Bỡ ngỡ trước Phép lạ xảy ra cho 1 gia đình nghèo tại 1 giáo xứ thuộc TGP Sài Gòn
Gia đình hạnh phúc đơn sơ Tình yêu chan chứa giấc mơ an bình Tạ ơn Chúa đoái thương tình Chữa lành đột quỵ, gia đình có nhau. Gia đình nhỏ bé của tôi...
THÁNH TÔMA AQUINÔ: NGƯỜI TÔI TỚ PHỤC VỤ CHÂN LÝ
Có thể nói rằng quyết tâm trở thành người phục vụ Chân Lý đã thấm đẫm toàn bộ đời sống của thánh Tôma và tạo nên nét cốt yếu trong đời sống tinh thần người tôi tớ này.
Phục vụ chân lý chính là chủ đích trong toàn bộ đời sống thánh Tôma. Lý tưởng này được thể hiện ngay trong ơn gọi Đa Minh của ngài – tôi sẽ quay lại chủ đề này sau – qua hai tài liệu được viết ngay từ khi ngài bắt đầu công việc giảng dạy. Năm 1256, khi được đặt làm giáo sư thần học, với sự chuẩn chước vì còn quá trẻ, thánh Tôma đã có một bài diễn văn nhậm chức theo thông lệ (principium), và bản văn này vẫn còn được giữ tới nay. Bài diễn văn ca ngợi những thầy dạy Kitô giáo hay các nhà thần học, và có đoạn như sau:
Thứ ba, chúng ta cùng suy gẫm về khả năng thông truyền sự khôn ngoan. Thiên Chúa có thể đích thân thông truyền sự khôn ngoan, còn các thầy dạy trong Hội Thánh chỉ có thể thông truyền sự khôn ngoan thông qua khả năng của thừa tác viên… Chúng ta phải lập lại câu hỏi của thánh Phaolô: “Phaolô là gì và những người khác là gì? (1Cr 3,4), và câu trả lời của ngài, ‘chỉ là những đầy tớ của Đấng các bạn tin.’ Nhưng chúng ta phải tiếp tục chất vấn cùng với thánh Tông đồ: “Ai là người có khả năng thực hiện những điều này?” (2Cr 2,16): Vì Thiên Chúa đòi hỏi các thừa tác viên của Người phải trong sạch, như lời tác giả Thánh Vịnh: “Ai sống đời hoàn hảo, sẽ là người phục vụ con” (Tv 101,6). Người cũng đòi hỏi sự khôn ngoan: ‘Bầy tôi mưu trí được hưởng ơn vua’ (Cn 14,35). Sau cùng, Thiên Chúa còn đòi hỏi sự vâng phục, như lời tác giả thánh vịnh: ‘kẻ phục vụ Người là kẻ thi hành thánh ý’ (Tv 102,21). Dĩ nhiên, chẳng ai dám khẳng định rằng tự mình và chỉ nhờ năng lực riêng của mình mà người đó có thể chu toàn một sứ vụ như thế… Nhưng để nhận được sứ vụ này từ Thiên Chúa, người ta phải cầu xin.
Hai năm sau biến cố trên, ở ngay phần mở đầu tác phẩm vĩ đại đầu tiên của mình, trong một dịp rất hiếm hoi khi nói nhân danh chính mình – và ngay cả trong dịp như vậy ngài cũng ẩn mình đằng sau uy tín của một vị thánh, thánh Tôma đã diễn tả mục đích của đời mình bằng những lời sau: ‘Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là thanh toán món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi’. Điều này có nghĩa, thánh nhân muốn trở thành người phục vụ Thiên Chúa trong tư cách là một nhà thần học, một tôi tớ phục vụ Chân Lý; trọn cả đời ngài là lời bày tỏ Thiên Chúa.
Quả là một hành động anh hùng khi quyết định trở thành người tôi tớ phục vụ chân lý thần linh. Ở đây, chúng ta cùng xem xét điều này qua sự phát triển tinh thần và cũng như mọi hoạt động trong cuộc đời thánh Tôma. Tôi muốn nêu lên ba đặc tính có liên hệ với nhau được thể hiện nơi đời sống bên ngoài cũng như đời sống nội tâm của thánh nhân: Sự nghèo khó, sự thanh khiết và lòng trung tín. Và tôi sẽ đi tới kết luận bằng việc chỉ ra rằng nguồn mạch ẩn giấu của ba ân điển này chính là tình yêu.
Thái độ của một người tôi tớ được đặt nền trên sự nghèo khó. Người giàu có, người chiếm hữu thì tất nhiên không thể là người tôi tớ. Việc sở hữu của cải chẳng có ý nghĩa gì đối với đời sống nội tâm nếu nó không giúp tạo ra và phát triển một thái độ kiên quyết, một thái độ tuyệt đối của người làm chủ hay người sở hữu, độc lập và tự túc. Thế nhưng, yếu tố quyết định trong việc này chính là bản thân chúng ta nghĩ mình giàu có hay khó nghèo. Một người chỉ có thể là người tôi tớ nếu anh hoàn toàn trở thành công cụ và thuộc về ông chủ. Và như vậy, người đó không thể là người tôi tớ trừ phi có tinh thần nghèo khó, từ bỏ mọi thứ riêng tư bản thân và cả quyền làm chủ cuộc đời mình, không giữ lại điều gì như của riêng và bất khả chuyển nhượng, và hiến trọn đời mình để phục vụ. Thánh Phaolô chính là minh hoạ về điều này khi ngài thường mở đầu các lá thư của mình với những lời sau: Phaolô, người tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Rm 1,1). Chúng tôi, Phaolô và Timôthê, là những tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Pl 1,1). Phaolô người tôi tớ, người phục vụ của Đức Giêsu Kitô và là kẻ thuộc về Người. Khi điều đang được bàn ở đây là công việc của Chúa, và đặc biệt, khi công việc đó hệ tại việc nói về Người, thì chỉ có một cách duy nhất để tham gia vào công việc này, đó là trở thành người tôi tớ, nghĩa là phải trở thành một người nghèo. Chỉ có ai sẵn lòng trở thành một thừa tác viên và sẵn lòng phục vụ thì mới được mời gọi. Trong bất cứ lãnh vực nào: hoạt động tông đồ, việc chiêm niệm, hay ân sủng được ban cho sự phát triển đời sống tâm linh bản thân, nếu một người cố thao túng những thứ thuộc về Thiên Chúa như thể chúng thuộc về mình, để rồi từ chối tình trạng khó nghèo và cố trở thành người sở hữu, thì ngay lập tức, người đó sẽ đánh mất sự khó nghèo bản thân vốn được Thiên Chúa làm cho trở nên giàu có (tamquam nihil habentes omnia possidentes – như thể không sở hữu gì mà lại có mọi sự), sẽ bị lột trần và bị bỏ mặc trở về tình trạng nghèo túng, bên dưới vẻ hào nhoáng của sự thành công bề ngoài, vốn là tất cả những gì còn lại của người đó.
Mặc dù xuất thân từ một gia đình quý tộc, là họ hàng với hoàng đế Frederic, trổi vượt về mặt trí năng hơn về địa vị, thánh Tôma vẫn chọn và theo đuổi nếp sống như một người nghèo với một ý thức hết sức rõ ràng về những đòi hỏi trong lời mời gọi Thiên Chúa dành cho ngài.
Thánh nhân hiểu rõ rằng công việc trí óc, và cụ thể là công việc thần học, tuỳ thuộc vào ơn Thiên Chúa ban; cũng vậy, nếu chúng ta muốn trung thành phục vụ chân lý, chúng ta cần được trợ giúp và soi sáng từ Đấng là Chủ mọi ý tưởng, dứt khoát là như thế. Và thêm nữa, ngài đã nhân đôi việc làm của mình bằng lời cầu nguyện. Chuyện kể rằng, ngài đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước khi làm việc, và khi gặp vấn đề nan giải, ngài lại hướng về Chúa với cường độ mãnh liệt hơn, giống như một kẻ ăn mày. Bản văn của một số trong những lời cầu nguyện như thế còn được lưu truyền đến chúng ta. Các bản văn này cho thấy thánh nhân luôn đến với Thiên Chúa như một người nghèo đang cần Thiên Chúa ban tặng mọi thứ, và ngài không ngại cầu xin mọi sự.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, con nay đến với mầu nhiệm Con Một Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Con đến với mầu nhiệm này như kẻ đau yếu đang cần được chữa lành, như kẻ ô uế tìm đến nguồn mạch xót thương, như kẻ mù loà tìm đến ánh sáng vĩnh cửu, như kẻ nghèo khó và cơ cực tìm đến cùng Chúa là Chúa Cả trời đất. Vì lạy Chúa, con hướng về lòng khoan hồng bao la của Chúa, nài xin Chúa chữa lành các bệnh tật con, tẩy con sạch mọi vết nhơ, chữa cho khỏi mù loà, làm phong phú sự túng nghèo, và che đậy sự trần trụi của con[1].
Con đến trước nhan Ngài như một kẻ tội lỗi, ôi lạy Chúa là nguồn mạch xót thương, con đây ô uế, xin tẩy sạch con. Ôi mặt trời Công Chính, xin chiếu soi kẻ mù loà. Ôi Đấng chữa lành vĩnh cửu, xin ban sức mạnh cho kẻ yếu đau. Ôi Vua các vua, xin mặc y phục cho kẻ cơ cực. Ôi Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, xin tẩy rửa con, kẻ tội lỗi.
Đó là lời cầu nguyện của kẻ nghèo, kẻ nhìn nhận rằng mình không thể làm được gì, nhưng tất cả được ban cho anh để hành động. Đó là lời cầu nguyện của người tôi tớ, là người không có khao khát nào của riêng mình mà chỉ khát khao điều chủ mình muốn mà thôi.
Thêm một yếu tố khác nữa. Sự nghèo khó và việc nài xin trong lời cầu nguyện của con người là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ, kể cả sinh hoạt thông thường của người Kitô hữu. Nhưng có một loại khó nghèo và một hình thức tuỳ thuộc dành riêng cho một nhà thần học và có liên hệ đến hoạt động khoa học riêng biệt của ông. Vậy thần học là gì?
Đó là một hoạt động của con người nhằm tìm hiểu về những dữ kiện các mầu nhiệm đức tin; đó là một công việc nhằm khai triển, tổ chức và hệ thống hóa và cũng là công việc nhằm đạt được một sự hiểu biết thấu đáo hơn về mọi thứ mà tâm trí con người có thể đạt được nhờ đức tin soi dẫn. Đó là một môn khoa học, và vì thế, hoàn toàn có tính khoa học và suy lý trong các sáng kiến, phương pháp và kết luận. Tuy nhiên, nó là một môn khoa học và là một hoạt động thuộc lý trí mà từ cội rễ, có mối liên hệ đến toàn bộ mầu nhiệm của hành vi đức tin. Nó là một sự soạn thảo tỉ mỉ mang tính khoa học các dữ liệu vốn không thuộc về khoa học và chỉ tồn tại đối với tâm trí, trong thực tế, nó chỉ được “ban tặng”, trong một hành vi đức tin mà nếu chỉ có lý trí không thôi thì chưa đủ. Đó là một khoa học, nhưng khoa học này không thoả mãn với việc lệ thuộc vào các dữ kiện, vốn là tiến trình thông thường của các môn khoa học. Môn học này khởi đầu bằng việc khước từ quyền xác minh mọi sự, và bằng cách đón nhận các dữ kiện tựa như trẻ thơ đón nhận những kiến thức cơ sở, tức là đón nhận bằng đức tin. Theo cách nhìn của con người, thần học là môn học nghèo nàn và thiếu thốn nhất trong các khoa học, và trong thực tế, môn học này không có tên trong danh mục các khoa học chính thức.
Đó là loại phục vụ đặc biệt mà thánh Tôma đã trao hiến. Ngài là người tôi tớ của Thiên Chúa trong tư thế một nhà thần học. Ngài nghèo với cái nghèo của người tôi tớ Thiên Chúa, chẳng có gì là của riêng mình; nghèo trong tư thế một nhà thần học là người không sở hữu nhưng đón nhận tất cả, kể cả những nguyên tắc của môn học, đồng thời là người, trong lãnh vực của công việc riêng biệt, không xử sự như một ông thầy để khỏi phản bội quy tắc tạo nên vị thế nền tảng và ơn gọi của mình. Khi được yêu cầu giải thích, nhà thần học, sớm hay muộn, phải loại bỏ mọi ý kiến riêng; ông phải quy chiếu vào người khác và dựa vào Thiên Chúa. Vì lẽ trong ngôi nhà ông đang xây dựng, ông không phải là chủ, nhưng là người tôi tớ; ông phải luôn ghi nhớ điều này, vì ông chỉ được phong phú nhờ sự giàu có là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nếu ông chấp nhận những điều kiện của việc trở nên nghèo, và trong công việc thật sự có tính khoa học của mình, ông trở thành thành người tôi tớ và cũng là người thuộc về người khác.
Quyết tâm trở thành người tôi tớ Thiên Chúa của thánh Tôma trong vai trò là nhà thần học đưa đến việc sẵn lòng đón nhận tinh thần nghèo khó, kể cả trong việc tổ chức đời sống bên ngoài. Dĩ nhiên, mọi ơn gọi và mọi hoạt động sinh ích lợi đều hàm ẩn việc từ bỏ và sự nghèo khó; mọi ơn gọi phục vụ Thiên Chúa cách nào đó đều bao hàm lệnh truyền: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Nhưng chúng ta nên hiểu rằng đối với thánh Tôma, lời mời gọi này có tính cách đặc thù và rất mực quyết liệt. Mọi người đều biết rõ câu truyện và hoàn cảnh đưa đến ơn gọi của ngài. Những chi tiết này quan trọng và rất có ý nghĩa trong việc xác định đường hướng mà chàng trai trẻ Tôma Aquinô đã quyết định cho cuộc đời mình.
Khi gia nhập Dòng Giảng Thuyết, Tôma lúc đó mới 19 tuổi và đang là sinh viên ở Napôli. Từ lúc lên 5 cho đến 14 tuổi, ngài được gửi vào học với các cha dòng Biển Đức ở tu viện Monte Cassino. Gia đình ngài có ý cho ngài đi tu như một nghề, gửi ngài vào trong một đan viện quan trọng nằm trong vùng Aquinô để rồi một ngày nào đó, ngài sẽ trở thành người lãnh đạo trong vùng. Nhưng rồi, điều gì đã xảy ra? Ngài đã mặc tu phục của Dòng Anh Em Giảng Thuyết mới được thành lập. Điều này cũng có nghĩa là chọn lựa của ngài, ở tuổi thanh niên, không phải là đời sống đan sĩ, mà là đời sống của một thầy dòng Giảng Thuyết. Đây chính là một lối sống tu trì hoàn toàn chú tâm vào việc phục vụ Thánh Khoa, Sacra Doctrina. Vì mục đích này, lối sống ấy đã thoát ra khỏi việc dính kết nặng nề với cấu trúc phong kiến của cơ chế giáo sĩ trị như ở tu viện Monte Cassino, và tương đối phổ biến ở những nơi khác. Trong lối sống tu trì mới mẻ này, sức mạnh thiêng liêng và sứ vụ được nối kết chặt chẽ với nhau. Tất cả chúng ta đều rõ những hệ quả từ quyết định này của ngài. Khi gia đình hay tin ngài gia nhập Dòng Đa Minh và đã lên đường đến vùng Bắc Ý và Pháp, họ quyết định đi bắt ngài về. Tôma đã bị mai phục, bị bắt, bị nhốt cách ly và bị ép buộc – một cách chẳng vẻ vang gì – phải từ bỏ tu phục Dòng Đa Minh. Nhưng, như tài liệu đã cho thấy, điều họ muốn ngài từ bỏ không phải là đời đan tu mà là đời tu Đa Minh, và rõ ràng, đời sống mà thánh Tôma chọn cũng không chỉ đơn thuần là đời đan tu, mà là đời tu Đa Minh, đời đan tu hiển nhiên đã được bao hàm trong đời sống Đa Minh.
Thật vậy, chàng thanh niên Tôma đã đưa ra chọn lựa dựa trên sự suy nghĩ chín chắn nhất và với quyết tâm cụ thể. Tất cả cùng hướng vào một phương duy nhất. Ở tuổi 19, cũng như sau này, Tôma nhất quyết không dấn thân cho bất cứ điều gì thứ yếu; và điều này càng tỏ lộ rõ ràng qua sự kiện: Chúng ta có thể quan sát thấy một chuỗi rõ nét những lựa chọn như thế trong toàn bộ sự nghiệp của ngài. Vậy, đâu là ý nghĩa của điều này?
Tất cả mọi sử liệu cũng như hoàn cảnh lịch sử liên quan đến lý tưởng nằm sau việc hành thành Dòng Anh Em Giảng Thuyết (cũng như ngay cả trong chính lời diễn tả của thánh Tôma sau này), đều cho thấy điều làm cho Dòng trở nên cuốn hút đối với nhiệt huyết tuổi trẻ của ngài, đó là Dòng phục vụ chân lý. Dĩ nhiên, tất cả các dòng đều phục vụ chân lý, nhưng Dòng Đa Minh lại chọn việc phục vụ chân lý là lý do hiện hữu của mình. Đó là việc sáng tạo một lối sống phục vụ Thiên Chúa qua việc bác ái hệ tại việc chiêm niệm chân lý và trao ban điều chiêm niệm đó cho người khác. Đó là một lối tu trì, có khả năng thích ứng mà không chạy theo chủ nghĩa cơ hội, tinh thần rộng mở mà không theo chủ nghĩa tự do giả tạo, hăng say bảo vệ đức tin mà không theo óc bè phái; lối tu trì này được thích ứng tuyệt vời với một lối sống nảy sinh từ chân lý và phục vụ chân lý, luôn chăm chú vào Lời và phục vụ Lời, qua đó mọi hoạt động trí năng, nhờ quy hướng về Thiên Chúa, trở thành một thực tại được thánh hoá và dâng lên Thiên Chúa như một hành vi tôn thờ.
Thánh Tôma đã chọn Dòng Giảng Thuyết và theo sát thánh Đa Minh, vì đó là Dòng phục vụ chân lý, một dòng mà việc tách ra khỏi thế gian được tổ chức cách tốt nhất để phục vụ chân lý. Sau này, ngài cũng được giao nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm; đặc biệt, sau khi gia đình của ngài đã bị lụn bại vì nhất quyết trung thành với Đức Giáo Hoàng, như một sự bù đắp, ngài được đề nghị nhận chức tổng giám mục Napôli hay viện phụ đan viện Monte Cassino. Nhưng cho dù là vậy, mối quan tâm của ngài dành cho gia đình được thể hiện qua những cách khác, ngài mạnh mẽ từ chối các đề nghị và hằng cầu xin cho được ơn kiên vững, không thay đổi con đường mình đã chọn. Để tránh mọi sự hiểu sai về ý nghĩa thực sự và những hàm ý của lời cầu xin này, cần phải biết rằng thánh Tôma không chỉ cầu nguyện với Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho bản thân được luôn kiên trì trong ơn gọi là tu sĩ dòng Giảng Thuyết, mà còn cầu xin cho bản chất của Dòng không bao giờ thay đổi. Sau cùng, vào lúc cuối đời, khi ngài rời Napôli trong một hành trình dang dở đi họp Công đồng Lyon, và bị đau nặng, người bạn đồng hành của ngài, anh Reginald bày tỏ sự tiếc nuối và mong rằng Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ thưởng công cho những việc anh Tôma đã làm (như trường hợp thánh Bonaventura) bằng cách phong anh làm hồng y. Thánh Tôma đã trả lời rằng, “Đừng bao giờ tiếc nuối về điều đó, vì trong những lời khẩn cầu với Chúa – và tôi tạ ơn Người vì đã nhận lời – tôi đã xin rằng tôi sẽ được cất đi khỏi thế gian này trong tình trạng khiêm hạ như tình trạng tôi đang sống đây, và xin đừng để tôi đón nhận một địa vị hay chức vụ gì làm thay đổi tình trạng ấy”.
Những chuyện như thế còn rất nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là: Trong trường hợp một người vẫn hoàn toàn ý thức điều mình làm và điều mình muốn như thánh Tôma, thì lời cầu nguyện như thế hẳn mang nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy rằng Dòng Đa Minh, đối với thánh Tôma, là tiêu biểu cho sự khó nghèo theo nghĩa rộng nhất và tích cực nhất, được tổ chức theo một dạng thức tu trì: Một lối sống mà qua đó sự khó nghèo tu trì không chỉ mang lại tự do thoát khỏi những quan tâm trần thế, mà còn tạo nên một sự thanh luyện thiêng liêng cũng đem lại sự tự do, kể cả trong lãnh vực thi hành sứ vụ tông đồ, thoát ra khỏi mọi công việc thường ngày của việc điều hành và quản trị vốn đang tạo ra một loại ốc đảo thế tục bên trong đời tu. Đối với thánh Tôma, sự khó nghèo cần có để phục vụ chân lý nơi các nhà thần học và chiêm niệm của Thiên Chúa phải được mở rộng tới sự quên mình và sự từ bỏ mọi thứ, cũng như việc tổ chức đời sống và quản trị. Điều này, dĩ nhiên, không có nghĩa là không tin tưởng vào những chức vụ như thế và cũng không hề chối bỏ rằng con người có thể vừa trung thành phục vụ Thiên Chúa vừa sống đời chiêm niệm, trong lĩnh vực hoạt động hay điều hành. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong cái nhìn của ngài, cả ơn gọi của cá nhân ngài cũng như của Dòng như là dòng phục vụ chân lý, luôn bao hàm sự từ bỏ tuyệt đối, một sự hoàn toàn sẵn lòng để phục vụ, một tinh thần khó nghèo triệt để mà tự bản thân ngài và hội Dòng của ngài, luôn phải trung thành trong tình trạng một người tôi tớ khiêm nhường phục vụ chân lý tinh tuyền và trong nếp sống giản dị của một nhà thần học.
Sự thanh khiết chính là khía cạnh tích cực của sự khó nghèo được hiểu như một thái độ rõ ràng và sâu xa trong tâm hồn. Là sự khó nghèo, thái độ này làm cho việc phục vụ trở thành khả thi và tạo cho người ta một tâm thế sẵn sàng trở thành người tôi tớ. Là sự thanh khiết, nó thể hiện tính cách toàn bộ, trọn vẹn và trinh nguyên của việc phục vụ. Một người thanh khiết là một người không vấy bẩn, pha tạp. Xét về khía cạnh tội lỗi và nhân đức, thì sự thanh khiết đối chọi với sự khiếm khuyết hay sự vấy bẩn về mặt luân lý, không chỉ là sự giản lược vào tầm vóc, nhưng là sự trọn vẹn, không nhiễm bẩn, toàn vẹn và tuyệt đối. Vì thế, khó nghèo là yếu tố giúp cho sự thanh khiết giữ được bản chất nguyên tuyền. Thánh Tôma là một người tôi tớ thuần khiết, một người tôi tớ trinh trắng và khiết tịnh vì chính bản thân ngài đã sống hoàn toàn khó nghèo, một người trọn vẹn thuộc về Đấng mà ngài gọi là Đức Chúa.
Thánh Tôma đã sống khiết tịnh thể lý. Chúng ta thường đồng hoá sự khiết tịnh này với sự thanh khiết, dù nhiều khi cũng không hiểu tại sao các Kitô hữu lại gán cho nó tầm quan trọng như vậy. Để hiểu rõ giá trị của sự khiết tịnh, chúng ta nên tìm hiểu không chỉ nơi chính ý niệm này mà còn thông qua điều nó làm cho khả thi hay điều đối nghịch mà nó ngăn ngừa. Trong thực tế, sự thanh khiết thường được hiểu theo nghĩa hẹp và thông thường chính là sự khiết tịnh về thể lý, về trí tưởng tượng và ước muốn. Đúng ra, sự thanh khiết bao hàm toàn bộ đời sống tâm linh, vì nó mở ra mọi tương quan có thể có với Thiên Chúa, cũng như đẩy xa những gì là đối nghịch với tương quan này. Chẳng hạn, một tâm hồn chai đá và vấy bẩn, nó không chối bỏ các giáo huấn đức tin, nhưng sẽ trở nên cứng cỏi và thường khép kín trước những yếu tố tuyệt vời của đức tin; cảm thức thiêng liêng của nó suy yếu dần; nó sẽ không chối bỏ những chân lý đức tin nền tảng, nhưng cũng dần dần không còn quan tâm hay thích thú với những điều cao quý nhất như: Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần, các Bí tích, đời tu, sự chiêm niệm; nó sẽ đi tới sự khẳng định rằng chúng ta chẳng thể biết gì về những thực tại này và do đó, những thực tại này không tồn tại. Ngược lại, một linh hồn thanh khiết, tự bản năng luôn rộng mở đón nhận những thực tại đức tin này; nó trải nghiệm những thực tại này trong sự thuần khiết. Và đồng thời, sự trung tín cũng sẽ mở ra con mắt tâm hồn, giúp hiểu rõ điều thường bị che dấu do sự thô thiển. Linh hồn đó sẽ chắc chắn nhận ra rằng sự phát triển của mình cần gắn kết mật thiết với cảm thức và sự trung tín trong đời sống.
Giờ đây chúng ta đã hiểu phần nào rõ hơn sự thanh khiết, thanh khiết thể lý, có ý nghĩa như thế nào đối với thánh Tôma trong việc phục vụ như là một nhà thần học mà ngài đã được mời gọi; và chúng ta cũng có thể thấy sự thanh khiết là một nhân tố tích cực tới mức nào trong tâm hồn người tôi tớ phục vụ chân lý. Chẳng cần nhắc đến ở đây sự kiện ngài bị cám dỗ, hay lời chứng của người bạn thân thiết nhất của ngài sau khi ngài qua đời rằng ngài luôn giữ được sự thanh khiết như một trẻ thơ.
Tuy nhiên, có một khía cạnh sâu xa hơn nơi sự thanh khiết của thánh Tôma trong tư cách người tôi tớ phục vụ chân lý; đó là sự thanh khiết nơi thâm sâu tâm hồn, theo nghĩa trọn vẹn và tích cực nhất của từ này. Tương tự với sự khó nghèo được coi như một thái độ nền tảng của tâm hồn, sự thanh khiết của người tôi tớ phục vụ chân lý hệ tại việc không để cho cái tôi pha tạp vào trong chân lý này, không giảm nhẹ, không chối bỏ, nhưng là hoàn toàn suy phục trước những đòi hỏi và đón nhận trọn vẹn Đấng, là Thầy, như chính Người là mà không phải như chúng ta tưởng tượng Người là. Chính Người, vị Thầy, phải là Đấng điều khiển, được khẳng định trong chân lý thuộc bản tính của Người và thực hiện điều Người muốn. Trong khi đó, chúng ta, những tôi tớ của Người, thì ngoài Người ra, chẳng có chi để khẳng định về mình, nhưng là hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Người, trọn vẹn thuộc về Người và là kẻ thừa hành của Người.
Sự thanh khiết này được tỏ lộ trong những lời nguyện của ngài, mỗi câu mỗi chữ đều diễn tả khao khát được phục vụ trọn vẹn, để không làm hỏng việc của Chúa vì bất cứ khiếm khuyết nào, bất cứ sự nhỏ nhen, sự vô tâm, hay sự buông thả nào là những thứ sẽ làm hỏng mọi sự, ngay cả những ý hướng tốt lành nhất. “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, xin giúp con luôn sống vâng phục mà không cãi lại, khó nghèo mà không nao núng, khiết tịnh mà không hư hỏng, kiên nhẫn mà không phản kháng, khiêm nhường mà không giả bộ, an vui mà không sợ hãi, buồn sầu mà không quỵ ngã, mạnh mẽ mà không cứng cỏi, năng động mà không hời hợt, kính sợ Chúa mà không ngã lòng, chân thành không giả bộ, làm điều tốt mà không kiêu căng, sửa lỗi người khác mà không ngạo mạn, và luôn biết chân thành xây dựng cho nhau bằng lời nói lẫn việc làm.” Còn rất nhiều những lời nguyện tương tự. Nhưng chúng ta cũng đừng để bị đánh lừa mà đi tìm hiểu nghĩa chính xác của những lời nguyện này, vì lẽ điều thánh Tôma muốn diễn tả không phải là những câu nói chuẩn xác về thần học luân lý mà là ý tưởng về sự phục vụ hoàn hảo, một sự phục vụ đạt tới sự trọn hảo và cảm thức tuyệt đối. Đó là sự phục vụ không bao giờ đi trệch đường lối của Thiên Chúa.
Sự thanh khiết trong việc phục vụ của thánh Tôma còn tỏ lộ nơi tính nhất quán, thuần khiết và không giới hạn. Ngài đúng là một tôi tớ, luôn đợi sẵn ở cửa chờ Chủ về với tất cả sự bền bỉ và khả năng của mình. Không hề có sự phân chia trong cuộc đời ngài như kiểu một phần cho mục đích cá nhân, một phần cho Thiên Chúa, mà đúng như là một tôi tớ, luôn hết lòng phục vụ. Ngài hoàn toàn sống nghèo khó để có thể phục vụ Ông Chủ của mình, mà không cần bất cứ sự công nhận nào. Về phần mình, chúng ta thường thất bại ở khâu này, đôi khi do chủ tâm, vì lẽ chúng ta hay thích kiểm soát, thích tận hưởng cho bản thân hơn là đặt mình ở vị thế sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta thường thất bại vì yếu đuối và lơ đễnh, vì chúng ta hiếm khi đặt toàn tâm vào điều chúng ta làm, và vì vậy mà việc phục vụ thường chỉ huy động một nửa hay một phần ba con người chúng ta. Chỉ những tâm hồn cao thượng mới có thể sống tinh thần phục vụ hoàn trọn, không dè sẻn chi (trong khi Nietzsche chủ trương chối bỏ hoàn toàn việc phục vụ). Hãy nhớ rằng, theo thánh Tôma, có một nhu cầu phát sinh từ nhận thức hoàn hảo về thực tại: Đó là nhu cầu quay trở về với Thiên Chúa và tiến đến gần Người với tất cả sức mạnh của chúng ta hoặc quay lưng lại với Người một cách dứt khoát và triệt để. Nếu chúng ta nhớ được rằng đây chính là đặc quyền của các thiên thần thì chúng ta sẽ nhận ra một trong những lý do mạnh mẽ nhất tại sao mà việc phục vụ toàn vẹn và thanh khiết của thánh Tôma đem lại cho ngài tước hiệu tuyệt vời ‘Tiến sĩ Thiên thần’.
Sau cùng, sự thanh khiết trong việc phục vụ chân lý của thánh Tôma còn tỏ lộ qua việc ngài hết sức cẩn thận không đưa bản thân vào trong những gì ngài đã quyết tâm phục vụ, không thêm không bớt bất cứ điều gì vào chân lý ngài phục vụ. Trong việc này, ngài hoàn toàn thanh khiết vì đã cố gắng, hết sức có thể, trở thành một công cụ tinh khiết. Trong hoạt động thần học của mình, ngài chính là một ‘thừa tác viên’ theo nghĩa trọn vẹn nhất của từ này; sứ vụ giảng dạy của ngài chính là sứ vụ của một linh mục. Nguyên trong bộ Summa thôi, ngài đã viết hơn 3000 khoản mục, mà không một khoản nào đề cập về ngài. Hơn nữa, trong tất cả những khoản mục này, nhà thần học luôn ẩn mình đi, như sau chén thánh, để tỏ lộ chính Thiên Chúa. Đây là một mẫu gương chưa từng có về sự thanh khiết, về sự từ bỏ của linh mục và về sự trinh trắng. Con người này đã từ bỏ quê hương xứ sở và họ hàng. Một khi tách rời khỏi chân lý, khỏi chủ đề nghiên cứu, thật khó mà xác định chúng ta đang nói về ai. Phải chăng đó là một hoàng tử, một quý ông người Pháp, một vị cao niên, một người ủng hộ hoàng đế, hay một nhà quý tộc người Ý? Điều này không rõ ràng, nhưng có điều chắc chắn, ngài là một linh mục, ngài bày tỏ Thiên Chúa và ẩn dấu mình đi; ngài là một nhà thần học, một thừa tác viên của Lời, một thừa tác viên của chân lý khách quan; ngài lại luôn ẩn đi con người mình. Điều này thật cảm động; thật không có gì đáng cảm động hơn vì ngài không đề cập chút gì đến bản thân trong giáo huấn của mình. Thực vậy, không hề có một tính cách cá nhân nào hay một tính khí nào của ngài được tỏ lộ. Vì thế, chẳng có sự xung đột, cũng chẳng nghe thấy âm thanh nào của con người, chỉ có sự toả sáng của thực tại khách quan là rõ ràng. Ecce ancilla Domini, fiat mihi secundum verbum tuum – Này con là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho con như lời Ngài. Những lời này đã được thốt lên và sống trọn vẹn.
Quả thật, sự thanh khiết chính là một khía cạnh tích cực trong đời sống khó nghèo của người tôi tớ đích thực. Nó cũng sẽ làm trổ sinh một nhân đức đặc biệt khác và sự trọn hảo trong tâm hồn người tôi tớ: đó là sự trung tín. ‘Euge serve bone et fidelis – Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành (Mt 25, 21).
Trung thành là một nhân đức đặc biệt của người tôi tớ vì nó là một nhân đức giúp gắn kết với người khác: Người tôi tớ làm công việc của người khác, hiện diện vì người khác. Một người chỉ có thể là một tôi tớ trung tín khi người đó chân thành phục vụ và trung thành thi hành điều được kỳ vọng và sự tín nhiệm được giao phó. Điều này liên quan đến hai phẩm chất chính yếu: sự kiên trì và tính trung thực. Hai phẩm chất này nổi bật nơi thánh Tôma. Sự trung tín của ngài trong vai trò là người tôi tớ phục vụ chân lý tự thể hiện chủ yếu qua sự kiên trì trong đời sống bên ngoài và qua tính trung thực nơi thâm sâu tâm hồn ngài.
Việc phục vụ của thánh Tôma không hề mang tính trình diễn bề ngoài, cũng không có dấu vết của sự lười biếng. Sự sung mãn trong đời sống và cường độ làm việc của ngài thật không thể tin được. Qua đời ở tuổi 49, ngài lưu lại một công trình để đời chứa đầy ba mươi tập sách khổ lớn, mà không hề có bất cứ sơ suất nào trong quá trình suy tư hay lý luận. Nếu đọc tiểu sử của ngài hay những lời chứng trong tiến trình phong thánh, chúng ta có thể thấy rằng mọi nhân chứng đều nhấn mạnh đến cách thức ấn tượng qua đó đời sống thường nhật của ngài được hình thành từ một chuỗi liên tục không đứt đoạn giữa làm việc và cầu nguyện. Vacabat sine otio orationibus, studio et scripturae; tota vita eius fuit aut orare et contemplari, aut legere, praedicare et disputare aut scribere aut dictare – (Ngài dành thời gian rảnh rỗi để cầu nguyện, học tập và viết lách; cả cuộc đời của ngài hoặc là cầu nguyện và chiêm niệm, hoặc là đọc sách, giảng dạy và tranh luận, hoặc là viết lách hoặc đọc cho người khác viết). Mọi lời chứng đều đồng nhất trong báo cáo, cùng với chứng từ về sự thanh khiết, rằng: Ngài là người đã không dành bất cứ giây phút nào trong đời mình cho điều gì khác ngoài việc phục vụ chân lý qua việc chiêm niệm và giảng dạy đạo lý. Rõ ràng, ngay từ khi nhận ra ơn gọi của mình là trở thành nhà thần học, ngài đã không để cho mình lãng phí thời gian hay làm bất cứ việc gì khiến ngài sao lãng, không toàn tâm toàn ý phục vụ chân lý và ảnh hưởng tới sự tận hiến của ngài cho chân lý. Ngài đã viết ra những lời này trong Tổng Luận chống Lạc Giáo: “Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là thanh toán món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi”. Đây chính là sự khổ chế của thánh Tôma, trung tín như một tôi tớ. Ngài đã không để cho bất cứ điều nhỏ nhặt nào Chúa tin tưởng giao phó cho ngài bị gạt sang một bên. ‘Quia super pauca fuisti fidelis’- (vì anh đã trung thành trong điều nhỏ). Chúng ta sẽ sớm khám phá thấy phần thưởng thánh Tôma nhận được.
Có lẽ điều đáng cảm động nhất nơi sự trung tín của thánh Tôma trong vai trò là người tôi tớ chân lý chính là cảm thức tuyệt đối và lòng tôn trọng bao la dành cho chân lý, một chân lý mà ngài luôn mắc nợ và trung thành phục vụ; mọi thứ là tài sản của ông Chủ, chứ không phải của ngài. Sự trung tín hiểu theo nghĩa là lòng trung thực, tận tâm, vô vị lợi, chính là một nhân đức đặc biệt mang tính quyết định nơi một người tôi tớ. Nó bao hàm một thái độ vừa nghèo khó và thanh khiết và là đỉnh trọn hảo của thái độ này. Nhờ đó, thánh Tôma đạt tới một tinh thần phục vụ hoàn hảo.
Đối với toàn bộ dữ kiện về mặc khải, thánh Tôma hết lòng quý trọng và mở rộng tới những biên cương xa nhất, vì ngài hiểu rằng mình được đón nhận những điều này như những món quà nhưng không từ Thiên Chúa. Ngài quản lý tài sản cho Ông Chủ mình, chứ không phải cho bản thân, và điều được kỳ vọng nơi người quản gia, nơi người tôi tớ, là người đó phải trung tín. Vì vậy, chúng ta có thể thấy nơi thánh Tôma sự nhạy cảm đáng kinh ngạc trong việc tránh hết sức sự phản bội, dù nhỏ thế nào, đối với chân lý, không phóng đại cũng không giản lược điều đã được trao, hay đúng hơn, đã được uỷ thác cho ngài. Thêm nữa, ngài còn rất mực cẩn trọng trong suy tư, khẳng định và trong cách diễn đạt. Như mọi người đều biết rõ, toàn bộ công trình và việc giảng dạy của thánh Tôma có điểm đặc trưng nổi bật là sự kết hợp cân bằng từ mọi quan điểm; nhờ đó, tư tưởng của ngài luôn có đủ tầm, đủ sức để dung nạp và kết nối mọi thứ. Điều này không có nghĩa là thánh Tôma không phải là một trong những người có sự sắc sảo hơn những người khác, có sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự khác biệt giữa các sự vật; nhưng ngài thuộc về số những người, ở cấp độ cao, có thể thấy điều gì là phổ quát và đa dạng nơi một ý tưởng; và quan trọng hơn hết, là ngài thuộc về số những người tôi tớ luôn có một sự quan tâm kính cẩn để không đánh mất bất cứ thứ gì, đồng thời làm sáng tỏ giá trị đích thực của tất cả mọi thứ mà ông chủ đã trao phó. Ngài rõ ràng là một thiên tài Công giáo, vì ngài đã phục vụ chính nguyên lý của Công giáo tính.
Kết quả là, thánh Tôma có thể kết nối một sự cảm nhận sâu sắc nhất về tính vượt trội tuyệt đối của Thiên Chúa và về sự ưu việt hoàn toàn nơi sáng kiến của Người trong hoạt động của tâm hồn, với lòng tôn trọng vững bền và nhạy bén dành cho những bản tính khác nhau trong thế giới thụ tạo, cũng như những quy luật chi phối chúng. Vì lý do này mà thánh nhân cũng có thể nối kết ở mức độ cao nhất tính hợp lý của đức tin và chiều kích mầu nhiệm. Ngài không cho rằng mọi thứ đều có thể chứng minh được, hay hiểu được bằng trí óc, nhưng ngài cũng không đánh giá thấp hoạt động của trí óc người tin trong việc chiêm ngắm và tìm cách hiểu những hàm ý của dữ kiện được mặc khải. Chẳng hạn, khi giải thích sự so sánh của thánh Gioan: Cuius non sum dignus ut solvam corrigiam calceamenti – tôi không đáng cởi dây giày cho Người, thánh Tôma cũng lưu ý rằng thánh Gregorio và vài giáo phụ khác đã cắt nghĩa điều này như một ám chỉ sự bất lực của con người không thể hiểu thấu mầu nhiệm nhập thể và cũng không thể giải thích sự kết hợp hai bản Thiên Chúa và loài người, nhưng thánh Tôma với lòng tôn trọng, cũng thêm rằng: Intelligendum est ‘plene et perfecte’, nam quoquo modo et Joaunes et alii praedictores, licet imperfecte, solvunt, corrigiam calceamenti (Trí năng thì ‘trọn vẹn và hoàn hảo’, nên một cách nào đó, cả thánh Gioan lẫn các nhà giảng thuyết, dù bất toàn, vẫn có thể tháo cởi dây giày). Thánh Tôma chỉ là một người tôi tớ, dù vậy ngài cũng không bị buộc phải nói rằng đóng góp của một nhà thần học chẳng là gì cả.
Thánh Tôma cũng hợp nhất được tính hợp lý của trí năng suy lý và những kết luận dựa trên lý trí như: giá trị tuyệt đối của kiến thức siêu hình, thực tại hiển nhiên của một sự kiện, tầm quan trọng của việc đánh giá kỹ càng các nguồn tài liệu. Trong công trình thần học của mình, thánh Tôma thể hiện lòng kính trọng đồng đều đối với chứng từ của cả truyền thống Kitô giáo Đông phương lẫn Tây phương. Trong toàn bộ công trình của mình, thánh Tôma đã kết nối ý nghĩa tuyệt vời về sự thống nhất nơi các sự vật và sự khôn ngoan tương ứng với sự thống nhất này, cùng các đòi hỏi về mặt phương pháp luận nghiêm khắc nhất, tức là hết sức trung thực khi xem xét một sự vật và theo đuổi lối khai triển phù hợp. Ngài nói rằng nếu thiếu điều này, những người tin sẽ có khuynh hướng khẳng định rằng một điều gì đó đã được chứng minh trong khi trong thực tế lại chưa, và vì vậy sẽ khơi lên sự chế giễu của những người không tin đối với họ, và quan trọng hơn nữa, là đối với đức tin của họ. Mối nguy hiểm này tác động sâu sắc tới ý thức trung thành phục vụ của thánh nhân.
Nhờ sự phục vụ tinh tuyền của mình, thánh Tôma đã không loại bỏ dù một tia sáng nhỏ nhất, hay một đốm sáng của mặt trời. Không một ước vọng nào của tâm hồn chỉ được bàn đến sơ sài hay hời hợt, hay bị xem xét quá khắt khe, hoặc bị gạt sang một bên. Không một ai đã từng tiếp xúc với ngài lại mất đi sự đơn sơ của trí óc và tâm hồn mình. Chính bản thân ngài, dù rằng thuộc hàng khôn ngoan, luôn đối diện Tin Mừng với lòng đơn sơ của thánh Phanxicô Assisi.
Hơn nữa, thánh Tôma đã sống đơn thành như một người tôi tớ trung tín đích thực, một vị ‘tiến sĩ chung’. Chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của ngài những cụm từ như: Communis veritas, communis claritas, communis illuminatio, communis ordo et doctrina. Chắc chắn ngài là một vị tôn sư chung, một người thuộc về mọi người, vì ngài không thuộc về chính mình, nhưng thuộc về chân lý mà mọi người đều có quyền biết và thuộc về. Đây là lý do tại sao ngài được mọi người tin tưởng trên khắp hoàn vũ; không ai phải sợ ngài sẽ chộp lấy điều thuộc về họ, hay sẽ giành lấy điều gì đó cho ngài. Mọi người đều biết ngài chỉ trao ban một thứ duy nhất, đó là chân lý.
Chính nhờ lòng trung thành tuyệt đối này của người tôi tớ, mà thánh Tôma có được lòng can đảm và tinh thần mạo hiểm như được diễn tả trong công trình của ngài. Người tôi tớ này, người ủng hộ tính liên tục này, một con người theo truyền thống, một môn đệ của tất cả các nhà tư tưởng đi trước, cũng là một con người có tinh thần mạo hiểm đáng kinh ngạc. Ngài đón nhận Aristote, người mà hàng giáo phẩm vẫn đang hoài nghi; ngài viết một cụm từ có vẻ đơn giản – nhưng lại đưa đến những hệ quả mang tính bùng nổ; ngài đưa ra những nguyên tắc mà những kết luận và khả năng ảnh hưởng của nó tới nay vẫn chưa đạt đỉnh điểm, dường như vẫn còn bất tận.
Trong thực tế, ngài trở nên can đảm vì ngài đơn giản và gan dạ, cũng vì ngài là một tôi tớ. Một người không làm việc vì những cùng đích của đời mình, nhưng để phục vụ một người khác lớn hơn anh ta, khác xa với việc bị làm nô lệ, sẽ được giải thoát khỏi mọi thứ bên dưới anh ta. Không gì có thể can đảm hơn trái tim một người trẻ, không chất chứa sự giàu sang, nhưng hoàn toàn thuần khiết và trung thành, không sợ hãi hay lo mất điều gì. Một người tôi tớ như thế, hẳn sẽ hãnh diện, chắc chắn và can đảm. Đó là sự hãnh diện nối kết chặt chẽ với sự khiêm nhường của bản thân, một sự chắc chắn để rồi hoàn toàn không còn tin vào cái tôi, một sự can đảm dám chấp nhận sự giới hạn bản thân. Không có gì của bản thân mà phải lo sợ hay lo mất, nhưng luôn hết lòng canh giữ kho tàng và từ bỏ mọi thứ khác.
Thánh Tôma chính là người như thế. Cuộc đời của ngài là một thông điệp sâu sắc dành cho chúng ta. Chúng ta phải trở thành những tôi trung đích thực để có thể trở nên tự do và độc lập khỏi mọi thứ, trong việc phục vụ Ông Chủ của chúng ta, những thứ mà chỉ nên được sử dụng như những phương tiện và công cụ. Chúng ta phải trở thành những tôi tớ đích thực để trở nên khôn ngoan và ngõ hầu có thể tránh khỏi mọi lạm dụng, dù là nhỏ nhất, những thứ không thuộc về chúng ta.
Để có thể kết thúc việc suy gẫm về thánh Tôma trong vai trò là người tôi tớ phục vụ chân lý, chúng ta cần hiểu thấu đáo và khám phá ra gốc rễ đích thực và sống động của việc phục vụ này. Phẩm chất của việc phục vụ như thế, chỉ có thể đạt được qua tình yêu và trong mối liên hệ hỗ tương của tình yêu.
Thông thường, có thể do sợ hãi và sự cấp bách mà một người quy phục một người nào đó, dù không có tình yêu. Nhưng nếu không có tình yêu, thì sẽ không thể có sự quy phục tâm hồn với một người khác, hay dấn thân phục vụ trọn xác hồn. Việc phục vụ thuần khiết sẽ không thể nào có được nếu không có tình yêu. Bởi lẽ, việc phục vụ như thế ám chỉ một thái độ làm việc cho người khác mà không giữ lại bất cứ thứ gì cho mình, coi những bận tâm của người khác là của chính mình, mà đồng thời không thoả mãn một ước muốn, thú vui nào của bản thân nhưng là của Ông Chủ. Đó là một sự dâng tặng tuyệt đối, không nhiễm bẩn với cái tôi, đến nỗi coi đời sống của người khác trở thành của mình, thực hơn là chính bản thân. Chỉ tình yêu mới có thể làm được điều này, vì chỉ có tình yêu mới tạo ra niềm phấn khởi, thoát ra khỏi cái tôi; chỉ có tình yêu mới để cho Ông Chủ làm chủ tâm hồn một người.
Vì vậy, nguồn mạch của việc phục vụ tuyệt hảo chân lý mà thánh Tôma đã hiến tặng đời mình, chính là mối tương quan cá nhân ấm áp và sống động với chân lý mà chúng ta gọi là tình yêu, hay trong thuật ngữ Kitô giáo, là bác ái.
Điều này là do, đối với thánh Tôma, chân lý không chỉ là đối tượng của tri thức, không chỉ là một ý tưởng, cũng không phải là một sự vật, nhưng là một ngôi vị sống động cần được thương yêu, một ngôi vị sống động và đầy lòng thương xót, Đấng khởi đầu bằng việc trao ban chính mình cho tình yêu của chúng ta, và gieo vào trong tâm hồn băng giá của chúng ta hạt giống ấm áp và sống động của tình bạn. Chân lý này, trong thực tế, chính là ‘chân lý ban sơ’, là Thiên Chúa hằng sống của Abraham, Isaac và Giacóp, là Thiên Chúa Ba Ngôi đáng tôn thờ, là Thiên Chúa – Đấng cứu độ, quả thực là Ngôi Lời nhập thể, Chân Lý là chính Đức Giêsu Kitô.
Đây là lời nguyện thánh Tôma đọc mỗi ngày trước thánh giá: “Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, xin cho con luôn khao khát điều Chúa muốn, cẩn trọng tìm kiếm, chân thành đón nhận, và đem ra thực thành cách trọn vẹn… để tôn vinh Chúa và vì vinh quang danh Ngài…” Lời cầu nguyện này còn tiếp tục thêm vài đoạn nữa như vậy. Người tôi tớ không có một khát vọng nào, dù là niềm vui thích hay sự khó chịu, ngoài khát vọng của Ông Chủ – vì lẽ anh yêu mến Ông Chủ.
Đang khi hấp hối tại Fossanova, “Thánh Tôma ao ước được rước Mình Thánh Chúa, và khi Mình Thánh được đưa đến, thánh nhân đã quỳ xuống, tung hô và thờ lạy, và thốt ra những lời tuyệt diệu này, ‘Con xin rước Ngài, giá chuộc hồn con, con xin rước Ngài, Của ăn đàng cho con, lộ phí cho cuộc lữ hành của con, để được Ngài yêu thương, con đã gắng học hỏi, đã thức tỉnh đợi chờ, đã lao động cần cù, đã giảng thuyết cùng giảng dạy…’” Thánh nhân đã nói cho chúng ta bí mật của việc phục vụ suốt đời mình, việc phục vụ mà lúc khởi đầu ngài đã nói: “Về phần tôi, tôi coi nhiệm vụ chính của đời mình là trả món nợ với Thiên Chúa bằng cách diễn tả Người qua mọi lời nói và thái độ của tôi”. Bí mật đó, động lực của đời sống ngài, là tình yêu, “pro cuius amore, vì người mình yêu”. Suốt ba mươi năm lao động miệt mài đáng thán phục mà không có phút giây nào bất tín, Thánh Tôma đã không vì bất cứ một lý do nào khác ngoài tình yêu dành cho người bạn ẩn kín của mình, Đức Giêsu Đấng mà chúng ta còn biết rất ít so với những thực tại khác, vì lẽ xác tín của chúng ta chỉ dựa vào đức tin mà thôi. Và đang khi hấp hối, thánh Tôma, một người chưa bao giờ nói một lời thừa, giải thích lý do cho tất cả những gì mình đã làm, đó là vì ngài đã yêu.
Sau cùng, một nhân chứng đã kể lại rằng, một buổi tối trong những tháng cuối đời của thánh Tôma, anh đã đi theo thánh nhân để quan sát. ‘Anh đi ra phía cuối nhà nguyện thánh Nicola, nơi thánh Tôma đang chìm sâu trong cầu nguyện. Anh thấy ngài được nâng lên khỏi mặt đất…Đột nhiên, từ phía vị tôn sư của chúng ta đang đối mặt, một tiếng nói vang lên từ cây thánh giá: “Tôma, con đã viết rất hay về ta, con muốn phần thưởng gì cho những công khó ấy?” Thánh nhân trả lời, “Lạy Chúa, con chẳng cần gì ngoài Ngài mà thôi”’. Đây là những lời sau cùng của thánh Tôma; việc phục vụ chân lý, chân lý của Thiên Chúa, đã được hoàn thành. Thánh Tôma chính là người tôi tớ trung thành; ngài đã viết rất hay và làm rất tốt. Đâu là phần thưởng ngài đáng nhận được?
Phần thưởng của người tôi tớ tốt lành, một người tôi tớ luôn sống hết mình và phục vụ vì tình yêu mà thôi, chính là tình bạn hữu thân mật của Chủ mình, chia sẻ niềm vui của Chủ. Vì phần thưởng duy nhất của tình yêu chính là tình yêu, và nếu một người chọn sống nghèo, khiết tịnh và trung tín trong việc phục vụ của mình, vì là bạn của Chàng Rể (Ga 3, 24), thì phần thưởng dành cho người đó cũng sẽ là chính niềm vui của Chàng Rể.
Phần trích dịch này được biên soạn từ tác phẩm Faith and Spiritual Life,
được dịch sang tiếng Anh bởi A. Manson and L. C. Sheppard, New York: Herder and Herder, 1968, tr. 67-85.
Có thể tìm đọc bản dịch tiếng Anh tại địa chỉ sau: http://www.domcentral.org/preach/tasermons/4sermons2.htm
Bản dịch của Gs. Nguyễn Cao Luật OP. và Vs. Lê Hưng OP.
Nguồn: daminhvn.net (09.03.2023)
[1] Đây chính là những lời trong Kinh Dọn Mình Chịu Lễ như chúng ta vẫn đọc xưa nay: Lạy ơn Đức Chúa Trời có phép vô cùng hằng có vậy, con bây giờ lên chịu phép Bí tính này là Đức Chúa Giêsu con thật Đức Chúa Trời. Con như kẻ liệt đến tìm thầy thuốc cho sống. Con là kẻ dơ dáy tìm đến mạch nước cả. Con là kẻ tối tăm đến cùng hằng sáng. Con là kẻ khó khăn thiếu mọi sự mà đến cùng Chúa Trời Đất. Vì vậy con cầu cùng Chúa rộng rãi vô cùng, chữa đã mọi tật linh hồn con. Rửa sạch mọi tội lỗi con, soi sáng kẻo tối, thêm phúc kẻo khó trước mặt Đức Chúa Trời; lại xin cho được lòng kính mến, cùng ở khiêm nhường ăn năn tội lỗi và giữ lòng sạch sẽ, cùng tin thật cho được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu, là Vua cả trên hết các vua, Chúa trọng trên hết các chúa. Con lại xin Đức Chúa Cha cho được chịu phép Bí tích này, chẳng những bề ngoài, cùng được ích trong linh hồn nữa… (Trích Sách Toàn Niên.)
Bỡ ngỡ trước Phép lạ xảy ra cho 1 gia đình nghèo tại 1 giáo xứ thuộc TGP Sài Gòn
01:25 24/07/2024 Giáo Xứ - Giáo Phận, Phép lạ, Sống Đạo
Gia đình hạnh phúc đơn sơ Tình yêu chan chứa giấc mơ an bình Tạ ơn Chúa đoái thương tình Chữa lành đột quỵ, gia đình có nhau. Gia đình nhỏ bé của tôi...
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có hai tân Linh mục đầu tiên người sắc tộc J’rai
12:13 23/07/2024 Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Trong đợt truyền chức 12 Tân Linh mục DCCT vừa qua ngày 03/7/2024, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, có hai Tân Linh mục người Sắc tộc J’rai là cha Giuse...
Huy hiệu Giám mục của Đức cha Tân cử Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc
12:48 20/07/2024 Giáo Hội Việt Nam, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Khẩu hiệu được trích từ Tin mừng theo thánh Marcô: “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ...
Khám phá giếng cổ bí ẩn sâu dưới lòng đất trong 1 tu viện ở Ninh Bình
11:39 18/07/2024 Địa Điểm, Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Đan viện Châu Sơn (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình) là một tu viện cổ được khởi công xây dựng từ năm 1939, mang vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng. Cách Hà...
Phép lạ Đức Mẹ tạo GP Long Xuyên ban cho 1 Phật tử
05:47 18/07/2024 Giáo Xứ - Giáo Phận, Phép lạ, Sống Đạo
Đây là chuyện có thật 100% xảy ra trên quê hương Cù Lao Giêng của tôi, chính nhân chứng hiện giờ vẫn còn sống gần khu vực nhà mình. Không hề hư cấu! “Ơn...
Bổ nhiệm Giám mục Chính tòa GP Ban Mê Thuột
10:54 13/07/2024 Giáo Hội, Giáo Hội Việt Nam, Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc, thuộc linh mục đoàn giáo phận Ban Mê Thuột, làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột. BỔ...
1 giáo xứ tại Gp Hưng Hoá sử dụng bài hát Tin Lành trong Thánh lễ tiếng anh
09:54 10/07/2024 Giáo Hội, Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Theo đó, trong Thánh lễ bế giảng khoá Tiếng Anh hè năm 2024 tại Giáo xứ Trù Mật, GP Hưng Hóa ngày 03.08.2024. Bài hát của đạo Tin lành được sử dụng. Mời cộng...
Chuyện lạ tại Tượng Đài Đức Mẹ Fatima Bình Triệu
11:53 09/07/2024 Giáo Xứ - Giáo Phận, Phép lạ, Sống Đạo
Nhà thờ Fatima Bình Triệu là một nhà thờ nổi tiếng với nhiều sự tích về Đức Mẹ, cùng với lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Gothic nên nhà thờ Fatima Bình Triệu...
Bất ngờ chuyện lạ có thật vừa xảy ra với 1 bác sĩ ngoại đạo tại Tổng Giáo phận Huế
05:55 09/07/2024 Dòng tu, Giáo Xứ - Giáo Phận, Phép lạ, Sống Đạo
Đại dịch Covid-19 đã trôi qua và chúng ta đang sống cuộc sống bình thường. Có lẽ hầu hết chúng ta đã và muốn quên đi những tác động kinh hoàng của đại nạn...
Khám phá ngôi Nhà thờ nơi Cố TT Ngô Đình Diệm đến cầu nguyện trước khi bị hại – Nhà Thờ Cha Tam
03:11 08/07/2024 Địa Điểm, Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Mời cộng đoàn cùng khám phá ngôi nhà thời nơi Cố TT Ngô Đình Diệm đến cầu nguyện trước khi bị hại dưới video dưới đây: — — —- Nhà thờ Cha Tam (Gx....
Đức Giám Mục phêrô Nguyễn Soạn qua đời
12:21 08/07/2024 Giáo Hội Việt Nam, Sống Đạo
Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục giáo phận Qui Nhơn, đã được Chúa gọi về lúc 7g08ph ngày 8.7.2024. Hưởng thọ 88 tuổi. Ngài sinh ngày 15 tháng 12 năm 1936 tại...
Tiểu sử Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn
12:14 08/07/2024 Giáo Hội Việt Nam, Sống Đạo, Tìm Hiểu
Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục giáo phận Qui Nhơn, đã được Chúa gọi về lúc 7g08ph ngày 8.7.2024. Hưởng thọ 88 tuổi. Ngài sinh ngày 15 tháng 12 năm 1936...
1 Giám mục VN nói về Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần vừa mới qua đời
01:13 08/07/2024 Cáo phó, Giáo Xứ - Giáo Phận, Sống Đạo
ĐỨC GIÁM MỤC KIỆT XUẤT GIOAN BAOTIXITA BÙI TUẦN, NHÀ VĂN TỘT BẬC KHÓ NGHÈO VÙNG ÔNG TẠ VỀ NƯỚC CHÚA “Công ơi, chú Tuần mất sáng nay 27-7-2024, lúc 3g30″ – Bùi Thanh...
Xôn xao Tượng Cha Diệp chảy máu ở Biên Hòa, GP Xuân Lộc
12:32 08/07/2024 Giáo Xứ - Giáo Phận, Phép lạ, Sống Đạo
Trên mạng xã hội đang truyền nhau về những sự việc lạ lùng xảy ra tại giáo họ Hà Phát, đó là tấm hình chụp từ tượng Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ở giáo...
Tin buồn: ĐGM Gioan Baotixita Bùi Tuần qua đời
10:30 07/07/2024 Cáo phó, Giáo Hội Việt Nam, Sống Đạo, Tìm Hiểu
+ Cáo phó: ĐGM GB Bùi Tuần ĐỨC CHA CỐ GIOAN BAOTIXITA BÙI TUẦN Nguyên Giám mục Chính tòa GP Long Xuyên Đã được Chúa gọi về lúc 03:30 sáng thứ bảy, ngày 27/07/2024....