Tắt Quảng Cáo [X]

Tin mới! Xót xa 1 Nhà thờ Giáo Phận KonTum bị tịch thu – Xin cầu nguyện

09:01 09/11/2023
hoc du

Kính thưa cộng đoàn, thật đau lòng một xứ đạo tại GP.Kontum bị nhà nước tịch thu Nhà thờ.

Như dân Do Thái bị lưu vong khi mất Đền thờ Giêrusalem, giáo dân Giáo xứ Hiếu Đạo (Gp Kon Tum) hiện đang lưu vong chờ ngày trở về, khi Nhà thờ được trả lại theo nguyện vọng của họ.

Giáo xứ Hiếu Đạo chưa hề biến mất sau gần 50 năm Nhà thờ bị chiếm dụng làm “Nhà Thiếu nhi Thành phố Pleiku”, tỉnh Gia Lai.

Ngày Bổn mạng của Giáo xứ sắp tới, lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ: 26/11/2023.

Xin cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Giáo xứ Hiếu Đạo, GP.Kontum sớm được nhà nước trả lại Nhà thờ để có nơi quay về thờ phượng Chúa.

Theo trang tin Nhà thờ Thái Hà chia sẻ:

Trong lá thư Mùa Vọng năm 2019 được gửi đến cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum có viết: “Có một thông tin tôi muốn gửi đến anh chị em để xin lời cầu nguyện. Giáo xứ Hiếu Đạo thuộc Giáo Hạt Pleiku hiện nay không có nơi thờ tự. Tòa Giám Mục đang xin với chính quyền thành phố Pleiku và tỉnh Gia Lai cấp lại cho giáo xứ ngôi Nhà Thờ đã bị trưng thu vì một sự hiểu lầm đáng tiếc. Cầu mong cho anh chị em giáo xứ Hiếu Đạo sớm được như ý nguyện”

Ngôi nhà thờ Giáo xứ Hiếu Đạo tọa lạc tại thành phố Pleiku được Đức giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đề cập đến đã bị nhà cầm quyền cách mạng đóng cửa vào năm 1975 và biến ngôi nhà thờ này thành “Cung Văn Hóa Thiếu Nhi Tỉnh Gia Lai”. Đây là câu chuyện về ngôi nhà thờ và Giáo xứ này:

Cha xứ bị bắt, nhà thờ, nhà xứ bị tịch thu

Về biến cố nhà thờ Hiếu Đạo bị nhà cầm quyết đóng cửa và trưng thu, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Nguyên Giám mục Giáo phận Kontum viết trong thư chúc mừng bổn mạng Giáo xứ Hiếu Đạo ngày 20.11.2011 như sau:

“Ngày 24.12.1975, chính quyền Thị xã Pleiku và Tỉnh Gialai-Kontum báo tin Nhà thờ Hiếu Đạo không được tổ chức lễ Giáng Sinh 1975. Đêm đó cả 3 nhà thờ Thăng Thiên, Đức An, Thánh Tâm (tại Pleiku) đều quyết định không cử hành lễ đêm để “hiệp thông” với anh chị em Hiếu Đạo.”

“Đêm ngày 07.06.1976. Chính quyền đã bắt Cha xứ Giuse Trần Sơn Nam đi cải tạo, còn hai chúng tôi – Lm Phêrô Phaolô Hoàng Văn Quy và bản thân tôi (Đức cha Micae) – “được trục xuất” về Nhà thờ Thăng Thiên và Nhà thờ Thánh Tâm.”

Cha Giuse Trần Sơn Nam viết trong bản tường trình về nhà thờ Hiếu Đạo gửi cho Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh vào ngày 18.10.2006:

“Con bị bắt đi học tập cải tạo hồi 8g30 ngày 07.06.1976, lúc con đang ở tại nhà xứ Hiếu Đạo, số nhà 186 Phan Đình Phùng”.

“Trong thời gian cải tạo 12 năm, con luôn ghi địa chỉ này mỗi khi phải làm lý lịch hoặc được hỏi ý kiến.”

“Khi bị bắt, Cha Phaolô Hoàng Văn Quy được con ủy quyền về nhà này để chứng kiến việc xét nhà, cha chưa về kịp con đã bị bắt đưa đi. Toàn bộ tài sản vật dụng và hồ sơ về Nhà Xứ đều để lại hết. Con chỉ kịp đem theo vài bộ quần áo và chiếc áo dòng đen đựng trong một túi xách đeo lưng”

“Hiện ngôi nhà xứ được chia cho cán bộ xử dụng, gồm năm căn hộ. Một số ghế nhà thờ còn thấy tại Thành đội Pleiku. Cây đàn lớn phòng văn hóa thông tin đang sử dụng. Quả chuông lớn trong số 3 quả chuông hiện đang để tại nhà hầm của nhà thờ.”

Nhà Thờ bị biến thành Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi

Chấp nhận sự thật nhà thờ Hiếu Đạo của Giáo hội Công giáo

Năm 1975 nhà cầm quyền lấy lý do linh mục chính xứ làm tuyên úy cho quân đội nên: “Nhà thờ Hiếu Đạo là của quân đội chế độ cũ, nên thuộc diện ‘chiến lợi phẩm” để đóng cửa nhà thờ và chiếm nhà xứ chia cho các gia đình cán bộ. Các linh mục, giáo dân làm chứng và chưng dẫn đầy đủ các giấy tờ cần thiết để cho thấy đây là một nhà thờ Công giáo của Giáo hội Công giáo với công sức xây dựng của bà con giáo dân Hiếu Đạo và Giáo phận Kontum. Tuy vậy, những ai đứng ra làm chứng và phản đối ý kiến của chính quyền lần lượt phải “đi học tập cải tạo” nhiều năm, hoặc bị khủng bố tinh thần, làm khó dễ.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Giáo xứ Hiếu Đạo được thành lập năm 1960 với khoảng 900 giáo dân. Số giáo dân không ngừng gia tăng trong những năm tiếp theo, đến năm 1967 đã lên đến 2.749 giáo dân.

Do lượng giáo dân mỗi ngày một tăng, cha xứ khi đó là linh mục Tôma Lê Thành Ánh đã xin phép Giáo phận cho xây nhà thờ mới. Các cuộc lạc quyên bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ để xây dựng được thực hiện. Năm 1964, Tỉnh trưởng Tỉnh Pleiku đã cấp cho Giáo xứ khu đất 6.529 mét vuông để sinh hoạt tôn giáo và xây nhà thờ mới.  Ngôi nhà thờ mới được đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày 22.06.1968 với bao niềm vui của bà con giáo dân trong Giáo xứ.

Trong các đơn thư xin lại nhà thờ, nhà xứ và cả ngôi trường Minh Đức trước đây, trong văn thư ngày 28.08.2007 của Tòa giám mục Giáo phận Kontum gửi ông Chủ tịch Tỉnh Gia Lai có viết: “Chính quyền tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi làm việc tại Văn phòng Tỉnh vào chiều ngày 12.07.2007, phía chính quyền cũng đã xác quyết: ‘Nhà thờ Hiếu Đạo là cơ sở thờ phượng của Giáo hội, do Giáo hội xây dựng”. Tuy vậy, vì lý do nào đó, Chính quyền Tỉnh đã không xem xét yêu cầu của Giáo hội.

Hơn 40 năm qua, nhà thờ mất, nhưng Giáo xứ không bị xóa xổ. Giáo xứ Hiếu Đạo vẫn còn và các đoàn thể, từng giáo họ và ban hành giáo vẫn nhờ các Giáo xứ bên cạnh để sinh hoạt.

Một Mùa Giáng Sinh mới sắp về, cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ, bà con Giáo xứ Hiếu Đạo hơn bao giờ hết mong mỏi được sử dụng lại ngôi nhà thờ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, nhờ lòng yêu mến, bao công sức tổ tiên đã bỏ ra để xây dựng.

Hướng Việt

Truyền Thông Thái Hà

VIDEO CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN ĐÔNG, TỔNG ĐẠI DIỆN GIÁO PHẬN KONTUM NÓI VỀ CHUYỆN NHÀ THỜ GIÁO XỨ HIẾU ĐẠO:

BẢN TƯỜNG TRÌNH VỀ NHÀ THỜ HIẾU ĐẠO CỦA CHA GIUSE TRẦN SƠN NAM, NGUYÊN CHÁNH XỨ GIÁO XỨ HIẾU ĐẠO:

—————

Lược Sử Giáo Xứ Hiếu Đạo:

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang