Tắt Quảng Cáo [X]

Có được chúc lành cho trẻ em trong nghi thức hiệp lễ không?

09:33 18/01/2024
hoc du

Đặt ra câu hỏi như trên cho bài viết này vì tại Việt Nam chúng ta, thực hành chúc lành cho trẻ em diễn ra phổ biến hơn cho những đối tượng khác. Trong khi đó, tại nhiều nơi trên thế giới, hiện vẫn có những người đi theo đoàn rước hiệp lễ không phải để rước lễ mà chỉ ước muốn được lãnh nhận phép lành từ linh mục hay phó tế. Những người này là ai? Họ có thể thuộc 3 nhóm đối tượng sau:

Thứ nhất, những tín hữu bị mắc một ngăn trở nào đó mà không thể rước lễ, chẳng hạn như ở trong tình trạng tội nặng hoặc ly dị và tái hôn…

Thứ hai, các trẻ em thuộc gia đình Công giáo nhưng chưa được rước lễ lần đầu.

Thứ ba, những người ngoài Công giáo đang tham dự vào các lễ nghi của Công giáo như an táng hay lễ cưới, hoặc là các học sinh ngoài Công giáo theo học tại một trường Công giáo mà không muốn như bị “loại trừ” ra khỏi tập thể học sinh Công giáo (trường hợp thứ ba này hiếm khi xảy ra tại Việt Nam).

Câu hỏi được đặt ra là linh mục, phó tế hoặc một thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường, thay vì cho những đối tượng này rước lễ thì có thể ban phép lành cho họ hay không?

Giải đáp từ Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã nghiên cứu chu đáo câu hỏi trên đây và nêu rõ quan điểm của Bộ trong một bức thư đề ngày 22.11.2008 (Protocol No. 930/08/L) và được ký bởi Lm. Anthony Ward, SM (phụ tá thư ký). Mặc dù bức thư không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng lại chỉ ra rằng Tòa Thánh hướng tới quan điểm phủ nhận thực hành này.(1) Dựa vào bức thư, chúng ta có lời giải đáp như sau:
1]. Việc ban phép lành đang khi hiệp lễ là không cần thiết bởi vì bên cạnh phép lành của Đức Giám mục chủ tế ban cho cộng đoàn vào những dịp long trọng bằng cách giơ cao Sách Tin Mừng và ghi hình thánh giá [sau khi Phúc Âm được công bố] thì một phép lành phổ biến hơn trong mọi thánh lễ sẽ được ban một cách thích hợp bởi chính vị chủ tế [linh mục hay giám mục] cho từng người và cho tất cả mọi người tham dự phụng vụ thánh lễ. Phép lành này diễn ra vào lúc kết thúc thánh lễ, nghĩa là chỉ ít phút sau nghi thức hiệp lễ mà thôi và trước khi họ được giải tán ra đi để sống hoa trái của phụng vụ là thi hành sứ vụ của người Kitô hữu giữa lòng thế giới.

2]. Theo giáo luật điều 1169§ 2: Mọi linh mục đều có thể ban các phép lành, trừ những phép lành được dành riêng cho Ðức Giáo Hoàng hoặc cho các Giám mục. Trong bối cảnh thánh lễ do linh mục làm chủ tế, chỉ có ngài mới có quyền ban phép lành cuối lễ. Còn những thừa tác viên không chức thánh hay còn gọi là thừa tác viên giáo dân, do việc đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, họ có chức tư tế cộng đồng. Và nhờ phẩm giá này, khi không có sự hiện diện của linh mục hay phó tế, họ có thể cử hành một số phép lành như được chỉ ra trong sách Nghi thức Phép lành Roma (=NTPL) “Ritual De Benedictionibus”(1985). Chẳng hạn, họ có thể thực hiện một số phép lành sau: phép lành cho một gia đình (NTPL, số 42-61); phép lành cho trẻ em (NTPL, số 135-194); phép lành cho người già đang yếu mệt (NTPL, số 258-276; 283-289); phép lành cho người bệnh (NTPL, số 290-320); phép lành cho nhóm đang tụ họp học giáo lý hoặc cầu nguyện (NTPL, số 378-387)… Tuy nhiên, trong bối cảnh thánh lễ, thừa tác viên giáo dân tuyệt đối không được phép ban phép lành. Ở thời điểm này, chức năng của họ không gì khác hơn là cộng tác với hàng giáo sĩ để trao Mình Thánh Chúa.(2)
3]. Hành động đặt một tay hay hai tay trên một ai đó là cử chỉ mang ý nghĩa bí tích cho nên hoàn toàn không thích hợp ở đây khi những người cho rước lễ thay vì trao ban Thánh Thể cho người lãnh nhận lại thay thế bằng cách đặt tay ban phép lành. Chính vì vậy, khi bức thư này chưa ra đời (năm 2009), vào năm 2007 cha Edward McNamara đã đề nghị rằng nếu giáo phận nào đã chuẩn nhận cho thực hành chúc lành cho người không rước lễ thì tốt hơn, thừa tác viên không được chạm vào thụ nhân. Tất nhiên, vào thời điểm đó (năm 2007), ngài cũng nói rõ là có một số giáo phận không khuyến khích và thậm chí cấm đoán thực hành này.(3)

4]. Theo Tông huấn “Familiaris Consortio” số 84, mặc dù các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu cần phải giúp đỡ những người ly dị đã tái hôn bằng một lòng bác ái rộng lớn và làm tất cả mọi sự để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh nhưng dự phần vào đời sống Hội Thánh như thúc đẩy họ lắng nghe Lời Chúa, tham dự Hy tế Tạ ơn, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội Thánh.Tuy nhiên, “Hội Thánh vẫn xác nhận lại kỷ luật của mình, kỷ luật xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Hội Thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể” và “cấm tất cả mọi chủ chăn, dù bất cứ vì nguyên do nào hay bất cứ vịn cớ gì, ngay cả vì lý do mục vụ, đều không được cử hành bất cứ một thứ nghi thức nào cho những người đã ly dị nay kết hôn lại”. Bởi vậy, chúng ta phải e sợ bất kỳ hình thức ban phép lành nào cho đối tượng này thay vì cho rước lễ bởi sẽ tạo ra ấn tượng không hay và lầm tưởng rằng người ly dị và tái hôn đã ra khỏi tình trạng này. Theo cha Edward McNamara, về phương diện chăm sóc mục vụ cho những anh chị em này, chúng ta hãy nghĩ tới giải pháp rước lễ thiêng liêng như đã từng được các vị thánh vĩ đại trong Giáo hội khuyến khích. Quả thật, nếu một người khao khát rước Chúa vào lòng một cách bí tích nhưng không thể vì một lý do nào đó thì theo truyền thống của Giáo hội họ có thể rước lễ thiêng liêng. Vậy khi các thừa tác viên của Giáo hội gặp trường hợp nêu trên, họ có thể hướng những người này sang việc rước lễ thiêng liêng bằng việc nói với họ: “Xin hãy đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng” và không làm một hành động nào kèm theo. Đây không phải là một phép lành, nhưng là một lời mời gọi họ đến phụng thờ Chúa.(4)
5]. Một cách tương tự, đối với những người không được chấp nhận cho rước lễ chiếu theo chuẩn mực của giáo luật, kỷ luật của Giáo hội đã minh định rằng họ không nên tiến lên rước lễ hay tiếp nhận phép lành. Điều này bao gồm cả những anh chị em không Công giáo và những thành phần được đề cập trong Giáo luật số 915, tức là, những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.

Đối tượng là trẻ em thì sao?

Thư trả lời của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã không đề cập một cách cụ thể đến đối tượng là bé thơ hay trẻ em chưa được rước lễ lần đầu, nhưng đây có lẽ là trường hợp xảy ra thường xuyên nhất trong hoàn cảnh Việt Nam vì một mặt, không hiếm các cha sở chủ trương và khuyến khích trẻ em tiến lên lãnh nhận phép lành; mặt khác, nhiều nơi cũng muốn nhưng không nắm chắc thực hành này có được phép hay không. Dĩ nhiên, nhiều đứa trẻ không thể không đi theo cha mẹ trong đoàn rước lễ hiệp lễ. Thông thường, cha mẹ xin thừa tác viên chúc lành cho con cái của họ, hoặc với những đứa trẻ lớn hơn một chút, các em tiến tới chỗ rước lễ và làm một cử chỉ vắt chéo tay trước ngực theo hình thánh giá như một dấu hiệu vừa để bày tỏ ước muốn lãnh nhận phép lành chứ không rước lễ, vừa biểu hiện lòng tôn kính của con trẻ đối với bí tích Thánh Thể. Đây quả thật là cử chỉ phù hợp và đáng khen ngợi. Tuy nhiên các thừa tác viên Thánh Thể thông thường và ngoại thường không thể đáp ứng ý định hay yêu cầu này của trẻ em hay cha mẹ của các em mà đặt tay ban phép lành như là một loại “thay thế” cho rước lễ. Ý định ban phép lành cho trẻ em thì tốt. Nhưng chiếu theo lý do đầu tiên được đưa ra ở trên: trong bối cảnh thánh lễ, phép lành được ban một cách thích hợp bởi chủ tế [linh mục hoặc giám mục] cho từng người và cho tất cả mọi người vào lúc kết thánh lễ, chỉ ít phút sau nghi thức hiệp lễ, cho nên đang khi cho rước lễ, không thể ban phép lành cho bất kỳ ai, kể cả cho trẻ em, bởi bất kỳ thừa tác viên nào. Nếu muốn, có thể chúc lành cho các em sau thánh lễ.
Kết luận

Từ những gì vừa trình bày, trong hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:

Thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường (chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân) không được phép chúc lành [cho trẻ em hay người lớn] đang khi cho rước lễ trong thánh lễ.

Vì chỉ là tôi tớ của phụng vụ,(5) các thừa tác viên có chức thánh (chủ tế, các vị đồng tế và thầy phó tế) không nên tự tiện ban phép lành [cho trẻ em hay người lớn] đang khi cho rước lễ trong thánh lễ trừ khi Giám mục giáo phận, trong tư cách là thủ lãnh phụng vụ của giáo phận, cổ võ hay chuẩn nhận thực hành này.(6) Tuy nhiên, trước khi ra quyết định, thẩm quyền giáo phận nên thận trọng cân nhắc quan điểm của Tòa Thánh như đã nêu trong bức thư trên [kể từ năm 2009], đó là khuynh hướng không chấp nhận thực hành này.

Nếu muốn chúc lành cho trẻ em, có thể thực hành ngoài thánh lễ.

Đối với người lớn mắc ngăn trở không thể rước lễ, các mục tử nên khuyến khích họ rước lễ thiêng liêng mà không cần lên nhận phép lành lúc hiệp lễ. Nhưng nếu vẫn có người theo lên trong đoàn rước hiệp lễ, thừa tác viên chỉ cần nói với họ rằng: “Xin hãy đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng” và không làm một hành động nào khác.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể (SSS)

_________________________________________

1 Xc. Edward McNamara, “Blessings at Holy Communion”trong A Zenit Daily Dispatch [Rome, 24-03-2009]

2 Xc. Ecclesia de Mysterio, Notitiae34 (15-08-1997), art. 6, § 2; Giáo luật, số 1169, § 2; RomanRitual De Benedictionibus(1985), số 18.

3 Xc. Edward McNamara, “Blessings Without a Stole”trong A Zenit Daily Dispatch [Rome, 15-05-2007].

4 Xc. Edward McNamara, “Blessings for Non-communicants”trong A Zenit Daily Dispatch [Rome, 10-05-2005 / 24-05-2005].

5 Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 24.

6 Xc. Ibid., số 22.


 

 

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang