Tắt Quảng Cáo [X]

Thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị đánh cắp

10:09 03/04/2023
hoc du

Với đa số khách du lịch hay hành hương thì quà lưu niệm mang về của họ thường là những chiếc áo thun hay những kỷ vật nhỏ, nhưng mới đây một vị khách viếng thăm Vương cung Thánh đường Cologne ở Đức đã lấy trộm đi một thứ có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần những món đồ kể trên. Một cá nhân vẫn chưa xác định được danh tính đã trộm khỏi Vương cung Thánh đường Cologne thánh tích của Đức Gioan Phaolô II vào ngày 5.6.2016.

Thánh tích này đã được đặt trong một khung kính được gắn vào chân đế bức tượng cao 40cm bằng đồng mạ bạc, khắc họa hình ảnh ĐTC Gioan Phaolô II đang cầm cây thánh giá đứng trước cửa Thánh đường Cologne, mô tả lại chuyến viếng thăm nước Đức của ngài vào năm 1980. Thánh tích bắt đầu được trưng bày ở Thánh đường này từ năm 2013 với mục đích tưởng nhớ chuyến viếng thăm của ĐTC. NBC News dẫn lời linh mục chánh xứ Gerd Bachner phát biểu trong một thông cáo nhằm kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm và yêu cầu kẻ trộm khẩn cấp hoàn trả thánh tích: “Mặc dù vật liệu chẳng đáng giá nhưng đó là sự mất mát lớn về mặt tinh thần”.
Sau vụ một người ám sát Đức Gioan Phaolô II không thành vào ngày 13.5.1981, Tòa Thánh đã lưu lại mẫu hiện vật lấy từ một phần chiếc áo thấm đẫm máu mà ngài đã mặc hôm đó. Nhà nguyện St. Pietro Della Lenca ở Ý là một trong những nơi trên thế giới lưu giữ thánh tích này của ĐGH Gioan Phaolô II. Ngôi nhà thờ nhỏ nằm trên dãy núi vắng vẻ gần thành phố L’Aquila, miền trung nước Ý, là một phần quan trọng trong cuộc đời Đức Gioan Phaolô II, nơi ngài thường hay lui tới cầu nguyện.

Sự cố không may ở Cologne không phải là lần đầu tiên mà những tên trộm đánh cắp thánh tích của ĐTC Gioan Phaolô II. Vài tên trộm đã đập vỡ cửa sổ và xâm nhập vào trong nhà nguyện St. Pietro Della Lenca vào năm 2014, lấy cắp đi hiện vật và một cây Thánh giá, dù đã bỏ lại hộp quyên góp tiền và những vật phẩm giá trị hơn. Thánh tích đã được tìm thấy trong một thùng rác gần đó không lâu sau khi bị đánh cắp. Khi ấy, Giám mục Phụ tá Giovanni D’Ercole của thành phố L’Aquila đã phát biểu với báo chí: “Tôi nghĩ ĐTC Gioan Phaolô II đã tha thứ cho họ. Và tôi nghĩ chúng ta cũng nên làm thế”, Catholic News Agency trích lời.

Giáo hội luôn lưu giữ những hiện vật còn sót lại của các vị thánh để thể hiện sự tôn kính với đời sống thánh hiến của họ. Đồng thời thánh tích giữ vai trò quan trọng trong truyền thống Công giáo, kinh nguyện qua các thế kỷ và nhiều người đã đi hành hương để kính viếng thánh tích. Giáo hội Công giáo phân loại những di vật của một vị thánh thành 3 cấp từ một đến ba. Những phần thân thể như máu, xương hay thậm chí tro đều được xếp vào cấp cao nhất. Tiếp theo là những mảnh trang phục được mặc bởi vị thánh này như là những bộ Lễ Phục được xem là cấp hai và những vật sở hữu cá nhân được xếp vào cấp 3.

ĐTC Gioan Phaolô II sinh ra ở Wadowice, Ba Lan vào năm 1920 và năm 1978 ngài trở thành Giáo hoàng đầu tiên không phải là người gốc Ý trong suốt hơn 400 năm. Ngài đã dẫn dắt Giáo hội Công giáo cho đến khi qua đời vào năm 2005, để lại một di sản to lớn với những đấu tranh vì quyền con người. Ngài được phong chân phước ngày 1.5.2011 và được tôn phong hiển thánh vào ngày 27.4.2014. Sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, đã có hàng trăm ngàn di vật được xếp hạng 2 của ngài được Vatican công bố. Những di vật được xếp hạng nhất như những vệt máu khô dính trên trang phục được trưng bày ở Thánh đường Cologne rất hiếm.


Nguồn: CGvDT

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang