Tắt Quảng Cáo [X]

Nhà thờ Gx Nhất Đông, TGP Huế

02:27 24/08/2023
hoc du
NHÀ THỜ GIÁO XỨ NHẤT ĐÔNG-TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
(Địa chỉ: Xã Điền Hương, Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Trong thời kỳ mới thành lập có tên gọi là giáo xứ Hương Triều, được thành lập năm 1664 dưới thời các Cha dòng Tên đến Việt Nam, sau đổi lại là Giáo xứ Thanh Hương.

Trải qua nhiều cuộc bách hại dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và của quân Văn Thân, Thanh Hương vẫn luôn rạng ngời ơn Đức Tin Kitô giáo. Trải qua bao thăng trầm đau thương, khốn khổ trăm bề nhưng Thanh Hương vẫn chưa bị đổ máu.

Từ năm 1664 đến năm 1853: Giáo xứ Hương Triều-Thanh Hương là một Giáo xứ bao gồm nhiều họ đạo.

Năm 1853: Đức Cha Pellerin (Phan) chia Thanh Hương thành 3 Giáo xứ: Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm. Tên gọi Giáo xứ Nhất Đông xuất phát từ đây.

Năm 1867: đời Đức Cha Sohier (Bình), Địa sở Thanh Hương gồm có Bác Đông, Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm.

Năm 1882: đời Đức Cha Caspar (Lộc), Địa sở Thanh Hương gồm 7 họ: Nhất Đông, Hương Lâm, Tân Hương, Đông Dương, Diên Khánh, Hương Gia và Hoà Viện.

Đức Cha Gontier coi sóc Nhất Đông từ năm 1892 đến năm 1910, Thanh Hương có 3 Địa sở mới: Nhất Tây, Hội Yên, Linh thuỷ.

Sau gần 250 năm, từ khi thành lập đến năm 1910, Họ đạo Hương Triều-Thanh Hương đã phát triển thành nhiều Địa sở và là cái nôi Công Giáo của vùng ruộng đồng vùng sâu này.

Từ khi thành lập giáo xứ đến nay, trải qua 350 năm, Giáo xứ đã qua 22 đời linh mục quản xứ, linh mục quản xứ đương nhiệm là đời thứ 23.

Đặc biệt, Thánh tử đạo Gioan Đoạn Trinh Hoan, gốc làng Kim Long Huế đã làm quản xứ tại đây từ năm 1870 đến năm 1882. Vì thế, trong Thánh lễ Cung hiến Nhà thờ hôm nay có nghi thức rước hài cốt của Ngài đặt lên Cung Thánh.

Nhà thờ Nhất Đông là một ngôi nhà thờ có nét đẹp cổ kính, phảng phất kiểu Gotique với 2 tháp chuông vuông cao đến 30 mét, vừa cân đối vừa mang tính mỹ thuật. Từ xưa nhiều người gọi nôm na là Nhà thờ hai tháp hay Nhà thờ Tháp đôi.

Ngôi nhà thờ nguy nga đồ sộ hiếm có thời bấy giờ do Đức Cha Gontier khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1905. Đây là ngôi nhà thờ thứ 5 từ khi thành lập giáo xứ năm 1664.

Năm 1985, cơn bảo khốc liệt đã phá sập ngôi nhà thờ như một tiếng bom nổ, chỉ còn trơ lại hai ngọn tháp.

Năm 2007, Cha Ignaxiô Lê Quang Hoà được bổ nhiệm làm quản xứ Nhất Đông, Ngài ưu tư rất nhiều trong việc tái thiết ngôi nhà thờ. Và lễ đặt viên đá xây dựng được diễn ra ngày 17/5/2007.

Cũng trong thời gian này, Cha Ignaxiô lại vừa khởi công xây dựng nhà thờ Nhất Tây (khánh thành năm 2012) và nhà thờ Nhì Đông nên sau 7 năm nhà thờ Nhất Đông mới được hoàn thành.

***

THAM KHẢO THÊM: LƯỢC SỬ GIÁO XỨ NHẤT ĐÔNG
I – VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Nhất Đông, thuộc giáo hạt Hương Quảng Phong, tọa lạc trên địa bàn làng Thanh Hương[1], xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách tòa Tổng Giám mục Huế chừng 37km theo đường chim bay về hướng bắc tây bắc. Giáo xứ Nhất Đông: Danh hiệu (Tên) Nhà thờ là Đức Mẹ Thiên Chúa và Bổn mạng Giáo xứ cũng là Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1.

II – NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN.
1- Từ công cuộc truyền giáo tại Dinh Cát, xuất hiện giáo xứ Hương Triều (1664).

Được biết đầu năm 1615, cha Francesco Buzomi, thừa sai dòng Tên người Ý (1576-1639) từ Áo Môn qua xứ Đàng Trong, tới Cửa Hàn (Đà Nẵng) và ra truyền giáo ở các tỉnh phía bắc cho đến ranh giới (tức bờ nam sông Gianh); rồi các vị thừa sai khác như Francesco de Pina, dòng Tên người Bồ, Alexandre de Rhodes, dòng Tên người Pháp, đến tiếp tay cho tới năm 1665 (khi các thừa sai dòng này bị Hiền vương Nguyễn Phúc Tần trục xuất), cùng với sự cộng tác của đoàn thầy giảng và giáo dân chức việc; đoạn có thêm cha Manuêlê Bổn (1673), cha Lorensô Lâu (hay Laurent Emmanuel 1690) từ Thái Lan về làm mục vụ tại đây.

Năm 1691, cha Lâu gởi sang cho Đức cha giám quản Louis Laneau (đang ở Thái Lan) một bản báo cáo bằng La ngữ trong đó có nhắc tới một giáo xứ tên Hương Triều. Trong báo cáo gởi bộ Truyền bá Đức tin năm 1692, cha Lâu cho biết Hương Triều có 420 tín hữu. Năm 1693, Đức cha Francisco Pérez, có cha Lâu tháp tùng, đi kinh lược và ghé thăm Thanh Hương, ban phép Thêm sức. Trong báo cáo gởi bộ Truyền bá Đức tin năm 1694, cha Lâu cho biết Hương Triều thuộc giáo hạt Ruộng Sâu (bên cạnh Văn Quĩ, Kẻ Vịnh, Hòa Viện….) [2]

Như thế, giáo xứ Hương Triều hẳn ra đời trước 1691 là năm cha Lâu viết báo cáo, nhưng không rõ do các cha dòng Tên, hay hội Thừa sai Paris hay linh mục Việt Nam thành lập. Nếu do các linh mục dòng Tên thì Hương Triều ra đời trước năm 1665. Giả thuyết nầy có hy vọng đúng vì các linh mục dòng Tên Francesco de Pina và Alexandre de Rhodes là những vị thừa sai giỏi tiếng Việt, có thể trình bày giáo lý cho dân bản xứ mà không thông qua phiên dịch, và đã hoạt động hữu hiệu tại vùng Quảng Trị.

Dù sao, năm 1773, khi dòng Tên bị giải thể, họ đạo Hương Triều được trao cho các cha Thừa sai Paris. Đến năm nầy, Hương Triều vẫn chưa có cha sở.

Trong thời gian cấm đạo của chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát và chúa Định Nguyễn Phúc Thuần từ 1750-1776 (26 năm), các linh mục thừa sai ngoại quốc bị tập trung tại Phú Xuân Huế để lấy khẩu cung (5-1750) rồi bị trục xuất (7-1750) vì vụ tay lái buôn Friell lừa gạt và vụ bắt cóc sứ giả của chúa tên Cường do Pierre Poivre chủ mưu (hai người này thuộc Công ty Đông Ấn của Pháp). Chỉ có cha Jean Koffler SJ là được tự do tương đối vì ngài đang làm ngự y chữa bệnh cho các bà phi. Thời gian nầy, vào những dịp lễ trọng, giáo dân Hương Triều và các họ khác phải vào phủ Phú Xuân (nơi cha Koffler có một nhà nguyện tư) để dự lễ.

Cũng trong cùng thời gian, Hương Triều là nơi trú ẩn khá an toàn về mặt tôn giáo. Giữa cơn nổi loạn tranh quyền của 3 họ Trịnh, Nguyễn và Nguyễn Tây Sơn (1775-1802), năm 1776, cha Jean Labartette (An), sau nầy làm Giám mục, đã rời giáo xứ Thợ Đúc đi thăm giáo xứ Hương Triều sau 26 năm nơi này vắng bóng linh mục (1750-1776). Cha Labartette còn lui tới viếng thăm họ đạo ấy nhiều lần. Đây là một an ủi và động viên đối với Hương Triều trong cơn đạo nạn. Cha Pierre Gire MEP (+1804) đang ở Di Loan (Cửa Tùng) cũng đã vào Hương Triều để tránh sự lùng bắt của vua Cảnh Thịnh năm 1789.

2- Giáo xứ Hương Triều đổi thành giáo xứ Thanh Hương (1802).

Năm 1802, Gia Long quản tu địa bộ, làng Hương Triều đổi tên thành làng Thanh Hương gồm 3 thôn: Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm. Năm 1803, hai Đức cha Jean Labartette (An, 1744-1784-1823) và Jacques-Benjamin Longer (Gia, 1752-1787-1831) trên đường đi đò vào yết kiến vua Gia Long, có ghé thăm Thanh Hương. Ngoài ra Đức cha Labartette còn ghé thăm giáo xứ nhiều lần, không kể những lần ban phép Thêm sức cho tín hữu. Thanh Hương được xem là chỗ nghỉ chân của ngài trên đường từ Dinh Cát vào Thuận Hóa và ngược lại.

Tiểu sử các Linh mục Giáo phận Huế ghi nhận: vào đầu thế kỷ 19, Thanh Hương ở dưới sự chăm sóc của một linh mục (không rõ họ) tên là Bính (sinh năm 1781).

Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi nhưng chưa tỏ thái độ gì dù vốn ghét đạo. Đến năm 1825, nhà vua ra lệnh: Canh gác cửa biển, không cho thừa sai ngoại quốc vào nước; tập trung các vị đang ở trong nước về Huế.

Ngày 28-12-1822 tại họ đạo Thanh Hương có lễ truyền chức linh mục cho thầy Isidore Gagelin (Kính, sau nầy là thánh tử đạo) bởi tay Đức cha Jean Labartette.

Ngày 6-8-1823, Đức cha Labartette từ trần tại Cổ Vưu (Trí Bưu hiện nay) thọ 77 tuổi, xác ngài được quàn tại đây 3 tuần. Giáo dân xa gần trong đó có họ Thanh Hương ra kính viếng và dự lễ đám.

Năm 1833, Minh Mạng cấm đạo toàn quốc. Các nhà thờ đều bị triệt hạ trong đó có nhà thờ Thanh Hương. Cha Nguyễn Hòa An đang có mặt tại 2 giáo hạt Dinh Cát và Ruộng Sâu, báo cáo cho Đức cha Jean-Louis Taberd (Từ) ở Cao Miên rằng “giáo dân chết đói trước khi chết tử đạo!” Lệnh nầy dịu dần sau đó.

Trong cùng năm, Minh Mạng hạ lệnh các làng Công giáo phải xây đình làng để học tập “Mười điều huấn dụ” do ông đặt ra (bắt chước Mười Giới răn), dạy dân “bỏ tà đạo Gia Tô” mà theo đạo chính của nước. Giáo dân Thanh Hương phải lập đình và học “Mười điều huấn dụ” này.
Năm 1836, Minh Mạng lại ra sắc lệnh nhục mạ đạo Công giáo, truyền lệnh xử tử linh mục, người oa trữ và các quan không chấp lệnh. Tình hình ngày càng căng thẳng. Nhưng sắc lệnh cũng cho thấy mặc dù đạo gặp khó khăn, các thừa sai bị truy nã, vẫn có những giáo dân, những gia đình tín hữu thu giấu các linh mục cách nầy cách khác, cũng như có những quan lại không mau mắn thi hành lệnh vì lương tri ái ngại.

Năm 1838, Minh Mạng ra lệnh tàn sát Công giáo. Năm 1841, vua băng hà, ngã ngựa mà chết. Con là Thiệu Trị nối ngôi.

Như vậy trong 16 năm (1825-1841) cấm đạo của vua Minh Mạng, giáo xứ Thanh Hương lâm vào tình trạng vắng linh mục, nhà thờ bị triệt hạ, giáo dân bị lăng nhục, buộc học Thập điều, buộc bỏ đức tin. Mặc dù chưa bị đổ máu nhưng giáo dân Thanh Hương đã nếm đủ đắng cay mùi đạo[3].

Năm 1847, nhân lúc triều đình Huế bận rộn lễ an táng Thiệu Trị và lễ tôn vương Tự Đức, Đức cha phó Pellerin (Phan) đã tới thăm giáo xứ Thanh Hương và giáo hạt Ruộng Sâu.

Tháng 8-1848, tân vương Tự Đức hạ lệnh cấm đạo nhưng các quan bất đồng ý kiến nên giáo dân nói chung và giáo dân Thanh Hương nói riêng vẫn sống yên bình. Lúc này có cha Phêrô Trương Công Quang (1819-1849-1889) coi sóc miền Dinh Cát và Kẻ Hương.

Tháng 5-1851, Tự Đức lại hạ lệnh bắt giam chức việc các giáo xứ. Thanh Hương cùng nhiều giáo xứ khác có 24 chức việc bị giam giữ tại Quảng Trị.

3- Thanh Hương thành giáo sở với 3 giáo xứ: Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm (1853)

Năm 1853, Đức cha Pellerin (Phan), Giám mục tiên khởi Giáo phận Huế, mạo hiểm kinh lược và ban phép Thêm sức cho 3 giáo hạt Ruộng Sâu, Dinh Cát, Quảng Bình, trong đó có cả Thanh Hương. Năm này, ngài cũng nâng Thanh Hương thành giáo sở gồm 3 giáo xứ theo tên 3 thôn: Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm. Về sau, giáo sở này có lúc thêm nhiều giáo họ trong vùng. Đức Cha phó Sohier (Bình) cũng tới thăm Thanh Hương khi kinh lược giáo phận Huế lần đầu trong cùng năm.

Từ 1853-1858, Thanh Hương được cha Tôma Bùi Văn Hữu coi sóc. Đây là trọn cuộc đời linh mục của ngài (1824-1853-1858).

Năm 1859, cha Anrê Nguyễn Văn Lành, quản sở Thanh Hương (1858-1867), người từng hai lần ban phép giải tội cho thánh Micae Hồ Đình Hy trước khi ngài chịu tử đạo ở chợ An Hòa, đã phải núp lánh vì cơn bắt đạo.

Ngày 22-8-1861, Tự Đức hạ dụ Phân Sáp kéo dài 11 tháng 8 ngày. Giáo dân Thanh Hương cũng như các họ đạo khác phải tháp nhập vào các làng lương, má thích 2 chữ “Tả đạo”, bị tập trung ở các trại giam chờ thiêu sát. Trước đây ở Thanh Hương còn những ông già bà lão, hai má hằn dấu sẹo của 2 chữ thích này.

Ngày 5-6-1862, hòa ước Nhâm Tuất ra đời, cho phép các giáo sĩ ngoại quốc tự do truyền đạo và đòi hỏi bãi bỏ các lệnh cấm đạo. Năm sau (1863) Tự Đức hạ dụ tha phân sáp, tín hữu ai nấy được hồi gia. Giáo dân Thanh Hương trở về làng cũ, nhưng nhà cửa ruộng vườn của họ đã bị cướp bóc phá hoại. Cha quản xứ Anrê Nguyễn Văn Lành cũng từ nơi lánh nạn trở về, rồi năm 1866, mua đất lập sở các nữ tu Mến Thánh Giá tại Thanh Hương.

Năm 1866, ngài có cha Matthia Huỳnh Kim Khánh làm phó, biệt cư Nhất Tây
Năm 1867, ngài có cha Phêrô Võ Viết Liên làm phó, biệt cư Nhất Tây. Cha Liên làm nhà thờ Nhất Tây trừ cái tháp.
Năm 1869, đạo được yên ổn, Đức cha Sohier tổ chức thi kinh sách giáo lý và giáo dân Thanh Hương có tham dự.
Năm 1882, đời Đức Cha Caspar (Lộc), giáo sở Thanh Hương gồm 8 giáo xứ: Nhất Đông, Nhất Tây, Hương Lâm, Tân Hưng, Đông Dương, Diên Khánh, Hương Gia, Hòa Viện.
Ngày 6-9-1885, Văn Thân chiếm thành Quảng Trị, tàn sát các giáo xứ thuộc giáo hạt Dinh Cát. Cha Jean Bonnand (cố Bổn), đang làm quản sở Thanh Hương (có phó xứ là cha Phaolô Trương Văn Vân) vội cho tiến hành việc bảo vệ giáo sở. Sau thấy tình hình nguy hiểm, ngài đem giáo dân đi trốn trong đêm mồng 9 rạng ngày 10 tháng 9-1885 vào Thuận An. Tại đây cha con được tướng Pháp de Courcy cho lính hộ tống về lại Thanh Hương. Sau Văn Thân hăm dọa, cha lại đưa con cái mình vào Thuận An lần nữa. Một số giáo dân Thanh Hương làm nghề nuôi vịt và ở đò như các ông Hồ Văn Thanh, Trần Văn Linh, Nguyễn Văn Mẫn, Đoàn Văn Nở thấy ở đấy có loại cỏ vịt có thể ăn cầm hơi đợi mùa gặt lúa, nên đã ở lại. Họ nhờ cha J. Renauld (cố Đồng) làm tuyên úy cho quân đội Pháp ở cửa Thuận An, xin nhà nước đất “Cồn Cỏ” mà lập họ đạo, nay là giáo xứ Tân Mỹ.

Như vậy biến cố Văn Thân không chỉ thu hẹp mà còn mở rộng giáo sở Thanh Hương, giúp lập ra một họ đạo mới Tân Mỹ. Họ đạo nầy nay vẫn còn và phát triển tốt.

4- Nhất Đông trở thành xứ chính trong giáo sở (1888)

– Năm 1888, cha Joseph Grosjean (cố Gioang) làm quản xứ Nhất Đông đến 1891, coi sóc tất cả giáo dân vùng (làng) Thanh Hương. Một mình với cha phó người Việt (Grêgôriô Đỗ Khắc Quyến), ngài tổ chức lại các giáo họ và dựng lại các nhà thờ. Tại Nhất Đông ngài có 1.200 tín hữu để quản trị. Ngài còn làm cho lương dân chung quanh trở lại, thành lập 12 họ đạo mới, trong đó có Hội Yên, Linh Thủy. Từ đây, Nhất Đông có khi được đồng hóa với Thanh Hương.

– Từ 1892, Nhất Tây xuất khỏi giáo sở Thanh Hương, có quản xứ riêng của mình. Cũng từ năm này, cha Joseph Gontier (cố Công) ở Nhất Đông, coi cả giáo sở cho đến 1910, Ngài có nhiều cha phó lần lượt trợ giúp: Phêrô Phan Văn Bá từ 1891 đến 1895; Phêrô Trần Văn Tự từ 1895 đến 1902; Louis Darbon (cố Triết) từ 1897 đến 1899[4], Giuse Trần Văn Lương từ 1903 đến 1904, Micae Nguyễn Văn Cầm từ 1904 đến 1908, GB Lê Văn Tài từ 1908-1910 (sau đó ở tiếp giúp cha Marie Lefèvre).

Vào thời kỳ này, hầu như tất cả các họ đạo của cha Gontier đều đã bị tàn phá bởi những cơn sốt độc hại đến nỗi bứng đi hơn một phần ba cư dân trong vùng. Chính cha cũng bị bệnh phải đi Hong Kong chữa trị một thời gian (được cha René Boillot tạm quyền). Hồi phục rồi, ngài hoạt động bất kể ngủ nghỉ ăn uống, đi hết họ nầy đến họ khác làm mục vụ và chỉ bới theo vài củ khoai. Năm 1896, Thanh Hương có đến 1000 tân tòng.

Bên cạnh đó, cha Joseph Gontier cũng xây dựng nhiều thánh đường, nhà nguyện. Năm 1902, ngài khởi sự xây nhà thờ Nhất Đông với hai tháp cao 30m, nhìn thấy từ xa, và khánh thành vào năm 1905. Đây là nhà thờ thứ năm của giáo sở. Nhà thờ nầy được xây bằng gạch và vôi trộn với mật mía (như lối xây dựng đương thời tại Việt Nam), chỉ có một ít sắt dùng làm mấu để nối các góc lại với nhau. Kích thước của nó: 14m x 32m.

Năm 1897-1899, tân tòng sa sút, khiến cha Gontier đau lòng. Được biết lúc bấy giờ trong các khâm sứ Pháp có ông Favin Lévêque[5], một người theo bè Tam Điểm, có óc chống Công giáo, đưa ra chủ trương “cải giáo hoàn lương”. Các hương chức địa phương cũng về phe với quan khâm sứ mà bắt nạt giáo hữu. Có thể hiện tượng giảm sút tân tòng Thanh Hương xảy ra trong bối cảnh nầy.

– Cha Marie Lefèvre (cố Lịch) kế nhiệm cai quản giáo sở, ở tại Nhất Đông từ 1911-1914. Phó xứ là cha GB Lê Văn Tài từ 1911 đến 1913, cha Micae Trần Văn Hiệu từ 1913-1914 (sau đó ở tiếp giúp cha J.B Maunier). Cha Lefèvre cũng là nạn nhân của bệnh sốt

– Cha J.B. Maunier (cố Mẫn) từ 1915-1918. Có cha Micae Trần Văn Hiệu rồi cha Alexi Phan Đức Sắc làm phó xứ. Bệnh sốt rét tiếp tục thống trị giáo sở của cố Mẫn. Lúc đó Đệ nhất Thế chiến đang xảy ra, nhiều người Việt Công giáo nhập ngũ hoặc đi làm thợ tại Pháp. Ngài tìm địa chỉ, rồi liên lạc với họ và với các vị tuyên úy quân đội; ngài viết thư và gửi cho họ những tập sách nhỏ nói về đạo và các bài viết đạo đức do chính ngài biên soạn để khích lệ họ, nâng đỡ và củng cố họ trong đời sống đạo. Năm 1919, ngài xin nhập đan viện Phước Sơn do cha Henri Denis (cố Thuận) thành lập một năm trước đó.

– Cha Jules Montagnon (cố Minh, 1873-1899-1926) cai quản Nhất Đông từ 1919 đến 1926. Có cha phó Alexi Phan Đức Sắc vốn đã giúp cố Mẫn và nay giúp tiếp tới 1921, sau đó là cha phó Phaolô Nguyễn Văn Mầu. Cha Mầu ở tới năm 1927 thì đổi đi làm quản xứ tiên khởi Đại Lược.

Năm 1923, Hương Lâm tách khỏi giáo sở Thanh Hương, trở thành giáo xứ biệt lập, có chủ chăn riêng của mình là cha Gabriel Pieters (cố Phiên, 1872-1896-1946).

– Cha Vinhsơn Phaolô Nguyễn Thế Thảo, từ 1937 đến 1947. Ngài làm cha sở Đại Lược, kiêm giáo sở Thanh Hương. Bị phục kích chết với hai giáo hữu giữa đường ở gần làng Vĩnh Xương[6] ngày 6-5-1947, thọ 47 tuổi, 15 năm linh mục, mai táng tại nhà thờ Nhất Đông.

– Cha Phêrô Huỳnh Văn Hóa, từ 1954 đến 1968, quản xứ Nhất Đông, kiêm Nhất Tây. Ngài tu sửa hai cái tháp khổng lồ của nhà thờ Nhất Đông đã bị chiến tranh tàn phá trước đây, do cuộc hành quân mang tên Camargue vào năm 1950 của thực dân Pháp.

5- Giáo sở Thanh Hương tái lập với 3 giáo xứ chính và nhiều giáo họ (từ 1972)

Từ và do cuộc chiến đầu năm 1972, cả 3 giáo xứ Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm lại hợp nhất thành giáo sở Thanh Hương. Các vị mục tử từ đó khi ở xứ này, khi ở xứ kia.

– Cha Gioan Nguyễn Đức Tuân từ 1975-1977. Ngài làm chánh xứ vùng Thanh Hương từ tháng 6-1975 (Hương Lâm, Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây) kiêm Đồng Dương, Đại Lược, Thế Chí Đông. Sau đó nhận thêm giáo xứ Phú Xuân (Phường Thuốc), Phong Nguyên (Vĩnh Nguyên). Có cha Ximong Võ Hoàng Y (nguyên quản xứ Hương Lâm, Nhất Đông) rồi cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ từ trong Nam ra hiệp lực.

Tháng 9-1977: Thanh Hương tách xứ lại. Cha Nguyễn Ngọc Mỹ phụ trách Nhất Đông và Hương Lâm. Cha Tuân lên ở Nhất Tây kiêm Đồng Dương, Phú Xuân và Phong Nguyên.

Năm 1982, ngài trùng tu lại nhà thờ Nhứt Tây (sửa cung thánh) với gạch xin từ tháp nhà thờ Nhất Đông bị sét đánh trước đó. Ngài cũng kiêm Hương Lâm và Nhất Đông từ 1995-1999.

– Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ. Phục vụ tại Thanh Hương từ 4-1975 như phó xứ của cha Nguyễn Đức Tuân. Từ 1977 đến 1995, ngài trông coi Nhất Đông và Hương Lâm, di chuyển nhà xứ qua lại ở hai nơi này. Đã sửa lại phần sau nhà thờ Nhất Đông. Sau đó đi làm quản xứ Đá Hàn.

– Cha Đôminicô Nguyễn Tưởng, Quản xứ Hương Lâm, kiêm Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Đại Lược, Kế Môn từ tháng 1-1999 đến tháng 5-2003. Ngài trú tại Hương Lâm.

Xây nhà mục vụ giáo xứ Nhất Đông; xây cổng, đường bêtông, bàn thờ, đất thánh chung cho 2 giáo xứ Hương Lâm và Nhất Đông năm 2000; xây nhà mục vụ giáo xứ Nhất Tây; xây và đặt tượng Đức Mẹ trên đất chung của Hương Lâm và Nhất Đông 2001; xây nhà thờ Hương Lâm 06-2001.

Quản xứ Hương Lâm, Đại Lược, Kế Môn từ 05-2003 đến 08-2010 (tách khỏi các giáo xứ Nhất Đông, Nhì Đông và Nhất Tây giao cho cha Inhaxiô Lê Quang Hòa)

– Cha Inhaxiô Lê Quang Hòa, trông coi giáo xứ Nhất Đông, giáo xứ Nhất Tây và giáo họ Nhì Đông từ tháng 5-2003. Trùng tu nhà thờ Nhất Đông (sơn sửa lại hai tháp, xây mới phần sau), xây dựng nhà thờ Nhất Tây và Nhì Tây.

Cung hiến nhà thờ Nhất Tây tháng 01-2012 và nhà thờ Nhất Đông tháng 09-2014. Nhà thờ Nhì Tây đang được tiếp tục xây dựng.

Nhất Tây thành giáo xứ biệt lập từ tháng 10-2017, với cha quản xứ Gioan Bosco Trần Anh Thao.

[…]
Nhóm Biên sử Tổng Giáo phận Huế.
Chú thích:
[1] Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An cho biết nhà Lê và Mạc năm 1553 phân huyện Hải Lăng thành 49 xã: Văn Quĩ (hay là Kẻ Văn), Hương Lan, Hương Liêu… Năm 1558, Nguyễn Hoàng cai trị xứ Thuận Hóa, đổi tên một số huyện, xã: Hương Lan ra Hương Triều Thượng, Hương Liêu ra Hương Triều Hạ, địa phương quen gọi là Kẻ Hương. Năm 1802, Gia Long quản tu địa bộ, làng Hương Triều thành làng Thanh Hương gồm 3 thôn: Nhất Đông, Nhất Tây và Hương Lâm.
[2] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques I (1658-1728). Paris, Téqui, 1923. P. 417, 423, 430.
[3] Trong thời Minh Mạng bách hại, giáo xứ Thanh Hương có một thiếu nữ chạy vào kinh đô Huế buôn bán, bỏ đạo rồi làm vợ lẽ quan tham tri Trần Ngọc Giao ở phố Gia Hội. Khi quan tham tri qua đời, bà và các con lên tu tại chùa Báo Quốc. Sau nhờ liên lạc với các nữ tu, bà trở về ở lại Gia Hội, ăn năn sám hối, cho hai con ra giáo xứ Dương Sơn học đạo để được rửa tội. Bà Tham Giao có một người con trai làm linh mục là cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh, tử đạo tại giáo xứ Dương Lộc lúc Văn Thân tấn công vào nơi nầy (tháng 9-1885). (Xem lược sử Giáo xứ Gia Hội).
[4] Cuối năm 1899, ngài trở thành quản xứ đầu tiên của Linh Thủy (được tách khỏi Thanh Hương).
[5] St. Nguyễn Văn Ngọc & G. Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế qua các triều đại vua chúa 1596-1945. Huế 1993. Tr. 390
[6] nay là thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế

(Nguyên Hưng – Hình chụp ngày 12 tháng 11 năm 2017. Bài viết trích từ Kỷ Yếu TGP Huế)


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang