo hội.

Vì lo sợ cho hiện tại hay tương lai…

Cho tương lai. Một nhạc sĩ nói rằng truyền thống là sự đảm bảo cho tương lai. Và truyền thống đó là đức tin sống của những người chết; nhưng chủ nghĩa truyền thống là niềm tin chết của người sống. Truyền thống sẽ kéo bạn lên, truyền thống làm cho bạn phát triển.

Triết gia Ortega y Gasset đã viết, ông thích quá khứ chính xác vì nó đã là quá khứ và vấn đề nằm ở những người muốn biến quá khứ thành hiện tại.

Quá khứ truyền cảm hứng cho cha trong hiện tại.

Ý tôi là cố gắng đóng mọi thứ sẽ không hiệu quả. Đức tin phát triển, lớn lên và đạo đức phát triển, nhưng dĩ nhiên không phải là theo bất cứ hướng nào. Thánh Vincent de Lerins nói rằng, sự phát triển này phải là ‘ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate’, có nghĩa theo cách nó củng cố khi phát triển, rộng hơn theo thời gian và tế nhị hơn theo năm tháng.

Khi còn là hồng y, cha nói: “Tôi cố gắng trung thành với Giáo hội, nhưng luôn sẵn sàng đối thoại.”

Không có chân trời chúng ta không thể sống. Chúng ta phải có gốc rễ đức tin vững chắc, nhưng cần có một chân trời để phát triển. Nếu không, sẽ không có tự do, sẽ không có tự do kitô giáo.

Tháng 2 sắp tới sẽ kỷ niệm 10 năm ngày Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm.

Tôi đến thăm ngài thường xuyên và tôi học được từ sự trong sáng của ngài. Ngài sống trong chiêm nghiệm… Ngài vui tính, minh mẫn, rất sống động, ngài nói nhẹ và theo dõi câu chuyện. Tôi ngưỡng mộ trí thông minh của ngài. Ngài thật cao cả.

Cha mến điều gì nhất ở Đức Bênêđíctô XVI?

Ngài là một vị thánh. Ngài có đời sống thiêng liêng cao.

Khi xem những bức hình gần đây của Đức Bênêđíctô XVI, ở tuổi 95, chúng ta không thể tránh khỏi suy nghĩ, sẽ vô cùng khó khăn cho ngài khi điều hành Giáo hội nếu ngài không từ nhiệm.

Tương lai luôn lừa dối, vì vậy tôi không dự vào…

Quy chế của giáo hoàng danh dự có bị ràng buộc và xác định rõ ràng không?

Không. Tôi không chạm vào chút nào, và ý tưởng làm như vậy cũng không nảy ra trong đầu tôi. Sẽ là việc của Chúa Thánh Thần, tôi không lo những việc này.

Cha đã đưa nhiều phụ nữ vào các vị trí cao, nhưng vẫn chưa có ai đứng đầu bộ…

Đúng. Nhưng sẽ có. Tôi có một cái nhìn cho một bộ sẽ trống chức trong hai năm. Không có gì ngăn một phụ nữ đứng đầu một bộ mà một giáo dân có thể là người đứng đầu.

Nó phụ thuộc vào cái gì?

Nếu đó là bộ có tính cách bí tích thì phải được một linh mục hay giám mục đứng đầu. Mặc dù có những thảo luận như, liệu thẩm quyền đến từ sứ mệnh như hồng y Ouellet chủ trương hay từ bí tích như hồng y Rouco Varela chủ trương. Đó sẽ là một thảo luận hay ho giữa các hồng y, một vấn đề mà các nhà thần học tiếp tục thảo luận.

Đức Bênêđíctô XVI đã bắt đầu gặp các nạn nhân bị lạm dụng và cha tiếp tục gặp. Tôi nghĩ đây là phần khó khăn nhất trong nhiệm vụ của cha.

Đau lòng lắm, đau lắm. Họ là những người bị hủy hoại của người theo lẽ giúp họ lớn lên và trưởng thành. Điều đó rất khó. Ngay cả dù chỉ có một trường hợp thì cũng đã thật quái dị, người, theo lẽ phải đưa bạn đến gặp Chúa thì trên đường đi lại tiêu diệt bạn. Và về điều này thì không thể nhân nhượng.

Nhiệm vụ đau đớn nhất – “Không thể nhân nhượng với lạm dụng, đó là các nạn nhân đã bị hủy hoại.”

Sau một trong những buổi họp này, đã có quyết định mở lại một vụ lạm dụng ở Tây Ban Nha, tại trường Gaztelueta.

Nạn nhân kể cho tôi nghe câu chuyện của ông và ông không nhận trả lời từ phiên tòa xét xử ở Vatican. Tôi đã đến đây và đã kiểm tra. Đã có một phiên tòa, nhưng vì đã có một bản án dân sự, họ bằng lòng với bản án này và không tiến hành. Vì thế tôi chỉ định một tòa án do giám mục Teruel chủ trì, và mọi việc đang được tiến hành. Tôi không thể nói cho tiến trình đang ở giai đoạn nào, nhưng tôi biết hồ sơ đang ở trong bàn tay tốt. Nhưng đó không phải là bản án duy nhất được mở lại. Có một trường hợp khác của một linh mục Tây Ban Nha. Quá trình đã được bắt đầu nhưng bị lạc. Tôi đã chuyển cho Rota Tây Ban Nha. Và chủ tịch Rota đang tiếp tục. Chúng tôi đã mở hồ sơ lại, không chút đắn đo.

Cha có nghĩ xã hội sẽ nhận thấy, cuối cùng Giáo hội quyết tâm hành động để ngăn chặn và truy tố các trường hợp lạm dụng? Cha có nghĩ Giáo hội sẽ được ‘tha thứ’ không?

Sự việc đi trên con đường này là một điều tốt. Bây giờ việc có được tha thứ hay không, không chỉ phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng có một điều tôi muốn nói. Chúng ta phải giải thích các vấn đề với thông diễn học của thời. Như chúng ta làm với chế độ nô lệ. Vào thời điểm đó, họ tranh luận về việc nô lệ có linh hồn hay không. Thật không công bằng khi đánh giá một tình huống cổ xưa bằng phép thông diễn ngày nay. Thông diễn trước đây là che giấu mọi thứ, tiếc là bây giờ nó vẫn còn trong một số lãnh vực của xã hội như trong gia đình và khu phố.

Cha có lời giải thích nào cho những lần che đậy khác không?

Đó là một tiến bộ của nhân loại đang ngày càng phụ trách nhiều vấn đề đạo đức mà không cần phải chịu như thế này. Trở nên ngày một ý thức hơn. Đó là sự can đảm của Đức Bênêđíctô XVI. Theo thống kê, có từ 42 đến 46% các vụ xâm hại xảy ra trong gia đình hoặc hàng xóm và được che đậy. Chúng ta đã làm tương tự cho đến khi vụ bê bối nổ ra ở Boston vào năm 2002. Tại sao? Lời giải thích theo tôi là: không có đủ sức mạnh để đối diện với chúng. Cẩn thận, tôi hiểu họ không biết cách đối diện, nhưng tôi không biện minh cho họ. Đầu tiên, Giáo hội che đậy, nhưng sau đó Giáo hội có một ơn lớn, đó là mở rộng tầm nhìn và nói ‘không’ và đã đi đến những hậu quả cuối cùng.

Cha không cảm thấy thất vọng khi thấy cuộc đấu tranh này tiến triển chậm chạp sao?

Thật không may, đó là một tội ác quá lớn và chúng ta chỉ đối diện với nó ‘một chút’… Cảm tạ Chúa, chúng ta đang thực hiện các bước này. Nhưng có một điểm lạm dụng vẫn còn là một bí ẩn với tôi.

Bí ẩn nào?

Phim khiêu dâm với trẻ vị thành niên, được sản xuất trực tiếp. Nó được sản xuất ở đâu? Ở đất nước nào? Người ta không biết. Ai bao che những chuyện này? Những người có trách nhiệm với xã hội phải chú ý đến vấn đề này. Các nhóm quay phim khiêu dâm trẻ em tiếp tục hoạt động với phạm vi phủ sóng nào? Đó là tiếng kêu cứu.

Cha nói gì với những người thấy đức tin của mình lung lay khi họ biết có những vụ việc mới được đưa ra ánh sáng?

Điều tích cực trong các vụ tai tiếng này là nó làm chúng ta đặt vấn đề. Nó làm chúng ta hành động để tránh, để đóng góp phần của mình. Tôi không sợ điều này. Nếu đức tin chùn bước thì đó là đức tin còn sống. Nếu không, bạn sẽ không cảm thấy gì cả.

Tôi hình dung tất cả các vấn đề này đều đã ở trên bàn làm việc của cha, buộc cha phải có những quyết định rất đa dạng. Cha sẽ để lại lời khuyên nào cho những người kế nhiệm cha?

Tôi sẽ nói với họ rằng đừng mắc phải những sai lầm mà tôi đã mắc phải, chấm hết và không có gì khác hơn thế.

Cha có nhiều sai lầm không?

Có, có.

Điều đáng ngạc nhiên là cha đã chọn các tân hồng y có xuất xứ rất khác nhau, họ ít biết về nhau. Cha có nghĩ như thế sẽ làm cho mật nghị trong tương lai sẽ khó khăn hơn?

Đừng nghĩ đến chuyện này! Đúng, từ quan điểm của con người. Nhưng ở đó người làm việc là Chúa Thánh Thần. Có một người nào đó, tôi không biết là ai, đã đề xuất rằng việc bầu chọn tân giáo hoàng chỉ nên thực hiện với các hồng y sống ở Rôma. Đó có phải là tính phổ quát của Giáo hội không?

Một vấn đề tế nhị. Điều gì sẽ xảy ra nếu một giáo hoàng đột nhiên bị tàn tật vì sức khỏe hoặc tai nạn? Một tiêu chuẩn sẽ thuận tiện cho những trường hợp này không?

Tôi đã ký đơn từ nhiệm rồi. Tôi giao cho cựu hồng y ngoại trưởng Tarcisio Bertone. Tôi đã ký và nói với ngài: “Trong trường hợp trở ngại vì lý do sức khỏe, đây là đơn từ nhiệm của tôi.” Tôi không biết hồng y Bertone đã giao thư cho ai, nhưng tôi đã giao cho hồng y cựu ngoại trưởng.

Đức Phaolô VI cũng để lại thư từ nhiệm trong trường hợp có trở ngại vĩnh viễn.

Đúng vậy, và tôi cũng nghĩ Đức Piô XII cũng làm.

Cha chưa bao giờ nói thế.

Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện này.

Cha muốn nó được biết đến.

Đó là lý do vì sao tôi nói chuyện này. Bây giờ sẽ có người đến hỏi hồng y Bertone: “Đưa cho tôi mảnh giấy đó!” (cười). Có lẽ ngài đã giao cho hồng y Pietro Parolin, tân Quốc vụ khanh. Tôi đã đưa thư cho hồng y Bertone khi ngài còn là ngoại trưởng.


Nguồn: Phanxico

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang