Tắt Quảng Cáo [X]

Văn phòng đại diện Tòa Thánh đặt ở đâu? – Tiếng nói chính thức từ đại diện HĐGMVN

07:03 29/12/2023
hoc du

Nhân sự kiện lịch sử trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) có cuộc phỏng vấn với đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng HĐGMVN, để tìm hiểu thêm về vai trò của vị đại diện Tòa thánh, quá trình làm việc giữa hai bên cũng như tiềm năng tiến triển trong tương lai của mối bang giao này.

 

Dưới đây là bản tường thuật bằng văn bản:

Khánh An-VOA: Trước tiên, VOA cám ơn quý đức cha, quý cha của HĐGMVN đã nhận lời trả lời cuộc phỏng vấn này để quý khán, thính, độc giả của VOA ở khắp nơi trên thế giới có thể biết và hiểu thêm về bước ngoặt mới trong mối bang giao giữa Việt Nam và Vatican, đó là có một vị đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Trước tiên, xin cha giải thích tóm tắt công việc và nhiệm vụ của một Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Tại sao việc có một đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam lại cần thiết?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Trước hết, xin cám ơn Khánh An và Đài VOA đã liên hệ với Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, là Chủ tịch HĐGMVN, để hẹn phỏng vấn. Thừa lệnh ngài, tôi vui mừng được tiếp chuyện với Đài VOA và Khánh An. Kính chào quý vị khán giả.

Về câu hỏi đầu về nhiệm vụ của vị đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, chúng ta cũng biết các quốc gia, tổ chức phi chính phủ họ có văn phòng đại diện hoặc một vị trí đại diện ở cấp đại sứ. Đối với Tòa thánh Vatican, trong việc quản trị của một quốc gia, Tòa thánh Vatican cũng có vị đại diện ở các nơi, mà trong Công giáo gọi là Sứ thần. Vị Sứ thần thường là tổng giám mục và hàm đại sứ. Ví dụ như hiện nay Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski, người được bổ nhiệm làm Đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore.

Tòa thánh đặt quan hệ ngoại giao với các nước theo quy chế của Công ước Vienna 1961, có quyền ngoại giao và quyền miễn trừ ngoại giao bên cạnh các tổ chức như Liên Hiệp Quốc tại các quốc gia. Đối với Việt Nam, theo Đức Tổng Marek Jalewski giải thích, trước đây lịch sử Việt Nam có ghi nhận tại Việt Nam có hai tòa Khâm sứ, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn. Vị trí và nhiệm vụ của vị khâm sứ là đại diện của Đức Giáo hoàng ở bên cạnh Giáo hội. Nhưng chức vụ và nhiệm vụ của vị trí Khâm sứ (Apostolic Delegate) là không có tương quan hay tư cách ngoại giao với phía chính phủ, chỉ có bên cạnh Giáo hội, nội bộ Giáo hội, giữa Giáo hội địa phương và Tòa thánh và Đức Giáo hoàng thôi. Còn hiện nay, chúng ta ở trong một tương quan giữa hai quốc gia là Tòa thánh Vatican và Việt Nam, là mức cao hơn nhưng chưa phải là cao nhất, chưa phải là toàn diện bởi vì ở mức toàn diện thì sẽ có vị trí Sứ thần Tòa thánh. Đại diện Tòa thánh thì cao hơn Khâm sứ vì ở bên cạnh Giáo hội nhưng đồng thời cũng có tư cách để đại diện và nói chuyện với quốc gia của nước sở tại.

Trong Giáo luật có Khoản 361, 365 quy định rất rõ về nhiệm vụ của một đại diện Tòa thánhntại một quốc gia hoặc bên cạnh một tổ chức, bao gồm hai phần song song. Thứ nhất là đối với nội bộ Giáo hội, vị đại diện Tòa thánh có bổn phận và quyền đại diện Đức Thánh cha liên hệ củng cố sự hiệp thông đối với Giáo hội địa phương, mà vì lý do gì đó Đức Giáo hoàng không hiện diện được, không liên lạc được, thì vị đại diện Tòa thánh có thể đến hiện diện từng nơi. Như Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng gửi thông báo vào tối 23/12, Ngài cũng khẳng định với cộng đồng dân Chúa là với việc bổ nhiệm vị đại diện Tòa thánh mới đây, Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski sẽ là một dấu chỉ hiện diện hữu hình, cụ thể hơn giữa Đức Thánh cha với Giáo hội Việt Nam, giữa Giáo hội hoàn vũ với Giáo hội Việt Nam, và đồng thời củng cố liên hệ giữa hai quốc gia, Vatican và Việt Nam.

Tại sao quan trọng? Quan trọng là vì người ta vẫn nói “từ trước tới giờ chưa có”, và nếu [chúng ta] đọc thư của Đức Tổng Giám mục viết cho cộng đồng dân Chúa thông báo về việc bổ nhiệm này, thì đây là tin vui rất lớn. Lớn vì đây là kết quả của một tiến trình rất dài, mà có thể nói đã bắt đầu từ chuyến thăm của Đức Hồng Y Roger Etchégaray, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình của Tòa thánh Vatican. Ngài đã đến Việt Nam từ tháng 7 năm 1989. Sau chuyến thăm đầu tiên đó, năm 1990 mới có những cuộc gặp không thường xuyên và chưa phải là cấp cao từ 1990-2008.

Bắt đầu từ năm 2009 trở đi, hai nhà nước Việt Nam và Vatican mới có một cơ chế là ủy ban làm việc chung. Đến 3 năm sau, năm 2011, mới có vị đại diện không thường trú. Đến giờ là 14 năm sau, khi bắt đầu có những cuộc trao đổi thường xuyên và trực tiếp ở cấp cao, thì mới có vị đại diện thường trú ở trong nước. Vì vậy, nó quan trọng vì đây là kết quả của một tiến trình dài, giải tỏa được những nghi ngờ, những hiểu lầm giữa những thông tin quá khứ hoặc trong lịch sử để hai bên có thể nói chuyện với nhau được.

Vào ngày 8/9/2023, Đức Thánh cha Phanxicô có viết một thư gửi cho toàn thể cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam, Ngài thông báo là hai quốc gia đã có được tiến trình để nói chuyện với nhau dựa trên sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau và cùng nhau đi tìm thiện ích chung để phục vụ con người. Đó là điều làm nên vai trò quan trọng và cần thiết của vị đại diện Tòa thánh tại Việt Nam.

Khánh An-VOA:  Vậy văn phòng của đại diện Tòa thánh Vatican được đặt ở đâu tại Việt Nam?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Theo như Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski thông báo với Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, hai bên nhất trí sẽ đặt (văn phòng) tại Hà Nội, cũng như các cơ quan đại diện cấp đại sứ và đại diện của LHQ, các tổ chức quốc tế, đều đặt ở Hà Nội.

Khánh An-VOA: Về việc Đức Thánh cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski làm đại diện thường trú Tòa thánh Vatican đầu tiên tại Việt Nam, ở ông có điều gì đặc biệt dẫn đến quyết định lựa chọn của Tòa thánh hay không?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Tôi phục vụ tại Văn phòng HĐGMVN nên cứ xem như là “người trong cuộc” đi, thì bên ngoài họ có những đồn thổi hay phỏng đoán, dự đoán gì đấy, nhưng là “người trong cuộc”, tôi khẳng định HĐGMVN không được tham gia vào tiến trình chọn, chúng tôi không được biết chứ không phải vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, theo như Đức Tổng Marek Jalewski chia sẻ với một số đức cha trong Ban Thường vụ và tôi cũng được nghe, việc bổ nhiệm một vị đại diện hay Sứ thần Tòa thánh tại một quốc gia hay bên cạnh một tổ chức quốc tế nào đó thì cũng giống như tiến trình bổ nhiệm một giám mục hoặc thuyên chuyển một giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác, và đối với ngành ngoại giao, việc thuyên chuyển nhiệm sở là điều rất thường xuyên.

Khánh An-VOA: Việc Việt Nam chấp thuận và để cho có một vị đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam được xem là một bước ngoặt rất lớn trong quan hệ bang giao giữa hai nhà nước, mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai bên. Sự việc này được giáo dân tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước đa số bày tỏ vui mừng trước bước tiến triển mới này, nhưng cũng có một số ít người tỏ ra thận trọng, e dè vì lo ngại về sự can thiệp của chính quyền địa phương vào quyết định lựa chọn hay bổ nhiệm của Giáo hội trong tương lai sau bước ngoặt này, vì đây là một thực tế rất phổ biến ở những quốc gia Cộng sản. Liệu những lo ngại của họ có cơ sở và cần thiết hay không?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Câu hỏi này rộng lắm và liên hệ đến nhiều người ở nhiều nơi, ở nhiều thể chế nên tôi chỉ trả lời đúng theo ý của đức cha Chủ tịch HĐGMVN. Khi ngài bảo tôi tiếp nhận cuộc hẹn trả lời phỏng vấn của Đài VOA, ngài bảo “Cứ nói sự thật”.

Tôi chia sẻ thật như thế này, và chia sẻ của tôi cũng có thể là câu trả lời cho những thắc mắc, tôi không biết những lo ngại đến từ mục đích gì, nhưng như khán thính giả theo dõi những ngày qua, rõ ràng Giáo hội Việt Nam rất vui vì thứ nhất, tin đó đến đúng một ngày trước Giáng sinh, thứ hai là cả một tiến trình dài chờ đợi.

Về những quan ngại, tôi chia sẻ thật trong tư cách là người trong cuộc, tôi phục vụ ở HĐGMVN gần 6 năm rồi, ví dụ tiến trình bổ nhiệm một giám mục, Đức Tổng Giám mục cũng có chia sẻ cho các đức cha và linh mục đoàn để biết tiến trình này như thế nào, và để tránh sự nghi kỵ cũng như những hành động tiêu cực trong tiến trình đó.

Việc bổ nhiệm một giám mục, đối với Giáo hội, là quá trình đáp ứng nhu cầu của dân Chúa. Vì vậy, việc lựa chọn được đặt trong sự quan phòng của Chúa, chứ không phải giống như việc luân chuyển một chức sắc trong xã hội hay một tổ chức xã hội nào đó mà chúng ta có thể “cơ cấu” hay sắp đặt được.

Ví dụ, một giáo phận trống tòa [không có giám mục], đại diện Tòa thánh sẽ gửi thư đến Giám mục giám quản của giáo phận đó hoặc Tổng Giám mục trưởng giáo tỉnh của giáo phận đó để xin đề nghị 3 ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, khả năng quản trị tùy theo nhu cầu của giáo phận đó, và giới thiệu cho Tòa thánh. Dựa vào 3 đề cử đó, Tòa thánh chọn ứng viên có nhiều giới thiệu nhất và hỏi một lần nữa, bao gồm một số đức cha hoặc tất cả các đức cha trong HĐGM, một số linh mục trong ban tư vấn, các linh mục cao niên hoặc có uy tín trong linh mục đoàn của giáo phận, bề trên các dòng tu… Nói chung, Tòa thánh hỏi rất rộng rãi nhưng trong sự cẩn trọng. Phải cẩn trọng là vì khi hỏi, chưa chắc người đó (ứng viên) đạt được hết các tiêu chuẩn hay nhu cầu đang cần, hoặc có thể Đức Thánh cha sau khi nghe trình bày lại có đề nghị khác… Vì vậy, để giữ uy tín và sự minh bạch, hay từ nhà tu gọi là “thanh thoát” trong tiến trình đó, người ta không tiết lộ ai đang được tham khảo hoặc tham khảo về ai.

Sau khi quy trình tôi vừa kể hoàn thành, Bộ Ngoại giao của Tòa thánh sẽ gửi một công hàm cho chính phủ Việt Nam để thông báo rằng chúng tôi chuẩn bị bổ nhiệm người này. Hai bên trao đổi với nhau nhưng chỉ ở giai đoạn đó thôi, chứ thực tế theo như sự thật tôi biết trong suốt 6 năm qua, thì không có chuyện ai đó đề nghị cụ thể người nào và Tòa thánh phải chấp nhận, mà cũng không có một cuộc, mà theo cách nói chuyện nôm na với nhau, là không có sự “mặc cả” nào hết. Tòa thánh có lập trường của Tòa thánh và Tòa thánh lựa chọn từ sự đề cử của những người trong Giáo hội địa phương đó. Chứ Tòa thánh không nghe ai nói bỗng dưng một tên nào đó rồi lấy ra bỏ vô đâu. Vì vậy, tôi thấy sự hiện diện của vị đại diện thường trú không ảnh hưởng gì trong tiến trình nhân sự, bởi vì bấy lâu nay vẫn như thế.

Khánh An-VOA: Gần đây, chúng ta thấy có rất nhiều bước tiến triển trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Vatican, trong đó có một tin rất vui đối với giáo dân Công giáo Việt Nam khắp nơi, đó là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây khi đến thăm giáo phận Huế đã thông báo rằng ông đã chính thức mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam. Liệu giáo dân Việt Nam có cơ sở để hy vọng rằng họ sẽ sớm được đón tiếp vị lãnh đạo Giáo hội đến thăm đất nước mình hay không? Có phải Việt Nam và Vatican sẽ phải thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ trước khi Đức Thánh Cha đến thăm hay không? Nếu có, quá trình này bao gồm các bước gì sau khi đã có đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Thứ nhất là về tính khả thi của việc thực hiện chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng và thứ hai là về vấn đề bang giao, quan hệ toàn diện.

Theo sự thật tôi biết, HĐGMVN chưa được Tòa thánh báo cho biết là Đức Thánh Cha được mời. Chính thức thì đúng như đức Tổng Giám mục Huế cũng có xác nhận và truyền thông đưa tin là trong dịp Chủ tịch nước Việt Nam đến thăm tòa giám mục Tổng Giáo phận Huế để chúc mừng Giáng sinh, thì ông có thông báo. Sau chuyến đi Vatican, Chủ tịch nước cũng đến thăm HĐGMVN và cũng có nói có mời Giáo hoàng thăm Việt Nam. Nhưng với HĐGM thì phải có nguồn tin chính thức thì chúng tôi mới dám xác nhận. Còn cho đến giờ phút này, sáng 28/12/2023, Tòa thánh chưa có thông báo gì với HĐGM về khả năng hay thông tin gì về chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Việt Nam cả.

Thứ hai, về khả năng bang giao và những việc sắp tới, theo thông thường, nếu xem Tòa thánh là một nhà nước, dù nhỏ nhưng có nền lập pháp, hành pháp, tư pháp như một quốc gia, thì dĩ nhiên khi một nguyên thủ quốc gia này đến một quốc gia khác thì phải có chủ nhà mời. Khi mời, hai bên phải có lý do hoặc mục tiêu để mời, chứ không mời đi không được.

Đối với Tòa thánh, chúng ta cũng biết Đức Thánh Cha là lãnh đạo tinh thần. Đối với Giáo hội, ngài là mục tử tối cao thay mặt Chúa. Ngài đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Nhưng về thể chế, tổ chức nhà nước Vatican, ngài là nguyên thủ. Khi một quốc gia mời ngài đi, cũng giống như một nguyên thủ quốc gia, để chuẩn bị cho một chuyến đi ấy sẽ bao gồm rất nhiều công đoạn và nhiều việc phải làm.

Riêng tôi, có một vài lần đức Tổng Chủ tịch cũng có nhắc và tôi cũng có chia sẻ rằng, Đức Thánh Cha, nếu gọi ngài là một nguyên thủ của nhà nước Vatican thì ngài còn thêm các trọng trách nhiều hơn các nguyên thủ khác về mặt cử hành phụng vụ nữa. Ví dụ như tháng 4 là chuẩn bị vào tuần thánh và lễ Phục sinh thì ngài đâu có đi được như các nguyên thủ khác.

Các nguyên thủ khác đi vì mục đích kinh tế hay vì lý do gì đó thì có các tập đoàn tài trợ hoặc ngân sách của quốc gia đó tài trợ, còn Tòa thánh thì hoàn toàn không có nguồn kinh tế chính trị xã hội nhất định như các quốc gia khác. Vì vậy xét theo lẽ thông thường, thì phải có những cấp quan hệ ngoại giao nhất định để thực hiện chuyến đi đó.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên Đức Thánh Cha là một mục tử của một Giáo hội, trái tim mục tử của ngài có thể thúc đẩy ngài làm những việc gì tốt nhất cho đoàn dân của Chúa ở nơi đấy. Cũng có thể có những điều bất ngờ mà chúng ta không biết trước được, vì chúng ta không thể xét theo những tiêu chuẩn và tiêu chí ngoại giao thông thường được.

Sự thật thì tôi không có câu trả lời, nhưng tôi khẳng định là có 3 thông tin này mà chúng ta nghĩ rằng việc mừng vui chờ đón Đức Thánh Cha đi Việt Nam là khả thể, có khả năng thực hiện được. Thứ nhất, trong chuyến bay từ Mông Cổ về Vatican khi ngài đi thăm Mông Cổ, có một phóng viên của tạp chí America, tạp chí Công giáo của Mỹ, đặt vấn đề về tiến triển quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, ngài cũng trả lời thật là tiến triển được tới mức hai bên nhất trí với nhau nhiều vấn đề, mà phải mất một thời gian rất dài để trao đổi, tìm hiểu, cảm thông rồi mới nhất trí được. Khi người ta đặt vấn đề ngài có đi Việt Nam không thì ngài bảo có đi, mà nếu ngài đi không được thì vị kế nhiệm ngài sẽ đi. Điều đó cho chúng ta thấy Tòa thánh quan tâm đến Giáo hội tại Việt Nam và đến người dân đang sống trên đất nước này.

Thứ hai là khi ngài viết thư cho Giáo hội Việt Nam, ngài cũng bày tỏ sự quan tâm rất đặc biệt đến Giáo hội Việt Nam.

Thứ ba, để đáp lại lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, ngày 4/10, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGMVN có gửi thư cám ơn ngài và trong thư, Đức Tổng Giám mục thay mặt HĐGMVN kính mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam.

Đó là những thông tin có thật và là những yếu tố kiến tạo nên một khả năng rất gần cho chuyến đi của Đức Thánh Cha. Còn để xác định, dự đoán hay phân tích thì chúng ta không có đủ cơ sở để làm việc đấy.

Khánh An-VOA: Vâng, cám ơn linh mục đã dành thời gian cho VOA. Cám ơn HĐGMVN đã đề cử linh mục làm người đại diện trả lời cuộc phỏng vấn này. Kính chúc quý đức cha, quý cha và quý vị một năm mới an lành và nhiều niềm vui.

Lm. Đào Nguyên Vũ: Cám ơn Đài VOA, cũng như gửi lời chúc đến quý đài và khán thính giả những ngày còn lại của năm 2023 được nhiều ân lộc và bước qua năm 2024 có nhiều niềm vui để mỗi người đều có một sự bình an trong tâm hồn và mang lại nhiều thiện ích chung cho cuộc sống.

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang