Tắt Quảng Cáo [X]

“Phong thánh ngay” cho Đức Bênêđictô XVI và một cảnh báo nghiêm trọng

10:52 10/01/2023

Giáo dân trong tang lễ Đức Bênêđictô XVI / © Cristian Gennari/Romano Siciliani/KNA
Giáo sư thần học Massimo Faggioli cảnh báo chống lại việc phong thánh cho giáo hoàng. Trong phần đóng góp của ông, ông khuyên nên nhìn vào quá khứ và hiện tại. Giáo hội đang ở trong “cuộc khủng hoảng sâu đậm nhất kể từ thời Cải cách” – sự tự thánh hóa giáo hoàng gây tai hại nhiều hơn là có lợi.

Ngay cả trước tang lễ đã có yêu cầu “phong thánh ngay lập tức”, santo subito, lặp lại những gì đã xảy ra sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) và với việc phong thánh cho ngài cùng với Đức Gioan XXIII (1958 đến 1963) tháng 4 năm 2014. Đó là chuyện chúng ta đã thấy. Tuy nhiên nhìn bối cảnh lịch sử một cách lớn hơn, chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của vấn đề.

Trước hết, chúng ta nên nhớ việc phong thánh cho các giáo hoàng vừa cũ vừa mới. Trong số 48 giáo hoàng đầu tiên qua đời trước năm 500, 47 người đã được phong thánh; một nửa trong số họ tử đạo. Việc phong thánh cho các giáo hoàng trong 15 thế kỷ tiếp theo là rất hiếm, nhưng đã tăng lên với tốc độ chóng mặt trong những thập kỷ gần đây.

Sự thay đổi thực sự bắt đầu vào thế kỷ 19 với điều mà các nhà sử học và thần học gọi là “la-mã hóa” hay “giáo hoàng hóa” của công giáo, đặc biệt là với Công đồng Vatican I (1869-1870), với tuyên bố về tính tối thượng và không thể sai lầm của giáo hoàng. Điều này dẫn đến việc lãnh đạo Giáo hội hướng về giáo hoàng nhiều hơn, nhưng cũng dẫn đến các hình thức mới trong việc tôn kính giáo hoàng.

Đức Gioan-Phaolô II và các vụ phong thánh

Khuynh hướng phong thánh cho các giáo hoàng gia tăng dưới thời Đức Gioan Phaolô II, ngài đã phong thánh cho một số  lớn các thánh (giáo dân, phụ nữ và những người đã lập gia đình). Ngài cũng rút ngắn thời gian chờ đợi 50 năm trong tiến trình phong thánh từ xuống còn 5 năm. Với Mẹ Têrêxa Calcutta, ngài miễn trừ thời gian rút ngắn này. Khi Đức Gioan Phaolô II qua đời tháng 4 năm 2005, Đức Bênêđictô XVI tăng thời gian chờ cho người tiền nhiệm của mình.

Từ năm 2000 đến năm 2022, ba giáo hoàng của Công đồng Vatican II (Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II) đã được phong chân phước và phong thánh. Giáo hoàng Gioan-Phaolô I tại vị chỉ 33 ngày, được Đức Phanxicô phong chân phước ngày 4 tháng 9 năm 2022 và đang tiến hành tiến trình phong thánh. Thế kỷ 20 có tám giáo hoàng, bắt đầu với Đức Piô X (chưa có Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô): một nửa đã là thánh. Ba giáo hoàng cuối cùng lần lượt được phong thánh.

Tuy nhiên khuynh hướng có từ thế kỷ 20 này nên dừng lại vì ba lý do. Một lý do cho điều này là việc phong thánh cho các giáo hoàng ngày nay có nghĩa là phong thánh cho chức vụ giáo hoàng ở Vatican. Ngược lại, quá trình phong thánh (về mặt kỹ thuật nó là một quá trình) từng ít bị Vatican kiểm soát hơn. Mãi cho đến cuộc Cải cách Phản đối thế kỷ 17, Giáo triều la-mã ngày càng nắm quyền kiểm soát quá trình này. Vào thời điểm đó, việc phong thánh cho các giáo hoàng vẫn là ngoại lệ. Bây giờ, giáo hoàng tự phong thánh mà không cần có giai đoạn phân định trong toàn Giáo hội và trải dài theo thời gian về sự khôn ngoan của việc phong thánh cho giáo hoàng. Đây có thể được xem là cách để che chắn cho giáo hoàng khỏi những phán xét về mặt đạo đức và lịch sử, có thể nói là củng cố những tuyên bố mà Vatican I đã đưa ra về địa vị giáo hoàng. Đồng thời, Vatican dường như đang phản ứng với một logic mang tính truyền thông đại chúng hơn là giáo hội: với việc phong thánh, họ muốn chứng minh tính truyền thông hóa của giáo hoàng đương thời.

Massimo Faggioli là giáo sư tại Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Villanova ở Philadelphia, Mỹ. / © Wenceslao Cruz

Lý do thứ hai là chính sách của Giáo hội đằng sau các quyết định phong thánh hay không phong thánh cho một giáo hoàng. Giai đoạn sau Công đồng Vatican II mang tính hướng dẫn. Đề xuất của Công đồng Vatican II về việc phong thánh cho Đức Gioan XXIII, người đã qua đời trong công đồng ngày 3 tháng 6 năm 1963, trong và thông qua công đồng (một cách tuyên bố phong thánh cũ) đã gây ra một loạt chống đối của những người công giáo bảo thủ. Một tập hợp các đối trọng đã được tạo ra: so sánh ngài với việc phong chân phước Đức Piô IX năm 2000 và phong thánh Đức Gioan Phaolô II năm 2014. Vào thế kỷ 19, ngầm hiểu việc nâng giáo hoàng lên vị trí tối cao và không thể sai lầm là một hành động chính trị – một phần chống lại tính hiện đại thế tục, một phần là chiếm lại các cơ chế điển hình của tính hiện đại chính trị và nhà nước hiện đại. Sự khác biệt so với thế kỷ 19 là việc các giáo hoàng được các giáo hoàng phong thánh giờ đây đã trở thành một phần của chính trị nội bộ công giáo và không có lợi cho sự hiệp nhất Giáo hội.

Lý do thứ ba liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Cách giáo hoàng đối phó với lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ là vấn đề gây tranh cãi trong Giáo hội ngày nay và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Nếu Giáo hội công giáo muốn phát triển trong việc phân định thần loại như Đức Phanxicô kêu gọi để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, thì thể chế phải ngừng phong thánh cho các giáo hoàng.

Gia hạn trong các vụ phong thánh cho giáo hoàng

Việc gia hạn phong thánh cho các giáo hoàng rất quan trọng để “tẩy rửa ký ức” đang phổ biến hiện nay. Điển hình cho các giai đoạn gần đây trong lịch sử của cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội công giáo, sự tập trung chú ý vào vai trò của Giáo triều Rôma, và từ đó là vai trò của các giáo hoàng trong việc xử lý các trường hợp cá nhân và vấn đề trong toàn thể. Khi một giáo hoàng phong thánh cho những người tiền nhiệm của mình, bây giờ như thể, thể chế Giáo hội vừa là người buộc tội, vừa là quan tòa vừa bồi thẩm đoàn.

Những thời gian đó đã qua lâu rồi. Danh tiếng của Đức Gioan Phaolô II đã bị tai tiếng vì việc xử lý các vụ lạm dụng, cả khi ngài là giám mục và giáo hoàng. Gần đây đã có những lời kêu gọi không tuyên xưng ngài là thánh vì cách xử lý lạm dụng của các giáo sĩ và vì thần học của ngài về phụ nữ và tình dục. Dù tôi chưa bao giờ được thuyết phục về sự khôn ngoan trong quyết định phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, nhưng tôi cũng phản đối ý tưởng loại việc phong thánh cho ngài (nếu điều đó thậm chí có thể thực hiện được chỉ bằng một quyết định hay bằng một hành động). Đối với việc các giáo hoàng vội vã phong thánh trong những thập kỷ gần đây, quyết định phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II sẽ mang tính chất chính trị, như quyết định phong thánh cho ngài ngay sau khi ngài qua đời.

Theo giáo sư Massimo Faggioli, việc các giáo hoàng được phong thánh đã trở thành một phần của chính trị nội bộ Công giáo ngày nay. Hình ảnh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II / ©picture Alliance/Pressefoto ULMER/Markus Ulmer

Ba yếu tố này đã có trước khi Đức Bênêđictô XVI qua đời. Nó đóng một vai trò. Tuy nhiên, bây giờ có hai yếu tố mới rõ ràng cần xem xét, vì chúng tạo ra một tình huống khác với năm 2005.

Đầu tiên là vào năm 2005, những lời kêu gọi “phong thánh ngay” đến từ Phong trào Focolare. Họ làm những tấm bích chương giăng ở Quảng trường Thánh Phêrô, tuyên bố “phong thánh ngay” vào cuối bài giảng của hồng y Ratzinger và cuối thánh lễ an táng, kèm theo những tiếng hô “phong thánh ngay”. Sự bùng nổ lòng tôn kính với cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II có thể xem là biểu hiện của tiếng nói quần chúng, vox populi – dù lời yêu cầu phong thánh này do một phong trào uy tín đưa ra. Lời kêu gọi phong thánh nhanh chóng sau đó được các phong trào và tiếng nói thể chế khác lặp lại, đáng chú ý là các hồng y và cả Đức Bênêđictô XVI cũng thuận tình chấp nhận.

Lần này cũng vậy, chúng ta đã nghe tiếng hô “phong thánh ngay” ở Quảng trường Thánh Phêrô trong tang lễ, dù im lặng hơn nhiều so với năm 2005. Trước tang lễ cũng đã có những tiếng nói trong thể chế như tiếng nói của tổng giám mục thư ký Georg Gänswein kêu gọi phong thánh, người đã tạo ra bầu không khí đặc biệt và khác thường trong việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông trong những giờ đầu tiên sau khi Đức Bênêđictô qua đời.

Cũng là một bài học khôn ngoan và xây dựng để so sánh sự kín đáo và thận trọng của thư ký Đức Gioan XXIII, hồng y Loris Francesco Capovilla (1915-2016) sau cái chết của ngài năm 1963 cho đến khi ngài được phong chân phước và cuối cùng là phong thánh. Điều này rất quan trọng cho các yêu cầu phong thánh Đức Bênêđictô XVI được nêu lên cùng tiếng nói và đồng thời thúc đẩy một chương trình nghị sự về chính sách tín lý cụ thể (đặc biệt là về cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II và về thần học của Công đồng nói chung). Mối liên hệ này củng cố tầm quan trọng của giáo hội-chính trị đối với việc phong thánh nhanh chóng. Điều đáng chú ý ở đây là những phàn nàn về cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II đã biến tự sắc ‘Traditionis Custodes’ và qua đó là Đức Phanxicô trở thành mục tiêu luận chiến trong một cuộc tranh cãi đặc biệt gay gắt và gây chia rẽ (nhất là ở Hoa Kỳ, nơi tôi sống, làm việc và đi nhà thờ). Những xung đột này trong Giáo hội đã không tồn tại trong tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II ngày 8 tháng 4 năm 2005 tại Quảng trường Thánh Phêrô khi giáo dân đòi ‘phong thánh ngay’ cho ngài.

Tổng giám mục Georg Ganswẹn nghĩ rằng Đức Bênêđictô XVI có thể được phong thánh. Ngay sau khi ngài qua đời, ông đã nói lên suy nghĩ này. Theo Massimo Faggioli, đây là một điều mới lạ. / © KNA/Cristian Gennari/Romano Siciliani

Yếu tố thứ hai không tồn tại vào năm 2005, đó là làn sóng khủng hoảng lạm dụng mới trong Giáo hội công giáo. Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan-Phaolô II xin tha thứ cho những lỗi lầm của Giáo hội, nhưng ngài không xin tha thứ cho việc giáo sĩ lạm dụng tình dục – khi đó không ai để ý. Vụ tai tiếng đầu tiên bùng ra năm 2002 với nghiên cứu “Đèn chiếu”, Spotlight của tờ Boston Globe. Nhưng khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời, không có yêu cầu nào trong lãnh vực pháp lý giáo hội hoặc thế tục để có các thông tin về cách một giáo hoàng đã hành động trong các trường hợp cụ thể. Điều đó đã khác khi ngài được phong chân phước năm 2011, lúc đó đã có những tiếng nói đặt câu hỏi về sự thánh thiện của ngài trước cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Báo cáo các vụ lạm dụng ở Munich

Kể từ đó, bóng tối cuộc khủng hoảng lạm dụng đã bao trùm lên triều giáo hoàng. Những nỗ lực của Vatican nhằm tăng tính minh bạch chỉ mới bắt đầu gần đây. Chúng ta nhớ lại vụ hồng y Theodore McCarrick chỉ được Tòa thánh công bố vào tháng 11 năm 2020. Cho đến triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, không có giáo hoàng nào (còn sống hay đã qua đời) chú ý đến vấn đề này. Và điều này đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhưng đó là một phần trong triều giáo hoàng của ngài (đặc biệt là từ năm 2010) và đời sống của ngài sau triều giáo hoàng (báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở tổng giáo phận Munich và Freising của Đức, nơi ngài là tổng giám mục từ năm 1977 đến 1981 chỉ được công bố vào tháng 1 năm 2022 ).

Đức Bênêđictô XVI đã đưa cuộc chiến chống lạm dụng trong Giáo hội lên một tầm cao mới, ngài đưa ra các thủ tục chặt chẽ hơn và luật mới. Ngài là giáo hoàng đầu tiên gặp các nạn nhân bị lạm dụng và hành động chống lại những kẻ lạm dụng. Nhưng trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài đã là tổng giám mục, đã là hồng y bộ trưởng bộ Tín Lý trong hơn 20 năm. Đây cũng là thời điểm rất khó khăn cho các thần học gia công giáo, những người đã bị Bộ điều tra và trong nhiều trường hợp bị im tiếng, cũng như với các nữ tu.

Tất cả điều này đòi hỏi phải hết sức thận trọng trong vấn đề phong thánh cho các giáo hoàng, ngay cả với những người tôn trọng di sản và ký ức của Đức Bênêđictô XVI, họ không muốn làm hỏng và không muốn tạo ấn tượng bị bôi trắng. Tôi cũng nói điều này trong tư cách là người đã xuất bản năm 2008 phiên bản tiếng Ý một tập tiểu luận của Đức Bênêđictô XVI và dạy trong các lớp thần học, trong đó việc đọc các văn bản của Đức Bênêđictô XVI là điều bắt buộc. Đây không phải là phán xét về sự thánh thiện của Đức Bênêđictô XVI nhưng là vấn đề thời điểm và cần hiểu vấn đề phong thánh cho các giáo hoàng (chứ không chỉ riêng Đức Bênêđictô XVI) trong bối cảnh Giáo hội ngày nay.

Cuối cùng, chúng ta nên đánh giá cao và tôn trọng truyền thống kiềm chế của Giáo hội trong quá trình phong thánh. Gần bốn thế kỷ trước, giữa năm 1628 và 1634, giáo hoàng Urbanô VIII đã quyết định phải 50 năm sau khi ứng viên qua đời thì người đó mới có thể được phong thánh. Ngài phản ứng ở thời điểm có sự sùng kính mới dành cho các vị thánh mới liên tục xuất hiện. Cần phải khám phá lại khôn ngoan của quy tắc cổ xưa này, đặc biệt khi liên quan đến việc phong chân phước và phong thánh cho các giáo hoàng. Cũng cần đẩy lùi lại thuyết thần bí về chức vụ giáo hoàng trong đạo công giáo ngày nay. Và cuối cùng, đây là điều cần thiết, vì Giáo hội cần một quá trình lâu dài để làm sáng tỏ vai trò của giáo hoàng và Giáo triều la-mã trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Giáo hội hiện đại và là cuộc khủng hoảng sâu đậm nhất kể từ thời Cải cách Tin lành.


Nguồn: Phanxico

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang