Tắt Quảng Cáo [X]

Nhân vụ giả Linh mục tại giáo xứ Mẫu Tâm, GP Xuân Lộc: Vài điều người Công giáo cần biết…

06:41 28/03/2023
hoc du
NHÂN VỤ GIẢ LINH MỤC LỪA ĐẢO TẠI GIÁO XỨ MẪU TÂM, VÀI ĐIỀU NGƯỜI CÔNG GIÁO CẦN BIẾT ĐỂ BẢO VỆ SỰ THÁNH THIÊNG CỦA CHỨC THÁNH VÀ CÁC BÍ TÍCH, TRÁNH MẮC BẪY HOẶC TIẾP TAY CHO TỘI PHẠM
1./
Mấy hôm rồi cư dân mạng xôn xao về vụ một người giả làm linh mục với cái tên Maxillian M Kolbe Travis Hồng Ân tại giáo xứ Mẫu Tâm, Gia Kiệm đã bị TGM giáo phận Xuân Lộc vạch mặt.

Đáng tiếc là trường hợp này đã được một số người phát hiện và đã cảnh báo từ mấy năm trước, vậy mà từ đó đến nay vẫn nhiều người mắc lừa, kể cả một số linh mục!

Giả linh mục để lừa đảo tiền bạc hoặc dẫn dắt người khác tham gia các giáo phái là hiện tượng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới xưa cũng như nay.

Ngay ở Ý, Pháp, Mỹ hiện tượng này cũng chẳng thiếu! Thỉnh thoảng lại thấy báo chí đưa tin chỗ này chỗ kia có người giả linh mục đi lừa đảo tiền bạc của thiên hạ.

Tại Roma có ông còn giả hồng y để vào dự các buổi tiếp tân quan trọng có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng trong Vatican hoặc lừa đảo khách hành hương đến Roma.

Mới cách đây hơn chục ngày Tòa án Agrigento ở đảo Sicilia còn xét xử một ông làm giả hồng y để lừa tiền hơn 150 người xin việc trong căn cứ NATO trên đảo Sicilia.

Tại Việt Nam, việc giả danh linh mục diễn ra khá nhiều, vì những kẻ lừa đảo nắm bắt được tính nhẹ dạ cả tin của người Việt cũng như lợi dụng được lòng kính trọng linh mục của giáo dân.

Hồi tôi còn ở Sài Gòn ở như khi ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin báo có người giả làm linh mục DCCT đã xin tiền chỗ nọ chỗ kia.

Tôi cũng biết một anh kia giả danh linh mục, lập cộng đoàn tu, tự phong mình làm bề trên để lừa đảo các giáo dân nhẹ dạ cả tin, làm đảo lộn đời sống của cả một giáo xứ trong vùng.

Tôi còn nghe cha Phạm Gia Thụy kể ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ, nhà tình báo cộng sản, sau khi được Việt Nam Cộng Hòa phóng thích năm 1973, trở về chiến khu cộng sản ông đã mang áo dòng, giả làm linh mục để “hoạt động cách mạng.”

2./
Để giảm thiểu tối đa những lạm dụng như đã thấy trên đây Công đồng Tridentino năm 1563 đã quy định linh mục không được phép dâng lễ ở bên ngoài giáo phận của mình nếu không có thư giới thiệu của đấng bản quyền.[1]

Lấy lại quy định trên đây, điều 903 của bộ Giáo luật 1983 quy định một linh mục được phép dâng lễ ở nhà thờ nào đó khi có thư giới thiệu của bản quyền cấp chưa quá một năm.

Căn cứ theo điều luật này, các đức giám mục giáo phận và bề trên các dòng tu thường cấp cho các linh mục thẻ celebret có giá trị không quá một năm, song cũng có nơi có giá trị hai năm như celebret của giáo phận Roma.

Tuy nhiên, ngày nay, tại Bắc Mỹ, để được giảng dạy, làm lễ và cử hành bí tích bên ngoài giáo phận mình nhập tịch hoặc đang thường xuyên phục vụ, các linh mục cần phải có giấy xác nhận đủ tư cách thi hành sứ vụ linh mục [2].

Giấy xác nhận này do bản quyền của đương sự cấp, thường không quá 4 đến 6 tuần tính từ ngày cấp giấy đến ngày dâng lễ. Ngoài họ và tên, ngày và nơi sinh, ngày và nơi chịu chức, giáo phận hay dòng tu chủ quản của đương sự, giấy này còn xác nhận các nội dung khác liên quan đến giáo luật và dân luật như:
Đương sự có đạo đức tốt, có thanh danh tốt; không bị kỷ luật hoặc bị ngăn trở thi hành sứ vụ; không có tiền án tiền sự; không có biểu hiện bất thường với trẻ em và người lớn; không làm dụng rượu bia và các chất kích thích khác; có sức khỏe tốt và tâm lý quân bình; không bị cáo buộc lạm dụng tình dục và tiền bạc…

Có nơi còn đòi xác nhận đương sự phải có thái độ phù hợp với bộ quy tắc ứng xử của giáo phận nơi đương sự đến làm việc; không có ý ở lại và xin nhập tịch vào giáo phận nào ở Hoa Kỳ; hết thời hạn làm việc đương sự phải rời khỏi địa bàn giáo phận…

Nếu ghé thăm nơi nào đó một vài ngày và chỉ có ý đến nhà thờ ở nơi ấy đồng tế, thì đương sự vẫn phải có một giấy xác nhận kia của bản quyền và phải gửi giấy này đến cha xứ hoặc đến tòa giám mục nơi ấy trước khi mình đến nơi.

Nếu một linh mục cư trú từ vài tháng trở lên tại một giáo phận ở Hoa Kỳ và muốn được làm mục vụ ở đây khi được mời, thì đương sự có thể còn phải học qua một khóa chống lạm dụng hoặc/và một khóa quy tắc ứng xử của linh mục trong giáo phận ấy.

3./
Tại sao các giáo phận ở Bắc Mỹ lại phải cẩn thận như vậy? Theo hiểu biết của tôi, ít nhất vì bốn lý do sau đây:

Họ sợ rằng người giả linh mục hoặc các linh mục có tư cách kém đến nhà họ làm tiền cách này cách khác gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho giáo dân và cho giáo phận.

Họ sợ rằng sự xuất hiện công khai của linh mục đã từng bị tố lạm dụng tính dục sẽ gây phẫn uất cho các nạn nhân cũng như cho giáo dân sở tại; và vì điều này, giáo phận sở tại có thể sẽ bị các nạn nhân kiện và/ hoặc bị giáo dân phản đối.

Họ sợ rằng các linh mục đang bị kỷ luật hoặc bị tiền án tiền sự sẽ lợi dụng hình ảnh mình có mặt công khai trong Thánh Lễ để đánh bóng nhân thân mình hoặc để lừa đảo những người khác ở những nơi xa xôi khác.

Họ sợ rằng một linh mục khách có tư cách không đứng đắn, lỡ có lời nói hoặc hành vi quấy rối hoặc lạm dụng tính dục trong lúc đang làm việc tại địa phương, thì giáo phận sở tại có thể sẽ bị khởi kiện và sẽ tốn rất nhiều tiền của để đền bù và/ hoặc chi phí luật sư.

Cũng có khi linh mục quản nhiệm nhà thờ cho phép một linh mục không thuộc giáo phận sở tại được phép đồng tế hoặc chủ tế trong Thánh Lễ mà không đòi đương sự phải trình giấy xác nhận đủ tư cách thi hành sứ vụ linh mục.

Trường hợp này giả thiết rằng chủ khách biết rõ nhau từ trước và chủ biết chắc rằng khách có tư cách đứng đắn và không có gì ngăn trở trong việc cho khách dâng lễ tại nhà thờ của mình theo giáo luật điều 903.

Tuy nhiên, trong trường hợp khách được chủ mời đến làm việc chính thức và giáo xứ của chủ phải trả lương cho khách, thì dù chủ khách có hiểu biết nhau mấy đi nữa, khách vẫn phải có giấy xác nhận đủ tư cách thi hành sứ vụ linh mục để gửi cho giáo phận nơi khách đến giảng dạy.

4./
Biết vậy để các giáo dân sở tại và linh mục từ nơi khác đến Bắc Mỹ thông cảm cho các cha xứ ở đây trong trường hợp các ngài không cho các cha khách không có xác nhận đủ tư cách thi hành sứ vụ linh mục được đồng tế tại nhà thờ giáo xứ.

Vì luật là luật! Nếu các ngài không cẩn thận thì một khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, nhà thờ và giáo phận của các ngài có thể sẽ bị kiện cáo, bị tẩy chay, và bị thiệt hại vật chất và tinh thần trong khi chính cha xứ có thể bị mất chức.

Luật đời và luật đạo về thu chi và lưu chuyển tiền bạc ở Tây phương rất minh bạch và chặt chẽ và rất có thể vì sơ ý mà mình bị pháp luật “sờ gáy” và trong một số trường hợp có thể các linh mục sở tại cũng ít nhiều bị liên đới trách nhiệm.

Các quy định về sách nhiễu và lạm dụng tính dục cũng vậy. Có những lời nói, tin nhắn, hành vi nếu xảy ra ở Việt Nam có thể được coi là không có vấn đề, thậm chí được coi là cử chỉ yêu mến, nhưng nếu xảy ra ở Tây phương thì có thể mình bị bắt giam lập tức.

Về chuyện này ba năm trước một tổng giám mục-sứ thần Tòa Thánh tại Pháp đã bị bắt và bị kết án tù 8 tháng và phải bồi thường cho 5 người nam mỗi người 13 nghìn euro về “tội” “cố ý tấn công tình dục” trong buổi tiếp tân tại Tòa Thị chính Paris.

Trong buổi tiếp tân kia ngài chỉ ôm hôn 5 người kia theo nghi thức xã giao thông thường trước mặt các quan khách khác. Sự thể chỉ có vậy. Tuy nhiên, mấy người kia nói rằng ngài cố ý “sờ vào mông” họ mặc dù họ đã được nhắc nhở ngài. Cả nhóm liên minh với nhau kiện ngài và ngài thua!

5./
Các linh mục, ngay cả khi đã được truyền chúc hợp pháp, không đương nhiên có quyền giảng dạy, dâng lễ và giải tội.

Để được làm từng việc hay toàn thể các việc trên đây, mỗi linh mục cần phải có phép của đấng bản quyền.

Các linh mục dòng với phép của bề trên chỉ có thể được giảng dạy và giải tội trong các nhà thờ và tu viện của dòng mình mà thôi (x.GL 765; 967 # 3).

Để có thể giải tội ở mọi nơi các ngài cần được đức giám mục bản quyền nơi mình cư trú ban cấp năng quyền này cách minh nhiên (x. GL 967 # 2; 969; 971; 973).

Để được giảng dạy thì tùy nơi: có nơi chỉ cần có phép của cha quản nhiệm nhà thờ; có nơi đòi phải có phép minh nhiên của giám mục giáo phận (x. GL 764).

Thẻ celebret trước đây thường chỉ chứng nhận linh mục có thể được dâng lễ khiến người ta không biết đương sự có năng quyền giảng dạy và giải tội hay không.

Để tránh tình trạng bất tiện này, thẻ celebret ngày nay của nhiều giáo phận còn ghi rõ rằng đương sự được ban cấp năng quyền giải tội và các năng quyền khác gắn với chức vụ linh mục.

Thẻ celebret của mỗi linh mục đều do bề trên dòng hoặc do đức giám mục giáo phận nơi mình nhập tịch hoặc nơi mình cư trú và phục vụ ban cấp.

Các linh mục làm việc trong giáo triều Roma vẫn thuộc quyền của giáo phận và dòng tu mình trực thuộc. Họ được các nơi này cấp thẻ celebret; họ cũng có thể xin Tòa Giám quản Roma cấp celebret theo thư giới thiệu của cơ quan nơi họ làm việc.

Cái thẻ celebret mang tên M.Kolbe Travis Hồng Ân kia chắc chắn là thẻ giả mạo vì (1)những thông tin căn bản về một linh mục vừa sai, vừa thiếu; (2) không do giám mục nơi đương sự nhập tịch hay phục vụ ban cấp; (3) hình đương sự đeo kính đen được in trên celebret kia vi phạm quy định về hình chân dung trên giấy giờ tùy thân.

***
Tóm lại Giáo Hội hoàn vũ, cũng như các giáo hội địa phương, theo lẽ khôn ngoan và vì lợi ích các linh hồn, đã luôn cố gắng loại trừ những người giả làm linh mục để lừa đảo, cũng như kiềm chế hoặc vô hiệu hóa các linh mục có tư cách bất xứng trong việc giảng dạy, cử hành thánh lễ và ban các bí tích.
Vấn đề là mỗi người cần khôn ngoan tuân thủ các hướng dẫn của giáo luật và các quy định của giáo hội địa phương. Đừng để tình cảm lấn át lý trí hoặc cậy thế cậy quyền ứng xử tùy tiện đến mức coi thường các quy định của giáo luật, gây hại cho mình cho cho tha nhân và cho Giáo Hội.

***
[1] Công đồng Tridentino, Phiên họp XXIII, ngày 15-7-1563, Sắc lệnh Cải cách, điều 16.
[2] Tiếng Anh gọi giấy này là: “Testimonial of Suitability for Priestly Ministry”.
[3] Celebret tiếng Latin trong trường hợp này có nghĩa là đương sự được phép dâng lễ.

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang