Tắt Quảng Cáo [X]

Lịch phụng vụ Công giáo tháng 3 năm 2024

01:11 01/01/2024
hoc du

Lịch Công Giáo tháng 03/2024

CẦU NGUYỆN THEO Ý ĐỨC THÁNH CHA

Hướng về các Đấng tân Tử đạo

Chúng ta cầu xin Chúa, để lòng can đảm và nhiệt huyết truyền giáo của các Đấng tân Tử đạo ở khắp nơi trên thế giới truyền sang cho Giáo hội.

Tháng Thánh Giu-se

Cầu Cho Các Giáo Hữu Vững Đức Tin

“Vào một thời kỳ khó khăn trong lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha Pi-ô IX vì muốn đặt Giáo Hội dưới sự bảo trợ uy quyền của Thánh Cả Giu-se, nên đã công bố Người là “Quan thầy của Giáo Hội Công giáo”.

Ngoài việc tin tưởng vào sự bảo vệ chắc chắn của Thánh Giu-se, Giáo Hội còn tin tưởng vào gương mẫu cao quý của Ngài, một mẫu gương siêu vượt trên mọi bậc sống cá nhân và dùng làm mẫu mực cho toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu noi theo, dù ở bất kỳ hoàn cảnh hay chức vụ cá biệt nào. Thái độ căn bản của toàn thể Giáo Hội phải là “nghe lời Chúa với niềm kính trọng”, là tuyệt đối sẵn sàng trung tín phục vụ ý muốn cứu chuộc của Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Ki-tô. Ngay lúc khởi đầu của công trình cứu rỗi nhân loại, sau Đức Ma-ri-a, chúng ta tìm thấy một mẫu gương vâng lời hoá thân nơi Thánh Giu-se, một người được tiếng là luôn thi hành trọn vẹn mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Giáo Hội biến đổi những nhu cầu này thành kinh nguyện. Ý thức rằng Thiên Chúa muốn trao phó những giai đoạn đầu công cuộc cứu chuộc chúng ta cho Thánh Giu-se chăm nom, Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa ban ơn để được tín thành cộng tác vào công trình cứu chuộc; để Giáo Hội nhận được lòng tín thành và trái tim tinh tuyền đã thúc bách Thánh Giu-se phục vụ Ngôi Lời Nhập Thể; và để Giáo Hội tiến bước trước mặt Chúa trên đường thánh thiện và công chính, noi gương thánh Giuse và qua lời cầu bầu của Người.” (Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Người Giám Hộ Đấng Cứu Thế, 1989, số 28,30,31).

Trong tháng này, để tôn kính Thánh Giu-se các tín hữu sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, kinh Cầu Thánh Giu-se và kinh Thánh Giu-se.

 

• Ngày 1/3 – Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay.
Thứ Sáu đầu tháng, ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su.
St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46.

• Ngày 2/3 – Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay.
Thứ Bảy đầu tháng, ngày đền tạ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
Mk 7,14-15.18-20; Lc 15,1-3.11-32.

• Ngày 3/3 – CHÚA NHẬT III MÙA CHAY.
Ca vịnh tuần III.
Chúa Nhật hôm nay cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ nhất cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 152-166).
Không cử hành lễ nào khác kể cả lễ an táng.
Xh 20,1-17 (hoặc Xh 20,1-3.7-8.12-17); 1 Cr 1,22-25; Ga 2,13-25.

• Ngày 4/3 Thứ Hai Tuần III Mùa Chay.
Thánh Ca-xi-mia (Casimir).
2 V 5,1-15a; Lc 4,24-30.

• Ngày 5/3 Thứ Ba Tuần III Mùa Chay.
Đn 3,25.34-43; Mt 18,21-35.

• Ngày 6/3 Thứ Tư Tuần III Mùa Chay.
Thứ Tư đầu tháng, kính Thánh Cả Giu-se.
Đnl 4,1.5-9; Mt 5,17-19.

• Ngày 7/3 Thứ Năm Tuần III Mùa Chay.
Thánh nữ Pe-pê-tu-a và Thánh nữ Phê-li-xi-ta, Tử đạo.
Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục.
Gr 7,23-28; Lc 11,14-23.

• Ngày 8/3 Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay.
Thánh Gio-an Thiên Chúa, Tu sĩ.
Cử hành “24 giờ cho Chúa” từ chiều thứ sáu và kết thúc trước lễ chiều thứ bảy (ĐTC Phan-xi-cô thiết lập 11/4/2015).
Hs 14,2-10; Mc 12,28b-34.

• Ngày 9/3 Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay.
Thánh Phan-xi-ca Rô-ma, Nữ tu.
Hs 6,1-6; Lc 18,9-14.

• Ngày 10/3 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Ca vịnh tuần IV.
Chúa Nhật hôm nay cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ hai cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 167-173).
Thánh lễ có khảo hạch dự tòng phải dùng bài đọc năm A và Kinh Tiền Tụng về người mù từ khi mới sinh.
Trong các Thánh lễ Chúa nhật này, xin các cha kêu gọi giáo dân quyên góp giúp người nghèo và các giáo họ nghèo vào Chúa nhật sau.
Lễ thánh Giu-se bạn trăm năm của Đức Mẹ được cử hành vào ngày 20/3.
Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21.

• Ngày 11/3 Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay.
Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Cẩm, Linh mục (1859), Tử đạo.
Is 65,17-21; Ga 4,43-54.

• Ngày 12/3 Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay.
Ed 47,1-9.12; Ga 5,1-3a.5-16.

• Ngày 13/3 Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô được chọn làm Đấng kế vị thánh Phê-rô (13/3/2013). Chúng ta nhớ cầu nguyện cho ngài. Ý chỉ cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha được xướng trong Thánh lễ.
Is 49,8-15; Ga 5,17-30.

• Ngày 14/3 Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay.
Xh 32,7-14; Ga 5,31-47.

• Ngày 15/3 Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay.
Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10.25-30.

• Ngày 16/3 Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay.
Gr 11,18-20; Ga 7,40-53.

• Ngày 17/3 CHÚA NHẬT V MÙA CHAY.
Ca vịnh tuần I.
Chúa Nhật hôm nay cử hành nghi thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ ba cho những người lớn sắp lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm Ki-tô Giáo vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 174-180).
Trong Thánh lễ có khảo hạch dự tòng phải dùng bài đọc năm A và Kinh Tiền Tụng về La-da-rô sống lại.
Không cử hành lễ thánh Thánh Pa-tric, Giám mục, và không cử hành lễ nào khác kể cả lễ an táng.
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33.

• Ngày 18/3 Thứ Hai Tuần V Mùa Chay.
Thánh Xy-ri-lô, Giám mục Giê-ru-sa-lem, Tiến sĩ Hội Thánh. Kinh Tiền Tụng thương khó I.
Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62 (hoặc Đn 13,41c-62); Ga 8, 1-11.

• Ngày 19/3 Thứ Ba Tuần V Mùa Chay.
THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A, lễ trọng.
Đọc (hát) kinh Vinh Danh, kinh Tin Kính, không xướng Allêluia. Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a (hoặc Lc 2,41-51a).

• Ngày 20/3 Thứ Tư Tuần V Mùa Chay.
Kinh Tiền Tụng thương khó I.
Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,31-42.

• Ngày 21/3 Thứ Năm Tuần V Mùa Chay.
Kinh Tiền Tụng thương khó I.
St 17,3-9; Ga 8,51-59.

• Ngày 22/3 Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay.
Kinh Tiền Tụng thương khó I.
Gr 20,10-13; Ga 10,31-42.

• Ngày 23/3 Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay.
Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-giô, Giám mục.
Ed 37,21-28; Ga 11,45-57.

TUẦN THÁNH

Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu với Thánh lễ tưởng niệm Bữa Tiệc Ly của Chúa, được tiếp diễn trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa và ngày thứ Bảy Tuần Thánh, rồi kết thúc bằng giờ Kinh Chiều I Chúa Nhật Phục Sinh. Trung tâm của Tam Nhật Vượt Qua là Đêm Canh Thức Vượt Qua.

Trong các ngày của Tuần Thánh, không được cử hành các bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức (là những bí tích được dành cho Đêm Canh Thức Vượt Qua) nhưng nên cử hành sám hối.

Các nghi lễ Tuần Thánh (làm phép lá và rước lá, kiệu Mình Thánh Chúa sau Thánh lễ Tiệc Ly, nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, và Đêm Canh Thức Vượt Qua), có thể cử hành trong mọi nhà thờ và nhà nguyện.

Tuy nhiên, trong các nhà thờ không phải là nhà thờ chính xứ và trong các nhà nguyện, chỉ nên cử hành các nghi thức nói trên nếu thấy trước các nghi thức được cử hành cách xứng đáng, nghĩa là có một số người giúp lễ, có thể hát (ít là một vài phần) trong nghi thức và có đủ một số giáo dân tham dự. Nếu không các nghi thức này chỉ được cử hành ở nơi nhà thờ chính xứ và những nhà thờ quan trọng.

Các mục tử cần lưu ý để giúp các tín hữu hiểu rõ ý nghĩa và cơ cấu các nghi thức của những ngày này và hướng dẫn họ tham dự tích cực vào những nghi thức ấy cho có hiệu quả.

• Ngày 24/3 CHÚA NHẬT LỄ LÁ.
Ca vịnh tuần II.
Khởi đầu Tuần Thánh – Tuần Thương Khó. Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Rước lá: Mc 11,1-10 (hoặc Ga 12,12-16).
Thánh lễ: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47 (hoặc Mc 15,1-39).

Hướng dẫn:

Hôm nay, Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa Ki-tô vào thành Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Vì thế, trước mọi Thánh lễ, đều kính nhớ việc Chúa vào thành bằng cuộc rước kiệu (hình thức I), hoặc bằng nghi thức nhập lễ trọng thể (hình thức II), hay bằng nghi thức nhập lễ đơn giản (hình thức III). Nghi thức nhập lễ trọng thể có thể lập lại trước một hoặc hai Thánh lễ khác có đông giáo dân tham dự. Cuộc rước kiệu chỉ làm một lần.
Lá đã làm phép được lưu giữ tại các gia đình, nhằm nhắc nhớ Chúa Ki-tô vinh thắng.

Khi kiệu lá, chủ tế mặc áo lễ (hay áo choàng) màu đỏ.

Sau cuộc rước kiệu (hay sau nghi thức nhập lễ trọng thể) bỏ làm Dấu Thánh giá và hành động sám hối (hay rảy nước thánh) đầu lễ, và đọc ngay Lời Nguyện Nhập Lễ. Sau đó, Thánh lễ tiếp tục như thường lệ.

Vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân, nên đọc hết Bài Thương Khó cùng với hai bài sách thánh.

Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi Dấu Thánh Giá trên sách.

Phó tế đọc Bài Thương Khó, hoặc nếu không có Phó tế thì Linh mục đọc.

Giáo dân cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng nếu được, nên dành những lời của Chúa Ki-tô cho Linh mục (hay Phó tế).

Nếu là Phó tế, trước khi đọc Bài Thương Khó, phải đến xin chủ tế ban phép lành như trong lễ nào khác.
Hết Bài Thương Khó, xướng “Đó là Lời Chúa” như thường lệ, nhưng không hôn sách. Sau đó, có thể giảng vắn tắt.
Nơi nào không cử hành Thánh lễ, có thể cử hành Phụng Vụ Lời Chúa để tưởng niệm việc Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem và tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, vào chiều thứ Bảy hoặc ngày Chúa nhật, với giờ thích hợp.

• Ngày 25/3 THỨ HAI TUẦN THÁNH.
Kinh Tiền Tụng thương khó II. Lễ Truyền tin Thiên Chúa nhập thể sẽ được cử hành vào thứ Hai sau Chúa nhật II Phục sinh, 08/4/2024. Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
Is 42,1-7; Ga 12,1-11.

• Ngày 26/3 THỨ BA TUẦN THÁNH.
Kinh Tiền Tụng thương khó II.
Is 49,1-6; Ga 13,21-33.36-38.

• Ngày 27/3 THỨ TƯ TUẦN THÁNH.
Kinh Tiền Tụng Thương Khó II. Tối ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giê-su. Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
Is 50,4-9a; Mt 26,14-25.

• Ngày 28/3 THỨ NĂM TUẦN THÁNH.
Ban sáng: THÁNH HIẾN VÀ LÀM PHÉP DẦU (LỄ TRUYỀN DẦU).
Is 61,1-3a.6a.8b-9; Kh 1,5-8; Lc 4,16-21.

Lưu ý: Hôm nay chỉ cử hành Thánh lễ Truyền Dầu và Thánh lễ Tiệc Ly. Cấm mọi Thánh lễ không có giáo dân tham dự và cấm cử hành lễ an táng.

Thánh lễ truyền dầu do Giám mục giáo phận chủ tế cùng với Linh mục đoàn của ngài đồng tế, bày tỏ sự hiệp thông của Linh mục đoàn với Giám mục của mình. Trong Thánh Lễ này tất cả các Linh mục hay các Linh mục đại diện cho các miền trong giáo phận đồng tế chứng kiến làm phép dầu như những cộng sự viên của Giám mục giáo phận mà họ tham gia vào chức vụ thánh của ngài để xây dựng, thánh hóa và quản trị Dân Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Lễ này diễn tả rõ ràng sự hiệp thông của chức vụ Linh mục và Hy Tế của Chúa Kitô trong Hội Thánh.

Dầu mới được làm phép và hiến thánh, sẽ được cung kính đưa tới các nhà thờ giáo xứ; dầu cũ thì đốt đi hoặc dùng để đốt đèn chầu.

Có thể tổ chức rước dầu mới trước Thánh lễ Tiệc Ly hay vào thời gian thích hợp, nhằm dạy các tín hữu về việc sử dụng Dầu thánh và về hiệu năng của Dầu thánh trong đời sống Ki-tô giáo.

Nếu hôm nay khó có thể quy tụ giáo sĩ và giáo dân về bên Giám mục giáo phận, Thánh lễ Truyền Dầu có thể cử hành vào một ngày nào trước đó gần Lễ Phục Sinh.

Hết mùa Chay, khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua

TAM NHẬT VƯỢT QUA

1. Qua việc cử hành Tam Nhật Phục Sinh – sự chết, mai táng và phục sinh của Hôn Phu mình – Hội Thánh muốn hiện tại hóa và hoàn thiện mầu nhiệm Vượt Qua, sự vượt qua của Chúa từ trần gian về với Thiên Chúa Cha.
Theo truyền thống xa xưa của Hội Thánh, việc giữ chay được cử hành vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nếu thuận tiện có thể nới rộng sang ngày thứ Bảy Tuần Thánh.

2. Việc cử hành Tam Nhật Thánh chỉ được cử hành ở những nơi nghi thức có thể làm với sự tôn nghiêm và trang trọng. Vì thế, thật là thích hợp khi các cộng đoàn tu sỹ tụ hợp lại tại những nhà thờ quan trọng và giáo dân cũng có thể tụ họp lại tại những nhà thờ lớn để tham dự nghi thức.
Ở những nơi, một Linh mục phải coi sóc hai hay nhiều giáo xứ, nếu xét thấy các giáo xứ có đủ điều kiện để cử hành nghi thức trọng thể và sốt sáng với số lượng giáo dân đông đủ, Linh mục có thể cử hành nghi thức Tam Nhật Thánh hai lần tại hai nhà thờ khác nhau vì lợi ích của các tín hữu.

3. Nên cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với cộng đoàn vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh để cộng đoàn tín hữu suy niệm sâu xa hơn về sự Thương Khó trong khi ngóng chờ công bố Tin Mừng Phục Sinh.

4. Trong Tam Nhật Vượt Qua, cấm cử hành bất kỳ Thánh lễ nào khác, kể cả Thánh lễ an táng.
Về việc rước lễ:
Ngày thứ Năm Tuần Thánh chỉ được cho tín hữu rước lễ trong Thánh lễ làm phép dầu và Thánh lễ Tiệc Ly mà thôi. Theo Giáo Luật, ai đã rước lễ trong Thánh Lễ Truyền Dầu ban sáng, còn được rước lễ trong Thánh lễ Tiệc Ly ban chiều. Có thể đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào trong ngày.
Ngày thứ Sáu Tuần Thánh chỉ được cho tín hữu rước lễ trong nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa mà thôi. Có thể đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào trong ngày.
Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, trước Đêm Canh Thức Vượt Qua, chỉ được đưa Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng mà thôi.

THÁNH LỄ TIỆC LY. Chúa Giê-su Lập Bí Tích Thánh Thể.
Lễ nghi cử hành vào chiều tối.
Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15.

Tối ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giê-su.
Lưu ý: Tiền lạc quyên trong Thánh lễ này được dùng để giúp người nghèo trong giáo xứ.

Hướng dẫn phụng vụ:

1. Với Thánh lễ Tiệc Ly chiều hôm nay, Hội Thánh bắt đầu Tam Nhật Vượt Qua và tưởng niệm bữa tiệc ly cuối cùng khi Chúa Giê-su, trong đêm bị trao nộp, vì yêu mến những kẻ thuộc về mình đến tột cùng đã trao hiến Mình và Máu Thánh Người dưới hai hình thái bánh rượu cho các Tông đồ và truyền cho họ và những người kế vị làm lại việc này để nhớ đến ngài.

2. Bài giảng sẽ đề cập đến các mầu nhiệm được tưởng niệm trong Thánh lễ này, tức là việc thiết lập bí tích Thánh Thể, chức Linh mục và điều răn yêu thương của Chúa.
Sau bài giảng, sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nếu lý do mục vụ khuyên nên làm.
Theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hôm nay cấm cử hành mọi Thánh lễ không có giáo dân tham dự.
Thánh lễ Tiệc Ly cử hành vào lúc thuận tiện chiều tối, có toàn thể cộng đoàn địa phương tham dự đông đủ, trong khi các tư tế (và các thừa tác viên) thi hành phận vụ của mình.
Các tư tế đã đồng tế trong lễ Truyền Dầu (hoặc đã cử hành Thánh lễ vì lợi ích giáo dân) cũng được đồng tế trong Thánh lễ Tiệc Ly ban chiều nữa.

3. Nơi nào vì lý do mục vụ đòi hỏi, thì Bản Quyền Địa Phương có thể cho phép cử hành một Thánh lễ Tiệc Ly (thứ Hai) trong các nhà thờ, nhà nguyện công và nhà nguyện bán công vào ban chiều. Còn trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành Thánh lễ Tiệc Ly cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự Thánh lễ Tiệc Ly ban chiều được. Tuy nhiên, đừng cử hành chỉ vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành chính Thánh lễ Tiệc Ly vào ban chiều.
Chỉ có thể cho giáo dân rước lễ trong Thánh lễ mà thôi; nhưng vào bất cứ giờ nào trong ngày, cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.

4. Nhà Tạm trong cung thánh hoàn toàn để trống (cửa nhà tạm để mở). Trong Thánh lễ Tiệc Ly chiều nay sẽ truyền phép bánh thánh đủ cho mọi người rước lễ hôm nay và ngày mai, vì thế các Linh mục phải lo liệu để Mình Thánh được rước hết trong những ngày trước Thánh Lễ Tiệc Ly.

5. Khi hát Kinh Vinh Danh thì đánh đàn và rung chuông. Sau đó, không rung chuông nữa cho đến Đêm Canh Thức Vượt Qua; trừ khi Hội Đồng Giám mục (hay Giám mục giáo phận) đã quy định thể khác.
Nơi nào giáo dân đã được chuẩn bị, có thể tổ chức nghi thức rửa chân cho những người đàn ông (hoặc đàn bà) đã được tuyển chọn, để nói lên ý nghĩa phục vụ và bác ái của Chúa Ki-tô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ.

6. Khi rước lễ vật đến bàn thờ, cũng nên đem theo những lễ vật dành cho người nghèo, nhất là các phẩm vật đã được thu góp trong mùa Chay như hoa trái của việc sám hối.

7. Sau khi rước lễ, Linh mục đặt bình Mình Thánh Chúa (ciborium) trên bàn thờ. Kết thúc Lời Nguyện Hiệp Lễ (bỏ ban phép lành cuối lễ), Linh mục xông hương rồi dùng khăn vai phủ bình Mình Thánh và kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ, với Thánh Giá đi trước, hương và đèn nến cùng với những người giúp lễ. Khi bắt đầu rước thì hát Ca Lên Lưỡi Người Công Chính (Pange, lingua). Vì việc tưởng niệm cuộc thương khó được bắt đầu sau Lễ Tiệc Ly, nên việc kiệu Mình Thánh phải được cử hành trong tôn kính, trang nghiêm, nhưng đơn giản (không nên tung hoa trước Mình Thánh).

Để phục vụ cho việc rước lễ ngày hôm sau, Mình Thánh Chúa được kiệu sang bàn thờ phụ, nơi giáo dân tiếp tục suy niệm và cầu nguyện.

Bàn thờ phụ được trang hoàng thích hợp với việc lưu giữ Mình Thánh Chúa. Nơi đây phải có Nhà Tạm đóng kín và tránh việc trưng bày (hay đặt) Mình Thánh Chúa trong mặt nhật. Ngoài ra, về hình thức Nhà Tạm, tránh cách dùng kiểu nhà mồ vì nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa không muốn biểu thị mồ Chúa, nhưng chỉ phục vụ cho việc rước lễ ngày hôm sau (Không che hay quây màn kín nơi cất giữ Mình Thánh, khiến giáo dân có thể hình dung đây là nhà mồ). Sau khi đặt Mình Thánh vào Nhà Tạm, Linh mục xông hương, trong khi đó, ca đoàn hát Ca Kính Mình Thánh (Tantum ergo), không có lời nguyện, Linh mục đóng cửa Nhà Tạm và trở về nhà áo trong thinh lặng.

8. Kết thúc buổi cử hành hôm nay thì lột khăn bàn thờ, và nếu có thể, cất các Thánh Giá. Nếu còn Thánh Giá nào trong nhà thờ, thì phải phủ khăn.

9. Khuyên giáo dân, nên tuỳ hoàn cảnh, đến Chầu Mình Thánh Chúa ban tối hay đêm vào giờ thuận tiện. Nhưng từ nửa đêm trở đi, không tổ chức Chầu Mình Thánh Chúa trọng thể nữa.

10. Không tổ chức kiệu Mình Thánh Chúa và đặt Mình Thánh Chúa nơi bàn thờ phụ trong các nhà thờ không cử hành nghi lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh.

• Ngày 29/3 THỨ SÁU TUẦN THÁNH.
KÍNH NHỚ CHÚA GIÊ-SU CHỊU CHẾT CHUỘC TỘI NHÂN LOẠI.

Hôm nay giữ chay và kiêng thịt.

Nghi thức Kính Nhớ Cuộc Thương Khó Chúa nên được cử hành vào lúc 3 giờ chiều, nhưng cũng có thể cử hành vào giờ thuận tiện lúc chiều tối (nhưng đừng sau 9 giờ tối), để cộng đoàn tín hữu có thể tham dự đông đủ.

Ai tham dự nghi thức tôn kính và hôn Thánh Giá thì được một ơn đại xá với điều kiện: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (Enchiridion Indulgentiarum năm 1999, concessio 13).

Tối ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giê-su.
Is 52,13–53,12; Dt 4,14-16;5,7-9; Ga 18,1–19,42.

Hướng dẫn phụng vụ:

1. Hôm nay, Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Ki-tô chịu hiến tế, nên Hội Thánh cử hành việc suy tôn và kính thờ Thánh Giá, vì nhờ Thánh Giá mà ơn cứu độ được ban cho cả thế giới.

2. Theo truyền thống rất xa xưa, hôm nay Hội Thánh không cử hành Thánh lễ.
Hôm nay chỉ cho giáo dân rước lễ trong nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa mà thôi. Tuy nhiên, vào bất cứ giờ nào trong ngày, cũng có thể đem Mình Thánh Chúa cho những bệnh nhân nào không thể tham dự nghi thức ngày hôm nay được.

3. Hôm nay và ngày mai, Hội Thánh không cử hành Bí tích nào hết, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân. Hôm nay, nếu có phải An táng, thì không hát, không đàn, không chiêng trống.
Hôm nay giữ chay và kiêng thịt. Vì là chay Vượt Qua, do đó rất nên kéo dài cho tới Đêm Canh Thức Vượt Qua (PV 110).
Nếu có thể, nên cử hành long trọng giờ Kinh Sách và Kinh Sáng chung với giáo dân.

4. Nghi thức cử hành hôm nay phải hoàn toàn theo sách phụng vụ chỉ dẫn. Không ai được phép thêm bớt hay sửa đổi theo ý mình.

5. Bàn thờ hoàn toàn để trống: không Thánh Giá, không chân đèn, không khăn trải bàn. Bắt đầu nghi thức, Linh mục và giúp lễ tiến ra cung thánh trong thinh lặng và khi kết thúc cũng sẽ trở về nhà áo trong thinh lặng.

6. Khi đọc Bài Thương Khó, không mang đèn nến, không xông hương, không chào và cũng không ghi dấu Thánh Giá trên sách. Phó tế đọc Bài Thương Khó, hoặc nếu không có phó tế thì Linh mục đọc.
Giáo dân cũng có thể đọc Bài Thương Khó, nhưng nếu được, nên dành những lời của Chúa Ki-tô cho Linh mục (hay phó tế).
Nếu là phó tế, trước khi đọc Bài Thương Khó, phải đến xin chủ tế ban phép lành như trong lễ nào khác.
Hết Bài Thương Khó, xướng “Đó là Lời Chúa” như thường lệ, nhưng không hôn sách. Sau đó có thể giảng vắn tắt.

7. Chỉ dùng một Thánh Giá duy nhất trong nghi thức tôn kính Thánh Giá.
Nếu vì số dân chúng đông, mỗi người không thể lên tôn kính Thánh Giá được, thì sau khi một phần tín hữu đã tôn kính Thánh Giá, chủ sự cầm Thánh Giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng kính thờ Thánh Giá, rồi nâng cao Thánh Giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.

8. Tôn kính Thánh Giá xong, đi kiệu Mình Thánh từ bàn thờ phụ về và cho rước lễ. Sau khi cho rước lễ xong, lại kiệu Mình Thánh (bằng hình thức đơn giản) về nơi cất giữ, với đèn chầu như thường lệ.
Sau buổi cử hành, thì lột khăn bàn thờ, nhưng để lại Thánh Giá và các chân đèn.

9. Từ sau lễ nghi tôn kính Thánh Giá cho đến Đêm Canh Thức Vượt Qua, phải cúi mình mỗi khi đi ngang qua trước Thánh Giá.
Nên quý trọng các việc đạo đức có giá trị mục vụ; như kiệu thương khó, đi Đàng Thánh Giá, suy gẫm các sự thương khó của Đức Mẹ.

• Ngày 30/3 THỨ BẢY TUẦN THÁNH.
Chiều ngắm 7 hay 15 sự Thương Khó Đức Mẹ.

Hướng dẫn phụng vụ:

Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và xuống ngục tổ tông; đồng thời ăn chay cầu nguyện để trông đợi Chúa phục sinh.

Nếu có thể, nên cử hành giờ Kinh Sách và Kinh Sáng, chung với giáo dân. Bằng không, cử hành Phụng Vụ Lời Chúa hay việc đạo đức khác, nhằm diễn tả mầu nhiệm cử hành hôm nay, nhất là để kính Đức Ma-ri-a và liên kết với sự thương khó của Chúa.

Hôm nay cấm cử hành Thánh lễ và các Bí tích khác, trừ bí tích Hoà Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân. Chỉ có thể cho bệnh nhân rước lễ như Của Ăn Đàng mà thôi.

Hôm nay, nếu có phải An táng, thì không hát, không đàn, không chiêng trống.

MÙA PHỤC SINH
Ban tối: LỄ VỌNG CHÚA PHỤC SINH.
ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA

1. Theo truyền thống xa xưa, đêm nay là đêm Chúa truyền phải giữ, và Đêm Canh Thức Vượt Qua được cử hành để kính nhớ đêm thánh Chúa sống lại, gọi là Mẹ của mọi Đêm Canh Thức.

2. Trong Đêm Canh Thức Vượt Qua này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa sống lại và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua ấy trong các Bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Toàn thể truyền thống Ki-tô giáo luôn nhìn nhận Đêm Canh Thức Vượt Qua này mang tính chất trông đợi cuộc quang lâm cánh chung của Chúa.

3. Vì Đêm Canh Thức Vượt Qua thuộc về ngày Chúa Nhật Phục Sinh, nên phải tránh trình bày nghi thức đó như là những giờ phút cuối cùng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh (Thánh Bộ Phụng Tự, Thông tư 16/01/1988, số 95).

Tất cả Đêm Canh Thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên không được bắt đầu trước lúc chập tối và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật.

Không được phép chỉ cử hành Thánh lễ mà không có các nghi thức Đêm Canh Thức Vượt Qua.

4. Có thể cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua tại các nhà thờ (và nhà nguyện) đã không cử hành các nghi thức ngày thứ Năm Tuần Thánh và thứ Sáu Tuần Thánh. Tại các nơi đã cử hành các nghi thức ngày thứ Năm Tuần Thánh và thứ Sáu Tuần Thánh, có thể bỏ không cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua. Nhưng nơi nào có Giếng Rửa Tội thì buộc phải cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua.

5. Trong tất cả buổi cử hành, tư tế (và các thừa tác viên khác) mặc lễ phục màu trắng như khi cử hành Thánh lễ.

6. Trong Đêm Canh Thức Vượt Qua này, nghi thức được sắp xếp như sau:
– Phần thứ nhất: Thắp Nến Phục Sinh
Nến Phục Sinh tượng trưng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Chúa Ki-tô là ánh sáng đến thế gian này để soi sáng cho mọi người, để tiêu diệt sự chết, để làm cho nhân loại được tham dự vào sự phục sinh sáng láng của Người.
– Phần Thứ Hai: Phụng Vụ Lời Chúa
Tin tưởng vào Lời Chúa và điều Chúa hứa, Hội Thánh suy niệm những kỳ công Chúa đã làm cho dân Người ngay từ lúc khởi nguyên.
– Phần Thứ Ba: Phụng Vụ Thánh Tẩy
Vì bí tích Thánh Tẩy gắn liền mật thiết với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Đêm nay, Hội Thánh đón nhận các anh chị em tân tòng. Họ ước cùng chết và sống lại với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Tẩy. Toàn thể cộng đoàn cũng lặp lại những lời đã cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
– Phần Thứ Tư: Phụng Vụ Thánh Thể
Gần rạng sáng ngày Phục Sinh, cùng với những chi thể mới đã được tái sinh trong bí tích Thánh Tẩy, Hội Thánh được mời vào bàn tiệc mà Chúa đã dọn sẵn cho dân Người qua sự chết và qua sự phục sinh của Người.

7. Phải cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua cách trang trọng, để giáo dân có thể hiểu ý nghĩa của các biểu tượng và các nghi thức. Ý nghĩa này cũng được nói lên qua các lời nhắn nhủ và các Lời Nguyện.

8. Để duy trì tính chân thật của dấu chỉ, Nến Phục Sinh phải được làm bằng sáp nguyên tuyền, đủ lớn và mới, để diễn tả hình ảnh Chúa Ki-tô là ánh Sáng thật soi chiếu thế gian.

9. Do nhu cầu, bài Công Bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet) cũng có thể do một ca viên (không phải là phó tế) công bố; nhưng người này không xin chủ tế ban phép lành và bỏ câu “Vậy giờ đây…” cho đến hết lời kêu gọi, kể cả lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”. Có thể hát bài dài hay bài ngắn.

10. Phải đọc ít nhất ba bài Cựu Ước, và trong trường hợp gấp rút thì đọc ít nhất là hai bài; nhưng không bao giờ được bỏ bài trích sách Xuất Hành.
Nên hướng dẫn vắn tắt để giáo dân hiểu ý nghĩa Ki-tô giáo của các bài Cựu Ước.

11. Phụng Vụ Thánh Tẩy trong Đêm Canh Thức Vượt Qua đạt ý nghĩa trọn vẹn nếu có ban bí tích Thánh Tẩy cho người lớn (hay ít là cho trẻ em).
Bằng không, tại các nhà thờ giáo xứ thì làm phép nước Rửa Tội; nơi nào không có ai lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và cũng không phải làm phép Giếng Rửa Tội, thì làm phép nước nhắc lại bí tích Thánh Tẩy, sau đó lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích này, rồi rảy nước thánh trên dân chúng.

12. Có thể xông hương khi đọc Tin Mừng, nhưng không mang đèn nến.

13. Dấu chỉ bí tích Thánh Thể được hoàn hảo khi cho rước lễ dưới hai hình bánh rượu trong Đêm Canh Thức Vượt Qua. Bản Quyền Địa Phương suy xét và ấn định các quy tắc về điều này.

14. Thánh lễ Đêm Canh Thức Vượt Qua là Thánh lễ Phục Sinh, tưởng niệm Chúa sống lại. Các tư tế đã cử hành (hoặc đồng tế) trong Thánh lễ Đêm Canh Thức Vượt Qua, còn được cử hành (hoặc đồng tế) trong Thánh lễ ngày Lễ Phục Sinh.

Các bài đọc: Đêm Vọng Phục Sinh.
1. St 1,1–2,2 (hoặc St 1,1.26-31a); Đc: Tv 103 (hoặc Tv 32).
2. St 22,1-18 (hoặc St 22,1-2.9a.10-13.15-18); Đc: Tv 15.
3. Xh 14,15–15,1a; Đc: Xh 15,1-2. 3-4.5-6.17-18.
4. Is 54,5-14; Đc: Tv 29.
5. Is 55,1-11; Đc: Is 12,2-3.4bcd. 5-6.
6. Br 3,9-15.32–4,4; Đc: Tv 18.
7. Ed 36,16-17a.18-28; Đc: Tv 41 (hoặc Tv 50).
8. Rm 6,3-11; Đc: Tv 117
9. Mc 16,1-8.

• Ngày 31/3 CHÚA NHẬT PHỤC SINH. CHÚA SỐNG LẠI, lễ trọng và buộc.
Ngày đại lễ. Các giáo hữu không bận công việc cần, phải nghỉ việc xác cả ngày.

Thánh Lễ Phục Sinh ban ngày phải được cử hành rất trọng thể. Phải đọc (hay hát) Ca Tiếp Liên trong ngày lễ Phục sinh, còn trong Tuần Bát Nhật thì tùy ý.

Trong lễ Phục Sinh ban ngày thay vì dùng công thức thống hối, sẽ rảy nước thánh (đã được thánh hóa vào đêm Vọng Phục Sinh) trên cộng đoàn, để nhắc nhở bí tích Rửa Tội của tất cả các tín hữu.

Không cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4 (hoặc 1 Cr 5,6b-8); Ga 20,1-9 (hoặc Mc 16,1-7).
Lễ ban chiều có thể đọc Lc 24,13-35.

Hướng dẫn phụng vụ:
1. Trong Thánh Lễ này và suốt Tuần Bát Nhật cuối thánh lễ Linh mục chúc: “Lễ đã xong…. Allêluia.” Từ Chúa Nhật Phục Sinh đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng cho đến hết mùa Phục sinh.

2. Nến Phục Sinh phải được đặt tại gần giảng đài hoặc bàn thờ và được thắp lên khi cử hành Thánh Lễ và giờ kinh Phụng Vụ chung cho đến hết mùa Phục sinh (đến hết Chúa Nhật Hiện Xuống). Các ngày trong Tuần Bát Nhật, mừng lễ trọng kính Chúa, nhưng không đọc kinh Tin Kính trong Thánh lễ (x. AC.24).

3. Các ngày trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh chỉ được cử hành Thánh lễ an táng mà thôi, không được cử hành lễ nào khác. Trong trường hợp cần thiết, có thể cử hành nghi thức Hôn Phối trong Thánh Lễ với lời nguyện chúc hôn và phép lành tân hôn cuối lễ, nhưng phải theo lễ của ngày trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, tuy nhiên một (01) bài đọc của Lễ Hôn Phối có thể được chọn thêm vào cùng với các bài đọc của ngày trong tuần.

4. Trong các ngày Chúa Nhật của mùa Phục sinh, cấm cử hành Thánh lễ khác, kể cả Thánh lễ an táng.

5. Các ngày trong tuần của mùa Phục sinh, cấm cử hành các Thánh lễ cầu hồn hàng ngày (IM 337). Nhưng được cử hành các Thánh lễ tuỳ nhu cầu hay Thánh lễ ngoại lịch, khi thực sự có nhu cầu và mục đích đòi hỏi (IM 333); cũng được cử hành các lễ nhớ bắt buộc hay không bắt buộc về vị thánh có ghi trong Sổ Bộ Các Thánh ngày hôm đó (IM 316b), nhưng phải đọc Kinh Tiền Tụng Mùa Phục Sinh.

 

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang