Theo Elise Ann Allen của tạp chí CruxNow, lần đầu tiên, giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, sẽ phục vụ với tư cách thành viên đầy đủ của Thượng Hội đồng Giám mục với quyền bỏ phiếu, Vatican thông báo hôm thứ Tư, như một phần của một loạt thay đổi lớn hơn đối với các quy tắc quản trị việc tham gia những hội nghị thượng đỉnh do Đức Giáo Hoàng triệu tập này.
Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Tư trong một cuộc họp báo về những thay đổi, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg và là Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho biết quyết định này “không phải là một cuộc cách mạng” nhưng tạo nên “một sự thay đổi quan trọng”.
Theo các quy tắc trước đây, một thượng hội đồng được định nghĩa trong giáo luật là một tập họp các thành viên, trong đó “phần lớn là các giám mục” được bầu bởi hội đồng giám mục quốc gia của họ. Các thành viên khác, thường là giám mục hoặc nam tu sĩ, được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng hoặc do các dòng tu của họ đề cử.
Tư cách thành viên của các thượng hội đồng trước đây cũng bao gồm các viên chức trong văn phòng của Thượng hội đồng Giám mục ở Rôma và những người đứng đầu các cơ quan của Vatican, những người ít nhất có cấp bậc tổng giám mục, cũng như 10 giáo sĩ thuộc các Viện Đời sống Thánh hiến, những người được bầu bởi các cộng đồng tương ứng của họ.
Ngoài ra, theo truyền thống, một số thính giả được chọn cũng được mời tham dự các cuộc họp thượng hội đồng, nghĩa là họ có thể lắng nghe và tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm, nhưng không thể bỏ phiếu cho tài liệu cuối cùng.
Mặc dù phụ nữ có truyền thống tham gia vào các thượng hội đồng với tư cách quan sát viên, cố vấn, thính giả và chuyên gia, nhưng không ai từng là thành viên đầy đủ có quyền bỏ phiếu cho tài liệu cuối cùng của thượng hội đồng, tài liệu này thường được dùng làm cơ sở cho một tông huấn của Đức Giáo Hoàng về chủ đề của thượng hội đồng được công bố vài tháng sau đó.
Trong khi phần lớn các quy tắc vẫn giữ nguyên, Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố hôm thứ Tư rằng họ đã sửa đổi các quy tắc, trong đó có việc bỏ qua tư cách thành viên của 10 giáo sĩ do cộng đồng của họ bổ nhiệm.
Một tuyên bố từ Thượng Hội đồng Giám mục cho biết các giáo sĩ này hiện đã được thay thế “bởi năm nữ tu và năm nam tu sĩ” thuộc các Viện Đời sống Thánh hiến khác nhau, những người được chọn tham dự với tư cách thành viên, tất cả đều “có quyền bỏ phiếu”.
Các quy tắc mới cũng loại bỏ các thính giả của thượng hội đồng và cho phép bổ nhiệm thêm 70 thành viên không phải giám mục bất kể địa vị giáo sĩ, nghĩa là họ có thể là linh mục, nam nữ tu sĩ, phó tế, nam nữ giáo dân.
70 thành viên này sẽ được Đức Giáo Hoàng chọn từ danh sách 140 tên được đưa ra bởi bảy cuộc họp quốc tế của các Hội đồng Giám mục và Hội đồng Thượng phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Khoảng 20 trong số 70 người này được dành cho các thành viên của các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ phương đông.
Các tiêu chuẩn mới yêu cầu một nửa trong số 70 người này là phụ nữ và họ cũng bao gồm cả những người trẻ tuổi. Với tư cách là thành viên chính thức, 70 người này cũng sẽ có quyền bỏ phiếu.
Một tuyên bố từ Thượng Hội đồng Giám mục cho biết, “Khi lựa chọn họ, không chỉ tính đến văn hóa tổng quát và sự thận trọng của họ, mà còn về kiến thức của họ, cả lý thuyết lẫn thực tiễn, cũng như sự tham gia của họ trong các khả năng khác nhau trong diễn trình thượng hội đồng”.
Ngoài 70 người này, các đại biểu do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm giờ đây không còn giới hạn ở các giám mục, và cũng có thể bao gồm giáo dân, linh mục hoặc phó tế.
Sửa đổi thứ ba đối với các quy tắc nói rằng các thành viên thượng hội đồng đại diện cho các cơ quan của Vatican giờ đây sẽ được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng, thay vì chỉ giới hạn ở những người giữ chức danh tổng giám mục.
Với các quy tắc mới, giờ đây sẽ có ít nhất 40 phụ nữ tham gia với tư cách thành viên bỏ phiếu tích cực trong các cuộc họp thượng hội đồng, cộng với bất cứ người nào khác mà Đức Giáo Hoàng chọn để bổ nhiệm.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn các quy tắc mới vào ngày 17 tháng Tư.
Theo Đức Hồng Y Hollerich, phần lớn các thành viên, thường là hơn 200 người, vẫn sẽ là giám mục, với khoảng 20-25% thành viên không phải là giám mục.
Trong nhiều năm, quyền bầu cử của phụ nữ trong các cuộc họp thượng hội đồng đã trở thành vấn đề gây tranh cãi đối với những người Công Giáo mong muốn phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các vai trò ra quyết định có ý nghĩa trong Giáo Hội.
Áp lực ban quyền bầu cử cho phụ nữ trong các thượng hội đồng đã gia tăng trong những năm gần đây, bao gồm cả trong hội trường thượng hội đồng, với những người chỉ trích phàn nàn rằng trong các cuộc họp thượng hội đồng trước đây, các ngoại lệ đối với các quy tắc đã được thực hiện cho phép các Bề trên Tổng quyền nam tu sĩ không thụ phong và các linh mục không phải giám mục có quyền bỏ phiếu, nhưng không làm như vậy cho các đối tác nữ của họ.
Trước Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt năm 2019 về Amazon, một nhóm hoạt động của phụ nữ Công Giáo tiến bộ, Voices of Faith [Các Tiếng nói Đức tin], đã tổ chức một cuộc họp báo với sự tham dự của một nhóm nữ tu Thụy Sĩ kêu gọi phụ nữ được ban quyền bỏ phiếu trong Thượng hội đồng.
Vào năm 2018, Hội nghị Phong chức Phụ nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Vatican khẳng định rằng phụ nữ phải được ban quyền bầu cử và đưa ra một bản kiến nghị thu hút gần 10,000 chữ ký chỉ trong hai tuần.
Chỉ ba năm sau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô báo hiệu rằng tiến bộ trên mặt trận này đang được thực hiện khi ngài bổ nhiệm Nữ tu người Pháp Nathalie Becquart làm phó tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, một chức vụ, theo truyền thống, đi kèm với quyền biểu quyết trong các cuộc họp thượng hội đồng.
Các viên chức Vatican trong quá khứ đã bảo vệ các quy tắc chỉ dành cho giám mục để bỏ phiếu với lý do rằng các cuộc họp là hội đồng của “các giám mục”, và do đó, việc các giám mục là người bỏ phiếu là điều hợp lý.
Việc bổ nhiệm Becquart khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu trong các cuộc họp thượng hội đồng. Đối với thượng hội đồng sắp tới vào tháng 10, giờ đây bà sẽ được tham gia cùng với một loạt phụ nữ bỏ phiếu khác.
Trong một cuộc họp báo vào tuần trước về việc kết thúc giai đoạn lục địa của Thượng Hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị, Becquart cho biết danh sách đầy đủ các thành viên và những người tham gia Thượng Hội đồng sẽ được công bố vào tháng 5, cùng với tài liệu chuẩn bị, được gọi là tài liệu làm việc, instrumentum laboris, cho phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10.
Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức khai mạc vào tháng 10 năm 2021, Thượng hội đồng về tính đồng nghị có tên chính thức là “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia, Sứ mệnh,” và là một diễn trình gồm nhiều giai đoạn sẽ đạt đến cực điểm trong hai cuộc họp tại Rôma vào tháng 10 năm nay và tháng 10 năm 2024.
Cuộc họp mặt tại Rôma năm nay sẽ kéo dài từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, và sẽ đánh dấu lần đầu tiên phụ nữ và giáo dân nói chung có quyền bầu cử.
Trong tuyên bố của mình, Thượng Hội đồng Giám mục cho biết quyết định của Đức Giáo Hoàng mở rộng thành viên để bao gồm nhiều linh mục cũng như phó tế và giáo dân “củng cố tính vững chắc của toàn bộ diễn trình”.
“Do đó, điều đáng ghi nhớ là sự hiện diện của những người không phải là giám mục, chứ không phải chỉ là đại diện,” tuyên bố cho biết như thế, đồng thời nhấn mạnh rằng vì các thành viên không phải là giám mục được bổ nhiệm bởi Đức Giáo Hoàng hoặc các cơ quan khác “qua đó tính hợp đoàn giám mục được thể hiện,” nên bản chất giám mục của các cuộc họp thượng hội đồng “không bị ảnh hưởng, nhưng đúng hơn là được xác nhận”.
Lượt xem: 197