Tắt Quảng Cáo [X]

Người tân tòng Gia Rai vượt 130km mang Mình Thánh Chúa cho giáo dân

11:26 24/06/2022

“Có lẽ, những năm tháng ấy đối với tôi không thể nào quên được. Hành trình vượt rừng, băng suối để mang Mình Thánh Chúa cho bà con là thử thách đồng thời là cơ hội để hun đúc đức tin. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, như một ơn riêng, Chúa chọn mình là người có thể đại diện, phục vụ cho anh chị em thì mình cứ làm”, ông Ma Ðung, 50 tuổi, giáo dân buôn Luca (giáo họ Ea Le, giáo phận Ban Mê Thuột) bồi hồi chia sẻ.

Những ngày tháng mà ông Ma Đung nói trong câu chuyện không gần cũng chưa xa, trên dưới hai mươi năm. Thời gian đi qua để đức tin ông bền đỗ và ông trở nên như muối men cho đời, chí ít làm vực dậy cộng đồng đang sinh sống, phát triển đời sống đạo của bà con.

Giáo dân buôn Luca từ chỉ vài mươi hộ ban đầu, bây giờ đã lớn lên rõ nét, con số hộ gia đình vượt hơn 130 và 630 nhân khẩu. “Như vậy là gấp đôi. Trong việc phụng vụ và các sinh hoạt đạo đức chung, ở đây tuy nghèo nhưng rất nhiệt tình”, với tư cách Trưởng Ban hành giáo, ông Ma Đung đầy vẻ tự hào khi nói về anh chị em mình.

Nhà nguyện giáo họ đơn sơ chào đón chúng tôi vào một buổi chiều đầu hè, nắng oi ả. Căn nhà lợp và dựng ba bên bằng tôn, thành ra khá nóng bức. Một số bà con đang cặm cụi đóng thêm bàn ghế để dùng cho sinh hoạt, dự lễ. Một người trong nhóm cho biết, giáo buôn vẫn đang tìm thêm nguồn hỗ trợ của các xứ khác, bất kể thứ gì miễn là dùng được: bàn ghế để thiếu nhi học giáo lý, cái đèn, sách kinh, sách hát…

Bởi lẽ, cái khổ lớn là ngày lễ, khi quy tụ đông đủ thì thiếu chỗ ngồi, muốn tổ chức cái gì lớn hơn cũng khó. Nhìn quanh một lượt, có thể thấy điều kiện vật chất của giáo buôn còn thiếu thốn nhiều. Trên bàn thờ, chỉ có thánh giá. Phía hai bên cung thánh, cộng đoàn ghi lời nguyện bằng cả tiếng Kinh và tiếng bản địa. Các vật dụng thánh, áo lễ, nến, sách kinh được đựng trong một tủ kính cũ kỹ.

Khoảng sân chưa lát gạch, chỉ tráng lớp xi măng cho đỡ lem luốc. Gọi là nhà nguyện nhưng thực tế được dựng lên từ phần đất của giáo dân, cộng đoàn che thêm. Chủ đất là thành viên ca đoàn. Vì thế, khi trông nhà mình, gia chủ cũng để tâm đến nhà chung mà dọn dẹp cho tươm tất.

“Mọi người sống xung quanh đây cả. Trong buôn và rải rác. Đa số làm rẫy. Ban ngày, mọi người đi làm. Chiều, cuối tuần tới dự lễ rồi sinh hoạt. Căn nhà nguyện này là nơi chốn thiêng liêng, ấm áp để bà con cùng gặp gỡ, gắn kết với nhau”, ông Ma Đung bắt đầu thuật về nhịp sống đạo của giáo buôn và câu chuyện đức tin của mình.

“Mới đây, trong cuộc bầu cử Ban Hành giáo, tôi được dân làng tín nhiệm lại với mức khá cao, bầu làm trưởng ban”, ông cười. Trên đôi mắt lóe lên ánh vui tươi. Ông là một trong những người đầu tiên gầy dựng giáo buôn, miệt mài đóng góp để đời sống đạo bà con được duy trì. Nhớ về quá khứ, ông trải lòng: “Tôi đi đạo từ năm 1997. Thời ấy còn quá trẻ. Biết Chúa qua mấy người anh em khác cùng làm chung. Lúc đó, giáo buôn này chưa lập, chưa có nhà nguyện. Mấy anh em muốn đi lễ, học giáo lý phải đi qua tận Gia Lai, con đường cách hơn 130 cây số. Ấy vậy mà ròng rã ba năm, tôi tới lui học giáo lý. Đi xa có mệt mà có vui, do chúng tôi thường đi nhóm 8 – 10 người, đạp xe theo con đường mòn trong rừng. Và rồi, nhóm được cha Giuse Trần Sĩ Tín rửa tội. Còn nhớ ngày rửa tội, để đỡ nhọc công cho anh em, cha Tín phân chia mỗi bên đi nửa đoạn đường, lấy suối Ea Khanh làm điểm gặp gỡ. Cả hai bên phải nghỉ chân một đêm trong rừng. Bức ảnh chụp chung với mấy chục anh em, tới nay vẫn còn giữ”.

Cộng đoàn Gia Rai thuở đó vì điều kiện làm ăn xa xôi, không thể thường xuyên đến nhà thờ. Thế nên, phải có người hy sinh băng rừng vào các ngày lễ để rước Mình Thánh Chúa. Với sức trẻ và tất cả lòng mến yêu, ông nhận trách nhiệm đem Mình Thánh về cho những tín hữu tân tòng.

Chúng tôi thắc mắc về những khó khăn trên con đường rừng, kỷ niệm và động lực, nhờ đâu ông có thể kiên trì như vậy. Ông ôn tồn: “Kỷ niệm thì có nhiều. Còn khó khăn, đi xa, nếu ai không quen sẽ thấm mệt, nhưng đi hoài thành quen. Lúc mệt thì dừng chân, nghỉ ngơi, ăn thức ăn đã mang theo chứ không dám vào quán.

Vì chuyến về, khi cất giữ Mình Thánh trong người, phải về một mạch, sốt sắng. Đi đường rừng mát mẻ. Động lực cho những năm tháng đó chắc là lòng sùng kính Chúa và việc nhìn thấy lòng tin của anh em buôn làng mình”. Bảy năm, ông Ma Đung vượt những cánh rừng để mang Mình Thánh.

Ông cảm nghiệm, Chúa thử thách sự kiên trì, đức tin của mình. Có lúc đối mặt với mưa gió, hiểm nguy nhưng bằng niềm tin, người tân tòng vững bước.

Năm 2007, khi giáo buôn có linh mục quản nhiệm, ông thôi công việc này, bắt đầu cùng với bà con xây dựng cộng đoàn trong hoàn cảnh mới.

Theo linh mục GB Nguyễn Văn Thiện, phụ trách giáo họ Ea Lê hiện tại, cha luôn an tâm khi tổ chức sinh hoạt tại giáo buôn vì ý thức, sự hăng hái của bà con, đặc biệt là ông Ma Đung, Trưởng Ban hành giáo: “Có thể nói cuộc sống giáo buôn Luca, nhóm tín hữu Gia Rai còn nhiều khó khăn. Vùng này, nói chung kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, giáo dân liên kết chặt chẽ với nhau và tích cực. Ông Ma Đung như cổ thụ trong tập thể vì sự am tường, sâu sắc, hiểu biết đời sống cộng đoàn. Ông nhiệt tình lắm!”.

Dầu vậy, ông Ma Đung, khi nói về sự phục vụ, chỉ khiêm tốn. Ông xác quyết giáo buôn chính là cuộc sống và “phục vụ cho mọi người là niềm vui của mình”. Trong các sinh hoạt chung và việc phụng vụ, ông luôn giàu nhiệt huyết. Dẫn chúng tôi tham quan nhà nguyện, ông không quên chia sẻ những bức ảnh sinh hoạt của giáo dân: thiếu nhi dâng hoa trong Tháng Đức Mẹ với trang phục truyền thống thật đặc sắc; hang đá Noel đậm chất Tây Nguyên.

Trong các bức hình, cảnh các em nhỏ và người lớn cùng chen chân trong không gian nhỏ hẹp, bàn ghế thô sơ khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, thầm ngưỡng mộ sự sùng kính của bà con buôn làng. Chia sẻ về nét riêng trong phụng vụ, ông Ma Đung mở sách kinh và sách hát bằng tiếng Gia Rai, giở vài trang, đọc song ngữ cho cả nhóm nghe. Ông nghiêm trang, cung kính.

Chúng tôi rời khỏi giáo buôn Luca, rất ấn tượng hình ảnh người tín hữu nhiệt thành, 7 năm ròng rã xuyên rừng, giúp vun vén đức tin cho bà con. Sự chân thật, cởi mở, lòng khiêm nhường của ông khi chia sẻ càng làm khách thêm yêu mến.

Trong cuộc sống đời thường, người đàn ông 50 tuổi, với 7 con, đứa con nhỏ nhất chỉ vừa xong lớp Một, sống giữa vùng giáp biên giới cằn cỗi, có thể vẫn còn nhiều gian khó trước mắt, nhưng tin chắc rằng, ngọn lửa tin yêu trong ông luôn cháy bừng.

Chính ngọn lửa ấy sẽ là sức mạnh để vượt qua bao sóng gió!

Bạn có thể quan tâm

Bị ung thư, cô gái trẻ gắng hết sức lực để làm đám cưới trước khi qua đời

Cô Heather Mosher bị ung thư vú nặng, trong một sức bật cuối cùng, cô tìm hết sức lực để lấy người mình yêu và đã tắt thở mười tám giờ sau đó. Hôn lễ cử hành vài ngày trước ngày lễ Giáng Sinh ở nhà nguyện của bệnh viện Phanxicô thành phố Hartford (tiểu bang Connecticut), nước Mỹ.

lên đầu trang