Tắt Quảng Cáo [X]

Xót Xa 1 Đức Giám Mục VN bị Đuổi Khỏi Tòa Giám Mục – Xin Cầu Nguyện Đức Cha Đa Minh Đinh Huy Quảng

11:02 29/11/2022
hoc du

Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng: Người tôi tớ trung kiên

Sinh ra giữa thời loạn lạcsống trong cảnh âm thầm; thi hành sứ vụ Chúa trao giữa muôn vàn khó khăn, cấm cách. Đức Cha Đa Minh Đinh Huy Quảng – người tôi tớ kiên trung xứng đáng là Chứng Nhân Đức Tin. Cuộc đời của Ngài là một bản rong ca đong đầy tình Chúa và tình người.

scan0023

  1. Một cuộc đời phong ba

Ngày 15 tháng 03 năm 1921, tại làng Tử Nê một bé trai cất tiếng khóc chào đời. Ít lâu sau, cậu được rửa tội và gia đình quyết định gọi tên cậu là Đa Minh Đinh Huy Quảng. Kể từ đó, một cuộc đời phong ba được khai sinh thắp lên ngọn lửa Tin – Cậy – Mến bừng bừng cháy không ngừng nghỉ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức, ngay từ nhỏ cậu bé Quảng đã có ý hướng dâng mình cho Chúa. Cậu siêng năng tham dự thánh lễ cũng như các buổi nguyện ngắm, biết cầu nguyện trước khi đi ngủ và dâng mình sau khi thức dậy. Nhận thấy con mình đạo đức, gia đình vui mừng khôn tả, ông bà cố luôn quan tâm động viên và âm thầm cầu nguyện Chúa thương gọi cậu vào làm việc trong cánh đồng của Chúa.

Người dân Tử Nê còn kể rằng cậu Quảng rất siêng năng chăm chỉ học hành và có trí nhớ rất tốt. Ông bà quản dạy kinh nào là cậu nhớ liền kinh đó rồi dạy lại cho đám bạn cùng trang lứa. Đặc biệt, cậu có thể nhớ nội dung từng trang sách đã đọc, chỉ cần đọc lướt qua trang sách nào là cậu có thể nhắc lại nội dung của trang sách đó…

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cậu bé Quảng ngày một lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Đáp lại lời Chúa gọi, cậu Quảng khăn gói quả mướp giã từ gia đình và cha xứ để lên tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn tu học. Sau đó, thầy Quảng tiếp tục được gửi tới chủng viện Anbertô ở Nam Định. Ở chủng viện, từ các cha giáo tới các chủng sinh ai ai cũng yêu mến thầy Quảng bởi sự thông minh, hóm hỉnh, tính tình lại hiền hòa, thật thà của thầy.

Sau nhiều năm miệt mài dũa gọt, tu đức ngày 21 tháng 12 năm 1945 thầy Quảng được Đức giám mục giáo phận đặt tay truyền chức linh mục. Cũng kể từ năm đó, tên tuổi cha Đa Minh Đinh Huy Quảng gắn chặt với mọi biến cố lớn nhỏ của giáo phận bên dòng sông Quan Họ.

Ngay sau khi được truyền chức linh mục, cha Quảng nhận bài sai làm phó xứ Thái Nguyên giúp cha Trọng – người Tây Ban Nha. Chưa thi hành sứ vụ linh mục được bao lâu thì chính quyền Việt Minh đã bắt giữ ngài. Cha Giuse Phạm Sĩ An lý giải rằng có lẽ chính quyền Việt Minh sợ cha Quảng kêu gọi các phong trào Công Giáo Tiến Hành làm ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ thống quyền lực và làm lộ bí mật bản chất của họ.

Và bao giờ cũng vậy, nỗi lo của kẻ mạnh đều biến thành nỗi đau cho người khác. Nỗi đau ấy đè nặng lên cha Quảng với 7 năm ngồi tù. Vậy mà ngài vẫn vui mừng đón nhận và chẳng ai thấy ngài ca thán, trách cứ bao giờ… Sau khi được trả tự do một thời gian, ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Thiết Nham và kiêm nhiệm giáo xứ  Bắc Giang.

Biến cố di cư xảy ra năm 1954, người đi kẻ ở. Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã lên đường di cư vào miền Nam. Trong hoàn cảnh như thế, cha Quảng vẫn bình tĩnh ở lại cùng Đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn và ngài không ngừng kêu gọi giáo dân phải bình tĩnh trước thời cuộc. Vào năm 1955, Đức cha Đoàn gọi cha Quảng về giáo xứ Chính tòa Bắc Ninh, kiêm nhiệm thêm nhiều xứ họ xung quanh và  để phụ giúp nhiều công việc quan trọng của giáo phận. Chắc hẳn nhiều người cao niên vẫn còn nhớ như in hình ảnh cha Đa Minh mặc áo trùm thâm vén lên ngang mông, trên chiếc xe đạp Peugeot rong ruổi đến thăm các gia đình và  xứ họ xung quanh Toà giám mục Bắc Ninh.

Bệnh tình Đức cha Đoàn ngày một trở nên trầm trọng sau biến cố bị gãy chân trên đường đi dâng lễ ở vùng Bắc Giang, sau đó Đức cha phải sang Hồng Kông chữa bệnh. Chữa bệnh xong ngài đã không thể được về  lại giáo phận. Trong thời gian trống tòa, cha Đa Minh đã hết lòng cộng tác với Đức cha Hải Phòng Phêrô Khuất Văn Tạo – kiêm Giám quản Giáo phận Bắc Ninh để lo toan gánh vác mọi việc lớn nhỏ của giáo phận.

Cha Đa Minh  thao thức đào tạo ơn gọi cho tương lai, ngài đã thay mặt Đức cha giám quản gửi một số thầy sang học tiểu chủng viện Gioan Hà nội để tạo mầm ươm nhân sự cho giáo phận sau này.

Bên cạnh đào tạo ơn gọi linh mục tu sĩ, Cha Đa Minh ra sức huấn luyện ban hành giáo cho các xứ họ. “Do hoàn cảnh không có linh mục kế tiếp các cha già dần dần qua đời, cha Đa Minh Đinh Huy Quảng đã hết sức lo việc đào tạo các ban hành giáo tại các xứ họ. Ban hành giáo đứng ra lo liệu mọi việc trong các xứ họ, từ trông coi thánh đường, giáo đường, đến việc giữ các giờ kinh, dạy giáo lý kinh bổn cho các trẻ em, các đôi tân hôn, sửa chữa nhà thờ…” (Đinh Đồng Phương,  Lịch sử Giáo Phận Bắc Ninh, xb năm 1993 , trang 118)).

Tới năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Phạm Đình Tụng làm Giám mục Chính tòa Bắc Ninh. Trên cương vị linh mục tổng đại diện, cha Quảng đã kề vai chung sức và trở thành cánh tay phải đắc lực của Đức cha Phaolô trong việc quản trị và điều hành giáo phận.

Sau khi về con sóc Giáo phận Bắc Ninh được hơn chục năm, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của Giáo Hội Bắc Việt, Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng lâm bệnh nặng và tưởng rằng không qua khỏi. Đức cha Phaolô lo lắng cho tương lai của giáo phận không có chủ chăn nếu như ngài được Chúa cất về. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, ngày 04  (hoặc 07) tháng 05 năm 1975Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng quyết định tấn phong Giám mục trong âm thầm cho cha tổng đại diện Đa Minh. Thánh lễ phong chức Giám mục cho Đức cha Đa Minh chỉ có 3 người, đó là Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng chủ phong, Đức tân giám mục Đa Minh Đinh Huy Quảng và cha Giuse Trần Đăng Can tại phòng nguyện chưa đầy 8 mét vuông (U8).  Đức cha Đa Minh lấy khẩu hiệu Giám mục là: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Và quả thật, ngài đã sống khẩu hiệu ấy bằng cả cuộc đời của mình nhất là những tháng năm về sau.

Chưa kịp công khai, chưa kịp thi hành sứ vụ Giám mục thì chỉ sau đó mấy ngày (trước ngày lễ mừng chiến thắng của thị xã Bắc ninh 15.05.1975), Đức cha Đa Minh bị chính quyền trục xuất khỏi tòa giám mục và đưa đến quản chế tại giáo xứ Đại Lãm (Bắc Giang). Lý do trục xuất Đức cha Đa Minh rất mơ hồ, không rõ ràng, theo một số cha cao niên sống trong thời kỳ đó suy đoán có thể chính quyền muốn chặt tay chân là các cộng sự viên của Đức cha Phaolô.  Dẫu vậy, ở môi trường nào Đức cha Đa Minh cũng xây đắp nên một thành lũy vững chắc bằng tình yêu thương và sự thứ tha.

Những tháng năm bị cầm hãm ở Đại Lãm, Đức cha Đa Minh đã âm thầm nhưng không ngừng nghỉ vun xới cho cánh rừng trám Đông Bắc xanh tươi và trổ sinh muôn vàn hoa trái. Ngài đã tạo dựng cho mảnh đất Đại Lãm một nếp sống đạo chuẩn mực, một di sản Đức tin chan chứa yêu mến và cậy trông.

Sau 17 năm bị quản chế và cư trú bắt buộc, trong đó có 3 năm chống chọi với bệnh tật, vị Giám mục âm thầm – chưa một lần đội mũ cầm gậy, chưa một lần được dâng lễ đại triều, chưa khi nào truyền chức phó tế hay linh mục cho một ai đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 28 tháng 01 năm 1991.  Phần mộ đơn sơ của ngài đang nằm khiêm tốn trong vườn thánh giáo xứ Đại Lãm.

Năm 2007 – 15 năm sau khi Đức cha Đa Minh về với Chúa, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, lúc đó đang làm Giám quản Bắc Ninh chính thức công bố công khai thánh chức của Ngài trong một dịp thuận lợi thì cả cộng đoàn mới vỡ òa trong niềm xúc động. Nhiều người ngỡ ngàng sửng sốt vì suốt bao năm sống bên cạnh một vị Giám mục mà không hề hay biết.

Quả thật, cuộc đời bi hùng của Đức cha Đa Minh đã viết nên áng thiên cổ hùng ca. Áng văn ấy được cấu thành bởi sự giản dị, miệt mài, hy sinh, thầm lặng đến quên mình để hòa vào dòng chảy Đức tin của Giáo phận Bắc Ninh thương mến thương.

  1. Một tâm hồn hội nhập văn hoá

scan0001

Nói tới Đức cha Quảng thì ít ai biết bởi Ngài  là vị giám mục thầm lặng, nhưng nói tới cha chính Quảng thì ai ai cũng biết. Bà con giáo dân đã quá quen thuộc với hình ảnh một linh mục hiền từ, nhân hậu luôn hết mình với đoàn chiên, ở nơi ngài toát lên vẻ đẹp linh thánh của một tâm hồn nghệ sĩ. Trong hoàn cảnh Giáo Hội miền Bắc hầu như không được tiếp cận với Công đồng Vaticanô II, nhưng Đức cha Đa Minh là một người luôn hội nhập đức tin vào văn hoá dân gian như hướng dẫn của Công đồng.

Sinh ra và lớn lên trong làng quê có truyền thống thơ văn, ca vãn, dâng hoa… từ  bao đời. Ngay từ nhỏ, khi còn là cậu giúp lễ trong nhà thờ, cậu Quảng đã thuộc rất nhiều bài hát tiếng La Tinh. Cậu say mê đàn sáo, tìm hiểu về nhạc lý, tích cực tìm kiếm, sưu tầm và học thuộc nhiều bài hát Quan Họ. Nhờ vậy mà những năm tháng về sau, âm nhạc đã giúp ngài rất nhiều trong quá trình làm mục vụ.

Khi đặt chân về coi sóc Bắc Ninh, Đức cha Phaolô lo lắng lắm bởi ngài được sai về mảnh đất lạ lẫm, gần như chỉ mới biết qua chuyện kể và tấm bản đồ. Nhưng thật may sao, ý Chúa nhiệm mầu đã cắt đặt cho ngài một người cộng sự và là người tôi tớ kiên trung ngày đêm kề cận trợ giúp mọi công việc. Trong những đêm thở dài mệt mỏi, dưới những ánh đèn leo lét sáng, Đức cha Phaolô và cha Đa Minh cần mẫn nghiên cứu và bàn thảo về đướng hướng phù hợp cho giáo phận.

Với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong những thập niên 60-80 của thế kỷ trước, nhân sự nòng cốt của giáo phận hầu như không có, Đức cha Phaolô và Đức cha Đa Minh đưa ra hướng mục vụ hợp với hoàn cảnh thực tế. Các ngài đã mượn một âm hưởng số câu  Quan Họ cổ và đặt lời đạo vào những câu dân ca đó để cho các em thiếu nhi dâng hoa kính Đức Mẹ hay tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Không những vậy, cha Đa Minh rất siêng năng dạy hát cả tiếng Việt và tiếng La Tinh cho các thầy, các chú, cho cả những ai ngài có dịp tiếp xúc. Qua đó, ngài đã góp phần nâng cao hơn trình độ hiểu biết, chuẩn bị hành trang cho những người đi theo Chúa.

Ngoài âm nhạc, Đức cha Đa Minh còn nổi tiếng là người làm thơ. Tiếng thơ của ngài đơn sơ, giản dị nhưng lại có sức truyền cảm, thấm thía đến từng tấc da thớ thịt. Trong các thể thơ truyền thống, nhiều người phải công nhận Đức cha Quảng là người có khả năng thiên phú về thơ văn.

Cùng với các bài hát đặt lời đạo dựa trên làn điệu dân ca Quan Họ, Đức cha Phaolô và cha chính Quảng còn chung tay soạn rất nhiều kinh bản bằng văn vần, thơ vè dân gian giúp giáo dân dễ học dễ nhớ., như kinh: “Cuộc đời Chúa Kitô”, “Ca Nhiệm tích”, “Hiệp lễ thiêng liêng”…. Trong hoàn cảnh thời cuộc khó khăn, trình độ văn hóa chưa được cao thì các công trình “nghệ thuật Đức tin” của 2 Đức cha đạt đến đẳng cấp cao khi đưa Tin Mừng hòa vào dòng chảy văn hóa bình dân. Đương nhiên, các tác phẩm Đức tin đó có giá trị vĩnh cửu, trường tồn và bất diệt.

Ngoài việc soạn kinh đọc hằng ngày cùng với Đức cha Phaolô, cha chính Quảng còn thường xuyên tổng kết các bài giảng của mình bằng những câu thơ lục bát hay các câu ca dao, tục ngữ. Vì vậy, dù giáo dân có thể quên cả bài giảng nhưng không bao giờ có thể quên được những câu thơ của ngài. Như giảng về trách nhiệm nuôi dạy con cái thì ngài trích những câu:

Đẻ con chẳng dạy chẳng răn

       Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Hay khi khuyên giáo dân tiết kiệm thì ngài nói rất ngắn nhưng ý nghĩa đủ đầy:

“Lễ hỏi giản dị

hai ký kẹo bánh

ba lạng chè móc câu

năm bao thuốc lá

cau hai mươi quả

ổn thỏa đôi bên

xin chớ đòi thêm.”

Còn khi nói về việc giữ gìn sức khỏe Đức cha Đa Minh viết rằng:

m chân ấm cổ lạnh đầu

Thy thuốc hết giàu

 lại sạch tiền tiêu.”

… Những câu thơ như thế có sức sống mãnh liệt và ăn sâu vào tiềm thức của giới bình dân. Đặc biệt những năm tháng ở Đại Lãm, ngài còn tìm đến thơ để qua thơ gửi tới Chúa những tâm sự về cuộc đời con người. Nhờ vậy, Đức cha Đa Minh đã để lại cho hậu duệ không chỉ những câu thơ bình dân mà bên cạnh đó còn rất nhiều bài thơ hay có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật. Ở trong đó chan chứa tâm tình cảm tạ Thiên Chúa ngay cả những lúc buồn:

Có những lúc buồn lắm cuộc đời

Ta thấy ơn trời  thật lớn lao.

Hay khi gió đông về nơi tâm hồn ngài ca lên rằng:

Trời đông gió đuổi nắng đi

Bóng người cô quạnh cũng vì hy sinh.

Rồi khi mùa xuân về tiếng lòng lại rộn rã hân hoan:

Bóng xuân nở rộ trên cành

Tiếng chim thánh thót trời xanh mây hồng.

… Đức Cha Quảng thực sự là một người có tâm hồn thi sĩ, một người đưa đức tin hoà quyện vào văn hoá dân gian. Tất cả những công việc ngài làm đều có dấu ấn hội nhập văn hoá. Ngài đã đưa các vấn đề cần phải nói phải làm thành các biểu tượng văn hóa gần gũi thân quen. Đối với ngài, cuộc sống là một công trình sáng tạo tuyệt mỹ của Thiên Chúa và con người có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cũng như tiếp tục sáng tạo để cuộc sống trở nên đậm đà hơn.

Những người nghệ sĩ như con tằm nhả tơ cho đời nhưng không phải tất cả con người đều thích tơ. Đôi khi những người cầm quyền chỉ thấy tơ tằm là một mớ bòng bong rối rắm, mọi vấn đề đều có thể bị đưa ra xem xét và quy chụp. Chính trong hoàn cảnh đó, Đức cha Đa Minh là một nạn nhân.

Dẫu vậy, tâm hồn nghệ sĩ vẫn là một thể thống nhất, thiêng liêng và bất diệt. Dù đi đâu Đức cha Quảng cũng đặt để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người qua những tác phẩm nghệ thuật của mình. Ngài đã dùng văn hoá như là một phương tiện chuyên chở Lời Chúa tới từng cộng đoàn, từng giáo xứ, từng gia đình và in sâu trong trái tim mỗi người.

  1. Một người Cha nhân hậu

scan0009

Trong những tháng năm khó khăn, thiếu thốn nhân sự, cha Đa Minh tất bật, lo toan, gánh vác nhiều công việc chung của giáo phận. Tuy thế, ngài vẫn dành thời gian quan tâm đến từng người, từng hoàn cảnh nhất là những người phục vụ trong nhà Chúa và những người có ý hướng dâng mình cho Chúa.

Ngài hết mực lo toan, chăm sóc, động viên, khích lệ các chủng sinh tích cực học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân để sau này trở thành những linh mục như lòng Chúa mong ước. Mỗi khi có dịp, cha Quảng lại gặp gỡ và chia sẻ với anh em trẻ về con đường tận hiến phục vụ. Ngài không dùng những văn từ khô khan cứng nhắc mà thay vào đó là những câu chuyện chân thực được rút ra từ cuộc đời. Những kinh nghiệm thực tế của một người cha nhân hậu – một người anh mẫu mực đã giúp các linh mục lớp kế cận luôn kiên trung, quảng đại hy sinh, dấn thân phục vụ trong mọi hoàn cảnh dù công khai hay âm thầm, tù đày hay tự do.

Cha Đa Minh có tầm nhìn xa trông rộng, ngài đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nhân sự cho ban hành giáo và chủng sinh linh mục giáo phận trong những giai đoạn cực kì gian khó. Chính nhờ có ngài, mà một lớp 7 linh mục được truyền chức thầm lặng vào đêm 16.09.1974, trong số đó có Đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.” (Trích trong hồi ký của Cha Giuse Phạm Sĩ An).

Với giáo dân những nơi Đức cha Đa Minh từng coi sóc như Thái Nguyên, Thiết Nham, Bắc Ninh, Đại Lãm… cũng như những ai đã cộng tác với ngài, tất cả đều yêu mến quý trọng ngài và coi ngài như người cha nhân hậu luôn lắng nghe, yêu thương và chăm sóc con cái chu đáo. Ngài là mẫu gương của một mục tử nhân lành luôn đi trước và dẫn dắt đoàn chiên Chúa.

Người dân Đại Lãm còn nhớ như in ngày Đức cha  về coi sóc mảnh đất này. Người đời nghĩ rằng  ngày đưa linh mục Quảng về Lục Nam để quản chế sẽ là một ngày u ám đối với giáo dân. Nhưng không. Thiên Chúa quan phòng đã sắp đặt duyên kỳ ngộ để qua Đức cha Đa Minh, lời Chúa tiếp tục triển nở xanh tươi trên cánh rừng trám.

Trong tiếng chuông nhà thờ rộn rã âm vang, cha chính Quảng được bà con giáo dân Đại Lãm chào đón như một một vị tướng thắng trận trở về. “Khúc ai ca Chúa đổi thành vũ điệu”, nỗi buồn Chúa hóa thành niềm vui. Ngờ đâu, sau mấy chục năm giáo xứ Đại Lãm lại có sự hiện diện của chủ chăn. Phải nói thêm rằng, nếu lúc đó người dân Đại Lãm mà biết cha chính Quảng là Giám mục thì sẽ còn vui như thế nào nữa?

Giáo dân Đại Lãm vẫn thường xuyên nhắc nhớ tới hình ảnh người cha hiền hòa, nhân hậu cứ chiều chiều lại bách bộ tới thăm các gia đình trong làng. Ngài tới để an ủi, động viên các gia đình khó khăn, những người neo đơn, già cả, ốm đau hãy luôn vững tin vào Chúa.

Hơn thế nữa, Đức cha Đa Minh còn ra sức xây dựng Đại Lãm thành mái nhà yêu thương, hiệp nhất. Ngài kêu mời mọi người tiết kiệm triệt để, đặc biệt là tiết kiệm trong các công việc ma chay, cưới xin, thực hiện nếp sống văn minh. Từng lời nói, việc làm của ngài dần dần thấm nhập, lan tỏa và góp phần làm cho mảnh đất và con người Đại Lãm trở nên xanh tươi trong ánh nắng Tin Mừng.

Bên cạnh đó, từ khi ở Tòa giám mục cùng Đức Hồng Y Phaolô hay sau này về Đại Lãm, Đức cha Đa Minh vẫn luôn chú trọng đến việc quy tụ và định hướng cho các chị em muốn dâng mình cho Chúa trong hoàn cảnh khó khăn. Từ sự quan tâm, săn sóc tạo tiền đề như thế, tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất đã hình thành và phát triển như ngày hôm nay.

Nhiều nữ tu Đại Lãm còn kể lại rằng, khi đó cha chính Quảng thường xuyên tập trung chị em để giảng giải, hướng dẫn về đời sống tận hiến, giúp chị em định hướng được con đường mà mình đang theo đuổi. Lúc ấy điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng Đức cha Đa Minh thường xuyên tìm cách động viên khích lệ chị em bằng những món quà nhỏ ý nghĩa trong mỗi dịp lễ, hay thi thoảng lại báo tin nhà Cha có gà ốm, cha nấu nồi cháo mời chị em tới chia buồn. Những việc làm tưởng chừng như nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí những nữ tu đã gọi ngài bằng Cha. Một người cha thực sự.

Suốt một đời dâng hiến, Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng đã sống trong lặng lẽ, âm thầm quên đi cái tôi để hy sinh, dấn thân phục vụ trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh. Cuộc đời kiên trung và cả ngôi mộ đơn sơ của ngài vẫn đang tạo nên những mùa sóng ngầm của yêu thương và thứ tha.

Thiên Chúa Quan phòng đã đưa Đức cha Đa Minh vào những hoàn cảnh éo le, thử thách đến cùng cực: vừa lãnh nhận thánh chức Linh mục xong thì bị bắt bớ – tù tội, vừa ra tù đã phải vất vả lo toan công việc của giáo phận, vừa được tấn phong Giám mục xong thì bị quản chế và chưa từng một lần được đội mũ đỏ dâng lễ… Nhưng Đức cha Đa Minh đã nhận ra thánh ý Chúa và hết lòng vâng phục sống trọn vẹn theo chương trình mà Chúa đã định sẵn. Cuộc đời ngài là một bằng chứng sống động bảo đảm cho Đức tin Kitô giáo và là bản tình ca bất hủ trên Giáo phận miền Quan Họ.

scan0020

Trong bài giảng nhân ngày lễ giỗ lần thứ 18 của Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng (19/02/2010) tại nhà thờ chính toà Bắc Ninh,  Đức cha Cosma hoàng Văn Đạt SJ nói rằng: Suốt một đời dâng hiến, Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng đã sống một cuộc đời đạm bạc khó nghèo với bản thân, nhưng lại quảng đại rộng rãi với người khác. Ngài đã coi sóc nhiều giáo xứ khác nhau. Trong sứ mạng cộng tác với các giám mục coi sóc giáo phận, người ta thấy nơi  Đức cha Đa Minh một tầm nhìn xa trông rộng, một sự hiểu biết uyên thâm, một trái tim nhân hậu yêu thương. Ngài đặc biệt chú trọng đào tạo nhân sự và gắng sức hội nhập đức tin vào văn hóa dân gian bằng việc sáng tác nhiều kinh nguyện, ca vãn, dâng hoa… theo nhịp điệu văn vần, thơ vè dân gian, đi sâu vào lòng mọi tín hữu. Cuối bài giảng hôm đó, Đức cha Cosma còn sánh ví bản thân mình chỉ là một chú lùn so với người khổng lồ là Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng.

scan0005

Trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các Cộng đoàn sống đời Thánh hiến, hình ảnh người tôi tớ kiên trung được tấn phong Giám mục âm thầm cách đây tròn 40 năm là một mẫu gương cho những ai đã, đang và sẽ bước trên con đường tìm kiếm thánh nhan Chúa. Bản rong ca bi hùng của Đức cha Đa Minh Đinh Huy Quảng vẫn vang vang: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.


Nguồn: GP Bắc Ninh

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang