Tắt Quảng Cáo [X]

Đi tu có nên nhận cha bố, còn gọi là cha đỡ đầu không?

11:18 18/02/2023

Vụ anh 3H cho thấy mặt trái của hệ thống gia đình linh tông ở Việt Nam. Bố nâng đỡ con là chuyện thường. Tuy có nhiều cha bố tốt lành, nhưng có không ít những gia đình kiểu này đang khuynh loát giáo hội.

 

Bài viết chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân. Bổ quả cau ra, đúng nhận, sai không cãi.
———————-

Nhiều bạn trẻ mới bắt đầu bước vào đời tu hay có thắc mắc như vậy. Bản thân tôi cũng đã từng bị nhiều người hỏi những câu hỏi kiểu như: “Đã nhận cha nào đỡ đầu chưa? Cha bố là ai?” Có người còn nhiệt tình: “Nếu chưa nhận ai thì để bác giới thiệu cho cha này hay lắm.”

Tâm lý đi tu cần có cha đỡ đầu ăn sâu đến nỗi, rất nhiều người nam cũng như nữ sống đời thánh hiến đều có những mối tương quan “nghĩa phụ, nghĩa tử” với một linh mục nào đó. Trong nhiều lễ truyền chức, lễ khấn, người ta thấy các tiến chức, các thầy các sơ bày tỏ lòng tri ân của mình tới các “cha đỡ đầu” hay còn gọi là linh mục nghĩa phụ. Có vị còn đi xa hơn, cám ơn tới gia đình linh tông, trong đó có các cha ông, cha bác, cha chú, cha anh, thầy em, … đã hiện diện đông đảo.

Chuyện đó rất bình thường, gần như là mặc định.

Vậy nên, để trả lời cho câu hỏi “Đi tu có nên nhận cha đỡ đầu hay không?” là rất khó. Câu trả lời có hoặc không tùy thuộc vào hoàn cảnh, ý hướng của mỗi người. Ở đây không có chuyện đúng sai, cũng không có chuyện nên hay không nên, đơn thuần chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng thiết nghĩ, trước khi đưa ra quyết định, những người mới bước vào đời tu cần phải hiểu ý nghĩa,
bổn phận và những trách nhiệm đòi hỏi liên quan. Nhờ thế mà việc họ lựa chọn hay không lựa chọn cha đỡ đầu mới tự do và trưởng thành hơn.

Dưới đây, tôi xin mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân về đề tài này. Đầu tiên, tôi xin liệt kê những điểm tích cực, sau đó sẽ là phần trình bày về quan điểm của cá nhân.

Nói về những lợi ích của việc nhận người đỡ đầu khi chập chững bước vào đời tu thì thật là nhiều, tôi xin liệt kê hai điểm quan trọng.

Trước hết, dễ thấy nhiều cha xứ có nuôi một số thiếu niên nam, dạy giáo lý, hướng dẫn và gợi lên trong các em lòng nhiệt tâm tông đồ. Với tình yêu của người cha, với sự thận trọng tinh tế của một mục tử, các ngài chú tâm vào việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai trong Giáo hội. Ở một chừng mực, người ta có thể ví nhà xứ giống như một tiểu chủng viện thu hẹp, nói cách khác, đó là môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn kêu gọi.

Thứ đến, hệ thống gia đình linh tông cũng được đánh giá là một sự hội nhập văn hóa gia đình vào sinh hoạt của Giáo Hội. Người Việt Nam rất trọng tình cảm gia đình. Có thể nói tinh thần gia tộc là nét văn hóa nền tảng của con người Việt Nam. Vì vậy, khi một người rời bỏ gia đình đi tu, họ có nguy cơ bị bật gốc khỏi nền tảng văn hóa gia đình huyết tộc. Vì thế, một cơ cấu mới là gia đình linh tông sẽ đảm nhận chức năng và lý tưởng giống như gia đình huyết tộc.

Với hai điểm son như thế, chúng ta dễ thấy những điểm tích cực nếu nhận cha bố. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Rõ ràng, việc nhận cha bố không phải là điều kiện bắt buộc để đi tu. Một đằng, trong thực tế, cũng có những linh mục giúp đỡ nhiều người đi tu nhưng nhất quyết không nhận họ làm con thiêng liêng.

Ngược lại, cũng có các sơ các thầy nhất định không nhận người bảo trợ trong tư cách cha thiêng liêng. Linh tông không phải là mốt thời thượng để rồi chúng ta phải chạy theo.

Cá nhân tôi xác định không nhận cha bố đỡ đầu và tự thấy không có nhu cầu đó vì những lí do sau đây.

Một là, tôi hiểu đi tu tức là từ bỏ. Cái từ bỏ đầu tiên và hiển nhiên nhất là từ bỏ gia đình. Nói thế không có nghĩa là tôi trở thành đứa con bất hiếu, chối cha chối mẹ. Ý của từ bỏ ở đây là muốn nói đến việc giải thoát khỏi các ràng buộc tình thân để được tự do bước theo Đức Ki-tô mà phục vụ tha nhân. Người tu sống xa gia đình, sống độc thân khiết tịnh là để cho mình được thuộc trọn về Chúa mà thôi. Vì thế tôi thấy hơi phản cảm khi mình nói là mình từ bỏ, mà lại tự buộc mình vào một mối tương quan gia đình mới. Mình từ bỏ gia đình mà lại xây dựng một gia đình khác, dù đó là linh tông đi chăng nữa thì tôi vẫn thấy phi lí!

Hai là, việc nhận cha bố đỡ đầu theo tôi biết thì chỉ có ở Việt Nam mà thôi, đó không phải là thực hành chung của giáo hội ở khắp nơi. Ở những nơi tôi đã đi qua (Philippines, Singapore, Australia), tôi không nghe ai nói về chuyện này. Giáo hội chỉ yêu cầu những người sống đời thánh hiến phải có người linh hướng để bàn hỏi chuyện thiêng liêng, để đồng hành trong đời tu trong khía cạnh thiêng liêng. Cũng không nhất thiết người linh hướng phải là linh mục. Người ta có thể chọn một nữ tu hoặc giáo dân để làm linh hướng cho mình. Những vị này đều được trải qua trường lớp, được đào tạo bài bản và có ủy quyền của giáo phận để mục vụ trong lĩnh vực này. Người mới đi tu cần nhận thức rõ chức năng của vị linh hướng để tránh ngộ nhận: Linh hướng nghĩa là đỡ đầu.

Lí do thứ ba ấy là trong một số trường hợp, việc nhận cha đỡ đầu và tham gia vào gia đình linh tông còn có thể tạo ra những điều theo tôi thấy là không hay. Chẳng hạn, tôi nghe rất nhiều về chuyện các thầy khi được nghỉ hè, nghỉ tết thay vì về nhà với ông bà cố thì lại dành phần lớn thời gian ở nhà xứ. Còn có chuyện các thầy cùng chung cha bố chia phiên nhau ở với cha trong những ngày nghỉ tết. Bên cạnh đó, nhiều khi cha bố có những tác động đến quyết định của đương sự, khiến đương sự mất đi sự khách quan, tự do trong nhận định, đánh giá và đưa ra quyết định. Tôi biết có những thầy muốn chuyển dòng, hoặc thậm chí là đi truyền giáo phương xa nhưng cha bố không đồng ý. Vì nể nang, vì thiếu khả năng quyết định, nên các đương sự này “vâng nghe” cha bố đỡ đầu. Dù ở đây không đúng, cũng chẳng sai, nhưng rõ ràng các thầy không có tự do trong quyết định.

Ngoài ra, việc có nhiều gia đình linh tông cũng không có lợi về mặt giáo hội. Bố nâng đỡ con là chuyện thường tình, nhưng khi ở trong một cộng đoàn mà có chuyện bố con, cộng đoàn sẽ đánh mất sự chí công vô tư. Tôi có anh bạn, trước khi vào chủng viện, anh nhận một cha giáo làm cha đỡ đầu. Ai đó nó với anh: “Làm con cha này thì khỏi lo thi trượt chủng viện.” Điều này thực sự làm tổn thương lòng tự trọng của anh.

Trên đây là những suy nghĩ về chuyện nhận cha bố. Lời khuyên dành cho các bạn trẻ khi mới bước vào đời tu: Người ta chỉ nhận linh mục làm cha bố khi người ta cảm thấy thật sự cần sự hỗ trợ nào đó trên con đường tu trì, cụ thể là sự hướng dẫn tinh thần, tu đức, hoặc cũng không có vấn đề gì nếu người tu cần được giúp đỡ về vật chất để học hành, sinh hoạt.

Với bản thân, tôi chỉ tâm niệm một điều: Mình bám chặt vào Chúa thì Chúa chẳng thể nào mà bỏ rơi mình được. Và tôi tạ ơn Chúa vì sự tự do mà Ngài đã ban cho tôi để tôi được thảnh thơi, thong dong bước theo Ngài.


Nguồn: Duc Trung Vu Cssr

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang