Tắt Quảng Cáo [X]

Nên gọi là CA ĐOÀN hay BAN HỢP XƯỚNG?

12:59 29/06/2024
hoc du

Nhiều người cho rằng tên gọi “ca đoàn” là của riêng hợp xướng Công giáo, để phân biệt đạo và đời. Tại sao chúng ta cứ muốn làm rõ “của đạo” với “của đời”? Ngoài chuyện tự cô lập mình với môi trường xung quanh, tên gọi “ca đoàn” còn không mang tính âm nhạc chuyên nghiệp bằng “ban hợp xướng”.

Dàn Hợp xướng Trẻ Công giáo Hà Nội đã đưa thánh nhạc vượt khỏi bức tường nhà thờ để đến với chương trình Vietnam Got’s Talent của VTV

Hợp xướng là một nhóm người cùng hát, hay nói cách khác, là một tổ chức gồm các ca sĩ hát chung với nhau trong cùng một nhóm. Theo truyền thống âm nhạc phương Tây người ta phân biệt hai loại hợp xướng: hợp xướng hát trong nhà thờ hay trường học (choir) và hợp xướng biểu diễn trong các nhà hát, phòng hòa nhạc (chorus).

Tuy nhiên sự phân biệt này không rõ ràng vì có những hợp xướng vừa hát trong nhà thờ, vừa biểu diễn ở các nhà hát.

Tại Việt Nam, cũng theo truyền thống, ban hợp xướng thường được gọi bằng hai tên khác nhau: Ca đoàn (danh từ để gọi những ban hợp xướng hát trong nhà thờ) và Hợp xướng (tên gọi chung cho hình thức một nhóm người cùng hát). Ngoài ra, còn phổ biến cách gọi phân biệt theo thói quen: Nhóm hát, nhóm bè, tốp ca, hợp ca.

Thời hoàng kim của hợp xướng phương Tây

Hợp xướng có lịch sử rất cổ xưa. Người Hy Lạp Cổ đại đã biết dùng hợp xướng để hát đệm cho những động tác trình diễn trên sân khấu. Họ gọi nhóm người hát đệm đó là xορός, tương đương với từ chorus của tiếng Latin.

Trong lịch sử âm nhạc phương Tây, loại âm nhạc có ký âm đầu tiên là ca điệu Gregorian. Nó thống trị âm nhạc Công giáo từ đầu thời kỳ Trung đại, thường được dùng để đệm cho các động tác phụng vụ.

Từ đó, hình thành và phát triển nên một loại hợp xướng hát không nhạc đệm trong nhà thờ, nên ra đời các ban hợp xướng a capella kéo dài từ giữa thế kỷ IV đến tận cuối thời kỳ Trung đại. Lúc này xuất hiện một loại hợp xướng mới, có nhiều bè với giai điệu cách đều nhau một quãng nhất định, gọi là lối hát organum.

Sau đó, organum được phát triển thành clausulae, conductus và motet. Đó là những hình thức hợp xướng thống trị âm nhạc thời kỳ Phục hưng (Renaissance) với các tác giả như Palestrina, Orlando di Lasso và Tomás Luis de Victoria.

Đến thời kỳ Baroque, nhạc hợp xướng được phát triển hơn với Claudio Monteverdi và Heinrich Schütz hình thức a cappella lẫn loại có nhạc đệm. Sau đó gần một thế kỷ, Johann Sebastian Bach đã xuất hiện như một nhà soạn nhạc ưu tú, cách riêng về âm nhạc Công giáo với các thể loại hợp xướng như: cantata, motet và passion.

Bach còn nổi tiếng với nhiều bản hợp xướng theo hình thức chorale. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim của nhạc hợp xướng, cách riêng hợp xướng Công giáo.

Từ đó đến nay, về lý thuyết, tuy tồn tại hai loại hợp xướng choir và chorus nhưng trong thực tế không có sự phân biệt rõ ràng về tên gọi giữa loại hợp xướng nhà thờ và hợp xướng thế tục. Điều đó cho thấy phạm vi hoạt động của hợp xướng ngày càng được mở rộng hơn trước.

Thuở ban đầu của hợp xướng Việt Nam

Theo tài liệu Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua do Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam soạn thảo nhân dịp mừng Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Ca đoàn là một danh từ mới (khoảng sau Công đồng Vaticano II) để chỉ hoạt động trong quy mô của một ban hát nhà thờ để hát phụng vụ (tức ban hợp ca hay hợp xướng của Giáo hội Công giáo).

Cũng theo tài liệu này, “Trước kia, những nhóm hát trong nhà thờ này được gọi là hội hát hay ban ca vịnh… Ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng đoàn; họ là những người có khả năng âm nhạc cần thiết giúp cộng đoàn tập hát và nâng đỡ cộng đoàn trong khi ca hát trong những phần mà khả năng cộng đoàn chưa vươn tới được”.

Chưa có tài liệu nào cho biết rõ ban hát (hay ban hợp xướng) ở các họ đạo Việt Nam được hình thành từ lúc nào. Tài liệu trên đây chỉ nhấn mạnh vào sự ra đời của các nhạc đoàn và hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ Công giáo. Theo chúng tôi, những sáng tác ấy sẽ mãi mãi được nằm trong tủ sách hay ký ức nếu không có người thể hiện, đó là những ca đoàn hoặc độc lập, hoặc gắn liền với các nhạc đoàn này.

Cụm từ “ca đoàn” không khác gì “singer group” hay “vocal group”. Trong khi đó “ban hợp xướng” là một thuật ngữ chuyên ngành như “choir” “chorus”.

Từ những ca đoàn ban đầu như thế, hợp xướng Công giáo phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào hoạt động hợp xướng Việt Nam, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cho đến nay, khi nhắc đến loại hình hợp xướng, giới chuyên môn của âm nhạc thế tục đều nhìn nhận rằng có một truyền thống hợp xướng mạnh mẽ và lâu năm trong các ca đoàn Công giáo. Bên cạnh đó, do yêu cầu khách quan, hiện tượng ca đoàn tham gia vào các hoạt động hợp xướng thế tục ngày càng nhiều (những liên hoan hợp xướng, các chương trình biểu diễn thánh ca Giáng sinh trong môi trường thế tục…).

Cũng như trên thế giới, càng ngày càng không có sự phân biệt rạch ròi giữa “choir” và “chorus”. Hơn nữa, khi hòa mình vào xã hội, có một yếu tố cần được giới Công giáo quan tâm nhiều hơn đó là tính truyền giáo. Hát có thể là một phương tiện truyền giáo tốt.

Đây là cơ hội để chúng ta biến đổi môi trường quanh mình. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để biến đổi thành công là hòa mình vào môi trường chúng ta đang sống và làm việc. Muốn hòa mình, trước hết phải tự phá bỏ ranh giới (như tên gọi riêng, quy định hay luật lệ cục bộ,…).

Ban Hợp xướng Suối Việt ban đầu hình thành cũng gây tranh cãi nhiều từ tên gọi.

Nhiều người cho rằng tên gọi “ca đoàn” là của riêng hợp xướng Công giáo, để phân biệt đạo và đời. Đây chính là ranh giới cần phá bỏ. Tại sao chúng ta không gọi “Ban hợp xướng Suối Việt” thay cho “Ca đoàn Suối Việt”? Tại sao chúng ta cứ muốn làm rõ “của đạo” với “của đời”? Ngoài chuyện tự cô lập mình với môi trường xung quanh, theo chúng tôi, tên gọi “ca đoàn” còn không mang tính âm nhạc chuyên nghiệp bằng “ban hợp xướng”.

Cách đây hơn 18 năm, trong âm nhạc thế tục, chúng tôi có đề nghị không nên dùng từ “nhạc viện” để gọi “conservatory” vì chưa chính xác so với nguồn gốc của thuật ngữ này. Nhiều người trong giới chuyên môn của thành phố đã phản ứng, cho rằng “nhạc viện” là thuật ngữ có truyền thống lâu đời.

Ngày nay, có hai trong số ba conservatory của cả nước đã bỏ tên gọi “nhạc viện” mà thay bằng “học viện âm nhạc”. Thiết tưởng từ bỏ truyền thống là một điều không dễ, nhưng nếu cần và có lợi thì nên can đảm, nhanh chóng thay thế.

TS NGUYỄN BÁCH


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang