Tắt Quảng Cáo [X]

Với tự do ngôn luận, không tôn giáo nào không thể bị châm chọc… tuy nhiên…

11:10 09/07/2024
hoc du

Xin chia sẻ bài viết của Nguyen Quoc Tan Trunghiện là tiến sỹ ngành công pháp quốc tế hiện đang sinh sống và làm việc tại Canada.

Bài của ANH thường dài, nhưng mọi người nên đọc cho tới hết..
——

VỚI TỰ DO NGÔN LUẬN, KHÔNG TÔN GIÁO NÀO KHÔNG THỂ BỊ CHÂM CHỌC… TUY NHIÊN…

Cách mà kỳ Olympics tại Pháp gây ra nhiều tranh cãi đang bị nhiều bên sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Người Nga dùng theo cách của họ, người Trung Quốc dùng theo cách của họ, các Giáo hội Ki-tô tức giận vì lý do riêng, và những nhóm ghét bỏ cộng đồng LGBT tận dụng thời điểm này cũng để bày tỏ nhiều quan điểm khác.

Bài viết này một phần chỉ muốn làm rõ thêm thông tin, một phần muốn phản đối quan điểm cho rằng quan ngại và không đồng tình với cách thực hiện của phần trích đoạn này là do “trần văn hóa thấp”.

1. BỐ TRÍ BỐI CẢNH, CẤU TẠO ẢNH, VÀ CÁC Ý NGHĨA LIÊN QUAN

Một trong những phản pháo thường thấy hiện nay từ phía những người ủng hộ Ban tổ chức chương trình là cho rằng họ dàn dựng lại cảnh tiệc tùng của thần Bacchus (thần thoại La Mã) hay Dionysus (thần thoại Hy Lạp), một vị thần đại diện cho rượu, khoái lạc, tiệc tùng… Người ta cũng nói thêm rằng tạo cảnh của biểu trình diễn là dựa trên bức “The Feast of Gods” (1635-1640) của Jan Harmensz van Biljert, chứ không phải “The Last Supper” (1498) của Leonardo Da Vinci.

Tuy nhiên, có lẽ một người được đào tạo cơ bản về lịch sử nghệ thuật châu Âu Phục Hưng đều hiểu và nhận ra ngay được điểm đặc trưng khiến The Last Supper nổi tiếng, đang được tạo dựng lại có chủ ý qua góc máy quay trong trích đoạn trình diễn tại Olympics.

Điều thứ nhất, trước Da Vinci, chưa ai hình tượng ra bối cảnh Buổi Tiệc Ly (hay bất kỳ buổi tiệc nào khác) bằng một chiếc bàn tiệc ngang hoàn toàn, khiến góc vẽ của ông gần như độc nhất ở thời điểm đó. Đây cũng là lý do góc vẽ này vẫn tiếp tục là một biểu tượng riêng cho Buổi Tiệc Ly cho đến ngày nay. The Feast of Gods có khả năng rất cao bị ảnh hưởng bởi The Last Supper, vốn trước nó tới hơn 100 năm.

Thứ hai, nỗi ám ảnh thường thấy của Da Vinci trong vấn đề đối xứng cũng khiến ông luôn căn chỉnh bức ảnh một cách điệu nghệ, với toàn bộ nội dung của bức ảnh được dàn trải đồng đều, với tâm điểm, đường hội tụ, đường ngang chân trời rõ ràng.

Quan trọng hơn, đặt tầm quan trọng vào con số ba, cũng là khái niệm Ba Ngôi (Trinity) trong Thiên Chúa giáo, Da Vinci dùng con số này để kể lại câu chuyện và xây dựng bối cảnh trong Buổi Tiệc Ly.

Ba cửa sổ hướng ra ngoài trời là đại diện cho Cha, Con và Thánh thần.

Nhóm 12 Tông đồ được Da Vinci tách ra làm bốn nhóm ba người lẻ tương tác với nhau. Từ trái sang, chúng ta có (Bartholomew, James, Andrew), (Peter, Judas, John), Chúa Jesus ở giữa, (Thomas, James Major, Philips), (Mathew, Thadeous, Simon).

Điều này được Da Vinci thực hiện bằng cách chia họ không chỉ bằng không gian giữa các nhóm, mà còn là hành động, biểu đạt và vẻ mặt họ bất ngờ và tranh cãi với nhau khi Chúa Jesus thông báo rằng trong 12 Tông đồ sẽ có một người phản Chúa. Về mặt chuyên môn, cách Da Vinci vẽ lại hành động, tương tác, và biểu đạt của 12 Tông đồ cũng đã được nhiều thế hệ nghiên cứu ca ngợi hết lời.

***

Có thể thấy tất cả các đặc trưng này đều được cố gắng tái tạo lại qua góc quay và bối cảnh của trích đoạn diễn.

Từ việc góc máy quay dừng lùi ngay lúc có đủ ba phần đèn chia trời thành ba mảnh (ba cửa sổ trong The Last Supper); các nhóm ba người tương tác, tranh cãi với nhau; đường chân trời được căn chỉnh ngay đầu của các diễn viên… Đây là tất cả những đặc trưng cố gắng tái hiện lại The Last Supper, điều mà bức The Feast of Gods, hay bất kỳ tưởng tượng nghệ thuật tiệc tùng Hy Lạp/La Mã nào, không hề áp dụng.

Là một người không chuyên, mình vẫn khó tưởng tượng được rằng bất kỳ chỉ đạo nghệ thuật thông tuệ nào muốn mô tả một buổi tiệc tùng thần thánh Hy Lạp/La Mã lại thiếu cẩn trọng đến mức phải kèm tất các đặc trưng định danh đã quá nổi tiếng của The Last Supper.

2. DÙNG THẦN DIONYSUS (BACCHUS) HAY APOLLO ĐỂ BIỆN GIẢI CHO CÁC TRANH CÃI VỀ KI-TÔ GIÁO THẬT RA CŨNG LÀ MỘT DẠNG SO SÁNH THIẾU THIỆN CHÍ

Điều này là bởi vì một trong những luận giải có tính chỉ trích và xét lại Thiên Chúa giáo trước nay là cho rằng các câu chuyện về Chúa Jesus chỉ là tái dựng lại một số câu chuyện thần thoại Hy Lạp. Một số trong đó đi xa tới mức cho rằng Jesus như là một nhân vật lịch sử không tồn tại.

(Những quan điểm gây tranh cãi này có thể tìm thấy trong các quyển như của Freke và Gandy’s Was the ‘Original Jesus’ a Pagan God?; hay quyển The Jesus Mysteries của Timothy Freke và Peter Gandy)

Ví dụ, đã có một số tác giả cho rằng khả năng Chúa Jesus biến nước thành rượu là biến tấu lại từ vị thần rượu Dionysus (dù không có giai thoại nào về việc Dionysus biến nước thành rượu). Hay việc Dionysus từng chet và sống lại cũng được mang ra để cho rằng “huyền thoại” về Chúa Jesus được lấy ra từ đó.

Hay các giai thoại, lời văn, hay hình ảnh mô tả Chúa Jesus ở giai đoạn giáo hội tiền kỳ cũng khiến nhiều người cho rằng Jesus là tái dựng lại của các vị thần mặt trời Hy Lạp như Helios hay Apollo.

3. DIONYSUS (BACCHUS) TRỞ THÀNH TRUNG TÂM BỮA TIỆC CŨNG KHÔNG PHẢI Ý HAY

Ngay cả lời giải thích của BTC về việc dùng thần Bacchus hay Dionysus là trung tâm của bữa tiệc “đại đồng”, “phi bạo lực” hay “vì hòa bình” cũng gặp phải vài chướng ngại lý thuyết lẫn thực tiễn.

Dionysus hay Bacchus không đơn giản là các vị thần của rượu, sự sinh trưởng hay tiệc tùng. Đặc điểm nổi tiếng nhất của họ là khoái lạc, tà dâm.

Trong ghi chép lịch sử, người La Mã từng rất ưa thích các buổi tiệc có tên Bacchanalia (Buổi tiệc tôn thờ thần Bacchus), nơi mà những người thuộc Giáo phái Bacchus/Dionysus (the Cult of Bacchus/Dionysus) tham gia uống rượu xay xỉn, quan hệ theo hướng “or..gy party” (nghĩa là gì thì người xem có thể tự check), thậm chí có xu hướng bạo hành lẫn nhau.

Theo ghi chép của sử gia La Mã Livy, Bacchanalia và Cult of Bacchus/Dionysus tha hóa toàn bộ các vùng mà nó đến, khiến cá nhân, gia đình, cộng đồng… phá vỡ hầu hết các quy chuẩn về đạo đức, pháp luật quốc gia, giáo lý tôn giáo… nên có.

Với lịch sử và nền tảng như thế, nói rằng Bacchus hay Dionysus có liên hệ mật thiết gì với thông điệp chính yếu của Olympics thật sự có hơi… hời hợt và khinh rẻ năng lực của quần chúng nhân dân là khán giả của buổi biễn diễn.

***

Với những thông tin trên, mình nghĩ rằng BTC và chỉ đạo nghệ thuật thật ra có chủ ý khó rõ ràng của họ. Và việc bị chỉ trích bởi cộng đồng Cơ-đốc nhân, sau đó mang Bacchus hay Dionysus ra để “Got you!” thật ra cũng là một chủ ý ngay từ đầu.

Nhưng điều này có giúp ích được gì cho hình ảnh của cộng đồng LGBT hay không?

Công đồng Công giáo và các giáo hội Ki-tô khác nhau hiện nay có lẽ là nhóm dễ đối thoại nhất về quyền của cộng đồng LGBT, chỉ đứng sau Phật giáo. Hầu hết các nhóm tôn giáo còn lại sẵn sàng “đối thoại” với cộng đồng bằng gậy gộc và đá xanh.

Xa lạ hóa và thách thức các Cơ-đốc nhân thật sự không giúp ích gì được cho thông điệp của cộng đồng cả.
— — — — – — – —

Lễ khai mạc Olympique 2024: Một số phản ứng trước sự nhạo báng Kitô giáo

Lần đầu tiên kể từ khi Thế vận hội Olympique được tái lập, lễ khai mạc không diễn ra ở sân vận động, nhưng trên một tuyến sông dài khoảng 6 km, từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna với các khán đài dọc hai bên bờ cho 300 nghìn khán giả.

Buổi lễ kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi với 12 chủ đề được trình diễn nối tiếp nhau, dưới sự điều khiển của Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật và với sự tham gia 85 chiếc thuyền, 3500 vũ công và 10500 vận động viên của 206 quốc gia.

Rohff, một nghệ sĩ nhạc Rap nổi tiếng của Pháp cho rằng “lễ khai mạc thế vận hội lại là “một cuốn phim kinh dị đầy những biểu tượng bệnh hoạn” và là “màn trình diễn của Satan giáo được phổ biến công khai trước con mắt của toàn thế giới”.

Đúng như vậy!

Kitô hữu có thể thấy bóng dáng của ma quỷ trong nhân vật bí ẩn, xuyên suốt chương trình, đại diện cho “siêu anh hùng Pháp”, tay cầm đuốc, đeo mặt nạ bằng gạc trắng, xuất hiện giữa các bức tranh trên sông Seine cũng như trên các mái nhà Paris…

Kitô hữu có thể thấy mùi nhạo báng Chúa của mình khi diễn viên hài Jamel Debbouze tay mang ngọn đuốc đi vào sân vận động Stade de France vắng vẻ rồi kêu lên “Zizou- Christ!” (Jésus Christ!).

Còn bức tranh to lớn đỏ lòm trước dinh Conciergerie vẽ hoàng hậu Marie-Antoinette, một Kitô hữu đạo đức, với cái đầu đầy máu trong tay, có ý vừa nhạo báng người Công giáo và cuộc tử đạo của Thánh Denis thành Paris, vừa gợi lại cảnh bạo lực mù quáng hả hê thời Cách mạng Pháp, vừa như lời tuyên bố đắc thắng của satan giáo ngày nay trước Kitô giáo.

Đặc biệt kitô hữu cảm thấy hết sức phẫn nộ khi xem chủ đề thứ 8 có tên “Lễ Hội” (Festivité) được trình diễn trên cầu Debilly. Đây là tiết mục hết sức dị hợm mà trọng tâm là cảnh ca sĩ Philippe Katerine trong vai Dionysus, vị thần sân khấu cũng là thần thác loạn, nằm ngửa trên một khay hoa trái sặc sỡ, như một lễ vật giữa phòng tiệc và phía sau anh ta là nữ hoàng chuyển giới và hơn một chục nhân vật chuyển giới và đồng tính khác, với những y phục và điệu bộ hết sức kỳ quái, thô thiển và dung tục.

Toàn bộ cảnh này, các nhân vật cũng như cách bài trí, rõ ràng có ý nhại lại Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu như dược Leonardo Da Vinci vẽ trên tường nhà ăn tu viện Dòng Đa Minh ở Milano.

Trước sự kiện báng bổ Kitô giáo này, nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích:

 

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Pháp viết: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì buổi lễ này bao gồm những cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô giáo. Sáng nay chúng tôi nghĩ đến tất cả các Kitô hữu trên khắp các châu lục đã bị tổn thương vì một số cảnh đã đi quá giới hạn và có tính khiêu khích”.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson viết: “Các kitô hữu trên khắp thế giới theo dõi lễ khai mạc Thế vận hội Olympique đêm hôm qua đã bị sốc và bị xúc phạm khi thấy Bữa Tiệc Ly bị nhạo báng. Cuộc chiến bảo vệ đức tin và các giá trị truyền thống của chúng ta ngày nay không có giới hạn, nhưng chúng ta biết rằng sự thật và nhân đức sẽ luôn chiến thắng”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio đã phản ứng lại cái mà ông gọi là “màn trình diễn quái đản” kia bằng cách trích dẫn Thư của Thánh Giuđa 1:18 “Trong thời kỳ cuối cùng sẽ có những kẻ chế giễu sống theo những ham muốn vô luân của mình”.

Đức cha Robert Barron, Giám mục Winona-Rochester, Hoa Kỳ, giận dữ nói rằng “cảnh nhại lại Bữa Tiệc Ly đêm qua là một sự chế giễu trắng trợn đối với niềm tin Kitô giáo”.

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống nói: “Lý tưởng cao cả này đã bị hoen ố bởi sự xúc phạm tục tĩu đối với một trong những khoảnh khắc thiêng liêng nhất của Kitô giáo”.

Đức cha Charles Scicluna, Tổng giám mục Malta kiêm Phó Tổng Thư ký Phân bộ Kỷ luật của Bộ Giáo lý Đức tin, đã chính thức gửi thư khiếu nại lên đại sứ Pháp tại Malta và kêu gọi những người khác cũng làm như vậy.

Trong thư khiếu nại, ngài cho biết, “Tôi muốn bày tỏ sự đau buồn và thất vọng lớn lao của tôi trước sự xúc phạm đối với chúng tôi, những người Ki tô giáo, trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 khi một nhóm nghệ sĩ chuyển giới đã chế giễu Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu”.

Thủ tướng Viktor Orban của Hungary cho rằng lễ khai mạc Olympique là triệu chứng của “sự thiếu vắng đạo đức công cộng” của các quốc gia phương Tây.

Chính trị gia người Pháp và thành viên của Nghị viện châu Âu Marion Maréchal cho rằng lễ khai mạc Olympique là “sự tuyên truyền thô thiển và bênh vực cho phong trào chuyển giới” và là sự minh họa cho một hình thức “ly khai khỏi tinh hoa chính trị và văn hóa”.

Philippe de Villiers, doanh nhân, tiểu thuyết gia và là thành viên Quốc hội Châu Âu viết: “Mọi thứ trong lễ khai mạc thế vận hội đều xấu xí, mọi thứ đều gợi đến phong trào chuyển giới”. Nó biến dạng, điên rồ, méo mó, khó coi. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc tự sát của nước Pháp trước toàn thế giới…”

Nhà triết học Alain Finkielkraut cho rằng “cảnh dàn dựng nhạo báng trên đây là tục tĩu” và “điều đáng chú ý trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympique là sự vắng mặt của thiên tài Pháp”.

Tiến sĩ Eli David nói: “Ngay cả với tư cách là một người Do Thái, tôi vô cùng tức giận trước sự xúc phạm trắng trợn này đối với Chúa Giêsu và Kitô giáo” và ông coi lễ khai mạc Olympique phản ánh một châu Âu đang “chết về văn hóa”.

Tỷ phú Elon Musk nói: “Điều này cực kỳ thiếu tôn trọng đối với các Kitô hữu”.

Danh sách phản đối còn dài.

Nhật báo La Corriere della Sera của Ý nhận xét: “Paris đã trình bày cho thế giới thấy một phiên bản lịch sử nhẹ nhàng, buồn tẻ và lý tưởng hóa ”.

Báo The Telegraph của Anh cho rằng toàn bộ buổi lễ khai mạc là một “thất bại”. Kênh truyền hình Anh GB News tuyên bố rằng lễ khai mạc Thế vận hội Paris là “tồi tệ nhất từ trước đến nay”.

Trong tư cách là người Công giáo, Đức cha Barron nói: “Người Công giáo không được hèn nhát” và cần phải “phản kháng” và lên tiếng.

Roma 28 tháng 7 năm 2024

(Tổng hợp từ báo chí Tây Phương)


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang