Tắt Quảng Cáo [X]

Người Rwanda, con dao rựa và cây thánh giá

01:12 13/08/2021
hoc du

Emmanuel Abayisenga bắt đầu bằng vụ phóng hỏa nhà thờ chính tòa Nantes và cách đây vài ngày, ông giết linh mục Olivier Maire, người đón nhận ông vào cư trú trong nhà dòng của ngài.

Emmanuel Abayisenga bắt đầu bằng vụ phóng hỏa nhà thờ chính tòa Nantes và cách đây vài ngày, ông giết linh mục Olivier Maire, người đón nhận ông vào cư trú trong nhà dòng của ngài.
Emmanuel sinh năm 1981 trong một gia đình công giáo và giữ đạo. Khi mới 13 tuổi, ông đã phải đương đầu với nạn diệt chủng. Cha của ông tham dự vào đó. Hai năm sau khi về lại làng, cha của ông bị xử tử… một cách tùy tiện.
Rồi ông Emmanuel đến Pháp, ông bị giam giữ trước khi ra tòa về vụ hỏa hoạn mà ông là thủ phạm. Trong tù, ông được nhóm tuyên úy đến thăm. Họ mô tả ông là người tù ngơ ngác, cúi gục trong xà lim và bị chấn thương. Giống như nhiều người khác trong trại giam, ông bị rối loạn tâm thần, điều kiện sống trong tù đã làm bệnh của ông nặng thêm. Ông vào bệnh viện tháng 7 và ngày 29 tháng 7 ông ra viện, được Dòng Montfort cho tạm trú.
Emmanuel được Giáo hội bao quanh, đó là nhiệm vụ của Giáo hội, được Chúa Kitô ủy thác. Nếu một người được cho là ổn định để có thể được tự do chờ ngày ra tòa, thì đó là công lao của các tu sĩ Dòng Montfort.
Guồng máy tư pháp nặng nề của nước Pháp không đủ hiệu năng, người bệnh xuống sức trong nhà tù, các công chức không đủ sức theo dõi, tù nhân buộc phải rời địa bàn mà không bao giờ được theo dõi tiếp tục, điều này ai cũng biết, và câu chuyện ngày hôm nay chỉ làm sáng tỏ thêm một lần nữa.
Như chúng ta có thể đọc trên báo Le Figaro dưới ngòi bút mỉa mai, “Emmanuel Abayisenga nhanh chóng thích nghi với những ngõ ngách của công lý Pháp.”
Nhưng điều kinh dị này làm nổi bật một chuyện khác: Emmanuel Abayisenga là người anh em của chúng ta trong Chúa Kitô. Thật là bối rối, nhưng đó là như vậy.
Ông không phải là người duy nhất.
Mười năm trước, nước Pháp đã cấp quy chế tị nạn cho một người Rwanda khác: linh mục công giáo Marcel Hitayezu, cách đây hai mươi năm đã định cư tại một ngôi làng nhỏ ở Charente-Maritime.
Vào cuối tháng 4, sau cuộc điều tra của thẩm phán về “tội ác chống nhân loại” của tòa án Paris, cảnh sát đến bắt linh mục. Năm 1994, linh mục Marcel đã tước thực phẩm và nước uống của người Tutsi, những người đến trú ẩn tại nhà thờ của linh mục ở Muguba, nhưng khi đó linh mục lại cung cấp thực phẩm cho dân quân Hutu.
Để đối chất với linh mục này, tòa án đã dựa vào các lời khai.
– Đó là một em bé gái 10 tuổi lúc đó, em kể em đã trốn hai tuần ở nhà thờ Muguba giữa các xác chết của gia đình em.
– Một phụ nữ khác khai, linh mục Marcel đã hát những bài hát dành riêng cho lễ canh thức người chết trước những người tị nạn bị khủng bố.
Nhưng chúng ta phải cảnh giác và không quá vội vàng. Đó chỉ là lời khai, lời buộc tội, chưa phải là phiên tòa. Từ năm 2018, nhà báo Pierre Péan đã viết trên diễn đàn báo Le Point để chỉ trích cách mà báo chí đã viết về vụ Wenceslas, một linh mục Rwanda khác đã tị nạn ở Pháp và cũng bị cáo buộc đã tham gia vào cuộc diệt chủng. Năm 1994, Cha Wenceslas là cha sở của giáo xứ Thánh Gia ở Kigali, nơi có người tị nạn Tutsi và Hutu ẩn náu. Có một cuộc thảm sát ở đó.
Sau đó linh mục đến Pháp nhờ giám mục Jacques Louis Antoine Marie David, giáo phận La Rochelle, linh mục được bổ nhiệm làm linh mục tại giáo phận Viviers ở Ardèche nơi linh mục được giáo dân mến chuộng.
Phiên tòa kết thúc trong miễn tố.
Thật khó để tưởng tượng, để hiểu nước Rwanda là một quốc gia có nhiều nhà thờ, nơi giáo dân đi rước lễ. Vậy mà…
Chưa hết, tháng 5 năm ngoái, thương gia người Rwanda Félicien Kabuga bị bắt ở Asnière, ông được chuyển đến nhà tù La Santé. Khi đứng đầu đài phát thanh Mille Collines (Ngàn Ngọn Đồi), người doanh nhân đầy quyền lực này đã mua từng xe thùng dao rựa chở đến Rwanda. Ông là người vũ trang cho dân quân diệt chủng và tài trợ cho cuộc thảm sát. Sau khi chuyển đến nhà tù La Santé được năm tháng, ông bị chuyển đến Tòa án diệt chủng La Haye. Từ năm 2019 ông trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, mệt mỏi và phải ngồi xe lăn. Ông có tràng hạt trong túi và bầu khí buồn tẻ đôi khi được ấm lên nhờ nụ cười kỳ lạ khi người ta chào ông.
Trước khi bị bắt, ông Félicien Kabuga là một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới.
Ở Rwanda, người công giáo này sát hại người công giáo kia. Linh mục Athanase Seromba quy tụ 1.500 người Tutsi ở nhà thờ Nyange trước khi ra lệnh cho xe ủi đất ủi nhà thờ. Năm 1994, 104 linh mục, hầu hết là người gốc Tutsi đã bị giết.
Cách đây bốn năm, khi tiếp Tổng thống Rwandan Paul Kagame tại Vatican, Đức Phanxicô đã bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc của Tòa Thánh và Giáo hội vì tội ác diệt chủng người Tutsi” và cầu xin “Chúa tha thứ tội lỗi và lỗi của Giáo hội và các thành viên của Giáo hội, gồm các linh mục, tu sĩ và phụ nữ đã rơi vào cám dỗ của hận thù và bạo lực giết hại, phản bội sứ mệnh truyền giáo của họ”. Ngài nói thêm: “Những lỗi này đã làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội.”
Cái ác là một kẻ thù đáng gờm. Và những kẻ giết người, theo hình ảnh của Thánh Phaolô, đã trở lại với Chúa, nhưng tiếc thay đây không phải là trường hợp như vậy. Ở Rwanda, Giáo hội tiếp tục làm rất nhiều điều tốt và các tín hữu tiếp tục làm điều ác.
Giữa môi trường của bao nhiêu là bạo lực, bạo lực âm ỉ, tàn ác câm lặng và hy vọng của buổi hoàng hôn… cái chết của cha Olivier Maire… là chứng tích của Chúa Kitô.
Không phải lỗi của Chúa Kitô nếu Nhà nước trả tự do cho những người có tiềm năng gieo nguy hiểm cho người khác và cho chính họ. Nhưng phần chúng ta, tín hữu kitô, chúng ta đón nhận những tâm hồn tan vỡ từng mảnh, đón nhận những kẻ khốn nạn và tội phạm, cũng như khi chúng ta đón nhận những người lành mạnh, những tâm hồn tốt lành. Cũng có thể do cha Olivier Maire bất cẩn, nhưng đó là như vậy.
Và nếu câu chuyện này cho thấy, thì nó sẽ làm tâm hồn của ông Félicien Kabuga rung động, nó sẽ hòa vào lời cầu nguyện của cha Wenceslas, nó sẽ xoáy vào tâm hồn của cha Marcel Hitayezu và một lần nữa nó sẽ mở ra những vết thương của giáo xứ Nyange.
Vết thương tình yêu của Chúa Kitô lại mở ra để dòng máu của cha Olivier Maire chảy. Ước mong dòng máu này được đổ trên mảnh đất nghìn ngọn đồi như ngày nay nó đang chảy trên đất Pháp, để gieo hy vọng vào trái tim của người dân Rwanda cũng như lan tỏa trong chúng ta lòng dũng cảm. Dũng cảm để vượt qua cơn giận dữ và nỗi đau của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang