Tắt Quảng Cáo [X]

Chuyện có thật: 1 Ni cô lầm lỡ mang thai tới tìm Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch

05:33 20/07/2024
hoc du
NICÔ CƠ NHỠ SAU 12 TU LUYỆN
——————–

Nhà Tạm Lánh đón tiếp một sư cô, một Nicô 100%. Cô có tâm tu, cô có ưu tư muốn cứu chúng sinh của Bồ Tác và cô còn có ước mơ lập nên một ngôi chùa cho mọi người cùng cô giác ngộ. Cô đã thực hiện ước mơ đó năm 24 tuổi sau khi đã thành công trong nghề trang điểm cô dâu, vẽ tranh…

12 năm sau ước mơ ấy phải dừng lại trước một cái thai đã 4 tháng trong bụng cô. Cô bảo cái thai không phải là mong muốn, không phải là lựa chọn, tính dục không phải chủ động và thậm chí cô cũng không biết tại sao mình lại có thai được.

Cái thai làm cô mất bình an, choáng váng, mọi cái đều đảo lộn lên, cô phải lựa chọn : để hay bỏ, đi đâu bây giờ, bầu trời như muốn sập xuống trên đầu.

Cô báo tin cho tác giả bào thai. Câu trả lời cũng giống như bao người khác : bỏ đi để tiếp tục thực hiện ước mơ đi tu?! Một câu trả lời rất dễ dàng, đơn giản như thể người ta bỏ một món đồ dư thừa.

Phần cô lại không thể dễ dàng như vậy, không thể giết một sinh linh và càng không thể giết một con người đang hình thành trong lòng của mình. Đó là nghiệp chướng, đó là đau khổ, tội lỗi, tội lỗi! Ước mơ cứu sinh linh ùa về và bản năng làm mẹ của nicô trỗi dậy, cô quyết định giữ mạng sống cho đứa con chứ không phạm tội sát sanh mà đó lại là con của mình, cô trở thành người mẹ đơn thân của sinh linh mặc cho đời chê bôi, lên án.

12 năm tu luyện coi như đã thất bại, bao năm ở trong cốc làm nicô đã không còn nữa, cô đã xuất thế 12 năm không còn biết chuyện nhân gian, cô không còn biết chuyện gì ở đời thì nay cô phải nhập thế trở lại với bao lạ lẫm, lo toan, tính toán. Tất cả dường như đang chống lại cô. Lòng bất an thấp thỏm đi tìm đường sống và lánh nạn.

Lên Internet tìm kiếm mái ấm cho người cơ nhỡ, có rất nhiều mái ấm của các chùa, các tôn giáo nhưng hầu hết họ đều bảo sau khi sanh song cô để lại đứa bé hoặc phải đưa nó đi. Điều ấy không thể, tình mẹ trỗi dậy, cô muốn cưu mang sinh linh, sinh bé và nuôi bé lớn lên. Cuối cùng cô dừng lại Nhà Tạm Lánh Mai Tiến và quyết định đi tìm số điện thoại gọi cho tôi.

—–> Xem thêm: Linh Mục Nguyễn Văn Tịch người Cha của những thai nhi vô tội Ngài là ai ?

Tôi hẹn cô tại Ngã Ba Trị An để đưa cô về nhà Tạm Lánh. Tôi không thể tin vào mắt mình khi trước mặt một linh mục lại là nicô cơ nhỡ 100%. Cô vẫn mặc tu phục Nicô, vẫn điềm tĩnh phong cách của Nicô, chẳng ai biết đó lại là người mẹ đang tìm nơi lánh nạn cho bản thân và tìm cách bảo toàn sự sống con của mình.

Vào nhà Tạm Lánh như bao người phụ nữ cơ nhỡ khác, từ Cô hay SƯ CÔ vẫn là cách mọi người gọi cô. Tôi lấy lời Chúa chia sẻ với cô “Con hãy chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả yêu thương tất cả và tha thứ tất cả”. Cô đã dám đối diện và tìm được bình an.

Những khó khăn hội nhập ban đầu như ăn chay giờ phải tập sang ăn mặn để có đủ chất cho con, từ việc niệm Phật sang việc làm dấu thánh giá là nguyện kinh, từ chiếc áo cà sa giờ lại sang áo bầu. Cô học hỏi, hội nhập và tham gia sinh hoạt, nấu cơm, đi chợ, làm kẹo, may đồ thêm thu nhập giống như tất cả mọi người.

Cô mong ước con mình sẽ là con trai để đời nó sẽ không bị lầm lỡ và mong sau này nó cùng cô đi khắp nơi làm gì đó tốt cho đời.

Nhìn cô vẫn mỏng mảnh chưa biết sóng gió sẽ đưa cô trôi về đâu. Đời cô nhiều ngang trái và toàn trái đắng. Cô phải thích nghi liên tục từ việc làm đẹp cho đời những cô gái theo chồng đến khép mình trong một cái am nhỏ nhoi cô quạnh, từ việc niệm Phật ngồi thiền thảnh thơi chẳng phải lo nghĩ giờ lại sống chung lo toan mọi thứ.

Cô như bao phụ nữ và người mẹ khác, cô coi trọng sự sống của con hơn sự sống của mình, coi tương lai của con hơn là tương lai của bản thân và thương con hơn thương con người cô. Cô đã có những sai lầm, nhưng không vì thế mà lại đi đến sai lầm giết người khác. Cô đã lựa cho giữ mạng sống cho con hơn cả 12 năm tu trì với biết bao công đức, bạn bè, ân nhân. Giờ cô đã cắt đứt dây chuông đi vào Nhà Tạm Lánh sống với mọi người mà không oán trách, thở than, đau buồn, tiếc nuối.

Cuộc đời chẳng ai nói mạnh được, chẳng ai biết rồi sẽ ra sao. Nhà Tạm Lánh mở ra không phải để cưu mang tội lỗi, nhưng là nơi cho mọi người sống những giá trị Tin Mừng tình thương để nâng cao sự sống và nhân phẩm con người.

Chúng tôi yêu mến cô, tôn trọng chuyện riên tư, không kết tội, không lên án. Sự hiện diện của Cô cũng làm cho bầu khí Nhà Tạm Lánh thêm tốt lành hơn. Cô hỏi nên gọi tôi bằng CHA hay bằng HUYNH? Tôi bảo sao cũng được, không quan trọng, chỉ mong Sư Cô và sinh linh trong bụng được sức khoẻ, bình an và vào đời may mắn.

— — — — —-

Linh Mục Nguyễn Văn Tịch người Cha của những thai nhi vô tội Ngài là ai?
Chứng từ yêu thương nơi Tây Hải - Báo Công giáo và Dân tộc
Buổi trưa nắng gắt, chúng tôi tìm đến giáo xứ Tây Hải, nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 4, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, Đồng Nai tìm gặp vị Linh Mục Nguyễn Văn Tịch Ngài sinh năm 1971. Ngài là người suốt 7 năm qua âm thầm gom xác hài nhi vô tội, những mầm sống không được làm người. Đó có thể là hài nhi đã tượng hình hay chưa tượng hình được Ngài nhặt về từ các nhà hộ sinh, bệnh viện, phòng khám tư nhân… Trái hẳn với cuộc sống phố thị nhộn nhịp, tại căn phòng với diện tích khiêm tốn 3-4m2, Ngài tâm sự: “Tôi xót xa. Các em chưa sinh ra đã chịu một thiệt thòi quá lớn đó là không được lớn lên, sống trong tình thương trọn vẹn của cha mẹ. Chính vì vậy, tôi mở ‘phòng thai nhi’ này hy vọng có thể bù đắp được phần nào đó để các em an nghỉ”.

Sinh ra ở vùng giáo Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), LM Nguyễn Văn Tịch bước vào đời tu khá sớm. Năm 2006, được thụ phong Linh mục, Cha Giuse Tịch đến phụng vụ tại Giáo xứ Hà Nội và làm rất tốt vai trò của mình ở vùng giáo nổi tiếng “tốt đời đẹp đạo” của TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Nhưng trong lòng vị tu sĩ trẻ này rất bức xúc khi nhiều lần bắt gặp những hài nhi bị bỏ rơi trước cổng giáo đường.

Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Tịch cho biết: “Trong bảy năm qua, chương trình bảo vệ sự sống đã thu lươm và chôn cất cho khoảng 46,000 thai nhi bị bỏ rơi; giúp đỡ hơn khoảng 400 phụ nữ giữ gìn mạng sống của các bào thai. Hiện nay có 45 phụ nữ đang được săn sóc.”

Theo Cha Tịch, trong số những người bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh – sinh viên, thậm chí trẻ vị thành niên. Anh Phạm Quốc Vinh, một người đi nhận thai nhi, cho biết cứ sau mỗi dịp lễ tết một thời gian, số lượng thai nhi anh nhận được từ các phòng khám tăng đột biến.

Nghĩa trang thai nhi rộng khoảng 100m2. Đây là mảnh đất được những người hảo tâm góp tiền mua rồi biếu tặng cha Tịch. Một công viên nghĩa trang hài nhi đã thành hình với cây xanh và hoa cỏ. Theo linh mục, ở đây có tới 46.000 sinh linh đang được chôn cất. Sau khi đầy một lớp thai nhi sẽ được phủ một lớp xi-măng. “Với tốc độ số lượng thai nhi được nhận như hiện nay, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ không còn chỗ cho những sinh linh ‘đi sau, đến muộn’ do quỹ đất có hạn”, cha Tịch băn khoăn.

Điều đáng mừng là dường như “tốc độ nạo phá thai” đang có chiều hướng giảm dần. Anh Vinh cho biết, nếu như trước đây mỗi tháng anh nhận được khoảng 300 thai nhi thì giờ đã giảm xuống còn hơn một nửa.

Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng nạo phá thai trong khu vực đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”, Cha Tịch cho biết.

Để công việc bảo vệ sự sống của mình hiệu quả hơn, sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, Cha Tịch cũng lập nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai. Tại nhà tạm lánh này, hiện có khoảng 30 chị em đang ở. Không chỉ có được chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, những chị em này còn được tạo công ăn, việc làm kiếm thêm thu nhập để trang bị cho mình khi nuôi con.

Ngài đang xây thêm một nhà tạm lánh cho phụ nữ lỡ mang thai. Ông cho rằng, chỉ cần cứu được 1-2 sinh linh là một việc đáng để làm cho dù đời có vất vả.

Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch UBND phường Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai cho biết: “Tôi đã nghe rất nhiều về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi. Tôi cho rằng đấy là một việc làm rất tốt mang đầy tính nhân bản trước tình trạng nạo phá thai hiện nay. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao và ủng hộ việc làm này”.

Mỗi khi có thai phụ tìm đến, Cha Tịch thường hỏi han, khuyên nhủ cố gắng bảo vệ sự sống cho con. Trong hơn 10 năm mở cửa, ngôi nhà này đã là nơi cưu mang cho gần 1.000 bà mẹ trẻ lâm cảnh bơ vơ, nghiệt ngã; kịp thời cứu sống hơn 800 thai nhi…
Mới đây Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch – người được Giáo phận Xuân Lộc giao làm Trưởng ban Bảo vệ sự sống, có bài viết trên Facebook: “DịchCovid-19 đáng sợ… Nó đã làm cho nhiều gia đình tan vỡ, hơn 3,5 triệu người chết và không biết khi nào nó dừng lại. Dịch phá thai cao hơn nhiều. Bạn biết tại sao bạn lại mang thai và mình phải đối diện với thai nhi, con cái của mình mà cho nó cơ hội tiếp tục sống. Xin hãy bảo vệ thai nhi vì đơn giản đó là con người và đó là con của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn, nơi nhà tạm lánh Mai Tiến và nhiều mái ấm được mở ra sẵn lòng giúp bạn bảo vệ chính con của bạn”.
Qúy bạn có thể Theo dõi Cha qua Facebook: https://www.facebook.com/lmnguyenvan.tich


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang