Tắt Quảng Cáo [X]

160 năm chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn một quá khứ cho hôm nay

01:33 12/05/2024
hoc du

Năm 20 tuổi, tôi tạm biệt mái trường Tiểu chủng viện Sài Gòn thân yêu, cầm trên tay lá đơn xin hồi tục, tôi đến núi Ðức Mẹ, tượng Thánh Giuse nơi hành lang nhà cũ. Giữa hàng cây trầm mặc, tôi dâng lời kinh nguyện xin hai Ðấng cùng đi với con… Tôi bắt đầu cho những chuyến đi cuộc đời không hẹn trước, buồn nhiều hơn vui.
Hơn mười năm sau, người học trò trở về thăm trường cũ. Cảnh vật còn đó nhưng màu thời gian cùng những biến động xã hội đã phủ lên lớp bụi mờ với chút gì đó hoang vắng, xa xăm. Nhà nguyện cổ kính nay càng hiu hắt, phong sương. Sân chơi bên trái đã lên liếp trồng khoai mì. Hành lang phía sau nhà cũ thành kho chứa trúc, mây tre lá của hợp tác xã Ðồng Tâm. Nhà cơm là hợp tác xã sơn mài Ðông Sơn. Khu nhà mới đã là Trường Tài chánh.

Cha Wibaux (thứ ba từ trái qua) cùng các linh mục thừa sai trước khi lên đường truyền giáo

Sau này, mỗi khi có dịp trở về trường cũ dự các buổi sinh hoạt, họp mặt gặp gỡ anh em cựu chủng sinh, tôi vẫn có cảm giác như đang sống giữa khung cảnh ngày xưa, đã xa lắm nhưng vẫn rất gần, vẫn như xưa. Ngôi nhà cũ trăm năm gợi bao kỷ niệm tuổi học trò của mấy chú trường La tinh. Hang đá Ðức Mẹ, tượng thánh Giuse ấm áp tiếng kinh nguyện râm ran tối thứ tư, thứ bảy. Đây là ngôi nhà nguyện cổ kính rêu phong, nơi đã ấp ủ, định hình đường ơn gọi của bao thế hệ chủng sinh. Nhà nguyện thật đẹp với con đường nhỏ trải nhựa phía trước, hai hàng me cổ thụ, và đẹp hơn vào những ngày mưa, con mương nhỏ hai bên đường chở đầy lá me vàng nhỏ li ti. Sau này con đường trải nhựa không còn, hai cây me còn lại cũng già nua, cằn cỗi. Thay vào đó là khoảng sân rộng mênh mông, nhà nguyện khang trang, rực rỡ hơn nhiều, nhưng trong mắt mấy ông già cựu chủng sinh, vẫn không đẹp bằng khung cảnh cổ kính rêu phong ngày xưa.

Các cha giáo, huynh trưởng, đồng môn ngày xưa nhiều người nay đã là các đấng có phẩm trật cao trọng của Giáo hội… Ngoài đời, nhiều bạn thành đạt, cũng không thiếu những anh em tuổi đã cao nhưng vẫn chật vật với cuộc mưu sinh. Ðường đời mỗi người một hướng, năm tháng đi chung đường cũng đã qua rất lâu, mà vẫn như sợi dây thân ái kết nối tình huynh đệ, nghĩa đồng môn giữa các Exluros.

Mỗi khi có dịp trở về trường cũ, gặp lại những người bạn xưa trong một buổi lễ, một lần họp mặt, hoặc chỉ là bất chợt ghé qua, tôi thường lan man cảm giác trở về chốn cũ, gặp lại khung cảnh cũ, dù nhà trường đã khác xưa rất nhiều qua bao biến đổi của thời gian, con người. Mấy chú La tinh trường nhỏ ngày nào nay đã là các “thầy già”, một cách gọi thân thương quá đỗi của nhà đạo. Trên dưới bảy mươi rồi còn gì. Già thì hay nhớ chuyện cũ, thích kể chuyện xưa. Nhìn nhà nguyện cổ vẫn “thấy” con đường trải nhựa phía trước, các gốc me cổ thụ hai bên. Nhìn Trung tâm mục vụ chói chang giữa cơn nắng, trong các buổi sáng tấp nập người xe, các thầy già trường tôi vẫn “thấy” những buổi chiều tu viện vắng lặng, êm đềm, thấp thoáng bóng áo chùng thâm của các cha giáo chậm rãi đi lại trong hành lang đọc kinh Breviaire (Nhật tụng). Ngồi trong nhà nguyện lại nhớ những chiều đi dạo trở về, quỳ viếng Chúa, hình ảnh buổi chiều Sài Gòn ngoài kia, tà áo trắng học trò…

Nhà nguyện chủng viện lúc mới xây dựng

Tất cả đã là quá khứ, là một phần, một mảnh ghép không thể thiếu trong hành trang ký ức. Rời trường cũ ra đi, mỗi người đều có những nỗi niềm riêng. Ðó không chỉ là tình cảm trong sáng tuổi học trò trong những ngày bãi trường, tháng nghỉ, mà nhiều khi còn là những ray rứt, tiếc nuối, nhất là khi ta đang đứng bên kia đỉnh dốc đời người. Nhiều khi muốn trở về, dù chỉ để “ngồi yên dưới mái nhà”. Một quá khứ trải dài hàng trăm năm, không của riêng ai nhưng mỗi người đều có “những ngày xưa” của mình, một góc nhỏ “lớp mình”, với khung cảnh, bạn bè trong quãng thời gian không dài mà sao lại rất thân quen, gần gũi. Giữ gìn, trân trọng nhưng nhiều khi đã làm mờ nhạt, hầu như lãng quên hoặc không biết những con người và những con đường họ đã đi, đã để lại quá khứ ấy.

Có thể nói, con đường hình thành và phát triển Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn là hình ảnh thu nhỏ của Giáo hội Việt Nam ở những giai đoạn đầu đạo Chúa đến đất nước này. Nổi trôi, phiêu bạt giữa bao nghịch cảnh, tang thương do chiến tranh, và nhất là do chính sách cấm đạo tàn bạo, đầy hận thù của vua chúa nhà Nguyễn.

Lấy cột mốc 1863, năm Ðức cha Lefèbvre đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà cổ – nay là Nhà truyền thống Giáo phận, Chủng viện Sài Gòn vừa tròn 160 năm. Trên thực tế, tiền thân Chủng viện đã được thiết lập theo bước chân truyền giáo của các giáo sĩ Thừa sai trước đó 200 năm. Năm 1665, Ðức cha Lambert de la Motte lập Trường Chung tại Juthia, Thái Lan. Một thế kỷ sau, năm 1765, do chiến tranh, Nhà Chung dời về Chantabun. Từ đây, bắt đầu cuộc hành trình gần trăm năm với bao gian khổ, lúc lênh đênh ngoài biển khơi, lúc chạy vào rừng sâu, ẩn nấp nơi đảo xa. Rồi nạn trộm cướp, đốt phá, giết người… Các địa danh Hòn Ðất, Pondichery Ấn Ðộ, Cần Cao, Tân Triều, Mã Lai… đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu đào của các chủ chăn, giáo sĩ, chủng sinh. Về đến Sài Gòn cũng chưa được an cư, chủng viện vẫn mấy lần di chuyển từ Thị Nghè ra vùng ngoại ô kho Năm Xóm Chiếu, rồi về lại Sài Gòn.

Ðức cha Lefèbvre, vị chủ chăn đức độ lúc nào cũng canh cánh bên lòng: “Một chủng viện trường cửu cho Sài Gòn” hai lần bị bắt, bị trục xuất do lệnh cấm đạo thời Thiệu Trị. Tòa Giám mục của ngài là chiếc thuyền nhỏ chui rúc trong những con rạch nhiều thú dữ, chờ đêm xuống mới lần mò đến nhà giáo dân giải tội, dâng lễ… Cuộc sống mục vụ gian khổ của ngài giống như Thánh Giám mục Cuénot Thể với nhiệm kỳ kéo dài 26 năm mà phần lớn thời gian đều ở dưới hầm trú ẩn tại Gò Thị (Qui Nhơn), hoặc trốn chạy nay đây mai đó. Thời gian này ba cha giáo nhà trường đã chịu tử vì đạo Chúa: Thánh Philipphê Minh, Phaolô Lộc, Phêrô Ðoàn Công Quí.

400 năm trước khi các thừa sai châu Âu đến nước ta truyền giáo, quê nhà các vị đã là một xã hội văn minh, phát triển mọi mặt, nổi bật với nhà thờ Ðức Bà Paris, Tòa thánh Vatican – đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc. Thế nhưng, họ đã bỏ lại tất cả để đến xứ An Nam nghèo nàn lạc hậu, sống như người bản địa giữa bốn mùa khí hậu nhiệt đới, rừng thiêng nước độc. Hầu hết các ngài qua đời trước tuổi 60.

*

Mái trường chủng viện đã nuôi dưỡng ước mơ “bước lên bàn thờ Chúa” của bao thế hệ chủng sinh. Mơ ước của một số ít đã thành hiện thực, số đông rẽ qua con đường khác, nhưng vẫn không quên ước nguyện ban đầu, dù năm tháng đã qua đi thật xa.

Sẽ là có lỗi với chính ước mơ của mình khi ta chỉ biết hiện tại mà quên đi quá khứ đã ươm mầm cho hoa trái hôm nay. Ðể quá khứ ấy nhạt nhòa, trôi theo cách suy nghĩ, cái nhìn đã khác xưa, cũng là che khuất đi bao “gương lành” vốn là muối men cho cuộc sống hôm nay tươi mới hơn, dồi dào hơn. Từ những mái nhà tranh vách đất đến cơ ngơi hiện đại, “ước mơ một chủng viện cho Sài Gòn” đã thành hiện thực. Ngày nay, gian khổ tinh thần, thể chất không còn là những thử thách quyết liệt cho người môn đệ Chúa, nhưng “Ba thù thời @, 4.0” vẫn luôn là một thách đố vô hình, không dữ dội, rất nhẹ nhàng và ở ngay bên ta.

Quá khứ không phải là viện bảo tàng cho lớp hậu sinh chiêm ngắm, ngưỡng mộ, mà chính là nơi chốn để trở về, chiêm niệm, nạp năng lượng của cha ông, những con người đã định hình cho hôm nay. Từ đó, ra đi mang niềm tin thời đại, vững tay chèo, nuôi dưỡng, giữ gìn cho mình những ánh lửa nhỏ bé được thắp lên từ quá khứ đáng tôn kính kia.

NGUYỄN MẠNH HÀ – CGvDT


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang