Tắt Quảng Cáo [X]

Vụ trộm xác Đức Cha Borie Cao và Cha Khoa tại pháp trường đồng hới

08:05 26/11/2021
hoc du

Sáng sớm ngày 24.11.1838, Đc Cao, cha Khoa và cha Điểm bị mang gông cùm dẫn qua khỏi Quảng Bình quan đến bãi đất hoang cách khoảng 200m được chọn làm pháp trường. Sau khi hành quyết các chứng nhân đức tin có ông quan Bố chính là Nguyễn Đăng Uẩn rất căm ghét Đức cha Cao nên đã bất nhẫn bắt chôn cả 3 vị tại pháp trường. Giáo dân chỉ kịp mua 3 cái hòm hàng để mai táng. Năm sau, ông quan gian ác này bị “đột tử” nên quan án tên là Phan Trữ lên thay, đây là một ông quan nhân từ, rất có cảm tình và đã từng giúp đỡ Đức cha khi còn ở chốn lao tù.

Sau cái chết “bất đắc kỳ tử ” của quan bố chính. Cố chính Nghiêm (Masson) đang phụ trách giáo phận Tây Đàng Ngoài ( nay là GP Vinh) cử thầy Phêrô Trần Văn Thiềng vào Đồng Hới để xin cải táng các vị Tử Đạo về với giáo phận. Tại đây, thầy Thiềng cùng 2 người con của ông Nguyễn Hữu Quỳnh ( cùng với thầy Tự đang bị giam ở nhà lao) là thầy Nguyên và chị Mỹ vào gặp quan tân bố chính Phan Trữ để xin cải táng các vị Tử Đạo. Tuy không công khai cho phép nhưng ông đã mở đường cho được “ăn trộm “xác của các Ngài.

ĐỨC CHA BORIE CAO
ĐỨC CHA BORIE CAO

Theo bản tường trình của thầy Thiềng ( còn lưu giữ ở văn khố Tòa thánh) thì vào một đêm tháng mười ta (âm lịch) năm 1839,cuộc trộm xác Đc Cao và cha Khoa đã được tiến hành với sự trợ giúp của ông trùm Matêo Phượng và giáo dân Sáo Bùn ở bên hữu ngạn sông Lệ Kỳ, cách pháp trường khoảng 1 km theo đường sông nước. Theo bản tường trình của thầy Thiềng thì ” khi mở xăng cố Cao ra thì không thối không thâm,trong xăng có nước đứng đến trên cổ chân… chân thừa ra ngoài xăng độ hơn một gang…”( với chiều cao “quá khổ ” đó lý do để giáo dân thân thương đặt cho Ngài tên VN là CAO).

Đêm đầu chỉ lấy được xác Đc Cao đem lưu giữ tại ngôi nhà ở chợ Đồng Hới, đêm sau mới trộm xác cha Khoa, cũng trong tình trạng thịt chưa bị phân hủy nên sáng hôm sau mới đưa lên thuyền của ông trùm Phượng ngược sông Kiên Giang hơn nửa ngày đường để đến nhà thầy Nguyên ở giáo xứ Mỹ Hương khu vực gần Chợ Chè, làng Thạch Xá, huyện Lệ Thủy. Tại nhà thầy Nguyên”…

ĐỨC CHA BORIE CAO
ĐỨC CHA BORIE CAO

Sau phải xẻ thịt ra mà lấy xương rồi mới lấy giấm và rượu đế rửa, đoan lấy giấy và vãi bọc hai đấng ấy và bỏ vào bồ đậy lại. Đoạn tôi đưa về Nghệ An, Thược Dược xã, Chân Lộc huyện, Kẻ Gốm thôn…”Petrus con mọn Thiềng ký. Sau khi xác 2 Ngài về với giáo phận. Cố chính Nghiêm cho làm lễ trọng thể. Sau đó xương cốt cha Khoa được đưa về xứ Thuận Nghĩa, quê quán của ngài. Xác ĐC Cao được chôn ở nền nhà thờ Kẻ Gốm,3 năm sau, xương cốt của Ngài được đưa về trụ sở Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (MEP). Xác linh mục Nguyễn Thời Điểm vẫn để lại hiện trường, vài năm sau mới đưa về Lũ Đăng rồi được an táng trong khuôn viên dòng MTG Hướng Phương cho đến hôm nay.

Về ông Anton Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự, sau thời gian giam hậu để thuyết phục xuất giáo không thành .Ngày 10.7.1840,hai ngài cũng bị hành hình ở pháp trường Đồng Hới. Sau đó được giáo dân Sáo Bùn đưa về gx Mỹ Hương. Xác thầy Tự tạm chôn ở đây đến ngày 20.8 mới cải táng đưa về Xã Đoài. Phần xác ông Quỳnh, sau khi lưu lại quê nhà Mỹ Hương 20 ngày để giáo dân kính viếng,thi hài ông được di dời an táng tại xứ Kim Sen bên tả ngạn sông Long Đại là đất tổ của gia tộc Nguyễn Hữu.

Thời bắt đạo của vua Tự Đức, ngày 26.5.1861 lại thêm 2 vị chứng nhân đức tin được phúc Tử Đạo cũng tại pháp trường Đồng Hới là linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và ông trùm xứ Sáo Bùn Matêo Nguyễn Văn Phượng, sau đó các Ngài cũng được an táng tại Đất Thánh gx Mỹ Hương. Cũng trong thời gian bắt đạo của vua Tự Đức, Đức cha Sohier Bình, giám mục gp Huế phải lẩn trốn ở Sen Bàng và Kẻ Hạc vùng rừng núi thuộc huyện Bố Trạch, QB.Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, không còn bị bắt đạo.

Trước khi về lại kinh đô, Đức cha Sohier đã cho cải táng cha Hoan và ông Phượng tại Mỹ Hương và ông Quỳnh tai Kim Sen để đưa xương cốt các Ngài vào giáo phận Huế. Tháng 6.1876, Đc Sohier trở lại thăm Sen Bàng và qua đời tại đây ngày 3.9.1876.Linh cữu Ngài được an táng trong nhà thờ tồn tại đến hôm nay.

Tất cả 7 Chứng nhân Đức tin được phúc Tử Đạo tại pháp trường Đồng Hới đều đã được Tôn phong Hiển Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Sau gần 4 thế kỷ hình thành và phát triển với tên gọi khác nhau là họ Đồng Hới, họ Lũy, Sáo Bùn rồi Tam Tòa qua nhiều vị trí trên Tp Đồng Hới. Trải qua bao lần bắt hại của vua quan triều Nguyễn cùng những cuộc tàn sát của Văn Thân. Giáo xứ, giáo hạt Tam Tòa đã bao lần phải tan nát, chia ly. Mà mỗi lần tan rồi hợp đều phải đổi bằng máu và nước mắt để hôm nay chúng ta được vinh dự có 7 vị Hiển Thánh cùng nhiều giáo dân Tử Đạo.

Thánh Phêrô VŨ ĐĂNG KHOA
Thánh Phêrô VŨ ĐĂNG KHOA

Tam Tòa dấu yêu ơi ! sau bao thập niên bị tan nát vì bom đạn cùng với sự bắt hại của thế gian, hôm nay, nhờ phép mầu của Chúa và Mẹ Nhơn lành cùng sự cầu bàu của các Thánh Tử Đạo giáo xứ, giáo hạt đã được hồi sinh, tái lập. Được biết cha sở đang cho tiến hành xây dựng Linh đài các Thánh Tử Đạo nơi nhà thờ mới. Biết đâu, ngôi nhà thờ khang trang với 2 ngọn tháp ngạo nghễ vươn cao giữa lòng Thành phố Đồng Hới sẽ là điểm tham quan, hành hương của của người Công giáo khắp mọi miền đất nước. Mong lắm thay !!!

Micae Dương Kính/Conggiao.vn

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang