Khoảnh khắc: Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng gặp Đức Thánh Cha Phanxicô
Có thể nói đây là một cơ hội tuyệt vời để các tín hữu Việt Nam được một lần thỏa lòng mong ước, được nhìn thấy và gần gũi với Đức Thánh Cha. Niềm vui này có lẽ cũng khơi dậy một mong ước thầm kín, niềm hy vọng rằng một ngày không xa, chúng ta có thể đón tiếp một Vị Giáo hoàng ngay chính trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu.
Tại Sao Đức Giáo Hoàng chưa thăm Việt Nam?
Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nói về nhận định tại sao Đức Giáo Hoàng chưa từng ghé thăm Việt Nam.
“Thể chế chính trị Việt Nam không như Thái Lan và không như một số các nước khác. Nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi vẫn tiếp tục đề đạt và vận động còn cuối cùng nhà nước Việt Nam có mời Ngài hay không thì chúng tôi không thể biết được.”
Trước đó, nói chuyện với các giáo dân trong buổi thánh lễ, Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cho hay Hội đồng Giám mục Việt Nam từng nhiều lần đề nghị chính phủ cho phép mời Giáo Hoàng sang Việt Nam nhưng chưa được.
Khi được hỏi về thông điệp mà ông muốn chuyển tới Giáo Hoàng Francis nếu có cơ hội diện kiến Ngài, Tổng giám mục nói:
“Tôi sẽ trình bày nguyện vọng của giáo dân Việt Nam, bày tỏ lòng yêu mến trung thành và hiệp thông và mong một ngày Ngài sẽ chiếu cố tới thăm Việt Nam.”
Trả lời phỏng vấn BBC ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan khuya 20/11, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp thuộc Giáo phận Hà Tĩnh nói một số người ở Việt Nam “ngậm ngùi” vì chưa từng có Giáo Hoàng nào thăm Việt Nam.
“Đây là Đức Giáo Hoàng thứ hai tới thăm Thái Lan sau 35 năm, lần đầu là Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II vào năm 1984. Một số người ngậm ngùi tại sao Thái Lan có tỷ lệ người công giáo ít hơn nhiều so với Việt Nam mà đã hai lần Giáo Hoàng tới. Trong khi Việt Nam có tỷ lệ người công giáo cao hơn nhiều, giáo hội Việt Nam hoạt động rất năng động, mà Ngài vẫn chưa ghé thăm.”
”Không phải do Giáo Hoàng hay Vatican không muốn, mà vì lý do xã hội và chính trị chưa cho phép.” Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhận định.
Ông giải thích:
“Để Giáo Hoàng ghé thăm Việt Nam trong tương lai, việc này không phải chỉ do Giáo hội Việt Nam mà còn do về phía nhà nước sẽ làm gì. Giáo hội Việt Nam đã đề nghị được phép mời Giáo Hoàng, nhưng lời mời chính thức phải về phía nhà nước.”
Thuyền nhân Đào Bá Lê, trong khi đó nói với BBC News Tiếng Việt rằng “Chính quyền Việt Nam chưa thân thiện với Giáo Hội và chưa ủng hộ lắm đường lối của Giáo Hội.”
“Có thể họ sợ, e ngại có chuyện xảy ra với chính quyền của họ nên họ chưa mời Giáo Hoàng qua.”
“Đợt ba tôi, hay anh em tôi nằm viện hấp hối. Tôi đi mời cha tới bệnh viện cầu nguyện mà có cha không dám đi vì chính quyền cấm. Hoặc đi thì phải lén, không dám mặc áo dòng…,” ông Lê kể lại.
“Gần đây, Giáo hoàng có buổi nói chuyện online với giới trẻ Việt Nam chủ đề ‘về nhà’, trong đó ngài chia sẻ ao ước những người trẻ lưu lạc sẽ trở về nhà, trở về quê hương và giáo xứ của họ. Tôi nghe mà trái tim tôi rung động. Tôi ước mong Ngài sẽ sang Việt Nam một ngày không xa…”
Thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam đã được khởi động từ năm 2009, nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ. Sự kiện Vatican và Hà Nội đạt thỏa thuận thiết lập đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, vào cuối tháng Tám vừa qua được nhiều người cho là một bước tiến đáng kể trong việc hai bên sẽ dần dà có quan hệ ngoại giao chính thức.
Nhưng giới phân tích cho rằng hành trình này còn rất dài, và trong lúc này, việc Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam còn là một viễn cảnh xa xôi.
Văn Cảnh/ Conggiao.vn