1. Linh mục mô tả cuộc tấn công mới ‘khủng khiếp’ vào người Công Giáo ở Nigeria khiến ít nhất 11 người bị thiệt mạng và bị chặt đầu
Cha Aondover cho biết các cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Năm tại một ngôi làng gần Makurdi, thủ phủ của Bang Benue, nơi có một trại tị nạn.
Một số nạn nhân của vụ tấn công đang phải nằm bệnh viện ở Agan và Makurdi, bang Benue, Nigeria.
Ít nhất 11 người, hầu hết là người Công Giáo, đã thiệt mạng vào ngày 19 Tháng Giêng khi những người chăn gia súc Fulani tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn ở Giáo phận Makurdi của Nigeria, một quan chức giáo phận cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Phi Châu, Cha Moses Aondover Iorapuu, tổng đại diện của giáo phận, đã kể lại cuộc bách hại “khủng khiếp” mà người Công Giáo phải chịu trong cuộc tấn công.
“Những hình ảnh về vụ tấn công thật kinh hoàng, và tôi luôn nói rằng ngay cả IS cũng không thể thực hiện hành vi tàn bạo như vậy. Sau khi giết người, những kẻ này đã chặt đầu một số người và lấy các bộ phận đó đi để làm bằng chứng trình cho những người đã sai họ đến đó.”
“Tính đến tối nay, 11 người đã thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, và nhiều người bị thương trong bệnh viện.”
“Hầu như tất cả các nạn nhân” của cuộc tấn công đều là người Công Giáo, ngài nói thêm: “Những kẻ tấn công là người Fulani, những kẻ đã xâm lược một số ngôi làng và đốt phá trong các cuộc đột kích trước đó.”
Cha Aondover chỉ trích phản ứng chậm trễ của các binh sĩ an ninh. Ngài nói: “Phản ứng của cảnh sát và quân đội như mọi khi: đến hiện trường quá muộn là bình thường, và những kẻ tấn công vẫn chưa được xác định danh tính.”
Nigeria rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009 khi cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích biến đất nước này thành một quốc gia Hồi giáo.
Kể từ đó, nhóm này, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Phi Châu, đã tung ra các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị cũng như dân thường.
Tình hình mất an ninh ở quốc gia Tây Phi càng trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của những người chăn gia súc Fulani chủ yếu theo đạo Hồi, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên xung đột với nông dân theo Kitô Giáo để tranh giành đất chăn thả gia súc.
Cha Aondover cho biết cuộc tấn công vào ngôi làng vào ngày 19 Tháng Giêng đã chứng kiến cư dân “bị những người chăn gia súc này đuổi ra khỏi nhà một cách mtàn bạo,” Cha Aondover nói, đồng thời than thở về “các cuộc tấn công không ngừng mà không có một vụ bắt giữ nào và chẳng có một phản ứng có ý nghĩa từ chính phủ.”
Ngài nói: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và bị bỏ rơi bởi chính phủ của chúng tôi và cộng đồng quốc tế.
Source: National Catholic Register
2. Nhà xuất bản Ý phát hành tập tiểu luận của Đức Thánh Cha Bênêđictô
Trong khi Công đồng Vatican II trao cho Giáo Hội Công Giáo một tài liệu “tuyệt đẹp” về chức tư tế, “Công Đồng đã không đề cập đến vấn đề cơ bản” về sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo và Tin lành về thừa tác vụ được phong chức, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết như trên trong một bài tiểu luận xuất bản sau khi ngài qua đời.
Một lời giải thích về các khía cạnh của “của lễ hy sinh và đền tội” trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể và do đó, trong vai trò của linh mục Công Giáo là trọng tâm của hai trong số các tiểu luận mới có trong cuốn sách “Kitô giáo là gì?” — một cuốn sách chỉ mới được phát hành bằng tiếng Ý vào cuối tháng Giêng bởi nhà xuất bản Mondadori.
Đức Bênêđíctô ghi ngày cho lời nói đầu của cuốn sách là ngày 1 tháng 5 năm 2022, và kèm theo lệnh không được xuất bản nó cho đến sau khi ngài qua đời.
Chỉ mới có bốn trong số 16 tiểu luận được xuất bản trong cuốn đầu tiên. Tất cả chúng đều được viết từ năm 2014 đến tháng 3 năm 2022.
Bài tiểu luận về “Chức vụ Linh mục Công Giáo” là bản sửa đổi hoàn chỉnh và mở rộng đóng góp mà Đức Bênêđíctô đã gửi cho Đức Hồng Y Robert Sarah để đưa vào cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” xuất bản năm 2020. Mục đích chính của cuốn sách là bảo vệ luật độc thân linh mục, nhưng Đức Bênêđíctô không muốn được liệt kê như là đồng tác giả của cuốn sách và khẳng định ngài chỉ đóng góp những ghi chú để mở rộng thành một chương.
Elio Guerriero, người đã giúp Đức Bênêđíctô biên soạn các tiểu luận trong cuốn “Kitô giáo là gì?” cho biết cuộc tranh cãi về cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” là nguyên nhân khiến Đức Bênêđíctô quyết liệt chỉ cho phép xuất bản tuyển tập các bài luận cho đến sau khi ngài qua đời.
“Tôi không muốn công bố bất cứ điều gì khác trong đời mình,” Đức Bênêđíctô đã nói với Guerriero. “Sự giận dữ của những nhóm chống lại tôi ở Đức mạnh đến mức chỉ cần tôi nói bất kỳ lời nào là lập tức kích động một cuộc hỗn chiến từ phía họ. Tôi muốn tha cho bản thân mình và cho Kitô Giáo không phải chịu điều này”.
Phiên bản mới của bài tiểu luận bảo vệ sự độc thân của linh mục như là cách diễn tả thích hợp nhất về sự hiến dâng hoàn toàn của một linh mục cho Thiên Chúa và như một điều kiện để có được sự trong sạch theo nghi thức phù hợp với chức tư tế của người Israel. Nhưng phiên bản mới tập trung nhiều hơn vào mối liên hệ với chức tư tế cổ xưa và việc dâng lễ vật hy sinh hơn là tình trạng độc thân.
Bài tiểu luận trong cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta,” và các bài luận trong cuốn sách mới được xuất bản đều không đề cập đến việc tiếp tục phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn trong các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, cũng như các trường hợp ngoại lệ được Thánh Gioan Phaolô II và chính Đức Bênêđictô ban cho đối với các cựu mục sư của Anh giáo đã kết hôn, và các thừa tác viên của các giáo phái Kitô giáo khác khi họ gia nhập Công Giáo.
Một tiểu luận mới về “Ý nghĩa của việc rước lễ,” đã nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa cách hiểu của người Công Giáo về chức tư tế và cách hiểu của người Luther về thừa tác vụ; cũng như giữa cách hiểu của người Công Giáo về Thánh lễ và cách hiểu của người Luther về Bữa Tiệc Ly của Chúa.
Ngài viết, sự khác biệt “không phải là hời hợt và ngẫu nhiên mà cho thấy sự khác biệt cơ bản trong việc hiểu mệnh lệnh của Chúa Kitô” trong bữa tiệc ly khi ngài nói với các môn đệ của mình, “Hãy làm điều này để tưởng nhớ đến Thầy.”
Đức Bênêđíctô viết, sự khác biệt đó phải được tính đến khi các nhà lãnh đạo Công Giáo xem xét việc mở rộng lòng hiếu khách Thánh Thể đối với người Luther ngoài những dịp đặc biệt được giáo luật cho phép.
Source:National Catholic Register
3. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tĩnh tâm Mùa Chay riêng vào năm 2023
Giống như hai năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma sẽ lại thực hiện kỳ tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của Vatican trên cơ sở cá nhân.
Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các Hồng Y sống ở Rôma và những người đứng đầu các bộ tham gia các cuộc linh thao “một cách cá nhân” trong suốt tuần đầu tiên của Mùa Chay từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 3 tháng 3.
Trong tuần đó, tất cả các cuộc hẹn của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bị hủy bỏ, bao gồm cả buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 1 tháng Ba.
Đức Thánh Cha yêu cầu các bề trên của Giáo triều Rôma đình chỉ các hoạt động công việc của họ và sử dụng năm ngày để cầu nguyện.
Đây là năm thứ ba các cuộc tĩnh tâm Mùa Chay, trước đây được tổ chức như một khóa tĩnh tâm theo nhóm, sẽ diễn ra một cách riêng tư.
Vào năm 2021 và 2022, Vatican viện dẫn đại dịch COVID-19 là lý do cho sự thay đổi.
Vào năm 2020, một đợt cảm lạnh đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô không thể tham gia cùng các Hồng Y và các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma tại một nhà tĩnh tâm bên ngoài Rome.
Thông lệ Đức Thánh Cha đi tĩnh tâm Mùa Chay với các vị đứng đầu các thánh bộ của Vatican đã bắt đầu từ khoảng 90 năm trước dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XI. Các cuộc tĩnh tâm được tổ chức tại Vatican, nhưng bắt đầu từ Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn tổ chức tĩnh tâm tại Ariccia, cách Rôma khoảng 16 dặm về phía đông nam.
Source: Catholic News Agency
Lượt xem: 321