Tắt Quảng Cáo [X]

Lập trường xuyên suốt của HĐGMVN đối với tài sản “bị trưng dụng” hoặc “hiến cách không thỏa đáng”

12:32 14/05/2024
hoc du
Những ngày qua, vấn đề đất đai của Giáo hội bị trưng dụng, mượn hoặc phải hiến cách không thỏa đáng, tiếp tục xôn xao dư luận xã hội, khi ủy ban Nhân dân Hà Nội đơn phương lập dự án xây mới trên khu đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế. Đây là vấn đề khá nhức nhối từng gây nhiều tranh luận và cả xung đột ảnh hưởng không tốt tới đời sống xã hội từ nhiều năm nay.
88 năm khánh thành ngôi nhà Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội - Nhà Thờ Thái  Hà

Lưu ý: Ở đây, chỉ xin trình bày lập trường của các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Việt Nam liên quan tới vấn đề đất đai tài sản của Giáo hội đang bị mượn, “bị chiếm dụng” hoặc “hiến cách không thỏa đáng”, qua các văn thư kiến nghị gửi các vị lãnh đạo chính quyền Việt Nam cũng như một số thực tế đã xảy ra thời gian qua.


phailamgi_Lập trường xuyên suốt của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với các cơ sở bị trưng dụng...jpg
Giáo dân Thái Hà phản đối dự án xây nhà trái phép trên đất của Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội – tháng 01/2008.

Từ những Văn thư kiến nghị
Ngày 26/10/1993, sau một số văn thư góp ý trước đó với chính phủ, các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trực tiếp gửi đến ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ bản kiến nghị gồm 16 điểm, trong đó nêu rõ: “Đề nghị trao trả đất đai và các cơ sở của Giáo hội trước đây đã bị trưng dụng hoặc hiến cách không thỏa đáng, nhất là các cơ sở cần thiết cho sinh hoạt của Giáo hội, như: Tòa Giám Mục, Nhà thờ, Nhà nguyện, Chủng viện, tu viện…” (Trần Anh Dũng (chủ biên), Hội đồng Giám mục Việt Nam: 1980-2000, (không ghi nhà xuất bản), tr. 442.444)

Ngày 29/9/1995, thêm một lần nữa qua lá thư gửi tới ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ, các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị: “xem xét và trao trả các đất đai và cơ sở của Giáo hội trước đây bị trưng dụng hoặc hiến cách không thỏa đáng (lý do mập mờ, văn bản không hợp pháp, chủ nhân không đồng ý hoặc bị cưỡng ép, vắng mặt…) nhất là những cơ sở cần thiết hoặc bảo đảm cho các sinh hoạt tôn nghiêm của Giáo hội, như Tòa giám mục, nhà thờ, Nhà nguyện, Chủng viện, Tu viện, các cơ sở đào tạo và những mảnh đất tiếp cận trước đây vẫn thuộc về Giáo hội” (Ibid., tr. 503-507).

Trong văn bản kiến nghị lần này, các Đức giám mục đã giải thích rõ thế nào là “bị trưng dụng” hoặc “hiến không thỏa đáng”. Đó là các cơ sở bị lấy với lý do mập mờ, văn bản không hợp pháp, chủ nhân không đồng ý hoặc bị cưỡng ép, vắng mặt…

Ngay năm đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Đức cố Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã nhân danh hội đồng Giám mục gửi tới ông Thủ tướng chính phủ lá thư kiến nghị, đề ngày 11/10/1997, đã đưa ra 13 kiến nghị, trong đó có kiến nghị về những cơ sở đất đai của Giáo hội trước đây bị trưng dụng nay không còn phục vụ như thỏa thuận ban đầu với Giáo hội, thì xin được trả lại. (Ibid., tr. 530 – 533)

Cuối năm 2001, các Đức Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bầu Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm chủ tịch. Ngày 29/12/2001, thay vì chờ sự chấp thuận của chính quyền, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phaolô đã tới thăm Thủ tướng và trao tận tay ông Thủ tướng văn bản “đề xuất một số nguyện vọng”, trong đó có đề xuất: “hoàn lại cho giáo hội đất đai và những cơ sở tôn giáo bị chiếm dụng” (Nhiều tác giả, Ba mươi năm Công giáo Việt Nam 1975-2005 (Diễn đàn Giáo dân Việt Nam Hải ngoại, tháng 8/2005), tr. 587-588).

Sau cuộc họp Hội nghị Thường niên từ ngày 7-12/10/2002, đại diện cho Hội đồng Giám mục, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa tiếp tục gửi một văn thư rất mạnh nói về cơ chế xin cho; đồng thời đệ nghị chính quyền xen xét giải quyết trả lại tài sản cho Giáo hội.

phailamgi_Lập trường xuyên suốt của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với các cơ sở bị trưng dụng...jpg
Giáo dân Thái Hà tại Phiên tòa phúc thẩm xử tám giáo dân Thái Hà ngày 27/3/2009.
Đến những phản đối thực tế
Không chỉ đưa ra lập trường xuyên suốt qua các thư kiến nghị, mỗi Đức Giám mục trong địa hạt của mình khi phải đối diện với các hành động vi phạm pháp luật liên quan tới đất đai tôn giáo, các ngài đều đã phản ứng mạnh mẽ.

Năm 2001, vào lúc đã 83 tuổi, nhận thấy nhà cầm quyền Hà Nội muốn xóa dấu vết Tòa Khâm sứ cũ khi đưa các thiết bị chuyên dụng tới thi công trên đất của Giáo hội, Đức cố Hồng y đã lập tức gửi văn thư phản đối; đồng thời kêu gọi toàn thể các linh mục trong Giáo phận (khoảng 70 vị) ký vào các Công văn, sau đó công bố công khai tại các nhà thờ, buộc chính quyền Hà Nội phải tức tốc yêu cầu đơn vị thi công rút toàn bộ số cọc đã đóng, trả lại mặt bằng nguyên trạng cho Tòa Khâm sứ.

Ngày 13/12/2007, chính quyền Hà Nội một lần nữa đưa các thiết bị xây dựng tới khu vực Tòa khâm sứ đơn phương dỡ mái tòa nhà mà không có bất cứ thỏa thuận nào trước đó với Tòa Giám mục. Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang kiệt đã ra văn thư kêu gọi toàn thể cộng đoàn dân Chúa Tổng Giáo phận cầu nguyện cho các tài sản của Giáo hội được tôn trọng.

Vụ việc sau đó vỡ lở do cách hành xử thiếu khôn ngoan của nhà cầm quyền, buộc Hội đồng Giám mục phải đưa ra “Quan điểm của Hội đồng Giám mục về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay“, ký ngày 25/9/2008, yêu cầu sửa đổi Luật đất đai trong đó trả lại quyền sở hữu cho người dân.

phailamgi_Lập trường xuyên suốt của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với các cơ sở bị trưng dụng...jpg
Giáo dân Hà Nội phản đối xây nhà trái phép trên đất Tòa Khâm sứ cũ – tháng 9/2008
Cần một cuộc đối thoại trên cơ sở pháp luật​

 

Sinh thời, Đức Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội Phaolô Lê Đắc Trọng, trong các cuộc gặp gỡ chính quyền Hà Nội để “đối thoại” mỗi khi xảy ra các cuộc tranh chấp đất đai, đã nhiều lần công khai nói trước hội nghị: “Các ông chưa trả thì chúng tôi sẽ chưa thôi đòi”.

Theo ngài, đó là lương tri của người Công giáo chân chính đứng trước các tài sản của Giáo hội bị trưng dụng hoặc “hiến cách không thỏa đáng”. Điều này phù hợp với lập trường xuyên suốt của các Đức Giám mục thể hiện trong các Văn bản gửi chính quyền từ trước tới nay.

Vì thế, trong vai trò của một nhà nước Pháp quyền, mà bản chất là phục vụ công ích, đã tới lúc nhà nước cần ngồi lại ‘đối thoại” với Giáo hội Công giáo, từng bước trả lại dần các cơ sở đã chiếm dụng cách “không thỏa đáng” theo một lộ trình thời gian được thỏa thuận.

Một Nhà nước của dân, do dân và vì dân không nên chỉ ngồi nghĩ ra các văn bản dưới luật như chỉ thị, nghị quyết để hợp pháp hóa các tài sản của Giáo hội đã “bị trưng dụng” hoặc bị buộc “hiến cách không thỏa đáng” như hiện nay.

Theo: Phảilàmgì?


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang