Tắt Quảng Cáo [X]

Một thầy dòng Chúa Cứu Thế nói về cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, O.P

09:42 10/02/2022
hoc du

Trên trang cá nhân Facebooker Duc Trung Vu Cssr ngày 10/2, có đăng dòng trạng thái nói về cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh với tiêu đề: “Xin đừng dùng cụm từ ‘Cái chết đẹp’ . Xin được chia sẻ cùng độc giả, nguyên văn dòng trạng thái như sau:

Xin đừng dùng cụm từ “Cái chết đẹp”

Suy ngẫm về sự ra đi của Cha Giu-se Thanh OP, một vị thánh tử đạo thời hiện đại theo niềm tin của nhiều người, một số tác giả bình luận cái chết của ngài là một cái chết đẹp.

Tôi hiểu ý của các tác giả muốn nói cha Thanh ra đi trong bối cảnh đang hành động trong tư cách là linh mục của Chúa Ki-tô, để giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Cái chết của ngài là “đẹp” còn bởi vì ngài đã sống “đẹp,” khi đã tận hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Dẫu vậy, tôi vẫn thấy cách dùng từ “đẹp” để nói về cái chết oan ức có vẻ không ổn lắm.

Cách dùng từ “đẹp” ở đây khiến tôi nhớ lại vài năm trước có một vị cán bộ cũng dùng chữ “đẹp” để nói về cuộc cưỡng chế gia đình một người nông dân. Theo vị này thì đó là một “trận đánh đẹp,” nhưng với những người có lương tri thì chắc có lẽ, không ai dùng từ “đẹp” để nói về việc người dân mình phải trải qua những đau thương.

Thường thì khi không chắc về một cách diễn đạt nào đó dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, tôi có cách để xác minh xem cách dùng ấy có hợp lý không bằng phương pháp: Tra cụm từ đó bằng google. Nếu kết quả tìm kiếm cho thấy nhiều người sử dụng lối diễn đạt đó thì tôi sẽ dùng, còn nếu không thì thôi. Nhiều khi sáng tạo quá sẽ trở thành kệch cỡm!

Tôi áp dụng phương pháp ấy thì thấy một vài kết quả đáng chú ý như thế này:

Người Nhật coi cái chết của một võ sĩ Samurai là cái chết đẹp khi người đó chủ động đến với cái chết để bảo toàn danh dự của mình. Đối với các samurai Nhật Bản, việc sống trong ô nhục hoặc bị kẻ thù bắt, tra tấn khiến họ cảm thấy hổ thẹn. Vì vậy, trong những tình huống này, samurai bảo vệ danh dự bằng cách thực hiện nghi lễ mổ bụng tự sát.

Có một bài khác viết về tấm ảnh được mệnh danh là “Bức ảnh tự tử đẹp nhất mọi thời đại” ghi lại hình ảnh cô Evelyn McHale rơi từ lâu cao xuống một chiếc xe. Trong bức, cô trông giống như đang chợp mắt nghỉ ngơi hơn là đã chết, giống như đang mơ ngủ về vẻ đẹp của mình. Cái chết của Evelyn McHale không hề mang màu sắc của sự tang thương chết chóc, mà trái lại là sự yên bình, thanh thản hệt như một giấc ngủ ngàn thu.

Liên quan tới nhà Đạo, tôi thấy có hai bài viết sử dụng cụm từ “cái chết đẹp” để nói về sự ra đi bất ngờ do đột quị của Đức Tổng Bùi Văn Đọc và nghệ sĩ Chí Tài.

Tôi không thấy có ai sử dụng “cái chết đẹp” để nói về việc một người bị tước đi mạng sống một cách bất ngờ, cay đắng và đầy oan ức như trong trường hợp của cha Thanh.

Trong lá thư gửi Dòng Đa Minh toàn cầu, cha Giám tỉnh tỉnh Dòng Việt nam diễn tả chính xác những điều cần nói: “the horrific death”- cái chết khủng khiếp, “the tragic loss”- sự mất mát bi thảm, “the great loss” – sự mất mát lớn lao. Ngài cũng nhắc đến câu nói của Tertullian để ví sự ra đi của cha Thanh như là một cuộc tử đạo. Như thế là đủ và chính xác, không cần phải tô vẽ hay nói bóng bẩy gì hết!

Thành thử, tôi sẽ không bao giờ sử dụng hạn từ “đẹp” để nói về sự ra đi của cha Thanh như nhiều người bình luận, cho dù đó là một cuộc tử đạo đi chăng nữa. Thiếu gì lối diễn đạt khác đâu!


Conggiao.vn/ st

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang