Tắt Quảng Cáo [X]

Những thứ sẽ được bỏ vào quan tài của ĐGH Bênêđíctô XVI

01:22 05/01/2023
hoc du

Một tài liệu bằng văn bản về triều đại làm nên lịch sử của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI sẽ được đặt cạnh thi hài của ngài bên trong quan tài để mai táng, Vatican cho biết như trên, đồng thời tiết lộ kế hoạch tang lễ đầu tiên của một vị giáo hoàng từ nhiệm trong sáu thế kỉ qua.
A metal disc shows Pope Emeritus Benedict XVI alongside a painting of him and one of the last cassocks worn by him before his resignation in 2013, according to the director of the Progetto Arte Poli gallery where it is displayed, near the Vatican, Tuesday, Jan. 3, 2023. The Vatican announced that Pope Benedict died on Dec. 31, 2022, aged 95, and that his funeral will be held on Thursday, Jan. 5, 2023. (AP Photo/Ben Curtis)
1. Một trình thuật về triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô được niêm phong trong quan tài của ngài

Trong khi đó, hàng chục nghìn người đã đến Đền Thờ Thánh Phêrô để kính viếng thi hài của ngài trong tình trạng nguyên vẹn.

Phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, cho biết khi các buổi kính viếng vào tối thứ Tư, một bản tường thuật dài một trang về triều đại giáo hoàng gần 8 năm của Đức Bênêđictô XVI sẽ được đặt trong một ống trụ kim loại và đặt bên trong quan tài, cùng với các vật phẩm khác bao gồm các đồng xu của Vatican được đúc trong thời kỳ trị vì của ngài.

Đức Bênêđictô, 95 tuổi, qua đời hôm thứ Bảy sau 10 năm nghỉ hưu bất thường, sống trong một tu viện ở Vườn Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ an táng tại Quảng trường Thánh Phêrô vào hôm thứ Năm.

Mặc dù Vatican đã nhấn mạnh rằng Đức Bênêđictô muốn “sự đơn giản” để đặc trưng cho tang lễ của mình, Bruni cho biết nghi thức phụng vụ sẽ “rất chi tiết giống như nghi thức của Đức Giáo Hoàng với một số yếu tố nguyên bản.”

Sau khi các buổi kính viếng công khai kết thúc lúc 7 giờ tối ngày vào thứ Tư, “quan tài đã được đóng lại, theo một nghi thức đặc biệt,” Bruni nói. Thi hài của Đức Bênêđictô sẽ được đặt trong một chiếc quan tài đẽo từ cây bách, sau đó được đưa vào một chiếc quan tài bằng kẽm và sẽ được niêm phong trong một chiếc quan tài bằng gỗ thứ hai.

Quan tài của ngài sẽ được đưa ra khỏi Đền Thờ Thánh Phêrô và đặt ở sân quảng trường khoảng 40 phút trước tang lễ, khi đám đông tụ tập để dự buổi lần chuỗi Mân Côi cho Đức Bênêđictô, là vị giáo hoàng đã cai quản Hội Thánh từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 2 năm 2013.

An ninh Vatican ước tính khoảng 65.000 người đã xếp hàng kính viếng trong ngày thứ Hai, 70.000 người vào ngày thứ Ba, và 100.000 người vào ngày thứ Tư cũng là ngày cuối cùng. Hai vị Hồng Y cao cấp của Hoa Kỳ, là Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York và Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley của Boston, đã tham dự Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô tại một bàn thờ ngay phía sau khu vực kính viếng vào hôm thứ hai.

Thư ký của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho biết trong số các giáo sĩ nổi tiếng đến dự tang lễ sẽ có Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng. Đức Hồng Y Quân, một giám mục 90 tuổi đã nghỉ hưu, đã bất đồng sâu sắc với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã bị bắt vào năm ngoái vì nghi ngờ thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù không bị buộc tội về các cáo buộc liên quan đến an ninh, nhưng ngài đã bị phạt vào tháng 11 sau khi bị kết tội không ghi danh một quỹ hiện không còn tồn tại để tìm cách giúp đỡ những người bị bắt trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán là một trong số những người có mặt tại Đền Thờ Thánh Phêrô khi những cánh cửa mở ra trước bình minh. Giống như Đức Bênêđíctô, Thủ tướng Orbán đã vận động Âu Châu quay lại cội nguồn Kitô giáo của lục địa này.

Những người khác tỏ lòng kính trọng bao gồm Miriam Groppelli, một người giúp lễ trong giáo xứ của cô ở Milan, người thậm chí còn chưa được sinh ra khi Đức Bênêđictô làm giáo hoàng. Cô bé 6 tuổi đã đi tàu hỏa cùng với cha mình, Giuseppe Groppelli, 40 tuổi, cùng với ông bà và anh chị em của cô.

“Tôi đã kể cho cháu nghe câu chuyện của Đức Bênêđíctô, và cháu thực sự rất vui mừng được đến Rôma để nói lời tạm biệt,” người cha nói. “Đức Bênêđíctô rất quan trọng đối với Giáo hội, những bài phát biểu của ngài rất rõ ràng và hay. Ngài để lại một di sản tri thức vĩ đại.”

Đức Bênêđíctô, nguyên là Hồng Y Joseph Ratzinger của Đức, đã phục vụ trong nhiều thập kỷ tại Vatican với tư cách là người bảo vệ tính chính thống về giáo lý của Giáo Hội, được biết đến với kiến thức thần học cũng như những bài phát biểu hùng hồn.

Vì Đức Bênêđictô XVI không còn là người đứng đầu Quốc gia Thành phố Vatican, trái ngược với nghi thức tang lễ của các giáo hoàng qua đời khi vẫn đang trị vì, nên chỉ có hai quốc gia – Ý và Đức, quê hương của ngài – cử phái đoàn chính thức.

Nhưng các chính trị gia và hoàng gia, đặc biệt là các quốc gia chủ yếu theo Công Giáo, sẽ tham dự với tư cách cá nhân.

Không cần phải bầu giáo hoàng mới, các Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới đến dự tang lễ của Đức Bênêđictô sẽ không phải ở lại Rôma để họp mật nghị chọn ra người lãnh đạo Giáo hội tiếp theo. Tuy nhiên, Đức Phanxicô sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi với những “hoàng tử của Giáo hội,” những người đóng vai trò là cố vấn của ngài.


2. Đức Hồng Y Quân nói Đức Bênêđictô XVI sẽ là ‘người chuyển cầu quyền năng trên thiên đàng’ cho Trung Quốc

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói ngài tin rằng Đức cố Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI sẽ là “người chuyển cầu đầy quyền năng trên thiên đàng” cho Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc.

Trong một bài phản ánh được đăng trên blog của mình vào ngày 3 tháng Giêng, Đức Hồng Y Quân nhớ đến Đức Bênêđíctô XVI như một “người bảo vệ sự thật vĩ đại”, người đã có những hành động “phi thường” để hỗ trợ Giáo hội ở Trung Quốc, bất chấp một số thất bại.

“Là một thành viên của Giáo hội Trung Quốc, tôi vô cùng biết ơn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô vì những điều ngài đã làm cho Giáo Hội Trung Quốc mà ngài không làm cho các Giáo hội khác,” Đức Hồng Y Quân viết.

Đức Hồng Y Hương Cảng đặc biệt nhắc lại Bức thư gửi anh chị em tín hữu Trung Quốc năm 2007 của Đức Bênêđictô XVI, mà Đức Hồng Y Quân gọi là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của học thuyết giáo hội học Công Giáo và sự hiểu biết khiêm tốn đối với chính quyền dân sự.”

Đức Hồng Y Quân cũng chỉ trích “những sai sót” trong bản dịch tiếng Hoa bức thư của Đức Bênêđíctô, mà ngài nói rằng ngài tin rằng có “những trích dẫn thiên vị chống lại ý nghĩa rõ ràng của bức thư”.

Đức Hồng Y nói thêm: “Một điều phi thường khác mà ngài đã làm cho Giáo hội ở Trung Quốc là thành lập một ủy ban đầy quyền lực để chăm sóc các công việc của Giáo hội ở Trung Quốc; thật không may, dưới thời chủ tịch mới của ủy ban nói trên, nó đã bị biến mất một cách lặng lẽ mà không hề có một lời từ biệt kính trọng”.

Source: Cardinal Zen: Benedict XVI will be a ‘powerful intercessor in heaven’ for China


3. Hương Cảng cho phép Đức Hồng Y Quân dự tang lễ của Đức Bênêđictô

Đức Hồng Y Công Giáo Rôma thẳng thắn Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã được phép rời thành phố phía nam Trung Quốc để tỏ lòng kính trọng với Đức cố Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI tại Thành phố Vatican, thư ký của Đức Bênêđíctô cho biết hôm thứ Ba.

Đức Hồng Y Quân, một giám mục đã nghỉ hưu 90 tuổi, sẽ tham dự Thánh lễ an táng do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế tại Quảng trường Thánh Phêrô vào thứ Năm và trở về Hương Cảng vào ngày thứ Bảy.

Đức Hồng Y Quân được Đức Bênêđictô nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2006, mà theo ngài, điều này báo hiệu sự tập trung của Đức Thánh Cha vào Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đã bất đồng gay gắt với Đức Phanxicô về thỏa thuận của Vatican với chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Đức Hồng Y Quân cho rằng thỏa thuận này phản bội những người Công Giáo thân Vatican ở Trung Quốc và các giáo sĩ đã bị đàn áp ở đó.

Thư ký của Đức Hồng Y cho biết ngài đã ra tòa hôm thứ Ba để xin rời khỏi thành phố. Hộ chiếu của ngài đã bị chính quyền tịch thu sau vụ bắt giữ gây tranh cãi vào năm 2022.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế cảnh giác, lo lắng và đối mặt với khó khăn, nhưng hãy tin tưởng vào Chúa” Đức Hồng Y Quân, 90 tuổi, đã nói như trên với đàn chiên của mình tại Nhà thờ Thánh Giá như ngài đã nói vào hồi tháng 5 vừa qua. “Có rất nhiều người trong chúng ta trong suốt lịch sử đã bị bức hại vì đức tin của họ. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho họ ngày hôm nay.”

Đức Hồng Y Quân đã bị bắt vài ngày sau đó bởi các viên chức cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia của thành phố – cùng với bốn ủy viên khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 hiện đã không còn tồn tại, bao gồm ngôi sao nhạc pop Canada-Hương Cảng Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强), và các nhà lập pháp đối lập cũ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀) và Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭))

Năm người được ủy thác, cũng như thư ký của quỹ, đã bị buộc tội vì không ghi danh quỹ này với tư cách là một hiệp hội. Tất cả đều không nhận tội.

Quỹ đã hỗ trợ hàng trăm người biểu tình trong thời kỳ bất ổn chống dự luật dẫn độ năm 2019 bằng cách cung cấp hỗ trợ pháp lý, quỹ tư vấn tâm lý, điều trị y tế và cứu trợ khẩn cấp.

Vị Hồng Y 90 tuổi và cựu giám mục Hương Cảng đã bị phạt khoảng 4.000 đô la Hương Cảng, hay 500 Mỹ Kim. Mỗi người trong số những người được ủy thác khác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, cũng bị phạt số tiền tương tự.

Đức Hồng Y là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Công Giáo Rôma gồm 400,000 người ở Hương Cảng và việc bắt giữ ngài đã gây ra làn sóng chấn động cả trong thành phố và nước ngoài. Vatican bày tỏ lo ngại trong khi các nhóm nhân quyền và chính phủ nước ngoài thẳng thắn hơn trong những lời chỉ trích của họ.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi Vatican tìm cách gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép các giám mục trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc được lựa chọn bởi bọn cầm quyền và sau đó được Vatican chấp thuận. Đổi lại, Trung Quốc công nhận thẩm quyền của Tòa thánh trong cộng đồng Công Giáo của mình.

Những người chỉ trích tin rằng thỏa thuận này phản bội người Công Giáo trong Giáo Hội hầm trú của Trung Quốc, là những người phải đối mặt với cái giá cá nhân rất lớn để trung thành với Tòa thánh. Việc tiếp tục thỏa thuận cũng có thể dẫn đến việc Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Chính thức là một quốc gia vô thần và Cộng sản, Trung Quốc vẫn duy trì mức độ kiểm soát cao đối với tất cả các hình thức tôn giáo có tổ chức. Năm 1957, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Giáo Hội Công Giáo do nhà nước phê chuẩn, bổ nhiệm các giám mục của riêng mình và khẳng định ảnh hưởng của cộng sản đối với thần học của họ. Hàng triệu người Công Giáo ở đại lục, vẫn trung thành với Tòa thánh, buộc phải thờ phượng dưới sự đe dọa sách nhiễu và bỏ tù của chính quyền.

Giáo phận Công Giáo Hương Cảng hoạt động như một thực thể riêng biệt với các nhà thờ của Trung Quốc theo khuôn khổ Một quốc gia, Hai hệ thống, trong khi Vatican hiện không có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Sinh năm 1932 tại Thượng Hải trong một gia đình Công Giáo, Đức Hồng Y Quân đến Hương Cảng năm 1948 với tư cách là người tị nạn trong Nội chiến Trung Quốc. Khi còn trẻ, ngài gia nhập Dòng Salêdiêng và được thụ phong linh mục năm 1961 tại Turin, bên Ý.

Đức Hồng Y Quân bắt đầu sự nghiệp của mình tại giáo phận Hương Cảng và cuối cùng trở thành giám mục sau cái chết của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung (John Wu, 胡振中). Đức Cha Trần Nhật Quân được Đức Bênêđíctô thăng Hồng Y vào năm 2006.


Source: AP

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang