Tắt Quảng Cáo [X]

Nhà thờ giáo xứ Tích Thiện, GP.Phú Cường

07:52 11/09/2023
hoc du
NHÀ THỜ GIÁO XỨ TÍCH THIỆN-GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
Địa chỉ: Xã Lộc Điền, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước.
Năm thành lập: 1958
Bổn Mạng: Mẹ Lên Trời (15/8)
Số giáo dân: 350
Từ tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Tích Thiện thuộc Dinh Điền – quận Lộc Ninh, tỉnh Bình Long.

Đầu năm 1958, theo chủ trương di dân lập ấp, ông Ngô Đình Diệm đã đưa dân từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 221 gia đình, 1162 nhân khẩu, lập khu Dinh Điền Tích Thiện, đây là lớp cư dân Việt lớn nhất đến lập nghiệp ở Dinh Điền. Trong đó có một số gia đình thuộc Giáo họ Nguyên Cát – Quảng Bình, giáo phận Vinh, và Giáo xứ Sao Cát – Lăng cô, giáo phận Huế, gồm khoảng 24 gia đình và 72 giáo dân. Theo chương trình di dân- định cư, họ lập nên Dinh Điền Tích Thiện. Về sau, có thêm nhiều người dân từ nhiều nơi khác về sinh sống, nâng số gia đình công giáo lên 42, số giáo dân là 152 .

Vào thời gian này, cha Antoine Vitte, thuộc Hội Thừa sai MEP, đã về tiếp nhận cộng đoàn, và đặt tên là Tích Thiện, thuộc giáo phận Sai Gòn, giáo xứ chính thức được khai sinh từ đây.

Ngôi nhà thờ đầu tiên bằng gỗ, lợp tôn, được cha Antôn và giáo dân chung tay xây dựng làm nơi thờ phượng, đã đưa vào sử dụng cho nhu cầu mục vụ vào dịp lễ 15/ 08/ 1958, với tước hiệu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng của họ đạo Tích Thiện. Đây cũng là nơi quy tụ bà con giáo dân ngày ngày đến kinh nguyện, là biểu tượng niềm tin của bà con công giáo nơi xứ lạ đất khách. Hàng tuần vào ngày Chúa Nhật và thứ Tư, bà con giáo dân được hun đúc niềm tin, được nghe giảng dạy về tình thương yêu đoàn kết, cùng nhau sum họp thờ phượng Thiên Chúa, được an ủi, sẻ chia khó nhọc trong những ngày đầu nơi rừng sâu hiu quạnh này. Người dẫn cũng đã cộng tác xây dựng cơ sở kinh tài cho giáo xứ, với 7 mẫu cao su – thành quả của bao công sức, nhờ đó cộng đoàn có thêm điều kiện hoạt động tôn giáo và bác ái.

Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn, thì nỗi đau ập đến, ngôi nhà thờ thân yêu nhỏ bé đã bị đốt cháy vào một đêm hè 1959, thế là một lần nữa sự hoang mang, trống vắng lại đè nặng lên tinh thần sống đạo của bà con giáo dân, giữa những lúc khó khăn cả về kinh tế lẫn sức khỏe, trong những ngày đầu tiên định cư, lập nghiệp nơi đây.

Tuy nhiên, với tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa và Mẹ Maria, cha Antôn và cộng đoàn dân Chúa Tích Thiện, qua sự dẫn dắt của cụ trùm Micae Trần Văn Trong, quyết tâm cùng nhau đóng góp công sức xây dựng lại ngôi nhà thờ mới, bằng tường xây mái lợp ngói, kiên cố hơn, rộng rãi hơn. Được Đức cố Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền làm phép khánh thành vào dịp lễ bổn mạng họ đạo Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 15/ 08/ 1961. Cũng trong biến cố trọng đại này, cộng đoàn họ đạo Tích Thiện hân hoan tiếp nhận thêm 142 tân tòng, đa số là người thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, và cũng trong dịp lễ này, lần đầu tiên con em trong họ đạo được lãnh nhận Bí tích Thêm sức.

Đến năm 1964, nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã đến giúp xứ, mở các lớp học dạy chữ cho các em học sinh, đến năm 1972 vì chiến tranh nên nhà dòng đã đưa các Dì về lại nhà Mẹ.

Vào năm 1970, cha Antoine Vitte được chính thức bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ Tích Thiện, cũng từ đó, họ đạo Tích Thiện được nâng lên hàng giáo xứ, sinh hoạt giáo xứ ngày càng phát triển với sự hiện diện, chăm sóc ân cần của cha Antoine. Trong sứ mạng truyền giáo, đặc biệt cho anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số, ngài đã dẫn dắt, đưa về đàn chiên Tích Thiện ngày càng thêm đông số người tin yêu Chúa. Cha xứ tiên khởi đã là một tấm gương sáng về tình yêu phục vụ, khi ngài tận tụy lo cho dân cả về tinh thần lẫn vật chất, cả về học hành, làm ăn, bệnh tật yếu đau, trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc. Ngài giao hảo tốt đẹp với anh em lương dân, với anh em cách mạng, nhất là ngài đã âm thầm đặt nền tảng cho việc truyền bá văn minh và tôn giáo cho người sắc tộc Stiêng – Khmer.

Ngày 7/4/1972, vùng Lộc Ninh được giải phóng, Cha Vitte bị tạm giữ và trở về Pháp. Từ đó, Tích Thiện vắng bóng chủ chăn.

Dù muôn vàn khó khăn, giáo dân vẫn âm thầm vừa sống đạo, vừa ngày ngày lo làm ăn kinh tế. Được sự sắp đặt, quan phòng của Chúa, cụ trùm Phêrô Nguyễn Ngọc Lượng được cử làm cột trụ của cộng đoàn, sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ chỉ còn lưu tồn được mỗi tuần một lần vào sáng Chúa Nhật. Giáo dân tập trung về nhà thờ, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa .Việc Rửa tội, Rước lễ, Hôn phối, Giáo lý,… vẫn cố gắng duy trì nhờ có thừa tác viên và vài tu sĩ ẩn dật.

Cho đến biến Cố 30/4/1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bà con giáo dân kẻ xa người gần lần lượt trở về với vùng đất thân thương này, sinh hoạt tôn giáo vẫn bình thường mặc dù không có linh mục.

Đến năm 1978, được sự đồng ý của chính quyền các cấp, qua sự phân công của tòa giám mục Phú Cường, giáo xứ được các linh mục luân phiên về dâng Thánh lễ mỗi năm hai lần (Giáng sinh và Phục sinh), thu hút rất nhiều người dân cả vùng Lộc Ninh, đang quá khao khát lãnh nhận các bí tích.

Lần lượt các linh mục đến phục vụ giáo xứ: Cha Giuse Nguyễn Văn Cung, Cha Stêphanô Nguyễn Văn Ri, Cha Phêrô Lê văn Ngọc, Cha Giuse Quang Minh Tuấn, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ (1985), Cha Phêrô Trương Huy Hoàng, Cha Phaolô Lê Vinh Đởm.

Thời gian dần trôi đến năm 1990, chính quyền địa phương chính thức trao trả lại khuôn viên nhà xứ rộng 18.000m2 và 5 ha cao su của nhà thờ do cha Antoine Vitte dày công xây dựng. Đây là một niềm vui lớn lao của cộng đoàn, sau bao tháng ngày cầu nguyện và hy vọng.

Đất lành chim đậu, từ sau ngày đất nước thống nhất, giáo dân các nơi, cùng với bà con trong giáo xứ đã lần lượt quy tụ về đây lập nghiệp. Người đông, nhà thờ chật, được sự đồng tình của tòan thể giáo dân, năm 1992 giáo xứ tiến hành xây dựng thêm hai cánh gà, bổ túc cung thánh, nhà thờ đã rộng hơn 400m2. Công trình được linh mục quản nhiệm Phaolô Lê Vinh Đởm phụ trách, với nguồn kinh phí từ thanh lý cây cao su già, và sự hỗ trợ quý báu của cha Antôn trong dịp đầu tiên ngài trở lại thăm giáo xứ từ Indonesia. Vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08/1992, giáo xứ được Đức cố Giám mục Lui Hà Kim Danh về dâng thánh lễ tạ ơn và làm phép bàn thờ.

Giáo xứ Tích Thiện đã hồi sinh vào năm 1995, khi cha Tôma Nguyễn toàn Quyền, được cử về làm chánh xứ. Nhiều người tụ hội về, niềm vui lan toả khắp nơi. Các hoạt động tôn giáo, các đoàn thể, được tái lập. Rất nhiều người trở về với Chúa. Số giáo dân tăng lên trên 3000. Việc truyền giáo, từ thiện bác ái, được đẩy mạnh, thật đông anh chị em người Khmer và Stiêng đã được biết Chúa. Nhiều đợt Rửa tội đã được tổ chức, do cha giám quản Micae Lê văn Khâm chủ sự, với gần 800 nhân khẩu…

Đến cuối năm 1998, Cha Laurensô Trương văn Luyện kế tục. Bên cạnh việc gia cố ngôi đền thờ tâm hồn, một nhà sinh hoạt bề thế 800m2 được xây dựng, dùng làm nhà xứ và là nơi hội họp – giáo lý, đây cũng là công trình lớn của giáo xứ, quy tụ tâm sức rất nhiều người. Cha Laurensô cũng đã chỉnh trang khuôn viên Thánh đường, xây hàng rào, dựng các tượng thánh lớn, đúc chuông… Mọi sinh hoạt tiếp tục vào nề nếp.

Đến ngày 3/10/2004, linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Khánh và linh mục Phêrô Phan Văn Toàn, được Đức Cha giáo phận cử về phục vụ. Một bước đường phát triển mới đang mở ra cho giáo xứ, trong sự an bài của Thiên Chúa.

Cũng trong năm 2004, cộng đoàn Nữ Lasan đã đến sống thử nghiệm và lo công việc mục vụ tại giáo xứ Tích Thiện. Đến ngày 20/03/2011, cộng đoàn Lasan Lộc Thái chính thức được thành lập. Sau này, vào ngày 15/10/2014, hội dòng thành lập thêm cộng đoàn Nữ Lasan Lộc Điền, ở sát nhà thờ, để tiếp tục tăng cường công cuộc giáo dục và bác ái. Đến ngày 27/03/2009, cộng đoàn Nữ tu dòng Thánh Phaolô Saigon đã đến giáo xứ Tích Thiện, để cùng cộng tác với cha Chánh xứ, Hội đồng giáo xứ trong công việc mục vụ tông đồ và truyền giáo. Cộng đoàn này đã được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ phễ chuẩn, và sống với giáo xứ trên phần đất “nhà cha Vitte” ngày xưa.

Ngày 15/06/2006, sau bao năm chuẩn bị, trước nhu cần bức thiết của sự phát triển, giáo xứ đã quyết định xây mới ngôi nhà thờ thứ ba trong lịch sử. Với sự chứng giám của cha Tiên khởi Antonie Vitte, Đức cha Pherô Trần đình Tử đã đặt viên đá đầu tiên khởi công. Qua 3 năm bao công khó và mồ hôi, hy sinh và nước mắt, đến ngày 09/12/2009, ngôi nhà thờ mới, cũng với tước hiệu Mẹ Lên Trời, đã được Đức cha cung hiến khánh thành. Nhà thờ có mặt tiền kiểu văn hóa Á đông theo ý cha Vitte, dài 50 mét, rộng 23 mét, gấp 3 lần nhà thờ cũ, sức chứa 1000 người, đủ đáp ứng nhu cầu tôn giáo trong vùng. Một chặng đường mới đang mở ra cho sự ổn định và thăng tiến của giáo xứ.

Đến ngày 17 tháng 10 năm 2016, Cha Phê rô Trương Huy Hoàng được đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, giám mục giáo phận bổ nhiệm làm Chánh xứ Tích Thiện.

TÍCH THIỆN HÔM NAY

Giáo xứ Tích Thiện gồm 3 xã Lộc Điền, Lộc Thuận, Lộc Khánh, và một phần xã Lộc Thái. Cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 10km về phía Nam. Là một giáo xứ truyền giáo thuộc giáo phận Phú Cường, giáo hạt Bình Long, nằm trên địa bàn vùng rừng núi Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cách Toà Giám mục 110 km, cách biên giới Campuchia 15km.

Vùng đất này có một số đồng bào dân tộc ít người như Stiêng, Khmer, M′ Nông sinh sống. Họ sống tập trung thành Sóc, dọc theo các con suối .

Hiện nay giáo xứ có khoảng 700 gia đình, với khoảng 2700 nhân khẩu; 14 giáo khu. Cùng sinh họat với giáo xứ còn có 150 hộ người dân tộc Khmer và Stiêng với 600 giáo dân.

(Bài viết trích từ kỷ yếu giáo phận Phú Cường)
________________________

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang