Tìm kiếm

Hiểu rõ hơn về phong thánh

Hiểu rõ hơn về phong thánh
  • Chia sẻ:

Tương tự phong chân phước, việc tôn phong hiển thánh là kết quả của một tiến trình làm việc rất chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ.

Sau khi qua đời 5 năm. Nguyên tắc đầu tiên: không vụ án phong thánh nào được mở tại Vatican nếu đương sự qua đời chưa được 5 năm, theo tờ Le Point. Như mọi nguyên tắc khác, nguyên tắc này cũng có trường hợp ngoại lệ. Trường hợp gần đây nhất: trong lúc diễn ra tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II, tập thể tín hữu đã muốn phong thánh cho ngài ngay tức thì (santo subito). Do đó thủ tục tôn phong đã được Đức Bênêđitô XVI mở chỉ gần một tháng rưỡi sau khi vị tiền nhiệm qua đời.

Đã sống một cuộc đời Kitô hữu mẫu mực. Giáo huấn sanctorum mater năm 2007 định nghĩa vị thánh hay chân phước là “một tín hữu Công giáo, trong cuộc sống, lúc qua đời và sau khi đã khuất, đã được Giáo hội xem như vị thánh. Bởi lẽ họ đã sống một cách anh dũng toàn bộ các nhân đức, phẩm hạnh Kitô giáo, hay được nổi danh là “chứng nhân đức tin”, vì đã noi gương Đức Kitô và đã hy sinh mạng sống mình như hành động của một vị tử đạo”. Danh thơm về sự thánh thiện hay chứng nhân đức tin được mọi tín hữu xác nhận.

Đã thực hiện hai phép lạ. Để được phong chân phước, chỉ cần một phép lạ. Việc phong một tín hữu lên bậc chân phước là tiền đề cho việc tôn phong hiển thánh. Để được điều này, theo nguyên tắc, cần thêm phép lạ thứ hai.

Bản văn gần đây nhất bàn về cách tổ chức các thủ tục phong chân phước và phong thánh là Hiến chế 25.01.1983 do Đức Gioan-Phaolô II ban hành.

Ba giai đoạn chính. Các thủ tục bắt đầu khi giám mục được một cá nhân hay một nhóm tín hữu đề xuất phong chân phước hay hiển thánh. Các giám mục cũng có thể tự đề xuất. Sau đó có ba giai đoạn chính: bản điều tra chuyên sâu của giám mục, Bộ phong thánh xét duyệt hồ sơ và quyết định cuối cùng của Đức Thánh Cha.

Xem xét các luận cứ. Theo Giáo huấn sanctorum mater năm 2007 của Bộ phong thánh, “các luận cứ được tập hợp để Giáo hội có cơ sở chắc chắn về mặt đạo đức và tính anh hùng nơi các vị Tôi tớ Chúa mà các tín hữu yêu cầu phong chân phước hay hiển thánh”. Thủ tục mang hình thức của một vụ án trong Giáo hội. Trong đó, người thỉnh cầu vụ án là một chuyên gia về thần học, giáo luật và lịch sử, đóng vai luật sư. Hành vi của người thỉnh cầu được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Điều tra các phép lạ. Việc điều tra các phép lạ là giai đoạn tìm hiểu, nghiên cứu vụ án. Vì thế, Đức giám mục chỉ định một chuyên viên y khoa, trong trường hợp việc chữa lành được phỏng đoán do phép lạ. Hay chuyên viên kỹ thuật trong trường hợp phép lạ được phỏng đoán do một nguyên tắc tự nhiên khác.

Việc phong chân phước đòi hỏi phải công nhận phép lạ đầu tiên. Đối với Mẹ Têrêsa, đó là vào năm 2002, với sự công nhận phép lạ qua việc chữa lành chị Monika Besra, một thiếu phụ Ấn Độ 30 tuổi, bị u bướu vùng bụng.

Tuy nhiên, án phong chân phước cho Mẹ Têrêsa cũng giúp phát hiện những đoạn trích thư từ của Mẹ, rằng Mẹ đã đau khổ nhiều trong đức tin suốt phần lớn đời Mẹ. “Chúa Giêsu đã yêu cha cách đặc biệt. Đối với con, sự thinh lặng và trống vắng quá nặng nề khiến con nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe”, Mẹ đã viết như thế năm 1979 cho người tâm giao, đó là cha Michael Van Der Peet.

ĐTC Phanxicô đã gặp Mẹ Têrêsa năm 1994 tại Rome ; năm 2014 ngài đã nói rằng ngài rất ấn tượng về cá tính của Mẹ và thừa nhận là: “Có lẽ cha sợ, nếu bà ấy là bề trên của cha”.

VIẾT HIỆP (theo La Croix)

Quý Tổ Chức, Cá Nhân muốn Mua lại tên miền CONGGIAO.VN vui lòng liên hệ qua email: conggiaov@gmail.com