Sinh ra trong một gia đình Phật giáo, bà chuyển sang Công giáo năm 12 tuổi. Bị thu hút bởi đời sống trong tu viện và việc chầu Thánh Thể, bà gia nhập viện và trở thành một nữ tu. Trong suốt 40 năm ở Ấn Độ, bà dạy dỗ các trẻ em khiếm khuyết về trí tuệ, “nhìn thấy Chúa Kitô” trong họ.
Sơ Asunta Nakade là một nữ tu sĩ Nhật Bản; thuộc Tu hội Nữ tì Thánh Tâm Chúa Giêsu (Handmaids of the Sacred Heart of Jesus). Bà đã sống ở Ấn Độ, trong tu viện Dilkhush Juhu, trong 40 năm qua.
Chúng tôi rất biết ơn bà, vì những đóng góp của bà cho đất nước Ấn Độ chúng tôi, đặc biệt là Tổng Giáo Phận Mumbai, với sự phát triển chung của các trẻ em đặc biệt. Chúng ta hãy nhìn lại hành trình đức tin của bà, hành trình đến với Chúa Giêsu Kitô, là bậc Thầy của bà.
Sơ Asunta Nakade sinh năm 1937 tại Tokyo, trong một gia đình Phật giáo. Tên thật của sơ là Keiko. Cha của bà làm việc cho một công ty thương mại nhiều chi nhá nh, vì thế bà phải thường xuyên thay đổi trường học.
Vào năm 12 tuổi khi ở Kobe, lúc ấy bà đã có một cuộc gặp gỡ mầu nhiệm với Giáo Hội Công Giáo (và với chính Thiên Chúa).
Vào một buổi tối, Keiko thấy hàng xóm của mình đi tới nhà thờ và bà liền đi theo họ. Trong nhà nguyện cạnh nhà thờ, có đặt xương thánh của Thánh Phanxicô Xaviê. Bà thấy một đoàn người xếp thành hàng dài tiến lên bàn thờ, từng người một, để tôn kính thánh tích.
Mặc dù khi ấy bà không biết gì về đạo Công giáo, nhưng bà đã và sẽ không bao giờ quên được kinh nghiệm của ngày hôm ấy! Keiko đã bị choáng ngợp bởi sự thánh thiêng! Sau đó, bà tin chắc rằng nhờ thánh Phanxicô Xaviê, mà bà nhận được hồng ân đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.
Khi Keiko 13 tuổi, bà được chuyển đến một trường dòng của các nữ tu Phanxicô. Một lần nữa bà bị choáng ngợp bởi sự thánh thiện của các nữ tu. Bà bắt đầu tham dự những buổi học về đức tin Công giáo vào ngày Chúa nhật. Những trải nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong trái tim bà rất mạnh mẽ, vì thế bà muốn dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, bằng cách gia nhập một tu viện.
Bà trình bày mong muốn của mình với cha mẹ, nhưng họ không thể hiểu được. Bà tiếp tục nuôi dưỡng đức tin, và được rửa tội vào ngày 15/8/1950 cùng với 3 bạn học. Bà lấy tên là “Asunta”.
Mặc dù gia đình bà theo Phật giáo, nhưng cha của bà đã không phản đối việc bà trở thành người Công giáo. Mẹ bà được rửa tội 2 năm sau đó, và kế đến anh trai bà cũng theo Công giáo. Cha của bà muốn giữ đạo Phật như tôn giáo của gia đình, vì thế ông không rửa tội.
Năm 19 tuổi, Asunta đến thăm Tu viện của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Yokosuka, theo sự linh hướng của một linh mục Dòng Tên. Bà bị thu hút bởi đời sống tu viện, đặc biệt là các giờ Chầu Thánh Thể mỗi ngày. Bà muốn dành cả cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô.
Sau khi tốt nghiệp, bà bày tỏ mong muốn gia nhập tu viện; mẹ bà vì không được ý định của bà nên đã rất đau đớn khi mất đi đứa con gái duy nhất của mình. Nhưng, cha của bà tuy là một Phật tử, nhưng ông hiểu được ý nghĩa của việc bước theo Chúa Giêsu và ông không phản đối. Ông khuyên bà hãy trung thành, và không bao giờ ngoái lại nhìn phía sau.
Asunta gia nhập tập viện ngày 13/11/1962; cùng với 20 người khác. Bà khấn lần đầu vào ngày 11/2/1965, và sau 3 năm trải nghiệm trong tập viện, bà tuyên khấn trọn đời vào ngày 15/8/1972.
Bốn năm sau, bà đến Ấn Độ vào ngày 6/7/1976. Tại Ấn Độ, nữ tu Asunta gia nhập một cộng đoàn nhỏ của tu hội Thánh Tâm ở Dilkhush, Juhu. Lúc ấy có 5 nữ tu nước ngoài, đang coi sóc một trường học dành cho trẻ em kém trí tuệ.
Trong 3 tháng đầu tiên, bà cảm thấy thật khó khăn để hòa nhập với môi trường mới. Sơ Asunta được bổ nhiệm làm giáo viên cho cấp nhỏ tuổi.
Bà nói: “Thật không dễ dàng để ứng phó với các em, nhưng đặc sủng của dòng chúng tôi là tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là nguồn sức mạnh và niềm vui của tôi. Kinh nghiệm về sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Kitô trong Thánh Thể, cũng giống như việc nhìn thấy Chúa Kitô trong các em. Khi Thiên Chúa yêu thương những đứa trẻ, chúng trở nên đáng yêu.”
“Những trẻ em đặc biệt này là món quà đặc biệt mà Chúa ban cho tôi, ở Ấn Độ này. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời, khi dạy dỗ và được học hỏi từ chúng, rất nhiều những trải nghiệm về tình yêu, sự nhạy cảm và chăm sóc từ chúng!”
Sơ Asunta là một người nữ phục vụ. Bà luôn hiện diện trong mọi hoạt động của Giáo xứ Thánh Giuse ở Juhu. Bà thích đến thăm các gia đình trong giáo xứ, và ngay cả ở tuổi 79 hiện thờ, bà vẫn đến trao Thánh Thể cho các bệnh nhân và những người không thể ra khỏi nhà vì đau bệnh!
Bà có một trái tim vĩ đại dành cho người nghèo. Bà bước ra khỏi con đường của mình để giúp đỡ họ, cho dù đó là giáo dục của trẻ em nghèo hay trợ giúp các nhu cầu y tế cho bệnh nhân HIV.
Bà rất nổi tiếng giữa những người nghèo từ đảo Madh cho đến Dadar! Bất cứ người nghèo nào đến trung tâm ở Dilkhush, sẽ không về tay không, mà không nhận được lúc thì một thức uống lạnh hay đồ ăn nhẹ từ sơ Asunta. Bà sẽ rất buồn nếu họ không được phục vụ thức ăn.
Ngoài ra, bà còn giúp nhiều gia đình bị đổ vỡ; hàn gắn họ với nhau và hầu hết các trường hợp đều tiến triển rất tốt.
Vào ngày sinh nhật hay những dịp đặc biệt của bà, nhiều người nghèo đến đây cùng với gia đình họ để chúc mừng, và thể hiện lòng biết ơn của họ. Và vào dịp kỷ niệm 50 năm khấn dòng năm 2010, bà muốn có một buổi lễ kỷ niệm đặc biệt chỉ với người nghèo.
Vì thế, chúng tôi mời tất cả người nghèo mà bà có dịp tiếp xúc để họ quy tụ với nhau. Thật tuyệt vời khi họ tự tổ chức mọi chương trình mừng lễ cho sơ Asunta. Sự kiện kết thúc với một bữa ăn.
Sơ Asunta chia sẻ, “Ấn Độ là một mảnh đất của sự chiêm niệm. Chúa Thánh Thần làm việc trong thinh lặng, và đưa chúng ta đến những trải nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như tình yêu vô điều kiện của Ngài. Ba chữ ‘C’ này là ngôi sao hướng dẫn của tôi: ‘Contemplation, Communion and Compassion’ (Suy niệm, Thánh Thể và Lòng từ bi).”
Giờ đây khi gần bước sang tuổi 80, Nakade chuẩn bị trở về lại Nhật Bản là quê hương của bà.
Sơ nói rằng mình có một lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với Mẹ Têrêsa, người mà sơ đã gặp khi mẹ tới thăm trường Dilkhush dành cho trẻ em đặc biệt.
Nakade cũng cho biết, bà là một fan hâm mộ lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “một người thúc đẩy việc đón nhận người bị loại trừ vào xã hội.”
Lượt xem: 87