Tắt Quảng Cáo [X]

Tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội diễn ra như thế nào? Triển vọng dành cho Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

10:19 20/02/2022
hoc du

Trong bản tin hôm 12 tháng Hai, có nhan đề “Vietnamese Catholics want justice for martyred Fr Thanh”, nghĩa là “Người Công Giáo muốn thấy công lý cho linh mục tử đạo Thanh”, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã bắt đầu dùng từ “tử đạo” và cho biết nhiều người nhận định rằng “cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là một cuộc tử đạo”. Điều này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều hy vọng cho những người Công Giáo Việt Nam yêu mến vị linh mục anh hùng.

Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem tiến trình tuyên thánh của Giáo Hội như thế nào?

Quy trình chính thức để tuyên bố ai đó là thánh được gọi là tuyên thánh. Trước năm 1234, Giáo Hội không có một quy trình chính thức nào như vậy. Thông thường các vị tử đạo và những người được công nhận là thánh đã được Giáo Hội tuyên bố là thánh vào thời điểm các ngài qua đời. Trước khi Kitô giáo được Hoàng đế Constantine hợp pháp hóa vào năm 313, các ngôi mộ của các vị tử đạo, như Thánh Phêrô, đã được đánh dấu và lưu giữ làm nơi tôn kính. Ngày kỷ niệm cái chết của các ngài được ghi nhớ và ghi vào lịch của Giáo Hội địa phương. Sau khi Kitô Giáo được hợp pháp hóa, thông thường các vương cung thánh đường hoặc đền thờ được xây dựng trên những ngôi mộ này.

Thời gian trôi qua, Giáo Hội thấy cần phải thắt chặt thủ tục tuyên thánh. Vì thật không may, đôi khi có những nhân vật được tôn vinh như một vị thánh từ các truyền thuyết dân gian, nhưng hạnh tích của các vị ấy còn nhiều điểm hồ nghi. Chẳng hạn, Giáo Hội địa phương ở Thụy Điển đã tuyên thánh cho một tu sĩ nổi tiếng quảng đại, hay giúp đỡ người nghèo nhưng ngài lại hay say sưa chè chén và đã bị giết trong một cuộc ẩu đả vì say rượu – mà hầu như không có bằng chứng nào về sự tử đạo. Vì vậy, vào năm 1234, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã thiết lập các thủ tục để điều tra cuộc đời của một ứng viên tuyên thánh và mọi phép lạ nhờ lời cầu bầu của vị ấy. Năm 1588, Đức Giáo Hoàng Xíttô Đệ Ngũ (Sixtus V) giao cho Bộ Nghi lễ, sau này được đổi tên thành Bộ Tuyên thánh, giám sát toàn bộ quá trình. Bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tám vào năm 1634, nhiều vị Giáo Hoàng đã sửa đổi và cải tiến các tiêu chuẩn và thủ tục tuyên thánh.

Ngày nay, tiến trình này được tiến hành như sau: Khi một người đã khuất “nổi tiếng thánh thiện” hoặc “tử đạo”, thì Giám mục Giáo phận thường khởi động cuộc điều tra. Một yếu tố đặc biệt giúp đẩy nhanh tiến trình này là có phép lạ xảy ra nhờ sự chuyển cầu của vị ấy. Giáo Hội cũng sẽ điều tra các bài viết của ứng viên để xem liệu các bài viết ấy có hoàn toàn phù hợp với “đạo lý tinh tuyền”, nghĩa là về cơ bản, không có gì là dị giáo hoặc chống lại đức tin. Tất cả thông tin này được thu thập, và sau đó một bản sao chép trung thực, được xác thực và niêm phong một cách hợp lệ, được nộp cho Bộ Tuyên thánh.

Trong Thư Chung Tết Nhâm Dần Của Giáo Phận Kon Tum, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Bản Quyền cho biết Cha Thanh đã xung phong lên xây dựng Giáo họ Sa Loong thuộc giáo xứ Đăk Mót để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm, là một người anh em cùng Dòng. “Là một linh mục còn rất trẻ, Cha Giuse Thanh được biết đến là một con người ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành và dễ mến.” Như thế, nhận xét ban đầu của Đức Giám Mục giáo phận là rất thuận lợi. Nhìn tư trang của ngài, chúng ta cũng có thể thấy Cha Thanh đã sống một cuộc sống thanh bần của người môn đệ Chúa, hy sinh tất cả cho sứ mệnh truyền giáo.

Một khi nguyên nhân tuyên thánh được Giáo Hội chấp nhận, việc điều tra thêm sẽ được tiến hành. Nếu ứng viên được báo cáo là một người tử vì đạo, Thánh Bộ sẽ xác định xem người ấy có chết vì đức tin hay không và thực sự hiến dâng mạng sống của mình để hy sinh tình yêu cho Chúa Kitô và Giáo Hội.

Trong các trường hợp khác, Hội Thánh sẽ kiểm tra xem liệu ứng viên có được thúc đẩy bởi một lòng bác ái sâu sắc đối với người lân cận của mình, và thực hành các nhân đức một cách gương mẫu và anh hùng hay không. Trong suốt cuộc điều tra này, “Advocatus Diaboli”, “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, hay “Promotor Fidei”, “Người Quảng Bá Đức Tin”, kiểm tra nghiêm nhặt cuộc đời của ứng viên và những phép lạ được cho là do lời cầu bầu của người ấy. Gọi là “Người Ủng Hộ Ma Quỷ”, chữ nghĩa xem ra có vẻ táo tợn, nhưng nói lên công việc của người này là moi ra mọi thứ bất lợi cho ứng viên, tìm cách phát hiện ra mọi sai sót nào của ứng viên, hay bất cứ tì vết nào trong cuộc đời anh hùng của người ấy để phản đối hay nêu ra các vấn đề cần được giải quyết. Một khi một ứng cử viên được tuyên bố là đã sống cuộc đời với các nhân đức anh hùng, ứng viên có thể được tuyên bố là “Tôi tớ Chúa”.

Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh – “Sanctus”.

Bước tiếp theo sau khi được tuyên là Bậc Đáng Kính là tuyên Chân Phước. Một vị tử đạo có thể được tuyên Chân Phước và được tuyên bố là “Chân Phước” bởi chính sự tử đạo ấy. Nói cụ thể hơn, nếu chứng minh được Cha Giuse Trần Ngọc Thanh chết vì lòng thù hận đức tin thì không cần thêm một phép lạ. Tiến trình xét duyệt sẽ rất nhanh chóng. Cho đến nay các quan chức cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục cho rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Giả thuyết đó bác bỏ khả năng tuyên bố Cha Giuse Trần Ngọc Thanh là vị tử đạo, bị giết vì lòng thù hận đức tin. Cho nên, cần phải tìm ra sự thật đàng sau động cơ sát hại Cha Thanh của Nguyễn Văn Kiên. Chẳng hạn, vụ giết người này có thể nhằm mục đích ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên.

Nếu không phải chết vì tử đạo, ứng viên cho án tuyên Chân Phước phải có một phép lạ được công nhận. Tiến trình sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với trường hợp tử đạo. Khi xác minh phép lạ, Giáo Hội xem xét liệu Thiên Chúa có thực sự thực hiện một phép lạ hay không và phép lạ đó có phải là để đáp lại lời cầu bầu của vị ứng viên hay không. Phép lạ phải được Hội Đồng Y Khoa Tòa Thánh công nhận, trước khi chuyển cho Hội Đồng Hồng Y xem xét và cuối cùng Đức Thánh Cha phê chuẩn. Tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm là bình thường.

Sau khi được tuyên Chân Phước, vị Chân Phước có thể được tôn kính nhưng với giới hạn đối với một thành phố, giáo phận, khu vực hoặc một Dòng Tu. Đức Giáo Hoàng sẽ cho phép một lời cầu nguyện đặc biệt, Thánh lễ, hoặc một cử hành Phụng Vụ thích hợp để tôn vinh vị Chân Phước.

Sau khi được phong Chân Phước, một phép lạ khác là cần thiết để tuyên thánh và chính thức được tôn vinh và kêu cầu trong toàn thể Giáo Hội.


Conggiao.vn/ VietcatholicNews

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang