Tắt Quảng Cáo [X]

Người ngoại kể chuyện: Người Công giáo lần Chuỗi Mân Côi

01:00 16/10/2023
hoc du

Trên một chuyến xe từ Phan Thiết đến Sài Gòn, tôi thường hay có thói quen lần chuỗi Mân Côi mỗi khi đi dường dài. Xe vừa khỏi hành là tôi bắt đầu làm dấu thánh giá rồi đọc kinh Mân Côi để xin Đức Mẹ chúc lành cho chuyến đi được bình an.
Trong cùng chuyến xe này, ngồi cạnh tôi là một người phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi. Sau khi lần chuỗi Mân Côi xong, tôi cất cỗ tràng hạt vào trong ba lô, rồi ngồi thinh lặng suy tư. Lúc này người phụ nữ ngồi cạnh tôi quay qua nói chuyện và hỏi tôi “Cô là người Công giáo phải không”. Tôi trả lời “Vâng”, rồi hỏi lại, “Sao bác biết?” (tôi gọi bác, vì tuổi bác chắc bằng tuổi mẹ tôi).

Bác không trả lời nhưng chỉ “cười”. Sau đó, bác tự giới thiệu với tôi, bác thờ đạo ông bà nhưng lại rất ngưỡng mộ đạo Công giáo và cũng có hiểu một chút về đạo này. Rồi suốt quãng đường dài, bác kể chuyện với tôi.

Thỉnh thoảng bác hay đi về Phan Thiết vài ngày rồi trở lại Sài Gòn. Bác kể, có lần trong chuyến xe, bác ngồi gần bà cụ khoảng gần 70 tuổi. Ngồi quan sát, khi xe chưa khởi hành, bác thấy bà cụ lấy cỗ tràng hạt ra, miệng bà thì thầm, tay thì xoay chuyển hạt chuỗi và không nói chuyện với ai. Khi xe tới bến, bác thấy bà cụ vẫn đang lần chuỗi.

Xuống khỏi xe, lòng bác vừa trầm tư suy nghĩ vừa hơi thắc mắc về bà cụ, chắc hẳn bà cụ là người có đạo nên mới cầm chuỗi tràng hạt trên tay; có lẽ kinh bà cụ đọc kinh phải có ý nghĩa hay có sức mạnh gì đó khiến cụ không rời bỏ cỗ tràng hạt trên tay cho đến khi xe xuống bến.

Rồi cũng một lần khác, bác ra ngã ba Hàng Xanh, chỗ đường D2, quận Bình Thạnh tìm xe ôm để đi đến một vài địa điểm trong Sài Gòn. Thấy anh tài xế xe ôm, khoảng ngoài 40 tuổi đang ngồi trên xe, tay cầm chuỗi tràng hạt nhỏ, khoảng mười hạt thôi.

Khi thấy bác đến gần, tay anh đang cầm chuỗi tràng hạt liền đeo vào cổ tay và miệng thì hỏi, “Chị đi đâu?” Bác nói điểm đến với anh xe ôm, rồi lên xe. Khi xe chạy được một quãng, thì bác hỏi tài xế, “Anh là người Công giáo hả?”.

Vì đoạn đường đang cao điểm kẹt xe mà anh phải tập trung lái nên chỉ trả lời “Ừ” cho xong. Khi đến đoạn đường thông thoáng, lúc này anh tài xế mới hỏi, “Sao chị biết tôi là…?”. Bác nói, “Tôi thấy tay đeo xâu chuỗi.”

Anh tài xế “À…”, rồi nói tiếp, “Gia đình tôi được nhiều ơn từ Đức Mẹ nên mỗi khi ngồi chờ khách, tôi thường đọc kinh để tạ ơn Đức Mẹ và xin Mẹ phù hộ thêm cho gia đình tôi.” Thật ra, lúc đó, bác không hiểu từ “Đức Mẹ” là ai nhưng bác đoán có thể là một người nào đó rất linh thiêng nên anh tài xế mới lần xâu chuỗi cầu nguyện và xin ơn từ người đó.
Ngoài ra, bác còn kể cho tôi nghe về chuyến đi du lịch ở Philippine cách đây vài tháng. Lần đầu tiên ngồi trên chiếc xe taxi của người Philippine, bác thấy có một cỗ tràng hạt treo trên kính hậu trước mặt tài xế và một tấm hình phụ nữ đẹp – hình Đức Mẹ dán ngay cạnh chỗ treo cỗ tràng hạt. Vì ngồi cùng cabin với tài xế nên bác quan sát và thấy, cứ mỗi lần đi ngang qua nhà thờ, anh tài xế làm dấu thánh giá trên ngực và vuốt cỗ tràng hạt.

Khi đi qua ngang qua nhà thờ thứ hai cũng thấy anh tài xế làm như vậy. Lúc này bác mới tò mò hỏi anh tài xế, “Anh làm cử chỉ như thế để làm gì”. Anh tài xế trả lời, “Anh làm dấu và vuốt tràng hạt khi đi ngang nhà thờ là để cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho hành khách của anh.” Sau vài ngày tìm hiểu bác mời biết, Philippine là một nước Công giáo, người dân Philippine rất là sùng kính Đức Mẹ, nên hầu hết các phương tiện ở nước này đều có dán hình Đức Mẹ trên xe của họ để tin rằng Đức Mẹ luôn phù hộ cho họ khi lái xe cũng như cho hành khách trên xe.

Quả thực tôi rất vui đi trên chuyến xe lần này, vì nhờ lẫn chuỗi Mân Côi mà có người ngoại đạo không chỉ biết tôi là người Công giáo mà còn kể cho tôi những câu chuyện rất thú vị về người Công giáo đã đọc kinh Mân Côi trong mọi hoàn cảnh như thế nào.

Sr. Nguyễn


Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang