Trong tinh thần Hiệp Hành từ Đức Thánh Cha Phanxicô lan tỏa đến các Giáo hội địa phương, các vị chủ chăn sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của các thành phần Dân Chúa và mọi Kitô hữu đều được kêu mời có tiếng nói để góp phần xây dựng Giáo hội về nhiều mặt. Vì thế, lại một lần nữa chúng tôi, những người con cái Đức Mẹ La Vang,yêu mến lịch sử linh địa La Vang, gắn bó con tim với ngôi đền và tháp cổ La Vang, xin lên tiếng kêu cứu khẩn thiết.
Hồi tháng 5, 2022, trong một buỗi viếng linh địa La Vang, chúng tôi gặp một vị linh mục có thế giá và hỏi ngài về sự tồn tại của tháp cổ: trùng tu hay phá bỏ và được câu trả lời rằng chờ đến tháng 10 nầy sau khi Hôi đồng Giám mục Việt Nam họp xong mới biết. Lúc này, đọc biên bản kết thúc kỳ họp của HĐGM không thấy nói gì về tháp cổ, nhưng râm ran dư luận các linh mục ngoài Huế là sẽ tiến hành đập bỏ trong nay mai thôi. Các ngài thở dài với bao tiếc nuối.
Năm 2019, trên facebook Can le chúng tôi đã lên xin đừng phá bõ nhưng hãy trung tu. Ý kiến đó được nhiều người hưởng ứng mạnh mẽ. Giờ đây, xin quí vị nào yêu mến di tích ngôi đền La Vang , chứng tich đức tin hào hùng của cha ông để lại, hãy lên tiếng. Xin gởi ý kiến về Đức Tổng Giám mục Huế, Đức Tổng Giám mục chủ tịch HĐGM VN, Đức Cha chủ tịch Ủy Ban Nghệ thuật thánh. Vì chưng, linh địa La Vang không là của riêng ai nhung là của toàn Dân Thiên Chúa .
THÁP CỔ NHÀ THỜ LA VANG QUẢNG TRỊ-TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ: PHÁ BỎ HAY BẢO TỒN ?
Trong đồ án thiết kế kiến trúc Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu La Vang năm 2010, tháp cổ được liệt vào danh mục được bảo tồn như một chứng tích lịch sử, mang thông điệp lòng tin kiên cường của bao thế hệ tín hữu:
“ Ngôi tháp cổ còn giữ lại như một chứng tích của lòng kiên cường, trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao tàn phá của thời gian và chiến tranh, lòng tin vẫn bền vững, vẫn vươn lên cao cho dù còn mang những dấu vết đổ vỡ như chính Chúa Kitô đã phục sinh mà thương tích vẵn in dấu trên mình” ( xem tpps://thienanart.com.vn/feature item/ do-an-thiet-ke-trung-tam-hanh-huoung-đuc-me-la-vang/ )
Đàng khác, ngoài giá tri thiêng liêng, vị trí tháp cổ còn tạo nên một dấu nhấn trong quần thể kiến trúc của Trung Tâm La Vang. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, có những vị “ cấp côi “ muốn triệt hạ vì cho rằng tháp cổ mang tội che khuất tầm nhìn ngôi đền thờ mới hoành tráng và nghệ thuật. May thay ! Cho đến nay tháp vẫn còn đứng yên đó, có thể do có những ý kiến trái chiều từ nhiều chức sắc trong Giáo hội cho đến những tín hữu yêu mến Mẹ La Vang. Tuy thế, số phận tháp vẫn mong manh vì theo góc nhìn của “ người giữ đền” tháp đâu đẹp đẽ gì mà giữ cho cam, nghĩa là “án tử” vẫn còn đó. Do vậy, càng đến gần ngày khánh thành ngôi đền mới người ta càng lo cho sự tồn tại của tháp cổ.
Tại sao nên bảo tồn tháp cổ ? Và nguyện vọng của con cái Mẹ La Vang như thế nào ?
I. NHỮNG GÓC NHÌN TRÂN QUÝ THÁP CỔ
1. LM. ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG (+), nhà nghiên cứu văn hóa tôn giáo. Cha Thăng đau xót thốt lên khi nghe tin tháp cổ sẽ bị đập bỏ :
“Nay Trung Tâm La Vang xây dựng một công trình vĩ đại ‘đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’. Ai cũng mừng. Nhưng thông tin lọt ra ngoài là nhiều người ‘cấp côi’ đề nghị đập bỏ di tích còn sót của đền thánh La Vang cũ 1925, thấy rất bức xúc.
Tại sao đập bỏ, để làm gì? Vì nó che không thấy cái công trình kia. Sao khi thiết kế các vị không tránh nó trước. Nó nằm đó 90 năm chứ phải ở đâu mới tới. Khoảng cách giữa tháp và đền thánh mới cũng khá xa, đâu có gì trở ngại.
Vô lẽ phải phá bỏ một di tích lịch sử vô cùng quí hiếm chỉ vì cái công trình tốn kém trên hay sao? Sao cái trụ giữa quảng trường thánh Phêrô ở Rôma không dời đi với lý do che chắn vương cung thánh đường.
Xin van lạy các đấng các bậc, hãy để nó đứng đó, trơ gan cùng tuế nguyệt…
Nhiều người biết mà không dám la, tôi liều mạng la lên một tiếng và nếu trăm ngàn người cùng la, tiếng la vang dội đó may ra khiến ngọn tháp La Vang sẽ tiếp tục đứng vững như một di tích lịch sử quý giá của Giáo hội Việt Nam.”
2. ĐỨC KHÂM SỨ TÒA THÁNH LEOPOLDO GIRELLI :
“ Tháp cổ uy nghi là chứng tích của lịch sử đã được Đức Tổng Girelli sánh ví như ‘Tháp ngà báu vậy” và ngôi đền đang được xây như ‘ Đền Vàng vậy’ trong kinh cầu Đức Bà, qua lời chào biệt sau thánh lễ khai mạc Đại Hội La Vang năm 2017. Hôm đó, trước thánh lễ, trong lúc chuẩn bị mặc áo tại rạp che bên dưới tháp, mình đã nói với ngài về chuyện vẫn có tin tháp này sẽ bị đập phá, ngài lấy làm đau buồn và nói: đập phá thì quá dễ dàng, xây dựng mới khó, tôi đã nói rồi, “nếu tháp này nằm ở Roma thì không ai dám động đến một viên gạch”. Mình không ngờ cuối lễ, ngài đã nói: “Chúng ta đang đứng trước một cây tháp cổ và một ngôi đền thờ đang được xây dựng, tôi liên tưởng đến hai câu trong Kinh Cầu Đức Bà: Đức Bà như ‘tháp ngà báu vậy’, Đức Bà ‘như đền vàng vậy’. Tháp cổ là dấu tích của một quá khứ, của niềm tin, của ký ức; đền vàng là ngôi đền thờ mà anh chị em đang chung sức để xây dựng đây….” ( Lm. Agustino Nguyễn Văn Dụ)
3. ĐỨC ÔNG SIMON NGUYỄN VĂN LẬP ( RIP) và ĐỨC ÔNG JER.NGUYỄN NGỌC HÀM :
” Cách đây khá lâu, tôi ghé thăm Đức ông Lập ở Bình Triệu , chúng tôi cũng có bàn về vấn đề tháp nhà thờ La Vang. Ngài chuyên về lịch sử nên muốn bảo tồn tháp cũ, dù không còn hình tượng nữa.Tôi có xin ngài nên đưa ý kiến với Đức Tổng Thể, không biết ngài có nói không.
Ở Âu châu, người ta tìm mọi cách để giữ lại di tích lịch sử. Ngôi tháp cổ mang nhiều ý nghĩa . Tôi cho đây là một thông điệp rõ ràng về chiến tranh và chứng tích lịch sử của linh địa La Vang. Cầu xin không bi phá bỏ, xóa đi di tích lịch sử là điều không thể hiểu nổi. Tôi có hỏi cha Hiền ( lm. Quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang), ngài cho biết là nhiều vị có thế giá đều mạnh mẽ can ngăn đừng phá tháp. Ở Việt Nam, người ta thường phá đi để xây lại nên nhiều di sản quý không còn nữa. Linh địa 200 năm lịch sử mà chỉ đi xây cái mới thôi thì mất hầu hết ý nghĩa, dù nó rất hoành tráng”
( Không biết Đ.Ô. Simon có tác động thế nào, nhưng sau đó tháp được trùng tu, không còn thấy những chỗ loang lổ vết đạn xấu xí nữa)
II. GÓC NHÌN CỦA XÃ HỘI VỀ DI SẢN-DI TÍCH :
Những di tích lịch sử,những công trình kiến trúc cổ được coi là di sản, càng cổ càng quý. Nếu có ai đó ra tay phá hủy môt di tích thì búa rìu dư luận không tha thứ. Người ta bảo tồn, trùng tu, lưu giữ không phải vì nó đẹp, vì công năng nhưng trước hết là giá trị thiêng liêng, là di sản của tiền nhân, là chứng tích lịch sử, dấu chứng văn hóa . Chính những công trình cổ xưa tạo nên cái ‘ hồn’, bản sắc, biểu tượng của vùng miền , xứ sở.
Hãy nhìn xem cách xã hội trân quý di tích, di sản :
– THỪA THIÊN HUẾ : Ngày 16/4/2020 , cầu ngói Thanh Toàn 244 tuổi làng Thanh Thủy Chánh, thị xã Hương Thủy, được hạ giải để trùng tu với kinh phí 13 tỷ đồng .
Tại sao người ta không đập bỏ để xay cầu mới hiện đại hơn ?
– Thành cổ Quảng Trị sau chiến cuộc chiến năm 1972 đã tan thành bình địa. Về sau, người ta đã xây lại những cổng thành theo mô hình cũ.
Tại sao không dẹp sạch hết để có mặt bằng, không gian thông thoáng tiện lợi cho việc quy hoạch, kiến thiết thành phố mới ?
– Tại sao thành nhà Hồ tỉnh Thanh Hóa đã trải qua hơn 6 thế kỷ, chỉ tồn tại cái cổng thành mà người ta vẫn duy tu bảo tồn ?
– Tại sao người ta bỏ bao nhiêu công sức, trí tuệ để trùng tu những tháp Champa phế tích ở thánh địa Mỹ Sơn ?
– Tại sao ‘ Bức tường Than khóc ‘ ở Giêrusalem chỉ là bức tường , là dấu tích của ngôi đền thánh xưa mà người người tìm đến, có cả các Đức Giáo hoàng, các lãnh đạo quốc gia ?
– Tại sao phế tích Tháp Chàm ở thánh địa Mỹ sơn vẫn tiếp tục công việc trùng tu từ hàng chục năm nay ?
III. QUAN ĐIỂM CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VỀ DI SẢN- DI TÍCH :
Còn nhiều cái ‘ tại sao’ và có một câu trả lời rất chính xác từ một nhà nghiên cứu văn hóa, TS-KTS Nguyễn Hạnh Nguyên (Người Đô thị tháng 2/2020) :
“ Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia dù còn non trẻ hay già cỗi, đều luôn tôn trọng bản sắc của quốc gia mình. Sự trân trọng đó lý giải cho mọi hành động của họ: Bảo lưu văn hóa truyền thống, bảo tồn gia trị lich sử, lưu truyền một cách đấy đủ nhất, xác thực nhất những gì của cha ông họ cho thế hệ tương lai. Thậm chí khi chiến tranh hay thiên tai, hỏa hoạn xảy ra, những gì còn sót lại người ta vẫn tiếp tục giữ. Họ không giữ cho họ mà cho thê hệ mai sau. Đó cũng là trách nhiệm và đó cũng là niềm tự hào. Còn chúng ta, chúng ta nợ con cháu quá nhiều ! Những công trình đươc xây dựng từ thời kỳ đầu của một vùng đất, đã từng được cha ông dày công vun đắp, giữ gìn. Qua bao thiên tai nó đứng vững, qua bao bom đạn nó vẫn an toàn. Vậy mà nay nó bị phá đi chỉ vì ‘ nhu cầu thay đổi’.
Biết bao bài học về trùng tu, bảo tồn trên thế giới mà chúng ta đã biết: từng mãnh vụn di tích, phế tích còn được trân trọng giữ gìn…
Chúng ta phải quán triệt tinh thần: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất cứ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc.”
IV. NGUYỆN VỌNG CỦA DÂN CHÚA :
Người tín hữu yêu mến Mẹ La Vang luôn ước mong tháp cổ sớm được trùng tu, tôn tạo cho xứng tầm là chứng tích của một Vương cung Thánh đường cũ; ngay bây giờ, xin đừng để cây hoang cỏ dại mọc đâm chồi mọc rễ tứ phía trên tường tháp như là phế tích bỏ hoang. Đứng bên “ Bức tường Than khóc “ sầu buồn , dấu tích còn lại của Đền thánh Giêrusalem một thời huy hoàng lộng lẫy , người Do Thái luôn khát mong được chúc tụng Đức Giavê Thiên Chúa nơi đền thánh hoàn hảo; cũng thế dân Chúa nhiều nơi và đặc biệt giáo phận Huế ước mơ điều tốt đẹp nhất là thánh đường La Vang được tái thiết, có thể với kích thước thu nhỏ để làm nhà nguyện Thánh Thể. Nhưng trước hết là cầu xin điều tệ hại nhất sẽ không bao giờ xảy đến là vào một ngày nào đó phải đứng trên nền tháp mà thương tiếc, oán trách ai đó. Thật vậy,việc phá bỏ tháp sẽ gây thất vọng lớn lao nơi bao con cái Mẹ La Vang và không thể tránh khỏi điều chẳng ai muốn là niềm tin yêu đối với các đấng bề trên bị xói mòn trầm trọng.
Tháp cổ là công trình kiến trúc lâu đời nhất của linh địa La Vang còn lại, là ký ức của ngôi đền thờ tráng lệ gắn liền với lich sử lâu đời của La Vang , là biểu tượng của niềm tin, biểu tượng nối liền quá khứ-hiện tại. Biết bao bom đạn của một thời chiến tranh khốc liệt đã trút xuống mà tháp vẫn uy nghi, vững vàng như niềm tin sắt son, không lay chuyển của con cái Mẹ. Phá bỏ tháp là tự mình làm nghèo đi quần thể kiến trúc của La Vang. Chính chứng tích có tính biểu tượng nầy đang góp phần chính yếu tạo nên bản sắc và cái ‘hồn’ của thánh địa vậy. Những công trình kiến trúc khác trong đồ án cho dù hoành tráng cỡ nào cũng không thể thay thế giá trị lịch sử của tháp. Đàng khác, trong đồ án kiến trúc Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang mới đây không thấy có tháp chuông mà tháp cũng là một yếu tố tạo nên bản sắc của nhà thờ công giáo ở Việt Nam.
Dưới thời Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, tháp đã trải qua một lần trùng tu để vững chãi tồn tại, ngày ngày chào đón từng đoàn hành hương đang ngước mắt lên tháp còn nhiều thương tích với niềm thành kính mến thương. Và khách hành hương lưu luyến với Đất Mẹ không thể không dừng lại để ghi một vài tấm hình dưới tháp cổ.
Con cái Mẹ La Vang, đang khi nỗ lực xây dựng “ngôi đền vàng mới “, xin cũng hãy trân quý ‘ tháp ngà báu vậy ‘, và mỗi khi đã đặt chân đến Đất của Mẹ, xin hãy đến đặt tay lên tháp cổ linh thiêng và thì thầm khấn nguyện điều gì đó như những khách hành hương Giêrusalem khi đứng trước “ Bức tường Than khóc “.
Nguyện xin Mẹ La Vang nhìn đến những nguyện vọng thiết tha của con cái Mẹ.
Lượt xem: 6.461