Sau khi gặp riêng Tổng thống và Thủ tướng của Hungary, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp chung chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, tổng cộng khoảng 200 người, tại phòng khánh tiết cựu Đan viện Dòng Cát Minh, cạnh dinh Sándor.
Đan viện này trước kia có nhà thờ thánh Gioan của các cha Dòng Phanxicô nhưng bị lực lượng Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ tàn phá bình địa và thay vào đó là một đền thờ Hồi giáo hồi thế kỷ XVI. Đền thờ bị phá hủy khi thành Buda được tái chinh phục. Dòng Cát Minh, hay Camelo đã xây Đan viện tại đây hồi thế kỷ XVIII. Nhưng sau đó, Hoàng đế Joseph II của đế quốc Áo Hung đã giải tán Dòng Cát Minh và biến Đan viện thành một nhà hát, nơi giải trí của các quan chức chính quyền. Trong Thế chiến thứ hai, nhà hát bị hư hại nặng và chỉ được mở cửa cho công chúng sau khi tái thiết hồi năm 1978. Và nay được dùng làm trụ sở của Thủ tướng.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha diễn ra lúc quá 12 giờ 30 giờ địa phương.
Diễn văn của Đức Thánh cha
Trong diễn văn đầu tiên của cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha đã dựa vào các dữ kiện lịch sử, khung cảnh địa lý của thành phố Budapest cũng như mẫu gương các vị thánh của Hungary, để mời gọi mọi người góp phần xây dựng hòa bình, đón tiếp và gặp gỡ tha nhân, kể cả những người di dân, dù có những khác biệt. Ngài cũng bênh vực Hungary trong việc chống lại thực dân ý thức hệ, trong đó có lý thuyết về giống và sự ủng hộ cái gọi là “quyền phá thai”.
Đức Thánh cha nhắc lại việc thành lập Budapest: năm nay là “kỷ niệm đúng 150 năm, vào năm 1873, do việc liên kết ba thành phố: Buda và Óbuda ở mạn tây sông Danube, với thành phố Pest bên bờ phía đông của sông này. Sự khai sinh thủ đô to lớn này giữa lòng đại lục Âu châu nhắc nhớ hành trình hiệp nhất mà Âu châu thi hành, trong đó Hungary tìm được chỗ đứng sinh tử của mình.”
“Trong thời sau Thế chiến thứ hai, Âu châu cùng với Liên Hiệp Quốc, tượng trưng cho niềm hy vọng lớn, trong đối tượng chung theo đó sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia sẽ phòng ngừa các cuộc xung đột mới. Thế nhưng, Đức Thánh cha nói, trong thế giới chúng ta đang sống, lòng say mê đối với một nền chính trị cộng đồng và đa phương dường như là một kỷ niệm đẹp của quá khứ: dường như người ta đang chứng kiến sự suy tàn giấc mơ chung về hòa bình, trong khi người ta tạo không gian cho những kẻ độc tấu chiến tranh. Nói chung, dường như trong tâm hồn nhiều người, hình như sự hăng hái xây dựng một cộng đồng các dân nước hòa bình và ổn định đang bị giảm sút, trong khi đó người ta vạch ranh giới cho các vùng, đánh dấu những khác biệt, và chủ nghĩa quốc gia lại “gầm lên” cùng với những phán xét và thái độ lên giọng với người khác được phóng đại… Người ta quên sự trưởng thành đã đạt được sau những kinh hoàng của chiến tranh và thụt lùi, lâm vào một thái độ ấu trĩ trong chiến tranh. Nhưng hòa bình sẽ không bao giờ đến từ một sự theo đuổi tư lợi chiến lược, nhưng từ những chính sách có khả năng nhìn đến toàn bộ, sự phát triển của tất cả mọi người: quan tâm đến con người, những người nghèo và nghĩ đến tương lai; không phải chỉ nghĩ đến quyền lực, kiếm trách và những thời cơ hiện tại”.
Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh cha cổ võ việc tìm lại cái hồn của Âu châu: sự hăng hái và giấc mơ của các vị khai sáng Âu châu, các vị lãnh đạo quốc gia đã biết nhìn xa hơn thời đại của mình, vượt lên trên những biên cương quốc gia và nhu cầu trước mặt, tạo nên những nền ngoại giao có khả năng tái tạo hiệp nhất, chứ không nới rộng những chia rẽ”, các vị lãnh đạo đó là De Gasperi thủ tướng người Ý, Schuman, Thủ tướng Pháp và Adenauer, Thủ tướng Đức.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng Budapest là thành phố của những cây cầu: những cầu liên kết các phần của thành phố, hòa hợp hình dạng của thành này với hình dạng của con sông lớn này. Những cây cầu cũng liên kết các thực tại khác nhau. Tại Budapest, điều nổi bật là sự khác biệt của các quận, hơn 20 quận họp nên thành phố này. Cả Âu châu gồm 27 nước, cũng được xây dựng để kiến tạo những cây cầu giữa các quốc gia, đang cần sự đóng góp của tất cả mọi nước, mà không làm giảm bớt sự đặc thù của mỗi nước. Cần có sự hòa hợp như thế, cần một toàn thể không đồng nhất các phần và các phần cảm thấy được hội nhập tốt đẹp trong toàn thể. Về vấn đề này, thật là điều ý nghĩa được khẳng định trong Hiến pháp Hungary: “Tự do của cá nhân chỉ có thể được phát triển trong sự cộng tác với những người khác”. Và Hiến pháp cũng khẳng định: “Chúng ta nghĩ rằng nền văn hóa quốc gia chúng ta là một đóng góp phong phú cho sự hiệp nhất đa sắc của Âu châu”.
Và Đức Thánh cha nhận định rằng: “Vì thế, tôi nghĩ đến một Âu châu không phải là con tin của những phe đảng, trở thành con mồi cho chủ nghĩa dân túy tự tham chiếu, nhưng Âu châu cũng đừng trở thành một thực tại chuyển biến, như hơi khói, thành một thứ siêu quốc gia trừu tượng, mà quên cuộc sống của những người dân. Đây là con đường bất chính của “sự thực dân ý thức hệ” loại trừ những khác biệt, như trong trường hợp cái gọi là nền văn hóa giới tính (gender), hoặc đặt những ý niệm bị thu hẹp về tự do trước thực tại cuộc sống, ví dụ hãnh diện như một sự chinh phục một “quyền điên rồi” là “quyền phá thai”, vốn luôn là một sự thất bại thê thảm. Trái lại, thật là đẹp khi xây dựng một Âu châu qui trọng tâm vào con người và các dân tộc của đại lục này, nơi có những chính sách hữu hiệu cho việc sinh sản và gia đình, đang được quan tâm theo dõi tại đất nước Hungary này, nơi mà các dân tộc khác nhau là một gia đình, trong đó có bảo tồn sự tăng trưởng và sự đặc thù của mỗi dân tộc”.
Noi gương các thánh Hungary
Sang đến khía cạnh thứ ba: Budapest là một thành phố của các vị thánh. Về phương diện này, Đức Thánh cha nhắc đến tấm gương của thánh vương Stephano, vị vua đầu tiên của Hungary, đã sống trong một thời kỳ các Kitô hữu ở Âu châu còn hoàn toàn hiệp thông với nhau. Ngài nhận định rằng: “Lịch sử Hungary sinh ra được đánh dấu bằng sự thánh thiện, không những của một vị vua, nhưng của toàn gia đình nhà vua: hoàng hậu Hungary là chân phước Gisella và con là thánh Emerico. Các hoàng tử đã nhận được từ vua cha một số lời nhắn nhủ họp thành chúc thư tinh thần cho nhân dân Hungary. Những giáo huấn của nhà vua vẫn còn rất thời sự đối với cuộc sống của người dân, đặc biệt là vấn đề đón tiếp và giúp đỡ những người nước ngoài đến Hungary.
Vua thánh Stephano đã dạy hoàng tử: “Một nước chỉ có một ngôn ngữ và phong tục duy nhất thì yếu và suy tàn. Vì thế, cha nhắn nhủ con hãy nhân từ đón tiếp những người nước ngoài về tôn trọng họ, đến độ họ muốn ở nơi con hơn là nơi khác” (Ammonimenti, VI).
Đón tiếp người khác
Đức Thánh cha nhận xét rằng “vấn đề tiếp đón người di dân gây nhiều tranh luận ngày nay và chắc chắn là phức tạp. Nhưng đối với Kitô hữu, thái độ cơ bản không thể khác với thái độ mà thánh Stephano đã truyền lại, sau khi đã học điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa với người xa lạ cần đón tiếp (Xc Mt 25,35). Thái độ đó là nghĩ đến Chúa Kitô hiện diện nơi bao nhiêu anh chị em tuyệt vọng đang trốn chạy chiến tranh, nghèo đói, nhưng thay đổi khí hậu, cần phải đương đầu với vấn đề không thoái thác hoặc trì hoãn. Đó là vấn đề cần cứu xét chung, cũng vì trong bối cảnh chúng ta đang sống, những hậu quả trước sau gì cũng ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Vì thế, điều cấp thiết là Âu châu, làm việc cho những con đường chắc chắn và hợp pháp, những phương thức chung để đương đầu với một thách đố lớn lao, một thách đố không thể ngăn chặn bằng cách xua đuổi, nhưng cần đón nhận để chuẩn bị một tương lai. Điều này kêu gọi trước tiên những người theo Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân của Tin mừng”.
Sau diễn văn dài trên đây của Đức Thánh cha, lúc gần 1 giờ trưa, bà Tổng thống Hungary đã tiễn Đức Thánh cha và ngài trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh chỉ cách đó hơn 3 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
Tòa Sứ thần tọa lạc tại quận 12 trong một khu vực rất xanh tươi trên đồi Buda. Ngôi nhà này mới được kiến thiết cách đây 32 năm (1991). Quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hungary được thiết lập cách đây hơn 100 năm, vào năm 1920 nhưng trong thời Thế chiến thứ hai và thời cộng sản, tương quan bị gián đoạn và chỉ được nối lại từ ngày 02 tháng Hai năm 1990.
Lượt xem: 131