Tắt Quảng Cáo [X]

Vị linh mục sáng tạo ra kỹ thuật nuôi ong hiện đại

11:10 05/12/2023
hoc du

Cha John Dzierzon là nhà nuôi ong tiên phong người Ba Lan đã phát hiện hiện tượng trinh sản ở loài ong và thiết kế khung tổ ong di động đầu tiên.

Sinh thời, cha Dzierzon đã có những phát hiện và dẫn đến nhiều sáng kiến giúp ngài nổi tiếng trong giới nuôi ong và trong cộng đồng khoa học gia trên toàn cầu. Người đời sau gọi ngài là “cha đẻ kỹ thuật nuôi ong hiện đại”.Khoa học không có quốc tịch

Cha Dzierzon sinh ngày 16.1.1811 ở làng Łowkowice của Vương quốc Phổ (khu vực hiện thuộc Ba Lan). Cha mẹ ngài sở hữu một nông trại. Cậu bé Dzierzon hoàn tất giai đoạn tiểu học ở trường Ba Lan trước khi được gia đình gởi đến một ngôi trường của đạo Tin Lành cách làng khoảng 1,6 km. Năm 1822, cậu chuyển đến Wrocław và theo học cấp hai tại đây. Sau khi chọn theo ơn gọi, đến năm 1833, thầy Dzierzon tốt nghiệp Đại học Wrocław, khoa thần học, rồi thụ phong linh mục. Một năm sau, ngài trở thành cha tuyên úy ở làng Siołkowice và đến năm 1835, ngài coi sóc giáo xứ ở làng Karłowice. Vị linh mục đã sống ở ngôi làng này suốt 49 năm.

Gia đình của cha Dzierzon gốc Ba Lan, không nói tiếng Đức mà thay vào đó sử dụng phương ngữ Silesia thuộc hệ ngôn ngữ Ba Lan. Trong đó, Silesia là khu vực lịch sử của Trung Âu, chủ yếu nằm trên lãnh thổ Ba Lan, với những phần nhỏ hiện thuộc Cộng hòa Czech và Đức. Vì thế, cha Dzierzon khẳng định mình sinh ra là người Ba Lan, nói tiếng Silesia, nhưng đến Wrocław năm lên 10 và theo đuổi việc học tại đây, và trở thành người Đức nếu dựa trên nền tảng giáo dục. “Thế nhưng, khoa học không hề có biên giới hoặc quốc tịch”, ngài viết.

Cha sử dụng tiếng Silesia trong một số ấn bản báo chí, trong đời sống hằng ngày và trong lúc coi sóc giáo xứ. Những bản thảo, thư từ, chứng chỉ và các bản gốc báo cáo khoa học của cha được cháu trai Franciszek Dzierżoń tặng cho một bảo tàng Ba Lan. Sau khi Đức kéo quân vào Ba Lan năm 1939, hiến binh Đức đã hủy nhiều hiện vật có liên quan đến vị linh mục nhằm che dấu nguồn gốc Ba Lan của ngài. Sau đó, Đức Quốc xã không ngừng nỗ lực áp đặt quan điểm xem cha Dzierzon là người Đức.

Công trình nghiên cứu để đời

Bên cạnh sứ vụ đối với giáo xứ và Giáo hội, cha Dzierzon nghiên cứu đời sống xã hội của loài ong mật và thực hiện một số thí nghiệm về tổ ong. Năm 1838, ngài thiết kế khung tổ ong có thể di động được, cho phép thao tác trên từng tổ ong mật mà không làm phá hủy cấu trúc của tổ. Khoảng cách chính xác giữa các tảng ong được phát hiện là 3,8cm tính từ trung tâm của thanh trên cùng đến trung tâm của thanh kế tiếp.

Năm 1848, cha Dzierzon tạo hình rãnh cho các cạnh của tổ, thay cho những dải gỗ để di chuyển các thanh trên cùng. Các rãnh được xác định ở kích thước 8 – 8mm, và được gọi là “không gian ong”. Việc tìm ra kích thước của không gian ong được đánh giá vô cùng quan trọng, vì nếu không gian lớn hơn mức này, những cá thể ong sẽ lấp đầy các khoảng trống bằng cách xây thêm lỗ tổ.

Tổ ong nhân tạo ngày nay

Thiết kế trên nhanh chóng được phổ biến khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Để so sánh, phải đến tháng 5. 1852, ông August Adolph von Berlepsch ở Thuringia (Đức) và vào tháng 10.1852, ông L.L. Langstroth ở Mỹ mới thiết kế khung tổ ong di động. Trong đó, ông Langstroth được mệnh danh là “cha đẻ ngành nuôi ong ở Mỹ”.

Năm 1835, cha Dzierzon phát hiện những ong đực nở ra từ trứng không được thụ tinh. Năm 1845, ngài công bố báo cáo cho rằng, trong khi ong chúa và ong thợ cái được sinh ra từ trứng thụ tinh, ong đực không phải. Đồng thời, vị linh mục phát hiện chế độ ăn của những con ong chưa trưởng thành góp phần vào vai trò sau đó của chúng.

Tượng cha John Dzierzon ở Bảo tàng Nông nghiệp Quốc gia tại Szreniawa, Ba Lan

Kết quả nghiên cứu của cha tạo nên làn sóng cách mạng trong việc lai tạo ong và có lẽ mang đến sự ảnh hưởng để ông tổ của ngành di truyền học Gregor Mendel – cũng là một linh mục – theo đuổi cuộc nghiên cứu đóng vai trò tiên phong trong lĩnh vực gien di truyền. Giả thuyết này tiếp tục trong tình trạng tranh cãi cho đến năm 1906, một năm sau khi cha Dzierzon qua đời. Khi ấy, các nhà khoa học cuối cùng cũng chấp thuận giả thuyết về những ảnh hưởng của cha Dzierzon với di truyền học tại một hội nghị ở Marburg (Đức).

Với những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực nuôi ong, cha Dzierzon trở thành thành viên cũng như nhận được giải thưởng của hàng trăm tổ chức và hiệp hội. Năm 1872, cha được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Munich. Đến năm 1903, ngài được hoàng đế Franz Joseph I của Áo tiếp riêng và được nhận nhiều vinh dự khác.

Ngày 26.10.1906, cha qua đời ở làng Łowkowice, hưởng thọ 95 tuổi.

HỒNG HOANG – BÁO CGvDT


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang