Tắt Quảng Cáo [X]

Phép Lạ Lớn xảy ra ở Nhà Thờ Giáo Xứ Xóm Chiếu – Xin Cầu Nguyện

11:57 11/03/2023

Trên mạng đang truyền 1 phép chuyện lạ ly kỳ xảy có 1 không 2 hơn 100 năm đến nay.
“XÁC ƯỚP XÓM CHIẾU”

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với “Xác ướp Xóm Cải” đã quá nổi tiếng, nhưng ít người (ngay cả người Công giáo) biết rằng trong thành phố Sài Gòn có một “xác ướp” khác, hiện được lưu giữ tại Nhà Hài cốt Giáo xứ Xóm Chiếu, một xứ đạo lâu đời nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4.

Theo lịch sử Giáo xứ Xóm Chiếu, thì đây là thi hài bà Anna Nguyễn Thị Sĩ (1840 – 1906), một giáo dân gốc Xóm Chiếu. Người dân trong Giáo xứ cho biết: Khi mất, bà Sĩ được chôn tại nghĩa trang Tân Đáo. Sau này, cha Dương Hoàng Thanh – chánh xứ từ 1963 – 1975 cải táng toàn bộ về nghĩa trang Tân Quy. Lúc đó thấy hình hài bà còn nguyên vẹn, nhiều người tìm đến khấn xin, cúng bái này nọ. Tới ngày 1/3/2006, hài cốt bà được đưa về đây, đặt trong lồng kính chắc chắn.

Trong Nhà Hài cốt của nhà thờ Xóm Chiếu, thi hài bà Anna Nguyễn Thị Sĩ được bảo quản gần như nguyên vẹn. Tuy không sử dụng bất cứ chất hóa học nào nhưng da trên khuôn mặt chỉ khô lại và chuyển sang màu đen chứ không phân hủy. Dù đã qua đời hơn 100 năm nhưng nhìn bà chỉ như đang chìm vào một giấc ngủ sâu. Khi còn sống, có lẽ bà Anna là một giáo dân đạo đức, sốt sắng. Xin bà ở trên Thiên Đàng cầu bầu cho chúng con 🙏

Giáo xứ Xóm Chiếu cũng là một trong những Giáo xứ cổ xưa nhất ở Sài Gòn với gần 170 năm thành lập cùng ngôi nhà thờ xây theo lối kiến trúc Roman đậm chất Công giáo Nam Bộ.

Xóm Chiếu ẩn hiện nét cổ xưa

Giáo xứ  Xóm Chiếu (quận 4 – TPHCM) là một trong những họ đạo có niên đại thành lập rất sớm (năm 1856) trong giáo phận TPHCM. Trải qua chặng đường dài, Xóm Chiếu hiện đã thay đổi nhiều so với thuở sơ khai, nhưng mỗi khi nhắc đến, nhiều người đã từng ghé qua  vẫn nghĩ về một ngôi nhà thờ cổ, với những đường nét kiến trúc xưa, có bề dày lịch sử hiếm hoi.

MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Xã hội hiện đại với những con phố, dãy nhà mọc lên san sát làm lớp người sau khó lòng hình dung hình ảnh của Xóm Chiếu trong hơn thế kỷ trước. Nằm giữa khu trường học, chợ búa, dân cư ồn ào suốt ngày, tuy nhiên, ngôi nhà thờ hiện nay như vẫn ẩn chứa, mang trong mình thế giới riêng biệt, khó hòa lẫn. Thời khắc tiếng chuông trên nóc cao nhà thờ ngân vang, Xóm Chiếu sừng sững, uy nghiêm tựa hồ mang đến sự bình yên, thanh thản như những ngày xa xưa.

Theo bút tích của cha Phêrô Nguyễn Linh Dược, chánh xứ Xóm Chiếu từ năm 1885- 1914, vùng này trước đây rạch ngòi chằng chịt, rừng hoang cỏ rậm dày đặc. Thấy ven sông mọc nhiều cây lác, nhiều người cắt đem về dệt chiếu, tạo thành làng nghề độc đáo. Cha ghi lại: “Xứ này hiệu là Xóm Chiếu, vì thuở Phú Lang Sa (Pháp) chưa qua, ở đây đã làm nghề này”. Nhưng địa danh Xóm Chiếu chỉ được người dân nhắc nhớ trong sinh hoạt hằng ngày, chứ chưa đi vào địa bạ.

Năm 1856, giáo xứ chính thức thành lập tại vùng Rạch Thầy Tiên (đường Khánh Hội bây giờ) sau hơn 40 năm (từ 1814) là giáo họ của giáo xứ Chợ Quán, do cha Phêrô Nguyễn Văn Tuyết (tức Thuyết) coi sóc. Ba năm sau, vùng Rạch Thầy Tiên bất an, giáo dân Xóm Chiếu cùng nhau qua Rạch Bàng (gần cầu Tân Thuận ngày nay) trú ẩn. Họ dựng nhà thờ bằng tranh lá tạm bợ cạnh cánh đồng trũng mênh mông, ít năm sau làm thêm tháp chuông, gọi là nhà thờ Rạch Bàng- Xóm Chiếu. Cuối năm 1862 đầu năm 1863, nhà thờ chật hẹp so với số lượng 1.500 giáo dân nên Đức cha Lefèbvre, Giám mục Tây Đàng Trong lúc bấy giờ, muốn xây nơi thờ phượng mới. Khi ấy, có một ngôi miếu vô chủ, đã hư nát và hoang phế nằm trên miếng đất công (bến Nhà Rồng ngày nay), thấy nơi đó gần đường chính lại cạnh bến sông dễ lui tới, Đức cha Lefèbvre đã tiến hành các thủ tục pháp lý để sử dụng mảnh đất, xây lên ngôi nhà thờ có hai cánh như hình Thánh giá nên được gọi là nhà thờ Thánh Giá – Xóm Chiếu.

Từ giữa năm 1863 – 1866, cha Thừa sai Julien Thiriet (cha Thi) coi sóc bổn đạo Thánh Giá (1863-1866). Thời gian này, nhà thờ nhanh chóng xuống cấp nhưng việc xin cấp đất lại gặp nhiều khó khăn, song nhu cầu xây dựng một nhà thờ mới vẫn cần thiết nên cha Thừa sai Claude Roy (cha Từ), kế nhiệm cha Thi, quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Năm 1868, ngôi thánh đường thứ ba của Xóm Chiếu được cất lên cạnh mé sông Sài Gòn với tên gọi nhà thờ Thánh Phêrô. Chung quanh khuôn viên bao bọc bởi đồng ruộng, đầm lầy bao la. Trong thủ bút do cha Dược (coi xứ từ 1885 – 1914) viết năm 1910 có câu: “Cha Từ khéo, đã cất được nhà thờ kiểu Tây, có tầng đờn, có lầu chuông, chọn ông Thánh Phêrô làm bổn mạng”. Nhiều người vẫn quen gọi nhà thờ này là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh Thánh Giá có đặt con gà trống bằng đồng.

Sau một thời gian nhà thờ hư hại nặng, vừa lúc khu bờ sông nằm trong vùng quy hoạch xây dựng cảng nên nhà cầm quyền lúc bấy giờ điều đình với Tòa Giám mục Sài Gòn mua toàn bộ đất của nhà thờ. Với số tiền bán được, ngày 23.10.1922, Đức cha Quinton, Giám mục Sài Gòn lúc bấy giờ, đã mua lại mười mẫu đất của ông bà Phạm Văn Năm tại khu vực giáo xứ Xóm Chiếu bây giờ để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học, nhà ở cho giáo dân. Năm 1923, cha Anrê Nguyễn Hướng Đoài – coi sóc giáo xứ từ năm 1914, nhờ hãng thầu Broissard et Mopin thi công ngôi thánh đường hiện còn tới nay. Sau khi hoàn thành, ngọn tháp bị nghiêng do công trình thi công giữa vùng ruộng lầy, dễ lún, nên phải dùng hàng ngàn cây tràm gia cố đóng thêm, đổ thêm bêtông vào dưới chân tháp, các quả chuông cũng phải lấy ra để bớt nặng. Đến ngày 29.11.1925, lễ khánh thành nhà thờ Xóm Chiếu mới đã diễn ra do cha Delignon chủ sự.

DẤU ẤN TIỀN NHÂN

Sau ngày làm phép nhà thờ mới cuối 1925, thánh đường trải qua nhiều lần tu sửa. Đáng kể là năm 1976, giáo xứ sửa lại cung thánh, bỏ bao lơn rước lễ, làm mới nhà tạm cùng tòa Thánh Tâm, tòa Đức Mẹ và Thánh Giuse, thay mới năm bộ cửa… Đến năm 1998, việc tu sửa một lần nữa được thực hiện. Công trình đại tu đợt này bao gồm lợp lại mái ngói, nâng nền nhà cao thêm 50cm và lát mới bằng đá hoa cương; sửa lại tất cả các bộ kiếng màu, thay bàn thờ lễ bằng đá nguyên khối. Điểm thay đổi rõ rệt nữa khi ấy là việc sơn lại phần tường trong ngoài và đặt tượng thiên thần trên đỉnh hai tháp nhỏ. Nhìn chung, nguyên bản của Xóm Chiếu ban đầu có nhiều thay đổi. Dẫu vậy, khi hướng đến mừng 160 năm thành lập (2016), nhìn ngắm lại vết xưa, người sau cũng còn nhận ra vài dấu tích minh chứng cho sự trường tồn của một xứ đạo “thâm niên”.

Đầu tiên phải kể đến nhà hài cốt. Trước kia, đây vốn dĩ là nhà xứ dành cho cha sở khi xây cùng nhà thờ năm 1923. Về sau, nơi này chuyển thành nhà đặt tro cốt với kiểu dáng, kiến trúc hãy còn nguyên vẹn như xưa. Đặc biệt trong đây có xác của bà Anna Nguyễn Thị Sĩ (1840- 1906), một giáo dân gốc Xóm Chiếu. Cụ Nguyễn Văn Thạc, cộng sự của 10 đời cha sở cho biết thêm: “Khi mất, bà Sĩ được chôn tại nghĩa trang Tân Đáo. Sau này, cha Dương Hoàng Thanh- chánh xứ từ 1963- 1975 cải táng toàn bộ về nghĩa trang Tân Quy. Lúc đó thấy hình hài bà còn nguyên vẹn, nhiều người khấn xin, cúng bái này nọ. Tới ngày 1.3.2006, hài cốt bà được đưa về đây, đặt trong lồng kính chắc chắn”.

Tại nhà truyền thống giáo xứ, bàn thờ và nhà tạm của nhà thờ Rạch Bàng, cũng như tượng thánh Phêrô – bổn mạng của nhà thờ Con Gà đang được lưu giữ như báu vật. Trong thánh đường, 14 khung tượng chặng đàng Thánh giá của ngày xưa cũ đồng góp phần dậm tô cho những dấu vết ngày qua. Lúc khánh thành nhà thờ, các ân nhân đã dâng tặng toàn bộ hiện vật quý giá này. Ngoài màu khung gỗ bên ngoài được sơn mới, còn lại đều vẹn nguyên từ thế kỷ trước với những hoa văn chạm trổ tinh xảo, nước sơn sống động. Trên cung thánh có di cốt của cha Tuyết chánh xứ tiên khởi, mất năm 1895, được an táng tại đây năm 1896.Về sinh hoạt, hiện tại nhà thờ sử dụng chuông điện. Tháp chuông năm xưa còn đó nhưng không dùng tới, cô độc trong hẻm sâu. Lý do là, năm 1939, cha Anrê Nguyễn Hướng Đoài qua đời, cha Phêrô Nguyễn Bá Thà về kế nhiệm cho dựng gác chuông phía sau nhà thờ, đem các chuông bị dỡ xuống lúc xây nhà thờ treo lên đó. Giờ đây, quả chuông đã được tháo xuống, gác chuông cũ kỹ im lìm đứng đó, cơ hồ bị lãng quên. “Hồi nhỏ tôi thường cùng lũ bạn leo trèo lên lầu chuông chơi, một thời tuổi nhỏ nghịch phá đã gắn bó mật thiết với nơi này, đúng là kỷ niệm đẹp”, ông Nguyễn Mạnh Hà, một giáo dân Xóm Chiếu bồi hồi nhớ lại.

Là nhà thờ cổ, và là một trong những địa sở kỳ cựu của địa phận Tây Đàng Trong, ngoài việc bảo tồn, gìn giữ giá trị vật thể, Xóm Chiếu giờ đây cũng đang chứng tỏ niềm tự hào của mình qua đời sống thiêng liêng. Xóm Chiếu hiện gồm 14 giáo họ với khoảng 10.000 giáo dân, trong đó ba giáo họ Thánh Tâm, Tân Hội và Rosa có nhà thờ riêng. Quy tụ đủ mọi thành phần, gốc gác, chính đức tin sống đạo là cầu nối dẫn đưa mọi người đến với nhau trong tình hiệp nhất, thương yêu. Đều đặn mỗi ngày từ 11 giờ trưa đến 3giờ30 chiều, trừ Chúa nhật, các hội đoàn thay phiên nhau đọc kinh trong nhà thờ. Có người nói vui, giáo dân Xóm Chiếu không cho Chúa nghỉ trưa, bắt nghe kinh suốt. Câu nói dí dỏm ấy cho thấy nếp sống đạo đức tốt đẹp thừa hưởng từ tiền nhân vẫn đang được tiếp nối.


Nguồn: CGvDT

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang