Ấn Độ đã cắt nguồn tài trợ nước ngoài đối với một tổ chức từ thiện do Mẹ Thánh Têrêsa thành lập, một quyết định được các nhà phê bình cho là bằng chứng về việc sách nhiễu các Kitô hữu dưới chính quyền dân tộc chủ nghĩa Hindu.
Hội Thừa sai Bác ái (MC) được thành lập vào năm 1950 bởi Mẹ Têrêsa, một Nữ tu Công giáo đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để giúp đỡ người nghèo ở thành phố Kolkata, miền Đông nước này. Mẹ Têrêsa đã giành giải Nobel Hòa bình và sau đó đã được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh.
“Chúng tôi đã được thông báo rằng đơn xin gia hạn FCRA (Đạo luật Quy định Đóng góp Nước ngoài) của chúng tôi chưa được chấp thuận. Do đó, như một biện pháp nhằm đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào, chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm của chúng tôi không quản lý bất kỳ tài khoản đóng góp nước ngoài nào cho đến khi vấn đề được giải quyết”, Nữ tu Prema, Bề trên Hội Thừa sai Bác ái, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 27 tháng 12.
Tại Ấn Độ, giấy phép theo FCRA là bắt buộc để nhận các khoản đóng góp từ nước ngoài và Hội Thừa sai Bác ái phần lớn phụ thuộc vào các khoản đóng góp từ nước ngoài để thực hiện các công việc từ thiện bác ái của mình.
Hội Thừa sai Bác ái điều hành các ngôi nhà tạm trú trên khắp Ấn Độ. Theo nhật báo Hindu, Hội dòng đã nhận được khoảng 750 triệu đô la từ nước ngoài trong năm tài chính 2020-2021.
Giải thích của Hội Thừa sai Bác ái được đưa ra sau khi truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng chính phủ liên bang đã phong tỏa các tài khoản quỹ nước ngoài của Hội dòng và tìm kiếm sự giúp đỡ để duy trì hàng nghìn cư dân sống trong các trại trẻ mồ côi và các mái ấm khác nhau trên khắp Ấn Độ.
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết vào ngày 25 tháng 12 – Ngày Giáng sinh – việc gia hạn giấy phép nhận tài trợ từ nước ngoài của tổ chức từ thiện đã bị “từ chối”.
Tuyên bố được đưa ra vào ngày 27 tháng 12 cho biết lý do là “không đáp ứng các điều kiện thích hợp” theo FCRA sau khi “các khoản tiền đóng góp có tính thù địch được nhận thấy”, mà không cho biết thêm chi tiết.
“Các Nữ tu Hội Thừa sai Bác ái chăm sóc cho hàng ngàn người Ấn Độ bị từ chối mà không tính đến chi phí. Nói một cách dễ hiểu, việc ngăn chặn dòng tiền dành cho họ đồng nghĩa với việc tước đoạt của những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Ấn Độ – những người mà không ai chăm sóc”, một nhà hoạt động quyền của Dòng Tên, Cha Cedric Prakash cho biết.
Động thái của chính phủ phủ nhận “nhu cầu cơ bản của con người là nơi ở và thức ăn của những người nghèo khổ – chưa kể đến sự đón nhận, sự ấm áp và tình yêu thương mà họ rất cần cũng như những gì mà quý Sơ và quý Thầy dành cho họ một cách vô cớ”, Cha Prakash nói.
Cha Prakash mong muốn chính phủ “tái xem xét quyết định tồi tệ này và đồng thời khôi phục lại tên tuổi và công việc tốt lành của các Nữ tu Hội Thừa sai Bác ái”.
“Nếu có bất kỳ sự mập mờ hoặc thiếu sót nào, các Nữ tu Hội Thừa sai Bác ái phải được giúp đỡ để giải quyết; và trên hết, để đảm bảo rằng những người được chăm sóc trong các cơ sở của Hội Thừa sai Bác ái không bị tước đoạt sự hỗ trợ nhân đạo cơ bản này”, Cha Prakash cho biết thêm.
Cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng giáo phận Calcutta, cho biết rằng thông báo này là “một món quà Giáng sinh độc ác dành cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo”.
“Bên cạnh hơn 22.000 người phụ thuộc trực tiếp và những người thụ hưởng tại các trung tâm của họ trên khắp đất nước, quý Sơ và quý Thầy Hội Thừa sai Bác ái còn tiếp cận để nâng đỡ hàng ngàn người và thường là những người bạn duy nhất của những người bị phong cùi và bị xã hội ruồng bỏ”, Cha Gomes nói.
Tin tức được đưa ra hai tuần lễ sau khi cảnh sát ở Gujarat, tiểu bang quê hương của Thủ tướng Narendra Modi, bắt đầu điều tra tổ chức từ thiện này vì cáo buộc “cưỡng bức cải đạo” các tín đồ Hindu sang Kitô giáo – một cáo buộc thường xuyên bởi các thành viên theo đường lối cứng rắn theo tôn giáo đa số của Ấn Độ.
Các nhà hoạt động cho biết rằng các nhóm thiểu số tôn giáo ở Ấn Độ đã phải đối mặt với mức độ phân biệt đối xử và bạo lực gia tăng kể từ khi Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc theo chủ nghĩa Hindu (BJP) của Thủ tướng Modi lên nắm quyền vào năm 2014.
Vào năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2004, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã liệt Ấn Độ vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.
Chính phủ của Thủ tướng Modi bác bỏ việc theo đuổi một chương trình nghị sự cấp tiến “Hindutva” (quyền bá chủ của Ấn Độ giáo) và đồng thời khẳng định mọi người thuộc mọi tôn giáo đều có quyền bình đẳng.
Chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây cũng đã gia tăng áp lực đối với các tổ chức phi chính phủ tiếp nhận tài trợ nước ngoài, bao gồm cả các nhóm nhân quyền.
Hội Thừa sai Bác ái cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã chỉ thị cho các trung tâm của mình không được sử dụng bất kỳ tài khoản ngoại tệ nào “cho đến khi vấn đề được giải quyết”.
Tuy nhiên, Hội dòng đã từ chối các báo cáo rằng các tài khoản ngân hàng của họ đã bị đóng băng.
Đức Thiện / Conggiao.vn
Lượt xem: 5.246