Từ một chàng trai hư hỏng, cờ bạc, ma túy đến một phạm nhân rồi thành đan sĩ, linh mục, giờ đây chính Linh mục Trần Văn An lại hoán cải cuộc đời cho nhiều người giúp họ sống lương thiện, có ích.
Phóng viên Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã tới Đan Viện Thiên An ở Huế và gặp Đan sĩ, Linh mục Phanxicô Xaviê Trần Văn An. Cuộc đời linh mục là một hành trình đầy thử thách, gian nan; đầy sự phấn đấu, lòng nhân từ và hồng ân.
Từ tình yêu thương bao la của mẹ
Sinh ra trong một gia đình thuộc loại khá giả thời bấy giờ ở giáo xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha Phanxicô Trần An được sống trong cảnh bao bọc yêu thương của những người cha, người mẹ đạo hạnh. Lớn lên, giỏi dang trong học tập và được sự yêu mến của mọi người chung quanh.
Nhưng rồi cậu thanh niên Trần An đã thay đổi từ một quyết định của tuổi trẻ, của sự tự do và trong sự tin tưởng của cha mẹ. Một khoản vốn đã được cha mẹ chấp thuận khi cậu muốn tách riêng để làm ăn kinh doanh: làm nghề vàng và buôn bán vàng bạc. Bằng tài năng của mình, chàng trai đã rất thành công và gây dựng được danh tiếng mà không phải ai ở độ tuổi của cậu cũng có được. Rất nhiều người ngưỡng mộ, rất nhiều người yêu mến bởi vì dù thành công An vẫn luôn tỏ ra là một con người lịch sự, lễ phép và sống chân thành với người khác.
Thế nhưng, chuyện gì đến cũng sẽ đến. Sống trong một xã hội của một thành phố Vinh nổi tiếng chất chứa nhiều cạm bẫy, nhiều sự lôi kéo vào con đường ăn chơi, hưởng thụ. Cũng yếu đuối, cũng nông nổi, cũng ham muốn như bao người trẻ khác, hơn nữa, trong cảnh đầy đủ và thành công ban đầu dễ khiến Trần An bị cuốn vào vòng xoáy của lớp thanh niên đương thời.
0Ăn chơi, tiêu phá hết tất cả những gì đã gầy dựng. Sa vào bất mãn và mong muốn gỡ lại những gì nhận từ phụ mẫu. Trần An đã sai lại càng thêm sai. Chán nản, buồn bã Trần An lại càng lâm vào vui chơi hoang đàng, sa đọa trong men đắng tình trường, trong nghiện ngập chích hút. Cuộc đời và những người bạn xấu đã đẩy Trần An đến việc lỗi phạm đức công bằng, đưa Trần An đến chỗ thân tàn ma dại và ra vào vòng lao lý.
“Giữa cuộc đời tha hương lữ thứ
Tôi đi tìm lạc thú niềm say
Khi cuộc tình khi chén rượu cay
Khi quân bài hay khi khói thuốc…
Bỗng đâu chiếc còng người cảnh sát
Dẫn tôi đi vào chốn quạnh hiu
.. ….”
(Trần An, 10.1995)
Thế nhưng, tình yêu của người mẹ, lời cầu nguyện và nước mắt của bà, cũng như chương trình của Chúa dành cho cậu thật quá ư vĩ đại. Được thức tỉnh và muốn làm vui lòng cha mẹ, Trần An đã được gửi đến Đan viện Thiên An để tĩnh tâm, để cai nghiện. Trải qua bao thăng trầm của một cuộc sống thật quá ư xa lạ, Trần An đã thành công và còn dâng hiến đời mình cho Chúa. Chàng muốn dâng cả thân xác và linh hồn mình để một đời thân mật với Chúa, đáp lại ân huệ yêu thương mà Chúa đã dành. Để rồi, bây giờ không ai không biết đến một vị linh mục mang cái tên rất đỗi thân thương và chứa đựng nhiều ý nghĩa: Phanxicô Trần An hay thường gọi là “Tràn Ân”.
“……….
Con xin cảm tạ Chúa nguồn yêu
Đã thương ban tặng biết bao điều
Từ vũng bùn nhơ Ngài thánh hiến
Đưa về chung sống bến “Trời yêu”
.. ….”
(Trần An, 28.5.1995)
Không dừng ở đó, cha Trần An còn đã và đang thực hiện một công việc mà đối với cuộc đời từng trải như cha thật không mấy người có thể thay thế. Cha đã xin phép và được bề trên chấp thuận để lập một trung tâm giúp đỡ cho những thanh niên từng lâm vào cảnh nghiện ngập trở về.
“Trung tâm Hướng Thiện” do cha An sáng lập và điều hành đã được xây dựng ngay phía sau linh địa Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), nơi mà Đức Mẹ không ngừng kêu gọi ăn năn hoán cải. Đến nay, dù thời gian chưa đầy hai năm, nhưng đã có hàng trăm con người sa ngã đã đến và được cha Trần An hướng dẫn tĩnh tâm.
Trong số đó, đã rất nhiều người trở về lại với gia đình, thành công trong công việc kinh doanh. Hơn nữa, có 6 người tại Trung Tâm Hướng Thiện đã bước theo con đường của cha An để dâng mình cho Chúa trong các tu viện và đan viện, 6 người anh chị em từ trung tâm đã được hồng phúc lãnh nhận phép rửa để trở thành con cái của Thiên Chúa.
Tôi cũng từng có may mắn được viếng thăm và sinh hoạt cùng những con người nơi Trung tâm Hướng Thiện mà cha An đã gầy dựng nên. Những con người mà có lẽ khi nghe nói về họ, về quá khứ nghiện ngập, trường trại và lối sống buông thả mà họ đã từng chúng ta sẽ có một cảm giác sợ hãi hay khinh thường…
Thế nhưng, nơi Trung tâm Hướng Thiện những con người ấy lại trở nên thu hút một cách lạ kỳ. Nơi ấy đầy ắp tiếng cười và như một cộng đoàn dòng tu thực thụ với lối sống kỷ luật, tự giác. Họ đã không còn bị tiền bạc chi phối khi chấp nhận sống mà không giữ tiền riêng.
Họ đã trở nên những con người có nề nếp khi chấp nhận một lối sống mới đúng giờ giấc, đúng lịch trình sinh hoạt hằng ngày. Họ đã trở về với Chúa và đến với Ngài mỗi ngày trong các giờ kinh phụng vụ, các thánh lễ bên người cha yêu quý của họ. Những con người đã quen với lối sống giành giật, trộm cắp, phung phí, chích hút…nay lại đổ mồ hôi hằng ngày để lao động, để làm việc.
Họ đã bị đánh động bởi một cuộc đời đổi thay để rồi cũng thay đổi chính mình. Họ đã bị tiếng đàn, tiếng hát, hay những lời thơ chứa đựng bao niềm cảm xúc, chứa đựng bao tâm tư và cũng là nhật ký của một con người mang tên Trần An đánh động. Từ những người xa lạ với Thiên Chúa, xa lạ với đời sống Đức Tin thế mà giờ đây họ đang nếm hưởng những mật ngọt của tình Chúa. Họ đã và đang dần nhận ra Chúa nơi chính bản thân và nơi người khác để rồi biết tôn trọng món quà quý giá mà họ được lãnh nhận nơi Ngài.
Thật là một câu chuyện cảm động về kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã hoạch định. Dù Trung Tâm Hướng Thiện của vị linh mục “Tràn Ân” còn gặp nhiều khó khăn và thách đố, nhưng tin tưởng rằng: Chúa đang cùng cha An đồng hành để đưa tin vui đến cho nhiều gia đình, đưa niềm hy vọng đến cho nhiều phận người sa ngã, khổ đau.
2. Cha Phanxicô Xaviê Trần An – Nguồn cảm hứng cho nhiều người trở về với Chúa
Anh Phaolô Nguyễn Phú Cường được mẹ đưa đi viếng Thánh địa Đức Mẹ La Vang. Tại đây, người thanh niên 27 tuổi này đã gặp gỡ cha Phanxicô Xaviê Trần An – người từng nghiện ma túy và đã trở thành đan sĩ của dòng Biển Đức Thiên An.
Cường cho biết anh nghiện ma túy từ năm 2004, từng ngồi tù bốn năm vì tội mua bán ma túy. Con một của chủ trại nuôi chim cút ở Đồng Nai, đột nhiên gia đình phá sản vì dịch cúm gia cầm khiến gần hai triệu con chim cút chết hết. Trắng tay, mẹ anh đòi tử tự, anh bỏ học rồi lâm vào nghiện hút ma túy.
Cường tình nguyện ở lại nhà tĩnh tâm của cha An để cai thuốc. “Tôi quyết tâm trở về với Chúa vì mùa Chay là mùa hoán cải”.
Chàng trai này còn tự nguyện nộp điện thoại di động cho cha An và sống như một đan sĩ của dòng Thiên An.
Thức dậy từ năm giờ, anh với những người cai nghiện khác đọc kinh sáng, suy niệm Tin Mừng, hát thánh ca, ăn sáng, làm dép, tưới rau, lần chuỗi, xem thời sự, tập hát.
Buổi chiều, có các chuyên gia tâm lý đến nói chuyện hoặc một người chuyên môn về thiền đến dạy anh cách thiền để tịnh tâm nhằm giúp quên đi cơn thèm thuốc.
Buổi tối, họ vào nhà nguyện để nghe nhạc thánh ca không lời và cầu nguyện trước Thánh Thể, đến 21 giờ tham dự Thánh lễ.
Antôn Nguyễn Tường Vũ từng có chiến tích vang dội như cầm dao đi đánh lộn và chặn đường cướp tiền và xe đạp đem bán lấy tiền tiêu xài. Mắt trái của em còn vết sẹo để lại do một lần chém nhau với bạn bè.
Cậu bé 12 tuổi quê ở Hà Tĩnh cho biết cha em mất tích tại Lào, mẹ thì bị bại liệt. Do nghiện game và bị bạn bè cho uống thuốc gây kích thích ảo giác nên em thường có cảm giác làm được những chuyện phi thường như đi xuyên qua tường.
Hôm tháng Hai, cậu bé được mẹ và chú ruột đưa vào gặp cha An để nhờ ngài dạy dỗ sau khi gia đình họ nghe kể về cuộc đời của ngài.
Mỗi ngày, cha An dạy cậu cầu nguyện chung với những người cai nghiện khác, nhờ đó Vũ đã bỏ được thói ăn cắp, không nói dối và lễ phép với mọi người.
“Con xin ở lại với cha An để học chữ dù con rất nhớ mẹ nhưng con sợ về nhà lại bị bạn xấu kéo đi ăn cắp” – Vũ tâm sự.
Nhà tĩnh tâm của cha An thành lập từ tháng 8-2012, rộng khoảng 20.000 mét vuông, ngay bên cạnh La Vang ở Quảng Trị. Ngài đang giúp 18 người cai nghiện và chăm sóc hai bệnh nhân HIV.
Hằng ngày, Cha An dùng những bài thánh vịnh nói về những người tội lỗi quay trở về, giải thích, khuyên bảo người nghiện từ bỏ cơn cám dỗ, giúp họ ngồi thiền, tĩnh tâm và cầu nguyện.
Trong mùa Chay này, sáng nào họ cũng đọc câu thánh vịnh: “Cơ may tới, giờ hồng ân đã điểm. Xin cho lòng biết hối hận ăn năn. Nhờ tình thương mà cải quá tự tân. Quay trở lại như Lòng Trời mong muốn”.
Ngoài việc giúp con nghiện hoàn lương, vị linh mục này còn dạy họ làm dép. Ngài cho biết hiện ngài đang chờ giấy phép chính quyền để mở nhà máy lọc nước đóng chai và lập nông trại nuôi gà công nghiệp, nuôi chim bồ câu để giúp họ có công việc làm ăn sau khi trở về gia đình.
Theo cha An, từ khi thành lập nhà tĩnh tâm đến nay, ngài đã giúp 50 người cai nghiện. Trong số này có hai người sau khi trở về gia đình đã tái nghiện trong khi 48 người còn lại thì đạo đức hơn, tối nào cũng làm gương mời cả nhà đọc kinh tối, có người mở phòng nguyện riêng để cầu nguyện trong công ty tư nhân của mình.
Cha nhận xét rằng những người tìm đến cha họ dễ cắt được cơn nghiện hơn vì môi trường chỗ ngài không có người bán ma túy. “Mọi người lao động tự do không bị ép buộc làm khổ sai như trong nhà tù, và anh có thể tự do đi dạo ngoài nhà tĩnh tâm mà không bị ai theo dõi” – ngài nói.
Giờ đây, Cường đã cắt được thuốc, anh dự định ở lại với cha An năm tháng để học cách làm dép, sau đó anh sẽ về nhà và xin việc làm ở một công ty giày dép.
“Nếu mẹ tôi không dắt tôi đến gặp cha An thì có lẽ bây giờ tôi đã ngồi chia bài cho một sòng bạc bên Campuchia vì trước khi đến đây tôi từng có ý định làm giàu bằng cách làm thuê cho một sòng bài kết hợp với buôn bán ma túy”.
“Chính cha An đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tấm gương của ngài đáng để tôi học hỏi” – Cường nói.
Hiện Cha An đang phụ trách Nhà Tĩnh tâm Hướng Thiện Thiên An La Vang,
Lượt xem: 7.781