Tắt Quảng Cáo [X]

Hé lộ điều làm cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô đau khổ nhất trong suốt 10 năm qua

11:53 19/03/2023
hoc du

Cách đây 10 năm, ngày 13 tháng 3 năm 2013, cha được bầu làm giáo hoàng. Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano:
Điều gì làm cho cha đau khổ nhất?

Tham nhũng. Tôi không chỉ nói về tham nhũng kinh tế, trong và ngoài Vatican, tôi đang nói về tham nhũng, về thoái hóa của trái tim. Tham nhũng là tai tiếng. Năm 2015 ở Napoli, tôi đã nói tham nhũng bốc mùi. Đúng, nó khạc mùi. Tham nhũng làm mục nát tâm hồn. Chúng ta phải phân biệt tội lỗi với thoái hóa. Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, tất cả! Ngay cả giáo hoàng cũng xưng tội hai tuần một lần. Nhưng chúng ta không được trượt từ tội lỗi sang hư hỏng thoái hóa. Không bao giờ! Trong Giáo hội, cũng như trong chính trị và trong xã hội nói chung, chúng ta phải luôn cảnh báo nhau về mối nguy hiểm trầm trọng của thoái hóa. Một người thoái hóa rất khó quay trở lại: thoái hóa hối lộ hôm nay và mai sau. Đó là lý do vì sao những tội phạm mafia bị dứt phép thông công: bàn tay của họ dính đầy những đồng tiền đẫm máu. Họ kinh doanh súng và ma túy. Họ giết những người trẻ và xã hội. Họ giết chết tương lai. Chúng ta cần phải rõ ràng: không có chỗ cho mafia trong Giáo hội! Chân phước Pino Puglisi và Rosario Livatino đã không thỏa thuận với mafia và vì thế họ phải trả giá bằng mạng sống của họ.

Sự thối nát trong Giáo hội cũng được thể hiện qua nạn ấu dâm của các giáo sĩ trong Giáo hội.

Đức Bênêđictô XVI đã có công lớn khi công khai tố cáo vụ tai tiếng to lớn này khi ngài còn là hồng y. Tất cả chúng ta đều nhớ lời của ngài: “Bao nhiêu là ô uế trong Giáo hội, chính xác là trong số những người thuộc hàng tư tế, lẽ ra họ phải hoàn toàn thuộc về Giáo hội!”. Ngài không chỉ có dũng cảm phi thường để tố cáo tất cả những điều này khi nó chưa được nói đến nhiều, khi chưa có nhận thức đầy đủ về sự ghê tởm này, mà, với tư cách hồng y và sau đó là giáo hoàng, ngài đã chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình chống lại sự im lặng và che đậy mà hàng chục năm nay đã bao phủ những kẻ có hành vi lạm dụng trong Giáo hội. Tôi đi theo con đường ngài vạch ra. Chúng ta cần phải rất rõ ràng về điểm này: nếu ngay cả một trường hợp lạm dụng được phát hiện trong Giáo hội, mà bản thân nó đã tượng trưng cho một sự quái quỷ, thì trường hợp đó sẽ luôn bị xử lý với mức độ nghiêm trọng nhất.

Một điều về hội nghị thượng đỉnh đó đã làm tôi có ấn tượng. Tôi xin các chủ tịch hội đồng giám mục từ khắp nơi trên thế giới chuẩn bị cho cuộc họp bằng cách lắng nghe các nạn nhân. Nhiều vị nói với tôi, trước đây họ chưa bao giờ lắng nghe các nạn nhân và họ đã khóc với các nạn nhân: đó là ơn nước mắt. Tôi nghĩ đây là sự thay đổi não trạng quan trọng và triệt để nhất trong Giáo hội để đối phó với lạm dụng: bắt đầu từ việc lắng nghe các nạn nhân. Với mục tử, đó là điều cần thiết. Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu lắng nghe các nạn nhân trong các chuyến tông du quốc tế của ngài. Đó là chia sẻ của người mục tử: chúng ta cần bắt đầu từ đây. Không có chỗ trong Giáo hội cho bất cứ ai phạm tội ghê tởm này chống lại Thiên Chúa và chống lại nhân loại. Ấu dâm là tội ác mà công lý phải trừng trị. Che đậy lạm dụng là một thực tế phổ biến. Tôi xin nhắc lại, 40% các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình và hàng xóm láng giềng, tất cả đều bị che đậy. Một thói quen mà Giáo hội đã có cho đến vụ tai tiếng Boston năm 2002. Vào thời điểm đó, Giáo hội nhận ra không thể che đậy hành vi ấu dâm của các linh mục của mình nữa, nhưng thói quen này vẫn tồn tại trong các gia đình và trong giới thể thao. Một điểm khác tôi muốn nhấn mạnh, đó là vấn đề sản phẩm khiêu dâm trẻ em. Nó xảy ra ở đâu? Ai là người cho mình có quyền tự do làm điều này mà không bị cơ quan nào lên án? Đây là điều xấu xa vì video khiêu dâm trẻ em làm với hình ảnh của các em.

Cha mong ước gì cho tương lai?

Hòa bình. Hòa bình ở Ukraine bị vùi dập, hòa bình ở tất cả các quốc gia khác đang phải gánh chịu nỗi kinh hoàng của chiến tranh, chiến tranh là thất bại của mọi người, của tất cả. Chiến tranh là phi lý và tàn nhẫn. Đó là một kỹ nghệ không biết đến khủng hoảng ngay cả trong đại dịch: kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Làm việc vì hòa bình có nghĩa là không đầu tư vào những nhà máy chết chóc này. Tôi đau lòng khi nghĩ, nếu vũ khí không được sản xuất trong một năm, nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt vì vũ khí là ngành công nghiệp lớn nhất hành tinh. Ngày 8 tháng 12 vừa qua, tại Piazza di Spagna, tôi đã khóc khi nghĩ đến thảm kịch mà người dân Ukraine đang trải qua. Hơn một năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu 24 tháng 2-2022. Tôi đã đi châu Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, tôi đã chứng kiến sự khủng khiếp của các cuộc xung đột ở hai quốc gia đó, đã tàn sát không biết bao nhiêu sinh mệnh con người và vẫn còn tiếp tục. Một điều làm tôi đau buồn là sự thờ ơ toàn cầu, họ ngoảnh mặt làm ngơ và nói: “Việc gì đến tôi? Tôi không quan tâm! Đây không phải là vấn đề của tôi!”. Khi bà nghị sĩ Liliana Segre và là người sống sót sau thảm họa diệt chủng người do thái, được hỏi nên viết từ nào trên sân ga 21 của nhà ga Milan, nơi các chuyến tàu lên đường đi đến các trại tập trung của Đức Quốc xã, bà không do dự nói: “Thờ ơ”. Không ai nghĩ đến chữ này. Nó làm chúng ta suy nghĩ vì sao cuộc thảm sát hàng triệu người đó lại diễn ra trong sự thờ ơ hèn nhát của nhiều người chỉ muốn ngoảnh mặt đi và nói: “Việc đó quan trọng gì đến tôi?”. Gần đây tôi đọc, thượng nghị sĩ nhắc lại chúng ta không đi du lịch đến Auschwitz, mà đến đó như đi viếng một đền thánh để không quên thảm kịch diệt chủng này. Và đó là cảm nghĩ tôi đã có khi năm 2016 tôi đến Auschwitz và tôi đã không thể phát biểu như hai tiền nhiệm của tôi đã làm. Tôi chỉ muốn im lặng cầu nguyện.

Cha mong muốn điều gì cho Giáo Hội?

Giáo hội phải ra ngoài, phải ở giữa giáo dân. Tôi nghĩ đến giám mục vĩ đại Tonino Bello, ngài đã ở giữa dân tộc của mình và chiến đấu hết mình vì hòa bình. Ngài không được hiểu vào thời của ngài, ngài đi trước thời quá xa. Và ngày nay chúng ta đang khám phá lại ngài. Một nhà tiên tri! Ngài là bậc đáng kính và đang trên tiến trình phong chân phước. Gần đây giáo dân dùng một câu nổi tiếng của ngài để làm bài hát: “Chúng ta là những thiên thần chỉ có một cánh. Để bay, chúng ta cần được anh chị em mình ôm ấp, chúng ta cho anh chị em mình mượn đôi cánh chúng ta và anh chị em cho chúng ta mượn đôi cánh của họ, có hai cánh chúng ta mới bay được.” Không ai tự cứu mình được. Chúng ta đã thấy điều này trong đại dịch.

Tôi mơ về một Giáo hội không có chủ nghĩa giáo quyền. Hồng y Henri-Marie de Lubac đã nói điều này trong tác phẩm nổi tiếng Suy niệm về Giáo hội, Méditation sur l’Église của ngài, trong đó ngài nói, “điều xấu xa nhất xảy đến cho Giáo hội là thói thời thượng, được chuyển thành chủ nghĩa giáo quyền của linh mục, nó vô cùng tai hại hơn bất kỳ loại thời thượng đạo đức thế gian nào.” Chủ nghĩa giáo quyền là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn vào thời các giáo hoàng tham nhũng. Một linh mục, giám mục hay hồng y mắc bệnh chủ nghĩa giáo quyền sẽ gây nhiều tác hại cho Giáo hội. Đó là căn  bệnh rất dễ lây lan. Tệ hại hơn nữa là giáo dân bị giáo quyền hóa: họ là một thứ sâu bọ trong Giáo hội. Giáo dân phải là giáo dân.

Và cuối cùng, cha hy vọng gì cho tương lai của cha?

Xin Chúa thương xót tôi. Công việc của giáo hoàng không phải là một công việc dễ dàng. Chưa có ai được đào tạo để làm công việc này. Nhưng Chúa biết điều này đã xảy ra với Thánh Phêrô. Ngài bình thản đánh cá cho đến ngày Chúa chọn ngài để lưới cá ‘người’. Và Thánh Phêrô đã sa ngã. Ngài chối người ngài đã cùng sống ngày đêm, đã cùng ăn uống, đã nghe giảng và đã thấy người đó làm phép lạ: “Tôi không biết ông ấy!”. Làm thế nào chuyện này lại có thể xảy ra? Nhưng sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã chọn Thánh Phêrô một lần nữa. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa với chúng ta. Dù với giáo hoàng. Thánh Phaolô VI đã viết trong Suy nghĩ về cái chết: “’Servus usinus sum’, tôi là đầy tớ vô dụng.”. Một suy niệm rất hay, tôi đặc biệt xin các linh mục đọc và suy niệm.


Nguồn: Phanxico

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang