Tắt Quảng Cáo [X]

Người Công Giáo Có Mừng Lễ Vu Lan Không?

03:43 04/08/2021

Rằm tháng bảy (15/7 Âm Lịch), cũng là ngày Vu Lan, ngày báo hiếu. Đó là ngày để con cái tri ân những đấng sinh thành. Đó là nét đẹp của Phật Giáo. Nếu Phật Giáo có đủ lý do để có một ngày Vu Lan, ngày báo hiếu, thì người Công Giáo cũng có đủ lý do, có một ngày báo hiếu để gọi là Vu Lan của người Công Giáo. Ngày đó là ngày 8/9 Dương Lịch – Lễ Sinh Nhật Đức Maria.

Rằm tháng bảy (15/7 Âm Lịch), cũng là ngày Vu Lan, ngày báo hiếu. Đó là ngày để con cái tri ân những đấng sinh thành. Đó là nét đẹp của Phật Giáo. Nếu Phật Giáo có đủ lý do để có một ngày Vu Lan, ngày báo hiếu, thì người Công Giáo cũng có đủ lý do, có một ngày báo hiếu để gọi là Vu Lan của người Công Giáo. Ngày đó là ngày 8/9 Dương Lịch – Lễ Sinh Nhật Đức Maria.

Người Công Giáo Có Mừng Lễ Vu Lan Không?
Người Công Giáo Có Mừng Lễ Vu Lan Không?

 
Nếu như ngày Vu Lan, những phật tử báo hiểu vì công lao sinh thành, dưỡng dục của các đấng sinh thành nơi trần gian, thì các Ki-tô hữu báo hiếu người mẹ thiêng liêng vì nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã đến với dân của Người. Như Ngôn sứ Mi-kha đã nói: “Vì thế Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời người sản phụ sinh con”. Sản phụ đó ám chỉ Đức Maria.
Thật thế, vì tội lỗi, vì sự bất trung của dân mà Thiên Chúa đã rút bàn tay uy quyền đã từng nâng đỡ chở che cho dân. Người đã bỏ mặc dân cho ngoại bang xâm chiến, hà hiếp hết lần này đến lần khác. Sau cùng đó là năm 76, Giê-ru-sa-lem (biểu tượng tôn giáo, chính trị… của Israel) thành đống tro tàn. Còn dân thì bị phát lưu tới Ba-by-lon. Thánh vịnh 136 nói về tâm tình của một người (cũng là tâm tình của Israel) ra ngồi bờ sông khóc nức nở mà tưởng nhớ Si-on. Khi nói về thánh vịnh này, thánh Hilario nói rằng: Cảnh tù đày của thân xác ám chỉ cảnh tù đày của linh hồn. Đúng vậy, đằng sau tấn bi kịch bị áp bức, tù đày của Israel, chính là hình ảnh của nhân loại dưới sự kìm tỏa của tử thần. Nhân loại cũng đã bị bỏ mặc dưới sức nặng của tội lỗi trong một thời gian dài cho tới ngày sản phụ sinh con – ngày Đức Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế. Đó là lý do thứ nhất để mừng ngày Vu Lan của người Công Giáo.
Đấng Cứu Thế đến để cứu chuộc dân của Người, và đỉnh cao chính là đồi Gongotha, trên cây thánh giá. Cũng nơi đây, trước khi trao Thần Khí, Đấng Cứu Thế đã trao nhân loại cho Đức Maria, khi nói với thánh Gioan: Thưa Bà, đây là con của bà… Đây là mẹ anh (Ga 19,26-27). Khi giảng về lời này, Linh mục Timothy Radliffe đã nói: “…Chính lúc bấy giờ, vào thời điểm đen tối nhất thì chúng ta thấy cộng đoàn ấy tái sinh dưới chân Thập giá. Mẹ Đức Giê-su đón nhận một đứa con trai, bạn thân nhất của Ngài và người môn đệ dấu yêu nhận một người mẹ.
Và không phải bất cứ cộng đoàn nào đâu nhé. Đó là cộng đoàn của chúng ta, là Hội Thánh vừa sinh ra. Đức Giê-su không gọi Maria là “mẹ” mà là “bà”, vì người là Eva mới. Evà cũ được gọi là “Mẹ của chúng sinh” Evà mới này là mẹ của tất cả những ai đang sống nhờ đức tin. (Timothy Radliffe, OP, Bảy Lời Sau Cùng Của Đức Giê-su, NXB Du Cert Pari 2001, tr 49). Như thế Mẹ Maria đã hạ sinh chúng ta, những người sống nhờ đức tin. Nếu như Eva cũ đã sinh ra chúng sinh trong tội thì Mẹ Maria – Eva mới sinh ra nhân loại trong hồng ân cứu độ. Nếu như Eva cũ đã sinh ra một dòng dõi trong tội lỗi và phải chết, thì Eva mới sinh ra nhân loại là những người con của hồng ân và được hưởng sự sống đời đời. Đó là lý do thứ hai (Mẹ đã hạ sinh chúng ta trong ân sủng) để chúng ta báo hiếu, mừng ngày Vu Lan của người Công Giáo. Có sinh ắt sẽ có dưỡng.
Mẹ đã sinh ra chúng ta trong ân sủng, mẹ cũng luôn nâng đỡ dìu dắt chúng ta trong ân huệ. Ngay từ lúc khởi đầu, Mẹ đã hiện diện cùng Hội Thánh – dưới chân thập giá – nơi Hội Thánh được sinh ra. Trong những ngày đầu của Hội Thánh, mẹ quy tụ các tông đồ tản mác và cùng hiện diện với họ. Và ngày lễ Ngũ Tuần – ngày Hội Thánh khởi động sứ mạng cũng có Mẹ hiện diện. Đó là những chuỗi ngày Mẹ hiện diện cách hữu hình với Hội Thánh.
Rồi trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh luôn có Mẹ kề bên. Năm 300 trong cuộc Thập tự chinh, nhờ lần chuỗi Môi Khôi mà đoàn quân thập tự chinh đã chiến thắng kẻ thù. Năm 1917, Mẹ hiện ra với các mục đồng ở Fatima, giữa lúc thế giới đang trong trận chiến đầy tang thương. Và nhiều nơi khác trên thế giới được mẹ hiện ra nhắn nhủ, an ủi… Đó là những dấu chỉ chứng tỏ Mẹ luôn đồng hành cùng nhân loại, để nuôi nấng, dưỡng dục. Đó cũng là lý do thứ ba để mừng ngày Vu Lan của người Công Giáo.
Còn nhiều lý do nữa để chúng ta báo hiếu Mẹ Maria, nhưng với ba lý do trên là quá đủ, quá thuyết phục để chúng ta mừng ngày Vu Lan của người Công Giáo. Vu Lan cũng là ngày báo hiếu. Vậy chúng ta làm gì để báo hiếu cho Mẹ Maria?
Mẹ không cần vật chất, danh vọng, nhưng mẹ nhắn nhủ: hãy ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi (ba sứ điệp Fatima). Năm 1917, giữa lúc tội lỗi lan tràn, được cụ thể bằng cuộc thế chiến thứ nhất. Mẹ kêu gọi mỗi người ăn năm sám hối tội lỗi của mình và của nhân loại. Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết tội lỗi đang lan tràn khắp nơi, Mẹ cũng mời gọi mỗi người chúng ta ăn năn tội lỗi của mình, cũng như của nhân loại.
Tôn sùng Mẫu Tâm. Mẹ mời gọi nhân loại tôn sùng Mẫu Tâm không phải để Mẹ được tôn vinh, nhưng để nhân loại cùng Mẹ yêu mến Thiên Chúa. Vì nơi trái tim của Mẹ là một tình yêu trinh khiết vẹn tròn cho Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu con tim nhỏ bé của mỗi người không thể yêu mến Thiên Chúa cho đủ thì nhờ Mẹ, qua trái tim của Mẹ con người có thể yêu mến Thiên Chúa. Vì máu thịt nơi trái tim Mẹ đã từng nuôi dưỡng Thánh Tâm Đức Giê-su.
Sau cùng đó là lần hạt Mân Côi. Lời kinh Mân Côi chính là lời chào của sứ thần Gabriel và lời thánh Isave đã cất lên chào Mẹ. Lời kinh gói trọn tình thương Thiên Chúa ban cho mẹ. “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng bà….” Có ân phúc nào hơn là Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa ở cùng nên Mẹ cũng được gọi là Đấng đầy ân sủng. Ân sủng nơi Mẹ chính là để mẹ trao cho chúng ta. Chính vì thế chúng ta kêu lên: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử.” Hơn nữa, lời kinh Mân Côi cũng chứa đựng các mầu nhiệm của Tin Mừng. Cho nên khi đọc kinh Mân Côi cũng giúp chúng ta suy niệm và sống tròn đầy các mầu nhiệm đó.
Ba lời nhắn nhủ của Mẹ cũng mời gọi chúng ta cụ thể hóa bằng cuộc sống đầy yêu thương. Một người mẹ sẽ đau đớn khi những đứa con của mình cắn xé lẫn nhau. Mẹ Maria cũng sẽ đau đớn khi nhân loại bắn giết lẫn nhau, khi chúng ta ghanh ghét, hận thù và giết chóc. Chính vì thế, báo hiếu Mẹ là phải sống yêu thương đồng loại và cả những công trình của Thiên Chúa.
Mừng ngày Vu Lan của người Công Giáo, chúng ta vui mừng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ. Vì qua Mẹ mà chúng ta được đón nhận Đấng Cứu Độ. Nhờ mẹ mà chúng ta được sinh ra trong ân sủng và tình yêu. Đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về tâm tình con thảo với Mẹ . Đó là thi hành những lời Mẹ truyền và sống một cuộc sống đầy yêu thương.

(Ân Tâm – cộng đoàn Phước Vĩnh)

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang