Tắt Quảng Cáo [X]

Ngày 1/10: Lễ Đức Mẹ Mân Côi

09:28 30/09/2023
hoc du

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ nhớ Đức Mẹ Mân Côi bắt nguồn từ lễ Đức Mẹ Chiến Thắng do Thánh Giáo Hoàng Piô V thiết lập sau khi chiến thuyền Kitô giáo của Liên Minh Thần Thánh thắng trận tại vịnh Lépante ngày 7 tháng 10 năm 1571. Đức Giáo Hoàng Grêgoire XIII, năm 1573, đã qui định lễ này bắt buộc trong giáo phận Rôma và trong các huynh hội Mân Côi. Chỉ đến năm 1716, Đức Giáo Hoàng Clément IX mới ấn định lễ này trong lịch Rôma, cử hành vào Chúa Nhật thứ nhất trong tháng 10, để tạ ơn vì chiến thắng của hoàng tử Eugène chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Peterwardein, nước Áo.

Đức Thánh Giáo hoàng Piô V, trong chiếu thư Consueverunt ngày 19 tháng 9 năm 1569, đã định nghĩa chuỗi Mân Côi như sau: “Chuỗi Mân Côi hay Thánh Vịnh Đức Mẹ là một cách cầu nguyện dễ dàng và thích hợp cho mọi người. Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thời suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu Kitô.”

Chuỗi Mân Côi (một từ cổ có nghĩa là “triều thiên kết bằng hoa”), hay Chuỗi Hoa Hồng hay Triều Thiên Đức Mẹ, đã có từ thời Trung Cổ. Các tín hữu – và trong các tu viện, các tu sĩ giáo dân hay các người sám hối – thường kết những vòng triều thiên bằng ngọc trai hay hoa hồng để đặt lên các tượng Đức Mẹ. Người ta cũng gọi là Thánh Vịnh Đức Mẹ. Vì không đọc được các thánh vịnh, họ thay thế trước tiên bằng các kinh Lạy Cha, rồi cũng bằng các kinh Kính Mừng, với con số lên tới một trăm năm mươi kinh, để tôn kính các thánh vịnh của Đavít. Được các tu sĩ dòng Đa-minh phổ biến, việc sùng kính này đã phát triển đặc biệt ở thế kỷ 15, nhờ cha Alain de la Roche (1424-1475), một tu sĩ Đa-minh gốc Bretagne và là vị sáng lập Huynh hội Đức Mẹ vàThánh Đa-minh tại Douai năm 1470. Từ cảm hứng của huynh hội này, đã phát sinh “Huynh hội Mân Côi”, được lập ngày 8 tháng 12 năm 1475.

Cho tới ngày nay, việc rao giảng Chuỗi Mân Côi vẫn còn là một trong các hoạt động tông đồ chính của Dòng Đa-minh, với các Huynh hội Mân Côi, Hội Hành hương Mân Côi hằng năm tới Lộ Đức, Nhóm Mân Côi …

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày lặp lại lời nguyện cũ của ngày lễ Truyền Tin: “Lạy Chúa là Cha chúng con, xin ân sủng Chúa đổ tràn tâm hồn chúng con; nhờ lời thiên thần truyền tin, Chúa đã cho chúng con nhận biết Con Chúa nhập thể. Nhờ cuộc khổ nạn và thập giá của Người, và nhờ Đức Mẹ trợ giúp, xin Chúa dẫn chúng con đạt tới vinh quang phục sinh.” Điều quan trọng là nhận ra hướng Kitô học của các mầu nhiệm Mân Côi vào một thời đại mà kinh nguyện không luôn qui hướng về phụng vụ và khoa thánh mẫu học vẫn còn là và chủ yếu là một lòng sùng mộ hay một thần học của quả tim. Cùng những mầu nhiệm này – vui, thương, mừng – được gợi lên trong các điệp ca Giờ Kinh Sáng (Chúa Giê-su sinh ra, tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ Maria dưới chân thập giá, Đức Mẹ lên trời) và các điệp ca Giờ Kinh Chiều (truyền tin, Đức Mẹ dưới chân thập giá, niềm vui của Đức Mẹ khi Con Ngài phục sinh). Vì thế ta có lý để gọi chuỗi Mân Côi là “tóm tắt toàn bộ Tin Mừng” (Xem Marialis Cultus, 42).

Qua Lời Nguyện trên lễ vật, chúng ta cầu xin để khi cử hành những mầu nhiệm của Con Một Chúa, “chúng ta được trở nên xứng đáng hơn với lời hứa của Người”. Mẫu mực của chúng ta là Đức Mẹ, mà điệp ca của bài Magnificat gợi lên: Đức Maria ghi nhớ tất cả những lời ấy và suy niệm trong lòng.

Lời Nguyện sau hiệp lễ nhắc nhở chúng ta rằng, cũng giống như Thánh Thể, Kinh Mân Côi là lời loan báo sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Khi nhờ kinh nguyện và việc suy ngắm, kết hợp với các mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được trở nên xứng đáng “tham dự vào vinh quang phục sinh.” Giờ Kinh Sách – qua bài đọc của thánh Bênađô– nhấn mạnh những lợi ích của việc suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ mà chúng ta chiêm ngưỡng khi đọc kinh Mân Côi: “Ngôi Lời đã làm người, và cư ngụ giữa chúng ta. Người chắc chắn cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bằng đức tin, Người cư ngụ trong trí nhớ của chúng ta, trong tư tưởng chúng ta, và Người ngự xuống tận trong trí tưởng tượng của chúng ta…Thiên Chúa, Đấng chúng ta không thể hiểu nổi và không thể đến được, nay đã muốn cho loài người có thể hiểu được Ngài, cho loài người có thể thấy được Ngài, cho loài người có thể nắm bắt được Ngài nhờ tư tưởng. Bạn tự hỏi : Bằng cách nào ? Chắc chắn bằng việc ngài nằm trong máng cỏ, đặt mình trong lòng đức Trinh Nữ, giảng trên núi, cầu nguyện thâu đêm; cũng như chịu đóng đinh trên thập giá….và cuối cùng bằng việc sống lại ngày thứ ba, và cho các Tông đồ xem các dấu đinh của mình…Suy ngắm những biến cố này là chính sự khôn ngoan, và tôi cho rằng trí thông minh đích thực hệ tại việc gợi nhớ lại sự dịu dàng của những biến cố ấy….sự dịu dàng mà Đức Maria đã kín múc dồi dào từ trên trời, để đổ xuống cho chúng ta.” (Bài giảng của thánh Bênađô).

Sau cùng chúng ta có thể nhớ lại lời khích lệ này của Đức Phaolô VI: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người lần chuỗi có thể suy ngắm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa” (Marialis Cultus, 47).

***
SUY NIỆM: KINH KÍNH MỪNG TRONG THÁNG MÂN CÔI

Bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta thấy một hình ảnh truyền thống tuyệt đẹp về Ðức Bà Mân Côi, một tay bồng Chúa Giê-su Hài Ðồng, còn tay kia thì trao Tràng Chuỗi Mân Côi cho thánh Ða-minh, chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đa-minh, để con cái Chúa nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một hơn.

Ma-ri-a đầy ơn phúc

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc” là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a lúc truyền tin: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Ê-li-sa-bét: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ”.

Những lời của sứ thần Gáp-ri-en và của bà Ê-li-sa-bét trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”.

Quả Phúc Giê-su

Hằng ngày, khi đọc lại lời chào của thiên thần và lời chào của bà Ê-li-sa-bét chúng ta khám phá ra Quả Phúc nơi cung lòng Đức Mẹ là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đây chính là hoa trái mà tiên tri I-sai-a đã báo trước: “Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự, và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào” (Is 4,2). Người Con ấy thuộc miêu duệ Abraham, đã xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, được đầy tràn Thần Khí Chúa. Thiên Chúa đã đặt nơi Người muôn phúc lành và muôn dân nhờ Người mà được chúc phúc, như có lời chép: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).

Kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc”. Mẹ đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nên nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Ga 1,14). Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói và đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời Mẹ để trở nên người có phúc như Mẹ.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà

Chúng ta ca tụng Đức Ma-ri-a là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần chào. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc” (Lc 1,42). Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy đầy ơn phúc.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Đức Mẹ một cách độc nhất vô nhị. Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.

Điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh khi có Thiên Chúa ở cùng, thì cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh. Chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng con tim vui vẻ, chân thành và biết đem ra thực hành. Chúa Giê-su đã cư ngụ nơi lòng Mẹ, Người cũng đến và ở trong những ai yêu mến và tuân giữ lời Người, đón rước Người khi chịu lễ. Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” để tôn vinh Mẹ.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ

Phúc nơi Mẹ trổi vượt hơn hết mọi người nữ vì Mẹ đã đầu tư vốn liếng cả cuộc đời cho thánh ý Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Ma-ri-a là người hạnh phúc hơn hết vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.

Phúc của Mẹ thật khôn ví, vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa. Mẹ có phúc vì Mẹ đã tin như lời bà Ê-li-sa-bét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).

Và Chúa Giê-su Con lòng Bà gồm phúc lạ

Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Người được hình thành nơi Mẹ. Xét về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình”. Về điều này thánh Au-gút-ti-nô giải thích rằng: Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa”.

Bằng việc đón nhận hài nhi Giêsu để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Thánh Tử, Đấng là Hồng Phúc ngay trong lòng mình nữa. Mẹ trở nên người gồm phúc lạ. Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Đức Giêsu. Mẹ của chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,14; Mt 1,23). Mẹ hạnh phúc hơn vì đã trở thành môn đệ Chúa, như lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời. Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện. Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu lại mời gọi ta làm mẹ của Người: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử

Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ thần Gabriel, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu”. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Ma-ri-a cuộc sống hiện tại và tương lai. Chẳng có gì Ðức Ma-ri-a được hưởng mà chúng ta lại không được dự phần. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ


 

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang