Tắt Quảng Cáo [X]

Từ nỗi đau phá thai đến cuộc gặp gỡ Chúa của người mẫu và là diễn viên nổi tiếng Colombia

10:03 08/04/2022
hoc du

Amada Rosa Pérez là một người mẫu và diễn viên nổi tiếng Colombia, đã phá thai ba lần khi còn rất trẻ và bị tổn thương sâu sắc với những áp lực và cô đơn. Nhưng hiện nay, sau khi gặp được Chúa cô đã kết hôn, làm mẹ và hết mình bảo vệ sự sống và gia đình.

Cô Amada chắc chắn rằng vết thương lòng sâu sắc là điều mà mọi phụ nữ từng phá thai đều cảm thấy. Vì thế, trong những năm qua cô đã không ngừng phổ biến trải nghiệm đau đớn thực tế của mình, và loan truyền thông điệp đức tin và niềm hy vọng cho những ai gặp hoàn cảnh giống như cô.

Amada nói: “Tôi chưa bao giờ ủng hộ hành động phá thai. Tôi phá thai vì sợ hãi, vì bị áp lực của bạn trai, vì tôi tin vào những gì họ đã nói với tôi, và vì điều quan trọng nhất đó là giấc mơ thành công trong sự nghiệp”.

Cô khẳng định sau những năm đau khổ và tội lỗi, hiện nay cô có thể trở lại cuộc sống bình thường là nhờ vào lòng thương xót Chúa.

Ở tuổi 45, giờ đây Amada đã kết hôn, có một bé trai 5 tuổi và theo mọi người nhận xét còn đẹp hơn trước. Cô là người mẫu cho các nhãn hiệu nổi tiếng, diễn viên của một số vở kịch truyền hình và nhiều người mộ. Nhưng bây giờ cô đã bỏ lại tất cả thế giới đó sau lưng và nói một cách rõ ràng và trực tiếp: “Chúng ta có thể lớn để quan hệ trước hôn nhân, nhưng chưa trưởng thành để đảm nhận trách nhiệm làm mẹ. Mang thai là điều tự nhiên nhất nhưng nếu điều này xảy ra ngoài hôn nhân sẽ làm cho chúng ta lo lắng và sợ hãi”.

Người mẫu kêu gọi thúc đẩy văn hoá khiết tịnh, tôn trọng thân xác và sự chờ đợi, bởi vì tình yêu đích thực phải biết chờ đợi.

Amada là một trong những tiếng nói được lắng nghe mạnh mẽ ở Colombia kể từ khi phá thai được hợp pháp hoá cho đến tuần thứ 24 của thai kỳ. Từ đó, hoạt động của các nhóm bảo vệ sự sống và các sáng kiến hỗ trợ những phụ nữ đang cân nhắc phá thai đã gia tăng.

Về những gì được định nghĩa một cách sai lầm “tự nguyện chấm dứt thai kỳ”, như những người ủng hộ phá thai nói, người mẫu nổi tiếng khẳng định đây là những lời dối trá và lôi kéo: Nó không phải là một cái gì đó đơn giản là sự gián đoạn. Nếu tôi muốn có thai lại thì sao? Ai trả lại con cho tôi? Chúng ta đang sống trong một văn hoá chết chóc muốn tước bỏ giá trị tình mẫu tử và đang làm tổn hại tâm trí và con tim của các trẻ nữ và phụ nữ, những người nghĩ rằng họ sẽ được tự do nếu họ kết thúc cuộc đời những đứa con. Ngược lại, họ trở thành nô lệ!

Cô nói: “Chúng ta phải tự hỏi ai là người đứng sau những người phụ nữ này. Đàng sau một vụ phá thai có một trách nhiệm lớn từ phía những người đàn ông khiến phụ nữ tin rằng họ đang đấu tranh cho quyền lợi của họ, trái lại những gì họ làm là gây tổn hại đến sức khoẻ thế chất, tinh thần, tình cảm của người phụ nữ”.

Trong các bài phát biểu, các bài viết trên mạng xã hội và các cuộc phỏng vấn, cô Amada khẳng định, theo mọi khía cạnh phá thai là một bất công đối với phụ nữ. Cô cho đó là một hành động bạo lực nhất đối với bà mẹ và em bé chưa được chào đời. Phá thai cũng là nguyên nhân làm giảm giới nữ.

Liên quan đến các trường hợp phá thai do bị cưỡng hiếp, Amad đặt câu hỏi tại sao hình phạt tử hình lại chỉ áp dụng đối với đứa trẻ vô tội và không có khả năng tự vệ khi tội phạm duy nhất là kẻ hiếp dâm. Cô cho rằng không thể làm cho một bi kịch câm lặng bằng một bi kịch lớn hơn, bởi vì phá thai không phải là một giải pháp, trái lại đó là một hành động làm cho địa ngục trở nên khủng khiếp hơn.

Hậu quả đầu tiên là từ chối hình phạt. Tôi nói về chính cuộc đời mình để tạ ơn Thiên Chúa. Nhưng tôi biết nhiều phụ nữ tự nhận là đang đi theo đường lối Chúa nhưng không thể nói về việc phá thai bởi vì họ cảm thấy đau đớn và xấu hổ.

Ngoài ra còn có cảm giác tội lỗi đè nặng tâm hồn và sinh ra lo lắng, trầm cảm, cảm giác trống rỗng, ác mộng. Thực tế, nếu một người phụ nữ đã phá thai và tỏ ra thái độ bình thản thì đó chỉ là bên ngoài. Tôi đã trải nghiệm điều này: Sau những lần phá thai tôi vẫn có thể mỉm cười trước ống kính của máy quay, của các cuộc phỏng vấn, nhưng tâm hồn tôi bị xé nát.

Tôi đã từng có ý định tự tử, vì cho rằng tôi không xứng đáng được tiếp tục sống vì tôi đã giết chính con tôi. Tôi luôn bị dằn vặt đau khổ với những ký ức liên quan đến việc phá thai. Có lẽ một trong những hậu quả phổ biến nhất của hành động này là mất đi sự dịu dàng. Tâm hồn phụ nữ trở nên chai cứng hơn.

May mắn là tôi có một con đường để thoát ra, một niềm hy vọng. Sự chữa lành là điều có thể. Chính Chúa là Đấng đã chữa lành tôi. Giờ đây, Chúa cho phép tôi là người của công chúng, tôi có cơ hội để truyền tải thông điệp sự sống của Người. Tôi đơn giản chỉ là hạt cát trong sa mạc bao la. Tôi xin Chúa đừng rời xa tôi và tôi cầu xin sức mạnh để tôi có thể thi hành thánh ý Người.


Nguồn: Vatican News

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang