Tắt Quảng Cáo [X]

Tại sao lại là “Cha Phêrô”, “linh hồn Anna”,…???

12:34 12/07/2024
hoc du

Tôi có thắc mắc này từ lâu rồi mà chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng: Có nhiều người Công giáo cho đến nay vẫn xưng hô là “Đức cha Giuse”, “cha Phero”, “thầy Bê-na-đô”, “sơ Terexa”? Rồi đến việc xin lễ cầu cho “linh hồn Maria”, “linh hồn Giuse”, “linh hồn Anton”, v.v…? Tại sao ta lại không xưng hô bằng tên thật của người đó, tên thật của linh hồn người đã khuất ấy?
Câu trả lời tôi nhận được thường chỉ đơn giản là, truyền thống trước giờ vậy, ta cứ làm theo thôi, hoặc một câu trả lời khác là “gọi vậy cho trang trọng và tránh phạm húy”?!

Thật ra, trong đời sống thánh hiến, ở một số dòng tu vẫn có truyền thống đổi tên khi gia nhập hoặc khấn dòng. Nó bắt nguồn từ truyền thống Do Thái giáo cổ trong Sách Thánh, khi Thiên Chúa gọi một người với một tên mới, đó là lúc Người muốn người đó trở nên một con người mới và trao cho người đó một sứ vụ cần phải thực thi.

Nhiều dòng ngày nay đã bỏ dần tập tục đó. Tuy nhiên, đó đây chúng ta vẫn nghe người ta tự xưng mình hoặc người khác gọi chức danh các linh mục tu sĩ và kèm theo đó là tên thánh chứ không phải tên thật họ. Đối với tôi, nghe nó kì quặc làm sao ấy. Trước hết, nếu để tránh phạm húy thì khi ta gọi các tên thánh như vậy thì chẳng khác nào ta cho rằng tên các thánh có thể “phạm” được, còn tên thật của một người thì không? Thật nực cười và lố bịch!

Đó là chưa kể có khi bắt đầu câu chuyện hoặc trong một buổi nói chuyện có đề cập vài người cùng tên thánh, rất phiền phức phải hỏi lại cho rõ, “Bạn đang nói đức cha Giuse nào?” Giuse Nguyễn Năng, hay Giuse Nguyễn Chí Linh, hay Giuse Đỗ Quang Khang? Theo tôi, cứ gọi thẳng tên thật của họ là tốt nhất, vì điều đó thể hiện sự tôn trọng và quý mến đối với người được gọi tên.

Tôi hơi nghi là truyền thống gọi tên thánh ở Giáo hội Việt Nam ta bắt nguồn từ thời các cố Tây, các vị truyền giáo nước ngoài, khi rửa tội cho một tân tòng thì sẽ trao cho họ một tên thánh quan thầy (bổn mạng) để người ấy noi theo, đồng thời cũng là để cho các cha Tây dễ gọi tên người ấy, vì tên tiếng Việt chúng ta nhiều tên rất khó đọc.

Về việc xin lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Việt Nam ta vẫn cứ theo truyền thống gọi tên các linh hồn Maria, linh hồn Giuse, v.v… Rồi khi đọc các ý lễ, thế là ta cứ vô tư đọc 3 linh hồn Anna, 5 linh hồn Phero, v.v… nếu ngày hôm đó có nhiều người cùng tên thánh cần được cầu nguyện cho.

Nghe rất buồn cười, ấy vậy mà ta nghe riết rồi thấy quen! Thật ra, trong Sách Lễ Roma, không có chỗ nào quy định là phải kêu tên thánh bổn mạng của người đã khuất, tất cả các bản văn chỉ ghi là (Tên), có nghĩa là tên thật của người đó. Và đúng chuẩn phụng vụ là không được nặc danh, nghĩa là phải gọi tên cụ thể một người đã qua đời, hoặc thậm chí khi cầu nguyện cho người sống như cầu cho Đức Giám mục chánh tòa Giáo phận cũng phải đề cập tên thật của ngài.

Chỉ ở Việt Nam ta trước giờ thấy toàn đề cập tên thánh quan thầy, thánh bổn mạng?! Một điểm nữa mang tính hiệp thông sâu xa, đó là khi ta xin Lễ cầu cho một ai đó đã qua đời trong một giáo xứ, và khi tên người ấy được xướng lên lúc đầu Lễ, nhiều người tham dự buổi lễ đó biết và nhận ra hôm đó là lễ giỗ của người ấy; Khi ra về sau Thánh Lễ có thể đó là một dịp thăm hỏi người thân hoặc gia đình người được cầu nguyện trong Lễ đó, rồi có thể ôn lại những kỉ niệm đẹp người ấy để lại.

Bởi vậy, rất khuyến khích việc rao ý Lễ đề cập đến tên thật của người đã qua đời, thậm chí tên cúng cơm, vì có thể cả xóm, cả giáo xứ chỉ biết đến tên đó, ví dụ bà Anna Nguyễn Thị A. (bà Tám bán nước mắm), ông Toma Trần Văn T. (ông Năm sửa xe đạp) v.v… Tất cả những điều đó giúp ích cho việc củng cố tình hiệp thông giữa anh chị em đồng đạo, cũng như tình làng nghĩa xóm thêm thắm thiết mặn mà!

Tóm lại, tôi không biết đến khi nào Giáo hội Việt Nam mình mới sửa đổi tập tục này, nhưng riêng đối với bản thân tôi, việc xưng hô và gọi tên thật của một người là một điều đáng quý và trân trọng, đồng thời cũng thể hiện một mối hiệp thông sâu sắc với người được đề cập tên.


Nguồn: Lữ khách vui

 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang