Tắt Quảng Cáo [X]

Một xứ đạo ở GP Phát Diệm, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt

08:18 02/06/2024
hoc du

Theo báo Dân Việt: Phong trào hiến giác mạc được khởi nguồn từ nghĩa cử cao đẹp của một cụ bà sau khi qua đời. Ở Giáo xứ Hợp Thành (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) nhiều giáo dân đã đăng ký hiến giác mạc.

Qua nghĩa cử cao đẹp của một cụ bà ở Giáo xứ Cồn Thoi (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sau khi qua đời đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Kim Sơn, ngày càng có nhiều người hiến tặng giác mạc hơn.

Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của người khác bằng việc hiến tặng giác mạc.

Người đầu tiên ở Kim Sơn hiến giác mạc

Cụ Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), người đầu tiên hiến tặng giác mạc vào năm 2007 trước khi qua đời. Cụ Hoa đã được ghi danh vào lịch sử ngành Mắt Việt Nam.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 1.

Hội Chữ thập đỏ vận động giáo dân hiến giác mạc. Ảnh: Trường Huy

Nối tiếp gương sáng cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) đã tạo nên một phong trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng.

Tháng 12/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn phối hợp với Ngân hàng Mắt-Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận giác mạc của ông Mai Quang Thiều (62 tuổi, ở xóm 5, xã Cồn Thoi) hiến tặng.

Khi còn sống, với tâm nguyện “cho đi là còn mãi”, ông Mai Quang Thiều đã đăng ký hiến tặng giác mạc để giúp người mù được nhìn thấy ánh sáng.

Thực hiện di nguyện của người quá cố, sau khi ông Thiều qua đời, gia đình đã phối hợp với các cấp Hội Chữ thập đỏ và Ngân hàng Mắt Trung ương thực hiện tiếp nhận giác mạc của ông.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 2.

Người dân ở Ninh Bình đăng ký hiến giác mạc ở Ninh Bình. Ảnh: Trường Huy

Tính từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có hơn 400 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Huyện Kim Sơn cũng là địa phương có nhiều người tham gia đăng ký và hiến tặng giác mạc sau khi qua đời nhất tỉnh Ninh Bình.

Cả nhà đăng ký hiến tặng giác mạc

Trò chuyện với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quý-Giáo xứ Hợp Thành (xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), là Chánh trương từ năm 2016-2021. Thời điểm đó, ông được cử ra để giúp linh mục cai quản việc trong giáo xứ.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 3.

Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: Trường Huy

Được biết, ông Quý còn là hội viên Hội Nông dân xã Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) nhiều năm liền đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

“Hiện nay, giáo xứ Hợp Thành có gần 2.500 giáo dân. Việc tự nguyện hiến tặng giác mạc đã có nhiều năm nay, tính hiện tại khoảng 30-40 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời”, ông Quý thông tin.

Ông Quý bộc bạch thêm, bản thân ông và gia đình cũng đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thắp tiếp nguồn sáng cho đời.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 4.

Tạo nguồn sáng cho đời. Ảnh: Trường Huy

Chính điều đó đã cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào mang tính nhân văn sâu sắc này.

Thông qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt nói chung cũng như về các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về giác mạc nói riêng.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 5.

Đôi mắt mới của người nhận. Ảnh: Trường Huy

Qua tìm hiểu, một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù…Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng.

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.

Một xứ đạo ở Kim Sơn của Ninh Bình, người dân đăng ký tình nguyện hiến tặng một bộ phận của đôi mắt- Ảnh 6.

Hạnh phúc nhiệm màu của người nhận giác mạc. Ảnh: Trường Huy

“Tính từ năm 2007 đến nay, tất cả các huyện và thành phố của tỉnh Ninh Bình đã có người đăng ký hiến mô, tạng với con số 15.000 người. Trong đó, có gần 500 người hiến giác mạc, 3 người hiến tạng. Tỉnh Ninh Bình là địa phương dẫn đầu cả nước về số người hiến tặng giác mạc cũng như hiến tạng sau khi qua đời”, ông Bùi Trọng Kỳ-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết.


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang